EMagazine
-
VTV.vn

Mường Nhé (Điện Biên) - huyện cực Tây xa xôi nhất của tổ quốc đã có một thời gian được biết đến như “vùng trũng” của sự phát triển. Mảnh đất ven trời Tây Bắc, nằm khuất lấp sau những mù sương này, lúc đó chỉ được nhắc tới với những hoạt động tôn giáo trái pháp luật, phá rừng, di cư tự do... cuộc sống luôn tiềm ẩn sự bất ổn. Thời gian âm thầm trôi, chuyện buồn ngày cũ cũng theo dòng suối Nậm Kè trôi ra biển. Mường Nhé chuyển mình. Một Mường Nhé yên bình và đang trên đường phát triển với sự chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở… Phóng viên Thời báo VTV đã có những ngày thực tế tại Mường Nhé, ghi chép lại những đổi thay tươi sáng tại vùng miền đất biên viễn, nơi “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” này.

Tháng Bảy năm 2024, những cơn mưa rừng bất thường đổ về Tây Bắc. Và, Mường Nhé không phải ngoại lệ. Quốc lộ 4H đi lên xã vùng cao Nậm Kè có nhiều điểm sạt lở. Đặc biệt, cầu bê tông Nậm Nhé 2 đã gặp sự cố, xe ô tô không thể di chuyển qua được. Sáng thứ Bảy, dù đang là ngày nghỉ nhưng như biết được tâm trạng sốt ruột của tôi, Lầu A Tính (cán bộ phòng Dân tộc, huyện Mường Nhé) hiến kế: “Chỉ còn cách đi đường vòng, men theo hướng vào Tà Tổng (huyện Mường Tè, Lai Châu) để đi thôi. Nhưng chắc chắn anh phải kiếm được cho em một chiếc xe bán tải ”.

Dẫu phải đi đường vòng thêm nhiều km, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được xã Nậm Kè, nơi cách đây 13 năm, nổi tiếng bởi những hoạt động tôn giáo, truyền bá đạo trái phép tại bản Huổi Khon. Sự việc thời đó nổi tiếng cả nước. Cán bộ Trung ương đã phải lên thị sát, trực tiếp chỉ huy dẹp loạn.

Câu chuyện buồn tại Huổi Khon bây giờ vẫn nằm trong trí nhớ của nhiều cán bộ, đảng viên xã Nậm Kè. Nó được tóm tắt như sau: những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, năm 2011, bà con người Mông từ khắp nơi trong cả nước, gần thì Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, xa thì tận Gia Lai, Đắk Lắk… dắt díu nhau về Huổi Khon vì cả tin vào lời truyền bá sai trái về sự trở về của một: “Đức vua”. Khu vực ngã ba Huổi Khon và dọc những con đường đất (hiện nay đã được bê tông hóa) khi ấy mọc lên hàng trăm lán trại tạm bợ.

Trước đó, một số đối tượng, cầm đầu là Vàng A Ía, Thào A Lù, Giàng A Tỉnh lợi dụng mê tín dị đoan, tập quán cầu nguyện thần quyền của bà con dân tộc Mông, đã xuyên tạc, bịa đặt về một “Vương quốc Mông”, dối lừa người dân, kêu gọi tập hợp lực lượng, tổ chức đón “vua Mông”. Chúng rêu rao đó là thế lực siêu nhiên, dùng mây hồng đưa tất cả người Mông, nếu họ có mặt ở Huổi Khon, đến một nơi ấm no, hạnh phúc. Thậm chí, đối tượng Vàng A Ía còn đe dọa những người còn do dự, đến ngày 21/5/2011, cả thế giới sẽ chìm ngập trong trận đại hồng thủy trừ… “vùng đất hứa” Huổi Khon.

Thế nhưng, cuộc sống sung sướng đâu chưa biết, chỉ thấy cả nghìn con người chen chúc trong những lán bạt dựng tạm, cơm ăn nước uống không đủ, đói khát không chốn nương thân. Không có điện cũng như bất kỳ dịch vụ y tế nào trong khi xú uế tràn ngập khắp nơi. Nóng bức, đói khát, nghiện hút, trộm cướp … và khi mà “vua” vẫn biệt tăm, thì thần chết đã xuất hiện. Một một bé gái 3 tuổi đã tử vong.

Mưa vùng đồng rừng luôn đưa đến sự bất ngờ. Vừa trắng trời, trắng đất là thế nhưng chỉ trong ít phút đã ráo tạnh. Nhờ sự giúp đỡ của xã đội trưởng xã Nậm Kè, chúng tôi vào đến bản Huổi Khon 1 một cách thuận lợi. Chỉ sau đó mấy phút, một người đàn ông trung tuổi, phóng chiếc xe Dream II dính đầy bùn đất đã đỗ sát cạnh. Đó là ông Sùng A Kỷ, hiện đang là già làng ưu tú, trưởng ban công tác mặt trận của bản Huổi Khon 1. Thời điểm xảy ra việc buồn lòng, Sùng A Kỷ chính là trưởng bản Huổi Khon. Chủ tịch UBND xã Nậm Kè Giàng A Ly nói với chúng tôi: “Sùng A Kỷ là người hiểu câu chuyện rõ nhất đấy, rõ như mặt trời sáng giữa buổi ban trưa”.

Vừa dắt xe vào góc nhà, vừa hướng dẫn khách cách đi khỏi trơn trượt, Sùng A Kỷ vừa xin lỗi vì để nhà báo dưới xuôi chờ lâu. Sùng A Kỷ bảo ông vừa đi chợ, chuẩn bị bữa ăn trưa cho gia đình. Nhà không có nhiều người, chỉ đôi vợ chồng già cùng mấy đứa cháu. Các con của A Kỷ đều đã xuống xuôi làm công nhân ở các nhà máy. Hàng tháng đều đặn gửi tiền về cho cha mẹ, dành dụm để cuối năm, dựng thêm ngồi nhà mới nữa. Bữa trưa của Sùng A Kỷ hôm ấy có thịt lợn rang, canh rau và đậu phụ.

“Đời sống ổn hơn rất nhiều rồi. Bà con đã biết làm ruộng, trồng ngô, trồng chít. Cuộc sống tốt rồi ” – Sùng A Kỷ bắt đầu câu chuyện. Theo lời kể của ông, bản Huổi Khon lúc đó có tất cả 97 hộ, với 568 nhân khẩu nhưng chỉ 4-5 hộ đi theo bọn xấu thôi. Phần nhiều là dân ở nơi khác bị lừa gạt, dụ dỗ đến Huổi Khon. “Bọn họ lợi dụng vị trí xung yếu của bản là nơi giáp với các xã Pá Mỳ và Na Cô Sa; từ Huổi Khon có thể quan sát được khu vực trung tâm xã Nậm Kè và Ðồn Biên phòng Nậm Kè... Ðó là những yếu tố mà bọn cầm đầu đã tính toán kỹ, trước khi có cuộc tụ tập dân chúng bất hợp pháp trong suốt một tuần lễ. Tuy nhiên, bọn chúng đã thất bại khi đồng bào nhận ra chân tướng của những thủ đoạn lừa bịp, chúng có thực hiện được ý đồ xấu nào đâu”- Sùng A Kỷ nhớ lại.

Thực tế diễn biến ở Huổi Khon cách đây 13 năm, ngay khi hiện tượng tụ tập đông người trái phép xảy ra, nhận thấy sự phức tạp đang hiện hữu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an và tỉnh Điện Biên phải giải quyết xong “điểm nóng Mường Nhé” trước 7/5/2011, ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng công an đã phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành giải tỏa triệt để sự việc tại bản Huổi Khon. 127 đối tượng có hành vi cản trở người thi hành công vụ bị bắt giữ cùng với nhiều quả nổ tự chế, súng kíp, bao đựng thuốc nổ, đạn, súng AK, cung nỏ, dao kiếm, hàng chục tấn lương thực, máy xát, máy phát điện.

Huổi Khon lại trở lại yên bình, bỏ lại phía sau những những ngày buồn, những ngày mà theo Sùng A Kỷ là “nghĩ lại chỉ thấy đáng xấu hổ”. A Kỷ vẫn nhớ mình đã đi nhiều lắm. Trước ngày xảy ra biến cố và trong cả những ngày Huổi Khon “nóng” nhất, ông cứ đi từ đầu hôm cho đến tận sáng, dò dẫm đến từng nhà trong Huổi Khon để nói với bà con: “Nhìn mà nhớ suốt cả cuộc đời đấy nhé. Cũng vì cái đầu chưa biết nghĩ điều tốt, cái tay chưa biết chăm làm nên để bọn xấu lôi kéo, dụ dỗ”. Đến giờ, khi bình yên đã trở lại, Sùng A Kỷ vẫn giữ thói quen đến từng nhà, hỏi chuyện, lắng nghe trong cái đầu dân bản có còn nghĩ điều xấu, điều bậy bạ gì không.

VTV.vn

18/08/2024

Trưởng Bản Huổi Khon 1 bây giờ là Vàng A Chơ. A Chơ sinh năm 1989. Năm nay tròn 35 tuổi, có thân hình chắc lẳn như một cây nghiến già nơi góc rừng Pá Mỳ. Khi chúng tôi đến, Vàng A Chơ đang cùng với một tốp thanh niên mải mê sửa chữa động cơ của một chiếc máy xúc gặp sự cố. Tiếng Kinh hay tiếng Mông Vàng A Chơ đều thông thạo. Cậu ấy bảo đó là cầu nối hữu ích, rất thuận lợi để cậu hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tiếp quản chức trưởng bản từ Sùng A Kỷ.

Bản Huổi Khon trước kia, bây giờ được tách đôi, thành bản Huổi Khon 1 và Huổi Khon 2, với tổng số 114 hộ dân, trên 700 nhân khẩu. 100% dân bản là người dân tộc Mông. Hầu hết số hộ ở đây đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở tiêu chuẩn 3 cứng. “3 cứng”, theo giải thích của trưởng bản Huổi Khon 1 Vàng A Chơ, là “khung cứng, mái cứng, nền cứng”. Đó cũng là tiền đề để bà con có thể yên tâm xây dựng kế hoạch “an cư” lâu dài. Các chương trình dự án hỗ trợ phát triển kinh tế như chương trình 30A, 134, 135 và hiện nay là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi … đã tạo động lực mạnh mẽ để đồng bảo Huổi Khon vươn lên thoát nghèo. “Trước chỉ đi đường rừng, đường suối thôi. Giờ Nhà nước làm đường, đi lại thuận lợi lắm. Rồi còn nhiều chương trình khác mà Đảng và Nhà nước đã dành cho Mường Nhé, cho Nậm Kè, cho Huổi Khon. Bà con dân bản vui lắm, cảm ơn Đảng nhiều lắm” -Giàng A Phù, (Bản Huổi Khon 2) vui vẻ nói.

Trưởng bản Huổi Khon 1 Vàng A Chơ cũng háo hứng chia sẻ thêm: “Bà con đã biết thuê máy xúc để đào, biết làm ruộng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn việc đốt nương làm rẫy. Đã biết ngoài lúa thì cây ngô, cây sắn, cây chít, cây bí xanh cũng sẽ mang lại thu nhập ” tuy nhiên, nuôi trâu bò thì “vẫn là chăn thả thôi, nhiều người chưa làm được chuồng trại, chưa có nhiều kiến thức cho con trâu con bò được khỏe mạnh, cứng cáp”.

Vui có vui, mừng có mừng, nhưng như chia sẻ của Vàng A Chơ cái bụng họ cũng chưa thấy yên tâm cho lắm, nếu chỉ trông chờ vào sự chu cấp của nhà nước mãi thì không được. Người Mông vẫn thường nói: “Con hổ vằn ở tấm da/Đàn ông khôn ngoan ở cái đầu.” Cái đầu phải chăm nghĩ, cái tay phải chăm làm thì mới xây dựng được cuộc sống no đủ, lâu bền được. Vàng A Chơ bảo với bà con: “Ở dưới xuôi, nhà nước chỉ cho người dân cái cần câu thôi, họ phải tự đi câu lấy con cá đấy. Còn trên mình, nhà nước vừa cho cần câu, vừa cho cả con cá. Mình phải thay đổi để xóa đói, giảm nghèo mới được”.

Vậy là, từ những chính sách, đãi ngộ của Trung ương cũng như của tỉnh Điện Biên, đặc biệt là từ sự thay đổi nhận thức của những người trong cuộc, đời sống của người Mông ở Nậm Kè đã có những sự thay đổi, ngày một chuyển dịch tươi sáng. Tôi nghĩ mình dùng từ chuyển dịch là chính xác khi nói về những đổi thay ở Nậm Kè, ở Huổi Khon. Còn phát triển thì có lẽ nó sẽ tới, khi sự chuyển dịch được phát huy nhiều hơn nữa.

Vàng A Chơ dốc ruột với chúng tôi, không phải lúc nào, khi cái đầu đã nghĩ, cái tay đã làm thì niềm vui bội thu cũng đến với bà con. Nhiều khi ngô lúa cho bông, cho hạt, cây bí xanh, cây chit cho quả, bà con chọn lựa những loại quả to nhất, đẹp nhất, dù không nhiều nhặn gì để mang ra chợ thì, giá lại xuống thấp như dòng suối Nậm Kè vào mùa cạn nước. Ăn mãi thì không hết. Bán chẳng ai mua. Bà con vứt đầy cả một góc nhà. Những lúc ấy, nhớ lại câu ngạn ngữ cha mẹ A Chơ vẫn bảo nhau, thấy sao mà đúng thế: “Nhìn lên sàn bếp chỉ thấy bồ hóng/Nhìn xuống nền bếp chỉ thấy tro tàn”. Người dân chán. Lại ngày nào kiếm ăn ngày đó. Miễn là vẫn có hạt cơm vào bụng, chén rượu vào mồm là vui. Những lúc như thế, Vàng A Chơ buồn lắm. Lòng nặng trĩu nhưng A Chơ chưa biết có cách gì giải quyết cho dân bản.

Nghe tâm sự của A Chơ, chúng tôi thấy ngay nghịch lý được mùa mất giá, được giá mất mùa lại hiển hiện ở vùng cao này như nó đã từng hiện diện ở rất nhiều vùng quê Việt Nam.

Mang câu chuyện này trao đổi với chủ tịch UBND xã Nậm Kè Giàng A Ly ông cũng rất đồng tình. Giàng A Ly bảo, ông rất mong trong thời gian tới, cùng với những chương trình, chính sách hỗ trợ của nhà nước, cán bộ giúp luôn cả phần hướng dẫn. Khi cái tay biết làm, cái đầu chịu nghĩ, lại được hướng dẫn, bà con dân bản sẽ tiếp thu và triển khai dễ thôi. Thời bây giờ, làm nông nghiệp không đơn thuần chỉ “trông trời, trông đất, trông mây” nữa. Khoa học kỹ thuật giờ chiếm một phần rất quan trọng cho các sản phẩm nông nghiệp. Đôi khi, còn là mấu chốt để quyết định năng suất của cả một mùa vụ.

Cũng nhiều lần Vàng A Chơ, Thào A Da rồi già làng ưu tú Sùng A Kỷ ngồi với nhau. Nhiều bát rượu ngô đã trôi vào bụng, cái môi đã mềm, cái đầu đã mệt mà họ vẫn không lí giải được tại sao, cùng một vùng đất, những người dưới xuôi lên đây lập nghiệp lại có sự khác biệt với bà con dân bản như vậy. Rõ ràng, cùng chung dòng nước, cùng trong một không gian mà họ thì làm ăn phát triển còn bà con dân bản thì vẫn ì ạch như cái chân đau leo dốc ngày mưa. Phải đến khi chủ tịch Giàng A Ly giải thích, “người ta biết áp dụng khoa học, chọn lựa được sự ưu việt của từng loại hàng hóa để đầu tư, nên năng suất mới cao, hiệu quả mới lớn, mới “đổi ra được nhiều trâu, nhiều bò” thì lúc ấy Vàng A Chơ mới hiểu. Vàng A Chơ cũng tin rằng, anh chưa hiểu thì bà con cũng chưa thể nào hiểu nổi. Phải thay đổi thôi, phải có cách làm mới, hiệu quả hơn.

Một mong muốn nữa mà chủ tịch Giàng A Ly chia sẻ với chúng tôi, là việc tìm đầu ra cho các sản phẩm cho bà con dân bản. Ông rất mong muốn, tới đây, các phòng ban chức năng của huyện Mường Nhé sẽ có những kế hoạch, những xúc tiến thương mại để một tổ chức, một doanh nghiệp nào đó, giúp được cho người dân khoản đầu ra, bao tiêu sản phẩm. Lúc đó, mới là sự phát triển bền vững.

VTV.vn

25/08/2024

“Dân thụ hưởng” cũng là một trong những điểm quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII, trong tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều này thêm một lần nữa cho thấy, Đảng ta luôn chú trọng đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối của mình với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả.

Những ngày ở Mường Nhé, sự đổi thay của vùng đất từng nằm trong danh sách những huyện nghèo bậc nhất của cả nước, chứng minh cho chúng tôi một điều, khi có được chủ trương, chính sách tốt, lại kết hợp với cách làm hay thì hiệu quả sẽ vô cùng lớn lao. Trước hết và trên hết, người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng của các chính sách ưu việt đó. Trong rất nhiều chủ trương, chính sách chương trình dành cho đồng bào dân tộc huyện vùng cao Mường Nhé, chúng tôi muốn nhắc đến đề án 79.

Chuyện là sau khi xảy ra hiện tượng di cư, tụ tập đông người, truyền bá đạo trái phép tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé những ngày cuối tháng Tư đầu tháng Năm năm 2011, để tìm ra phương án triệt để, mang lại hiệu quả lâu dài, ngày 12/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 79/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Ðề án 79). Đây là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng với mục tiêu bố trí, sắp xếp tại chỗ, hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho nhiều hộ dân di cư đến Mường Nhé.

Từ chỗ là một xã "4 không" - Không điện, Không đường, Không trường, Không trạm y tế, đầy khó khăn, Nậm Kè của huyện Mường Nhé nay là xã "5 Không" nhưng là những cái “Không” mới, rất đáng tự hào: Không có người nghiện ma túy, không chặt phá rừng làm nương, không có người du canh du cư, không xuất cảnh trái phép, không theo tà đạo, tôn giáo lạ, không có truyền đạo trái phép.

Trò chuyện với phóng viên, chủ tịch Giàng A Ly cùng trưởng ban mặt trận Sùng A Kỷ đều không né tránh câu chuyện, vì sao cách đây 13 năm, các phần tử xấu lại lựa chọn Huổi Khon để lôi kéo, dụ dỗ. Ngoài yếu tố vị trí, địa hình như đã nói, có một lí do quyết định khác là nhận thức, điều kiện kinh tế của người dân thời điểm đó. “Người ta cho ít tiền, nói gì cũng nghe thôi mà. Hồi ấy, dân bản còn ít học lắm” – Sùng A Kỷ nói.

Có lẽ chính vì vậy, ông Sùng A Kỷ tỏ ra rất tâm đắc với việc hiện nay, các trường học được dựng lên đầy đủ ở Nậm Kè nói chung, cũng như hai bản Huổi Khon nói riêng. Trẻ em được chăm lo đến trường ngay từ bậc thấp nhất là mẫu giáo. Cô giáo người Kinh, người Mông đủ cả. Trẻ em được dạy cái chữ, học được điều hay lẽ phải, A Kỷ cho rằng đó là gốc, là nền tảng bền vững để xây dựng một thế hệ mầm non đầy tươi sáng.

Chủ tịch xã Giàng A Ly cũng chia sẻ điều này. Ông tỏ ra tự hào khi nói về 2 nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng của 2 bản Huổi Khon: “Đảng, Nhà nước chưa bao giờ cấm bà con sinh hoạt tôn giáo. Nhưng đó phải là những tôn giáo chính thống, hướng con người làm những điều hay lẽ phải và trên hết, làm gì thì làm, vẫn phải chấp hành đúng chủ trương, pháp luật” - vừa nói, chủ tịch Giàng A Ly vừa bấm ngón tay vừa tính toán với tôi: “Này nhé, chỉ là một xã nhỏ mà chúng tôi đã có 15 điểm sinh hoạt tôn giáo cộng đồng. Các tôn giáo đó hoạt động công khai, chia sẻ thông tin đầy đủ với chính quyền địa phương. Có sự qua lại hỗ trợ. Từ đó đến nay, vui nhất của Nậm Kè là bà con thân thiện, yêu quý cán bộ, xây dựng một cộng đồng chung gắn kết”.

Dẫn chúng tôi thăm Mường Nhé đợt này là anh Trần Hữu Thìn, đại úy công an được Bộ luân chuyển lên vùng biên giới này theo kế hoạch 2 năm. Đại úy Anh Thìn chia sẻ rất thật rằng, trước khi lên đây công tác, anh vẫn hình dung Nậm Kè, Mường Nhé là một gì đó xa xôi diệu vợi. Nhưng lên đây, chỉ sau vài ngày trải nghiệm, anh đã thấy cảm nhận của mình là rất không đúng: …“Em mới lên được nửa năm thôi nhưng những ấn tượng là tuyệt vời. Những trải nghiệm, những tương tác rất ý nghĩa mà người dân nơi đây đưa lại cho mình. Nó là quãng thời gian quý, bồi đắp thêm nhiều kinh nghiệm cho hành trang cuộc sống sau này của em”... Trần Hữu Thìn bảo, dù còn lâu mới hết niên hạn công việc nhưng anh biết chắc chắn một điều rằng, nếu chia xa anh sẽ rất nhớ mảnh đất biên viễn với rất nhiều sương mù cùng những con người thân thiện nơi đây.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Mường Nhé Tạ Văn Sơn là người Hà Nội. Ở anh có sự mềm mại, lịch thiệp của người đàn ông xứ kinh kỳ trộn lẫn với vẻ gân guốc hào sảng của một người nhiều năm lăn lộn cùng đất trời biên giới. Tốt nghiệp đại học, chàng thanh niên Tạ Văn Sơn từ biệt thủ đô, tình nguyện lên tỉnh Điện Biên xa xôi cống hiến, với tất cả hoài bão khát khao của tuổi trẻ. Anh được phân công về Tỉnh đoàn Điện Biên. “Một buổi tối, anh Mùa A Sơn, lúc đó là Bí thư Tỉnh đoàn, nói với tôi, anh được tỉnh phân công về Mường Nhé làm bí thư huyện. Em có muốn đi không, anh em cùng đi”. - Tạ Văn Sơn kể, anh đã đồng ý rất nhanh mà không phải suy nghĩ nhiều. Cả hai người lúc đó cùng chung nhiệt huyết tuổi trẻ. Mất ba ngày hai đêm, các anh vào đến Mường Nhé. Phương tiện đi lại phổ biến nhất, và cũng là duy nhất, để vào các bản làng đó là… đi bộ. “Cả huyện, chỉ có hơn 10 em học sinh lớp 9. Bây giờ con số đã lên tới hàng nghìn. So sánh vậy để thấy sự đổi thay lớn lao đến như nào”.

Hơn hai mươi năm gắn bó với đồng bào, trải qua nhiều vị trí, một trong những “bí quyết”, theo anh Sơn, để có thể hoàn thành tốt công việc của mình, đó là sự thấu hiểu: …“Điều quan trọng là mình phải hiểu rõ người dân muốn gì. Khi thực hiện bất kì một chủ trương, kế hoạch nào đó, người cán bộ, từ người lãnh đạo cao nhất của ủy ban huyên cho đến các cán bộ thôn bản cũng nên đặt mình vào vị trí của người dân. Khi có sự chia sẻ và thấu hiểu, tôi nghĩ việc khó như nào cũng giải quyết được.”

Cũng giống như nhiều huyện biên giới khác, Mường Nhé luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển kinh tế như Đề án 79, Chương trình 30A, 134, 135; hiện nay là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Các chương trình đã mang lại cho người dân thứ họ cần là mái nhà cho gia đình, là trường học cho con cái, là nơi sinh hoạt cho cộng đồng…

Chuyện gần, chuyện xa, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Tạ Văn Sơn lại quay lại đề án 79, thừa nhận rằng, ý kiến của chủ tịch xã Nậm Kè Giàng A Ly và trưởng ban mặt trận Sùng A Kỷ về đề án 79 là rất xác đáng. Sự lan tỏa đề án này mang lại hiệu quả rất tích cực: …“Người dân được tự do sinh hoạt tôn giáo, tất cả trẻ em được đến trường, người dân có đất đai, tư liệu sản xuất để lập nghiệp, sinh kế là vấn đề căn bản nhất của mục tiêu ổn cư (…) Trước đây, có hiện tượng dân di cư tự do, gây nên nhiều hệ lụy, xâm lấn vào cả đất rừng phòng hộ. Giờ mình giúp họ về định cư yên ổn một chỗ, tập trung lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Hiện nay, việc di cư bất hợp pháp chúng tôi đã hoàn thành 100% kế hoạch khi không còn một trường hợp nào vi phạm quy định đó. Tiếp theo là hạ tầng giao thông, nhà ở, điện lưới, internet, đất đai… đều được đầu tư, sắp xếp, từng bước phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống người dân”…

VTV.vn

02/09/2024

Sau một khoảng thời gian triển khai đủ dài, không khó để lý giải các rảo cản tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) đối với Đề án 79. Đó là công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc bố trí dân cư, bố trí đất sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Một số điểm bản phải điều chỉnh bổ sung quy hoạch như: Nậm Kè 2, Mường Toong 4, 5, 6, 7, 8, 10, Mường Nhé 1, 2.

Theo chia sẻ của một vị nguyên lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé, “điểm nghẽn” mang tính căn cơ nhất là điều kiện về quỹ đất hạn chế. Hầu hết các điểm bản thành lập mới không quy hoạch được nghĩa địa. Ngoài ra, diện tích đất canh tác của một số bản sở tại ít. Một số hộ dân có 100% diện tích đất canh tác thuộc vùng quy hoạch phải thu hồi. Một bộ phận người dân không nhất trí với phương án mức giá hỗ trợ đền bù của Nhà nước nên khó thực hiện giải phóng mặt bằng. Một số nơi ở mới không bằng nơi ở cũ vì đất bạc màu, không có đất để khai hoang ruộng nước khiến người dân không muốn chuyển khỏi nơi ở cũ. Mường Nhé lại là huyện biên giới nghèo, khó huy động vốn xã hội hoá để thực hiện các mục về vốn lồng ghép. Hạ tầng, tuy đã được đầu tư nhưng vẫn thiếu, lại trải qua thời gian dài nên cũng bị hư hại, xuống cấp, trở nên thiếu đồng bộ.

Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Tạ Văn Sơn thừa nhận: “Hạ tầng xuống cấp vì suất đầu tư thấp. Trong đề án 79 chủ yếu là đường cấp phối. Thời tiết khắc nghiệt. Mưa nhiều. Ở đây, từ tháng 6 cho đến tháng 9 dương lịch bà con gần như không làm được gì bởi mưa lũ. Đất thì mang tiếng miền núi bao la nhưng đất tốt để sản xuất lại manh mún. Bà con rất khó canh tác. Trồng lúa hạn chế nên bà con vẫn phải làm nương rẫy. Thêm nữa, khi hỗ trợ người dân làm nhà, quy định chỉ ở mức 15 triệu/hộ, nên cơ bản bà con cũng chỉ dựng được nhà “ba cứng” (khung cứng, mái cứng, nền cứng). Nó chỉ ở mức chấp nhận được, chứ bền vững, kiên cố thì chắc chắn là chưa được”..

Những ngày ở Mường Nhé, nhóm phóng viên chúng tôi nhận ra là bà con ở đây chưa triển khai các mô hình trồng cây công nghiệp, trồng rừng sản xuất, như cà phê, cao su hay các các loại cây công nghiệp dài ngày khác. Hỏi ra, được lãnh đạo huyện cho biết, huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang các cây công nghiệp nhưng người dân chưa thực sự mặn mà. Tâm tư của họ là “nếu có thu hoạch được mà không biết bán cho ai” thì cũng chẳng trồng để làm gì. Chính vì vậy, tìm đầu ra cho những sản phẩm nông nghiệp của bà con là một bài toán mà chính quyền phải đầu tư suy nghĩ để có giải pháp căn cơ, đồng bộ.

Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Tạ Văn Sơn nhận nhiệm vụ chủ tịch huyện một thời gian chưa lâu. Tuy nhiên, là một người đã dành cả thời thời tuổi trẻ gắn bó với mảnh đất biên giới, lại có nhiều năm làm công tác Đảng, anh hiểu rất rõ giá trị to lớn của Đề án 79: …“Huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, tìm ra nguyên nhân, lí giải nguyên nhân và tìm các giải pháp căn cơ nhất để về đích trọn vẹn trong năm 2025 như yêu cầu của Chính phủ”. Theo Chủ tịch Tạ Văn Sơn, huyện đang tích cực rà soát các danh mục, tiến độ giải ngân các công trình của Đề án. Đối với các công trình đang triển khai phải đảm bảo quản lý chất lượng xây dựng; thực hiện đảm bảo từ bước khảo sát, thiết kế, giám sát đến thi công và hoàn thiện công trình. Đối với các công trình đã bàn giao cần quan tâm duy tu, bảo dưỡng các công trình để phát huy hiệu quả… Những vướng mắc trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng, giao đất ở, đất sản xuất cho người dân được giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường chủ trì rà soát, tổng hợp đề xuất các phương án.

“Chúng tôi đang tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư các công trình, hạng mục. Trong đó ưu tiên giải ngân các công trình đang làm dở để về đích đúng mốc kế hoạch đề ra. Thêm nữa, huyện cũng đề nghị được điều chỉnh, bổ sung phương án một số điểm bản do phát sinh tăng dân số tự nhiên quá lớn. Phương án Cà Là Pá, Cà Là Pá 1 xã Leng Su Sìn (tăng từ 80 hộ lên gần 400 hộ); phương án bản Húi To 1, 2 xã Chung Chải (tăng từ 62 hộ lên gần 200 hộ). Đồng thời, Huyện Mường Nhé cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các điểm bản theo Đề án 79, tiếp tục phối hợp với UBND huyện giải quyết vướng mắc liên quan về đất đai, bố trí đủ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất ổn định đời sống người dân các điểm bản Đề án.”

Có thể khẳng định Đề án 79 của Chính phủ đã góp phần thay đổi cuộc sống của rất nhiều hộ dân huyện biên giới Mường Nhé. Nó thực sự là một đề án của “Ý Đảng – lòng dân”. Trải qua một thời gian dài triển khai, Mường Nhé, vùng biên giới bên góc trời Tây Bắc đã có những đổi thay đáng kể. Người dân đã di dời ra hẳn vùng lõi, vùng rừng đặc dụng, ổn canh, ổn cư, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống vật chất cũng như tinh thần được nâng lên, không còn hiện tượng đốt rừng làm rẫy… là những điểm sáng không khó để cảm nhận.

Chiều muộn. Từ Khoan La San xuôi về huyện lỵ Mường Nhé, hương rượu ngô từ góc nhà ai vấn vít với hương hoa rừng báo hiệu một mùa lễ hội Dù su đang tới. Lễ Dù su theo tiếng dân tộc Mông, “Dù” có nghĩa là nhốt, gói chặt; “su” có nghĩa là những điều rủi ro, đen đủi không may mắn. Lễ Dù su được hiểu đơn giản là lễ cúng giải hạn trong năm, nhằm nhốt lại những điều xấu, đen đủi và cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với cả dòng họ. Lại nhớ lại lời Lầu A Tính – Cán bộ phòng Dân tộc huyện Mường Nhé: “Với nhiều người Mông nơi đây, lễ hội này còn là một dịp để quên đi câu chuyện quá khứ không vui, để cả bản, cả xã hướng đến ngày mai tốt đẹp, tươi sáng…” Chắc chắn, sẽ có một Mường Nhé đổi thay…

VTV.vn

07/09/2024

Nội dung: Phạm Quốc Thắng, Nguyễn Văn Quân

Ảnh: Nguyễn Quân

Thiết kế: Duy Nguyễn