***
ng thư không giống như những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn khác có thể phát hiện ra ngay. Việc tích lũy yếu tố gây bệnh là quá trình lâu dài, tùy theo cơ địa từng người. Nhưng các chuyên gia y tế khẳng định, việc hấp thụ vào cơ thể lượng thực phẩm nhiễm độc càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng lớn.
Ai là người cần dược liệu, là những người khỏe mạnh muốn khỏe hơn, những người đang bị bệnh với tâm lý “có bệnh vái tứ phương” mong được khoẻ lại. Dược liệu bẩn mang lại kết quả bi đát cho cả 2 trường hợp trên. Về mặt tâm lý, đó là một nhát búa đe dọa đập vỡ tất cả chút niềm tin, hy vọng của người bệnh vốn thường đã chẳng còn nhiều mạnh mẽ.
Nấm linh chi, nhân sâm, kỳ tử… hay vô vàn những dược liệu “quý” mà người tiêu dùng vẫn ưa chuộng và tìm đến mỗi khi có bệnh hay chỉ để “tẩm bổ” thực tế ra sao?
Mới đây, Bộ Công an đã triệt phá đường dây buôn lậu dược liệu lớn nhất từ trước đến nay. Hơn 40 tấn hàng hóa nhập lậu bị cơ quan chức năng triệt phá tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vào đêm ngày 14/12/2018 vừa qua. Theo biên bản kiểm đếm, mặt hàng dược liệu chiếm số lượng hơn một nửa, tương đương khoảng 23 tấn, với hàng chục loại khác nhau. Trong đó, có cả nhiều vị thuốc quý như sa sâm, linh chi, thỏ ty tử, nhục thung dung… Tất cả đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Và điều mà khiến tất cả phải giật mình, đó là không chỉ nhập lậu dược liệu, đây còn là những “rác thuốc”.
Loại nhân sâm 70 củ/kg màu vàng ruộng, sờ hơi dính tay… được phơi đầy tại khu chợ bên kia biên giới. Đây cũng là dược liệu mà chính đầu nậu phụ trách việc thu gom vận chuyển hàng lậu cảnh báo chất lượng chỉ đạt 40%-50% vì đã bị rút hết tinh chất. Vì thế, giá chúng rất rẻ.
200 đồng tiền Trung, tương đương 675.000 đồng tiền Việt/kg. Thế nhưng, khi về đến phố thuốc Bắc ở Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, loại nhân sâm này… lại có mức giá cao gấp gần 4 lần.
Nếu trừ đi cước phí vận chuyển hàng lậu đã trọn gói cả tiền làm luật, cùng cam kết được đền tiền khi bị bắt hàng từ bên kia biên giới về Việt Nam đối với mặt hàng nhân sâm là 21.000 đồng/kg thì mỗi một kg nhân sâm vẫn bị đội giá lên đến 1,8 triệu đồng. Khoản lợi nhuận khổng lồ này đã chảy vào túi ai? Không ai khác ngoài chủ hàng lậu và những gian thương người Việt…
Theo khảo sát, nhiều loại dược liệu khác đang được bán tại phố Lãn Ông trung bình có giá cao gấp từ 3-5 lần so với mức giá mua hàng ở khu chợ phía bên kia biên giới. Thậm chí, loại kỳ tử nhập tại chợ Ái Điểm giá 16 đồng tiền Trung - tức khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng khi đến tay người dùng Việt Nam, được đóng bao bì thì giá gấp gần 7 lần khi người bán hét giá 400.000 đồng/kg.
Kết quả nhiều cuộc kiểm tra gần đây đều cho thấy, nhiều dược liệu bị làm giả hoặc trộn lẫn hoá dược. Nhiều dược liệu đã bị chiết tách hết thành phần thuốc, chỉ còn lại là bã thuốc.
Trước khi đường dây buôn lậu bị triệt phá đã có bao nhiêu tấn hàng trót lọt? Có thể nói con số đó không thể tính toán được và ngay cả chủ đầu nậu cũng chia sẻ rằng: “Không thể nhớ hết được đã vận chuyển bao nhiêu chuyến trong từng ấy năm”.
Dù rằng đường dây buôn lậu này bị triệt phá, nhưng liệu đã hết chưa, hay đường dây này vừa kết thúc thì đường dây khác lại mọc lên. Và những món dược liệu “ quý” kia đang trôi nổi như thế nào trên thị trường? Ai sẽ kiểm định cho những mặt hàng đó? Đó là những câu hỏi mà chắc lâu nữa chúng ta mới có lời giải…
Giờ đây rác thuốc không chỉ tiêu thụ vào nước ta qua con đường buôn lậu mà còn đi thẳng bằng con đường nhập khẩu chính ngạch. Vì mới đây, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm và thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng tại cửa khẩu Hữu Nghị Lạng Sơn phát hiện nhiều mẫu dược liệu nhập khẩu chính ngạch không đảm bảo chất lượng.
Trong tổng số 68 mẫu dược liệu lấy từ lô hàng do Công ty Cổ phần Dược Nam Yên nhập khẩu, thì có tới 18 mẫu không đạt chất lượng, nghĩa là chiếm tỷ lệ hơn 26%.
Ngoài nấm mốc, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội còn phát hiện hàng loạt mẫu dược liệu khác trong lô hàng này không đạt chất chiết - nghĩa là dược liệu đã bị rút tinh chất, chỉ còn lại là rác thuốc không đảm bảo chất lượng. Trong đó, nhiều loại dược liệu quý có giá trị như phòng phong, khương hoạt, ngưu tất… với giá bán trên thị trường trên dưới 1 triệu đồng/kg. Dù đây mới chỉ là kết quả kiểm nghiệm đối với lô hàng dược liệu nhập khẩu của một công ty, nhưng là bằng chứng không thể chối cãi rằng: Dược liệu rác đã về thị trường Việt Nam bằng cả con đường chính ngạch, chứ không chỉ là qua các đường dây buôn lậu.
Chắc nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao các chủ hàng lại tìm cách đưa dược liệu thứ phẩm về trong nước tiêu thụ, trong khi nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng từ những loại dược liệu thứ phẩm đó là rất lớn. Câu trả lời chỉ có thể là “lợi nhuận, lòng tham và sự vô cảm”. “Một vốn bốn lời”- câu nói đúng với thực tế những gì đang diễn ra trên thị trường buôn lậu dược liệu hiện nay. Đành rằng, tâm lý hầu hết của các nhà kinh doanh là đặt yếu tố lợi nhuận lên trên hết. Tuy nhiên, nếu trên cả việc bất chấp sức khoẻ của đồng loại thì là một “tội ác”.
Tham lam và vô lương khiến những kẻ sản xuất, kinh doanh máu lạnh kia bất chấp tất cả. Chúng dám làm những cái ác tột cùng, sẵn sàng cho người khác ăn, uống các chất độc hại để mình rung đùi ngồi đếm tiền. Hậu quả của những hành động vô lương này không phải chỉ ảnh hưởng tới 1 người mà tới cả cộng đồng, ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi dân tộc.
Mọi so sánh thường khập khiễng, xong đôi khi tôi cứ nghĩ, nếu như ta đã thường cảm thấy ám ảnh, phẫn nộ trước những kẻ sát nhân cầm dao giết một mạng người thì những kẻ buôn bán thuốc giả khiến bao người mang trọng bệnh, kinh tế kiệt quệ, được xem như giết người hàng loạt, giết người âm thầm thì sao? Suy nghĩ này khiến tôi cảm thấy ớn lạnh...