Tạp chí Kinh tế Đặc biệt Tết Kỷ Hợi

“Táo quân”

của mảng Kinh tế

Thực hiện: Tạ Hiển - Thiết kế: Duy Nguyễn

Nếu như Táo quân là món ăn tinh thần ...mỗi khi tết đến xuân về, thì với những ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế, Tạp chí Kinh tế cuối năm – sản phẩm thường niên do Trung tâm Tin tức VTV24 sản xuất được xem như “Táo quân” trong mảng Kinh tế khi chuyên tổng hợp và phân tích những câu chuyện kinh tế nổi bật nhất trong năm, mang đến cho khán giả những góc nhìn đặc biệt.

"Trích đoạn Tạp chí Kinh tế: Thế giới phẳng hay không phẳng (2015)"

Năm nay, Tạp chí Kinh tế 2019 được khoác chiếc áo mới – mang tên “Tạp chí Kinh tế Đặc biệt”.

Thay vì làm một chương trình đề tài kinh tế số có phần khô khan, Tạp chí Kinh tế Đặc biệt Tết Kỷ Hợi của VTV24 được chuyển thể thành 1 sản phẩm đậm chất điện ảnh có tên: “TÔI LÀ 00100 ..”

“TÔI LÀ 00100 ..”
câu chuyện mang tính giải trí về đề tài kinh tế số

“Buổi sáng hôm nay như bao ngày của Trí ...

Thích tự nấu ăn …

Tranh thủ tập thể dục …

Và không quên lướt qua một chút tin tức với những chủ đề kiểu Big Data, kinh tế số… Nhưng mấy mớ thông tin này không phải là thứ mà Trí quan tâm.

Trí chỉ thích lướt ‘Phây’, ‘Seo-phì’ và chát chít mà thôi.

Và mỗi khi như vậy, ‘nó’ lại phình to hơn một chút ..”

Đây không phải phần vào đầu của một bộ phim truyện truyền hình hay TVC quảng cáo mà chính là cảnh mở ra câu chuyện của Tạp chí Kinh tế Đặc biệt do Trung tâm Tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất nhân dịp Tết Kỷ Hợi.

Giải thích lý do vì sao năm nay, VTV24 tiếp tục lựa chọn chủ đề Dữ liệu – dù chủ đề này đã từng được khai thác trong Tạp chí Kinh tế cuối năm: Chuyển động 4.0 vào dịp Tết 2018, nhà báo Lê Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 chia sẻ: “Ngày hôm nay, với sự phát triển của công nghệ, nhiều vấn đề nan giải đã được giải quyết. Và lời giải không gì khác, đó chính là dữ liệu lớn, mà chìa khóa chính là trí tuệ nhân tạo. Có lẽ chưa năm nào Trí tuệ nhân tạo hay AI lại được nói đến nhiều như vậy, ở Việt Nam cũng như quy mô toàn thế giới. Diễn đàn kinh tế Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội cũng đã dành riêng 1 Phiên thảo luận về AI. Lần đầu tiên Trí tuệ nhân tạo đã được nhắc đến trong Nghị quyết 02 của Chính phủ hồi đầu năm 2019 như một giải pháp để Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ..

Chủ đề này chắc chắn sẽ còn tiếp tục xuất hiện thường trực trên trang nhất của các chương trình nghị sự trong năm 2019 này.”

Chương trình đặt ra một loạt câu hỏi lớn: Dữ liệu lớn là cái gì? Nó được tập hợp và sử dụng như thế nào? Trí tuệ nhân tạo là gì? Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng như thế nào vào mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội?

Tạp chí Kinh tế Đặc biệt: “TÔI LÀ 00100 ..”
Nỗ lực vượt qua chính mình

Với những câu hỏi trên, nhiều người sẽ hình dung tới một chương trình mang đậm lý thuyết kinh tế với nhiều thuật ngữ chuyên môn khó hiểu. Thế nhưng, với đội ngũ sản xuất, Tạp chí Kinh tế “Đặc biệt” không chỉ nằm ở tên gọi. Đó là nỗ lực thay đổi mang tính đột phá, “vượt qua cái bóng của chính mình” khi Tạp chí Kinh tế cuối năm đã là thương hiệu mang nhiều dấu ấn riêng trong lòng khán giả.

Thay vì theo dõi một chương trình kinh tế có phần khô khan, khán giả sẽ được thưởng thức bộ phim mang tựa đề “TÔI LÀ 00100 ..” có tình tiết, nhân vật, câu chuyên mang tính giải trí đan xen với các phóng sự thực tế để thông qua đó truyền tải nội dung về đề tài kinh tế số.

Hoàn toàn không có MC, không có phần trình bày thông tin trên trường quay như các chương trình chính luận thông thường, toàn bộ chương trình sẽ là một kịch bản phim truyện với các nhân vật và tình tiết xuất hiện để miêu tả cho các chủ đề của kinh tế dữ liệu. Nhân vật chính xuyên suốt cả bộ phim là yếu tố móc nối các câu chuyện và cũng là đối tượng được hướng tới trong các phóng sự: CÔNG DÂN SỐ - do BTV Hữu Trí thủ vai.

Trong bộ phim, nhân vật Trí – một công dân số nhận được quảng cáo về một loại dịch vụ mới tại Ngân Hàng Dữ Liệu - nơi người ta cho đi dữ liệu của mình, để nhận lại tiện ích. Nơi mà Trí luôn rơi vào thứ cảm giác vừa thích lại vừa sợ.

Theo chân Trí, khán giả được gặp rất nhiều nhân vật thú vị khác. Đó là Ngọc Trinh – một nhân viên kinh doanh người được mệnh danh là “kẻ săn mồi hiệu quả” của ngân hàng dữ liệu, Diệu Linh - “Con cá bé xấu số”, Tài Phan – Người quản lý dữ liệu với “Gót chân Asin”, Minh Hằng – một nữ nhân viên chính quyền … cùng rất nhiều nhân vật điển hình khác trong thế giới số.

Công dân số mang tên Trí đã gặp và chứng kiến không ít khó khăn, biến cố, thậm chí là cả những cạm bẫy và rồi đi đến một cái kết không ai ngờ tới.

“Chào mừng tất cả đến với thế giới số, nơi tất cả những người đang kết nối Internet đều bị nhận diện và định danh. Dù muốn hay không, chúng ta đều trở thành các công dân số” - nhà báo Lê Quang Minh nhấn mạnh về thông điệp của chương trình.

“Tôi không kỳ vọng làm một chương trình hay,
nhưng chắc chắn sẽ lạ”

Từng nhiều năm gắn bó với Tạp chí Kinh tế cuối năm nhưng đây là lần đầu tiên BTV Việt Hoàng thử sức trong vai trò mới là Tổ chức sản xuất – “kiến trúc sư trưởng” của chương trình, kiêm đạo diễn của bộ phim “TÔI LÀ 00100 ..”

“Đây là chương trình tốn nhiều công sức nhất, nhiều chất xám nhất của cả tập thể VTV24. Một năm qua chúng tôi đã phản ánh không ít các vấn đề kinh tế. Nhưng Tạp chí Kinh tế Đặc biệt là đất để thể hiện sáng tạo có lẽ là nhiều nhất vì chương trình góp nhặt nhiều chủ đề khác nhau, chứ không chỉ là một câu chuyện riêng nào cả.” – “Anh Da Nâu” của Chuyển động 24h chia sẻ.

Nhận định kinh tế số là chủ đề kén người xem, BTV Việt Hoàng đã nảy ra ý tưởng mới cho chương trình bằng việc xây dựng một bộ phim có tính giải trí: “Kinh tế số không phải là chủ đề quen thuộc với người việc nên cách tiếp cận nên mang tính giải trí một chút thì người xem mới đủ kiên nhẫn chờ xem đó là cái gì. Ngoài ra, chương trình với tuyến nhân vật chính là công dân số thể hiện góc nhìn từ chính người dân bình thường chứ không từ doanh nghiệp hay chính phủ… Những câu chuyện ấy sẽ dễ tiếp cận hơn với khán giả đại chúng”.

Với phong cách châm biếm sâu cay, hóm hỉnh mà khán giả thường thấy ở Chuyển động 24h, không bất ngờ khi BTV Việt Hoàng mang đến sự trào phúng vào việc “nhào nặn” tính cách cho các nhân vật.

“Có 1 số nhân vật xuất hiện với hai bộ mặt: trước và sau khác nhau thay đổi hoàn toàn. Tôi cố tình cài cắm trong cách tạo hình nhân vật để khán giả suy nghĩ sâu hơn và thấy được rằng, mỗi nhân vật đều đại diện cho 1 điều gì đó.” - BTV Việt Hoàng chia sẻ.

Một điểm đặc biệt gây ấn tượng mạnh của chương trình năm nay là việc sử dụng bối cảnh ảo trong phần lớn thời lượng lên tới hơn 70%. Tuy nhiên, chính điều này là 1 thách thức với ê-kíp không chỉ trong quá trình ghi hình mà còn cả dựng hình.

BTV Việt Hoàng cho biết: “Sử dụng phông xanh là bất đắc dĩ vì chẳng ai muốn dùng phông xanh cả. Bối cảnh nào không có trong đời thực, tôi mới dùng tới phông ảo. Không gian ảo sẽ cực kỳ hạn chế trong việc tưởng tượng cho cả đạo diễn, quay phim, diễn viên. Đến lúc làm mỗi người lại hiểu theo một hướng. Thứ hai, đối với khán giả, không gian ảo sẽ bị xa lạ. Khán giả sẽ muốn xem không gian thật nên chúng tôi thực hiện những cảnh quay gần gũi về dân sinh diễn ra trong không gian thật”.

Nói về chi tiết khiến mình tâm đắc nhất, BTV Việt Hoàng hào hứng cho biết, đó chính là Vụ cướp ngân hàng dữ liệu. Trong đoạn này, những tên cướp khống chế các nhân viên trong ngân hàng bằng những khẩu súng được chế thành hình bàn phím và không cướp tiền mà lại là “cướp” dữ liệu.

“Đây là 1 chi tiết vừa khó vừa hấp dẫn với người làm chương trình. Tôi không muốn khán giả nhầm với cướp thật ở ngoài kia, nhưng đồng thời bản thân cũng không biết thủ tục của việc sử dụng vũ khí trên sóng truyền hình như thế nào. Thế nên chúng tôi cố gắng thiết kế cho ngân hàng dữ liệu trong vụ cướp được đầy đủ, sinh động về mặt mỹ thuật và hợp lý về mặt nội dung. Nhất là khẩu súng khi cướp ngân hàng dữ liệu được chế thành cái bàn phím. Ý tưởng này dù không quá mới nhưng áp dụng trường hợp này thì rất ổn. Một chi tiết nhỏ nhưng thú vị.”

Thực hiện chương trình mang thương hiệu của VTV24 và chịu không ít áp lực ở trọng trách mới, thế nhưng BTV Việt Hoàng bất ngờ nhấn mạnh rằng, anh không mong đợi khán giả thấy được Tạp chí Kinh tế Đặc biệt là một chương trình hay. “Các chương trình khác có thể quảng bá là “Chương trình chúng tôi rất hay”. Còn với chương trình này, tôi không dám kỳ vọng nó sẽ hay. Tuy nhiên, tôi dám khẳng định là nó lạ. Chắc chắn lạ. Tôi hi vọng khán giả khi xem sẽ tập trung một chút để nắm bắt được.

“Tôi là 00100 ..” không phải là chương trình chính luận ở trường quay theo dạng đối thoại và khán giả xem từ giữa vẫn hiểu được vấn đề. Chương trình này hơi khác. Giống như khi bạn xem một bộ phim rạp, phim có nhiều tình tiết mà bạn chỉ xem - hiểu đoạn kết và bỏ qua các chi tiết thú vị thì chương trình đó, có lẽ, chưa phải là hay.

Khán giả xem lần đầu khó có thể hiểu được 100%. Tuy nhiên xem lần 2 thì sẽ dần hiểu các chi tiết. Chúng tôi hướng đến đối tượng là các khán giả trẻ và tò mò. Với khán giả chung của VTV, tôi hy vọng họ sẽ hiểu thông điệp chương trình qua phần chất liệu với những câu chuyện phóng sự đời thực khá sát sườn với người dân và giàu cảm xúc ..” – Đạo diễn của “TÔI LÀ 00100..” nhắn gửi tới khán giả truyền hình.

Chương trình Tạp chí Kinh tế Đặc biệt: TÔI LÀ 00100 sẽ được phát sóng vào 20:05 ngày 6/2 (mùng 2 Tết Kỷ Hợi) trên kênh VTV1. Mời quý khán giả chú ý đón xem!

Bài viết: Tạ Hiển

Thiết kế: Duy nguyễn

30/1/2019