Chương trình Đối diện tháng 7
Sự việc bắt đầu vào rạng sáng ngày 11/6, khi một nhóm đối tượng đã dùng vũ khí tấn công trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Hung hãn, liều lĩnh…. đó là những từ chính xác nhất để mô tả về hành vi của nhóm đối tượng này. Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã có sự chuẩn bị, lên kế hoạch từ trước. Cũng theo đánh giá bước đầu của cơ quan điều tra, vụ việc này là kết quả của âm mưu bởi các thế lực thù địch, trong đó, một số đối tượng Fulro lưu vong đã kích động, chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số, gây mất an ninh trật tự ở khu vực Tây Nguyên.
Súng, dao, bom xăng, lựu đạn là những hung khí mà các đối tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi giết người đối với cán bộ và người dân.
2 trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur đều bị đập phá, nhiều tài liệu giấy tờ bị đốt, nghiêm trọng hơn đó là gặp bất cứ ai ở trụ sở Uỷ ban nhân dân hay người dân, các đối tượng đều rất hung hãn.
Trong số đối tượng bị bắt giữ, có 1 đối tượng là thành viên của tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.
Vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở Đắk Lắk nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập "Nhà nước Đề ga", gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Rõ ràng, với hàng loạt các hành vi như tấn công vào trụ sở chính quyền, đập phá, đốt cháy, gặp bất kỳ ai là bắn, thể hiện qua lời kể của các nhân chứng cũng như lời khai của các đối tượng đã cho thấy rất rõ bản chất của vụ việc. Đó là vụ việc mang tính khủng bố.
Như thường lệ, mỗi khi trong nước có một vụ việc gì diễn ra, trên mạng xã hội, từ những tài khoản của những tổ chức khủng bố, những đối tượng lưu vong, lại phát tán hàng loạt bài viết độc hại.
Với vụ khủng bố tại Đắk Lắk, họ bôi nhọ chính quyền, cán bộ, kích động người dân bằng cách xuyên tạc bản chất vụ việc theo hướng hoàn toàn khác, thậm chí tới mức hoang đường, cho đây là những màn kịch được dựng lên để thực hiện những cái gọi là đàn áp dân tộc, tôn giáo.
Nhưng chính các đối tượng này cũng chẳng giấu giếm được mưu đồ của mình khi ngay sau những giọng điệu ấy lại là những lời kêu gọi người dân tụ tập, chống chính quyền. Bất chấp máu đã rơi, người đã chết, trong đó có cả những người dân vô tội, vậy mà nhiều đối tượng trên mạng đã dùng những lời lẽ kích động, xuyên tạc để đổi trắng thay đen.
Vụ khủng bố ở Tây Nguyên đã "lòi" ra những âm mưu thâm độc. Khi máu của người dân vô tội, của những cán bộ xã, cán bộ cơ sở đã đổ, thì một bài viết lại xiên xẹo với những câu hỏi bất nhân. Chúng cố tình lấp liếm bản chất hành vi khủng bố man rợ của một số đối tượng. Thậm chí hoang tưởng đến mức coi máu của người dân vô tội là "bi kịch hoàn hảo" dựng lên để làm cho một thế lực nào đó hài lòng. Cái chúng mong có lẽ một đất nước không được bình yên và người dân vô tội phải chết.
Một tài khoản mang danh là dân chủ nhưng thay vì lên án các hành vi bạo lực, mất nhân tính
Một tháng sau vụ khủng bố, một cuộc biểu tình được tổ chức với sự tham gia của một nhóm người trên tay những lá cờ không rõ nguồn gốc. Họ tự tách mình khỏi đồng bào, Tổ quốc, huyễn hoặc về sự can thiệp của ngoại bang và hô hào những yêu sách không thể phi lý hơn.
Luận điệu của những mưu đồ chính trị trên xương máu của đồng bào không thể phủ nhận được những gì đang đổi thay ở Tây Nguyên. Hơn 10 năm qua, Bộ Chính trị đã có hai nghị quyết riêng để tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển.
Hạ tầng giao thông đã kết nối thông suốt từ các huyện đến các tuyến giao thông huyết mạch và trung tâm phát triển của cả vùng. Tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Nguyên giảm nhanh hơn tốc độ trên cả nước.
Các mô hình kinh tế hiệu quả đã lan tỏa vào các buôn sóc. Đa số người dân đã tiếp cận được internet, giáo dục, y tế công cộng và các dịch vụ thiết yếu.
Lợi dụng vấn đề dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, đây không phải là chiêu bài gì mới. Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và điều này đã được minh chứng trong những cuộc kháng chiến chống xâm lược hào hùng của lịch sử. Khối đại đoàn kết dân tộc đã trở thành một trong những sức mạnh vĩ đại để Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn như ngày nay.
Hiểu được điều này, nên trong chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ chống Việt Nam, được các thế lực thù địch triển khai từ hàng thập kỷ nay, việc lợi dụng vấn đề dân tộc luôn là một trọng tâm nhằm mục đích phá vỡ khối đại đoàn kết của dân tộc ta.
Cùng với Tây Nguyên thì Tây Bắc, Tây Nam Bộ là những địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những địa bàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Chính vì thế mà bằng các phương thức khác nhau, các đối tượng đã đẩy mạnh chống phá, "khoét sâu", "nới rộng" những hạn chế, xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo hòng thổi bùng lên những nguy cơ về an ninh, trật tự.
Trở lại vụ khủng bố tại Đắk Lắk vừa qua. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy rõ hơn nữa mưu đồ đã và đang được tiến hành trong hàng thập kỷ qua, với mục đích không hề thay đổi đối với vùng đất Tây Nguyên nói riêng, với đất nước nói chung. Và điều này không thể xem nhẹ.
Từ sau năm 1975 - 1991, Fulro là một tổ chức phản động, hoạt động vũ trang tàn bạo do những thế lực thù địch giật dây, mưu đồ chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian dài đấu tranh triệt phá, truy quét, các lực lượng chức năng đã làm tan rã bộ máy đầu não Fulro.
Cán bộ giải thích chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước cho tàn quân Fulro.
Đến năm 1998, các đối tượng Fulro lưu vong đã lập ra tổ chức bất hợp pháp như: Nhà nước Đêga, Tin lành Đêga và tham gia bạo loạn, biểu tình vào những năm 2001, 2004, 2008 ở Tây Nguyên.
"Tin lành Đề ga" không phải là các tổ chức tôn giáo mà chỉ là tổ chức phản động đội lốt tôn giáo. (Ảnh: VOV)
Thời gian gần đây, các đối tượng Fulro lưu vong lại tiếp tục dựng lên các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo dưới các tên gọi khác nhau như:" Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam", "Hội người thượng Đề-ga", "Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên" nhằm kích động tư tưởng ly khai, tự trị để thành lập "nhà nước riêng, tôn giáo riêng" cho người dân tộc thiểu số.
Phương thức của các tổ chức bất hợp pháp này là tập hợp tín đồ là người dân tộc thiểu số ở trong nước liên kết với các nhóm Tin lành khác và số đối tượng phản động người Việt lưu vong lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam.
Bên cạnh việc đấu tranh, làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, có thể nói một nhiệm vụ vô cùng quan trọng được Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng thực hiện đó chính là chính sách nhất quán chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhìn lại lịch sử, kể từ khi thành lập nước vào năm 1945 đến nay, Đảng, Nhà nước đã luôn rất quan tâm đến vấn đề dân tộc, nỗ lực bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.
Những cam kết bằng chủ trương, chính sách ấy đã được trả lời bằng những kết quả cụ thể.
Những con số biết nói, cùng những câu chuyện được ghi nhận từ thực tế rõ ràng mới là thứ đáng tin chứ không phải là những hình ảnh được nhào nặn cùng những ngôn từ độc địa của những người chỉ nhăm nhăm mong muốn đưa đất nước vào cảnh rối ren, bất ổn.
Mang lại cho người dân một cuộc sống ngày một tốt hơn, chính sách nhất quán ấy vẫn luôn được Đảng, Nhà nước nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua, bất chấp việc các thế lực thù địch vẫn trăm phương nghìn kế tìm cách phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Trở lại với Tây Nguyên, sau những mất mát, đau thương, nhịp sống bình thường đang trở lại. Đây không phải là lần đầu tiên mảnh đất đầy nắng và gió, với những con người mộc mạc, chất phác trải qua những biến cố như thế này.
Nhưng có một điều chắc chắn, đó là với sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Đảng, Nhà nước, với tình cảm yêu thương của nhân dân cả nước, người dân Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung sẽ lại vươn lên mạnh mẽ để có được một cuộc sống ấm no hơn, giàu có hơn, tiếp tục góp phần trấn ải vững chắc vùng địa bàn chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Tổ quốc.
Năm 2023, năm đầu các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cùng với đó, thành phố Buôn Ma Thuột được Quốc hội thông qua chính sách thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù… Những chính sách được kỳ vọng tạo sức bật cho vùng đất giàu tiềm năng này.
Phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững. Trong đó kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là quan điểm được Đảng, Nhà nước đặt lên hàng đầu.
Những tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Nha Trang - Buôn Mê Thuột, Đắk Nông - Bình Phước, Quy Nhơn - Pleiku… nối các cực tăng trưởng đang dần hình thành, cùng với những chính sách vượt trội… hứa hẹn Tây Nguyên, nơi đại ngàn hùng vĩ sẽ bứt phá vươn lên. Đó là kỳ vọng và cũng là niềm tin của Đảng, của nhân dân cả nước đối với mảnh đất này.
Phối cảnh dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!