VTV.vn - Tiếng nói của cử tri từ một buôn, làng, xã, nơi hẻo lánh, đã được mang tới Nhà Diên hồng, người dân đang kỳ vọng những hành động thực tế thay vì những lời hứa suông.


Sau gần 1 tháng làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đã bế mạc vào chiều qua (24/6).

Nhận định về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Thái Nguyên cho biết kỳ họp lần này "có nhiều điều đặc biệt". Thứ nhất, chưa bao giờ Quốc hội họp nhưng lại có 1 tuần nghỉ giữa kỳ. "Là người đứng đầu địa phương, tôi thấy rằng, đây là phương pháp giúp chúng tôi vừa đảm bảo công việc họp Quốc hội một cách chất lượng, hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của địa phương một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, khoảng thời gian nghỉ giữa kỳ đó cũng đảm bảo cho các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan trình văn bản lập pháp, nghị quyết của Quốc hội được tiếp thu một cách đầy đủ, thấu đáo, thận trọng, tìm được sự đồng thuận, thống nhất cao với các dự án luật", bà Hải nhận định.

Thứ hai, trong kỳ họp này, khi nghiên cứu dự thảo chương trình, đây là lần đầu tiên báo cáo về kiến nghị cử tri được mang ra Quốc hội để thảo luận.

Trước đây, báo cáo này thường được báo cáo trước phiên chất vấn, để các Đại biểu Quốc hội lấy đó làm căn cứ chất vấn với các trưởng ngành. Nhưng việc dành thời lượng một buổi họp Quốc hội để thảo luận về báo cáo này, theo bà hết sức hiệu quả.

"Điều này có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với cử tri và người dân, thể hiện những kiến nghị của cử tri đã được tập hợp, giải quyết.

Tiếng nói nhỏ bé của cử tri từ buôn, làng, xã, nơi hẻo lánh, nhưng đã được mang tới Nhà Diên hồng để thảo luận và từng vị trưởng ngành có những câu trả lời cho người dân", Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhận định.

Đề cập về vấn đề kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã có những tác động rất lớn đối với những độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.

Điều này khiến kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, sang quý 1 là tăng trưởng thấp so với kỳ vọng. Mặc dù Chính phủ đã có quyết tâm, hành động quyết liệt nhưng để đạt được sự mong đợi ở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Chúng ta cần tập trung cho 3 động lực tăng trưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng gồm: Đầu tư (nhất là đầu tư công); hỗ trợ tiêu dùng; xuất khẩu.

Với riêng mảng đầu tư, các đại biểu đã quan tâm rất nhiều về danh mục đầu tư bổ sung, quyết liệt để đẩy nhanh trong giải ngân đầu tư công. Số tiền dự toán cho giải ngân đầu tư công năm 2023 của nước ta là trên 700.000 tỉ đồng, chưa kể khoản đầu tư từ gói hỗ trợ về phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến gói an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm đến sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm trong việc đơn hàng cắt giảm.

Ngoài ra, theo ông Ngân, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã quan tâm đến việc giảm thuế. Chúng ta cần tiếp tục giảm thuế, phí nhiều hơn để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng tổng cầu trong nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa.

Liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một trong những "điểm nóng" nhất tại Kỳ họp lần này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, sau 10 năm thực thi, Luật Đất đai năm 2013 đã có những bước tiến nhất định, góp phần giảm những tranh chấp liên quan đất đai, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả hơn.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, có ba nội dung lớn được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý hoàn thiện dự án luật, bao gồm công tác thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư và bồi thường.

Bày tỏ đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, cần phải có những quy định rất chi tiết những trường hợp nào thuộc diện thu hồi đất, đồng thời lưu ý rằng trong thu hồi đất, dù có bồi thường ở mức cao đi nữa cũng sẽ không thể thay thế được mong muốn an cư của người dân.

"Một khi người dân đã mua đất, đã chọn chỗ ở, tức là người dân đã có sự nghiên cứu tất cả các yếu tố về môi trường chung quanh, về gia đình, truyền thống, quê hương... Cho nên chúng ta phải hạn chế tối đa những trường hợp phải thu hồi đất. Khi đã thu hồi đất thì phải có một kế hoạch truyền thông thật tốt, và phải có sự tham gia của các tổ chức dân cử để giám sát ngay từ đầu", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng phải chú ý hơn đến công tác giám sát từ đầu các chủ trương dự án, theo đó phải đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần thiết phải bảo đảm việc tính giá đất một cách hợp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) kỳ vọng sau khi kết thúc kỳ họp, các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua thì các Bộ ngành có trách nhiệm sớm ban hành Thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện để có thể áp dụng luật vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.

Đối với những luật mà được Quốc hội chưa thông qua, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần tiếp tục rà soát, lắng nghe, tiếp thu những thông tin từ những người thực tiễn và đặc biệt là nhân dân cho kiến trong quá trình hoàn thiện dự án luật.

Ngoài ra, trong kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 2 chuyên đề giám sát năm 2024. Đó là Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023"; Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

"Tôi kỳ vọng, thông qua giám sát, Quốc hội và Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã cũng như quản lý tốt hơn thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian tới", ông Hoàng kỳ vọng.

Đánh giá về nội dung kỳ họp, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh đến vấn đề chất vấn và giám sát

Theo ông An, kết quả giám sát của Quốc hội khóa XV mang tính chất song hành với hoạt động điều hành rất trực tiếp. Đại biểu này cho biết, trong giám sát, hoạt động giám sát của Quốc hội không làm thay cho thanh tra, điều tra nhưng điều quan trọng nhất giám sát của Quốc hội đó là chỉ ra được nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý về mặt chính sách, xử lý về mặt trách nhiệm.

"Nhưng có một điều các ĐBQH và cá nhân tôi trăn trở về những Nghị quyết giám sát về chất vấn, đánh giá về trách nhiệm chưa đúng với kỳ vọng. Nên, các ĐBQH rất mong muốn chỉ rõ thêm phần trách nhiệm. Đúng với chỉ đạo của Đảng đó là phải làm rõ được trách nhiệm trong quản lý, điều hành đúng với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, việc này cần phải làm đậm nét hơn trong hoạt động giám sát", ông An nói.

Đặc biệt, các bộ trưởng, trưởng ngành qua hoạt động chất vấn, giám sát phải ý thức được trách nhiệm của mình.

"Tôi cho rằng, nếu không làm được thì cũng nên đứng sang một bên. Bởi, nhận thức được vấn đề, xác định được tồn tại hạn chế nhưng nếu không có tinh thần trách nhiệm thì sẽ làm vật cản, cản trở tiến trình phát triển. Quan điểm đưa ra là trách nhiệm phải được đề cao, giải quyết được công việc hiệu quả", ông An cho hay.

Ông An cũng cho rằng đối với Quốc hội trong hoạt động chất vấn tuyệt đối không để tình trạng hứa suông, hứa hão mà không làm.

"Với nội dung các Bộ trưởng đã hứa, ghi trong Nghị quyết mà các kỳ họp sau kiểm điểm lại nếu không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn thì Quốc hội phải có ý kiến. Các ĐBQH chúng tôi sẽ tiếp tục bám nắm những nội dung này", ông An cho hay.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, tại Nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội đã yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp...

Cùng đó là giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc, kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Tổng thư ký Quốc hội cho rằng qua công tác này sẽ phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.

Ông Bùi Văn Cường cho biết thêm, Quốc hội còn yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

"Về giải pháp cũng đã tương đối đầy đủ để hạn chế tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức", Tổng thư ký Quốc hội nói.

Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5 - 10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6-24/6/2023) với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước