VTV.vn - Tôi gọi hành trình của mình đơn giản là Việt Nam! Việt Nam! để tự nhắc nhớ mình là hãy giản dị nhất có thể, hãy thả lỏng tâm trí và tận hưởng tối đa những cái đẹp...

Tôi gọi hành trình của mình đơn giản là Việt Nam! Việt Nam! để tự nhắc nhớ mình là hãy giản dị nhất có thể, hãy thả lỏng tâm trí và tận hưởng tối đa những cái đẹp được thu vào tầm mắt, tâm hồn.

Hành trình xuyên Việt bằng xe máy của tôi lần này có tên gọi Việt Nam Việt Nam – như hai tiếng gọi cảm thán trong ca khúc của nhạc sỹ Phạm Duy. Tôi mong muốn gọi tên và định danh hành trình của mình bằng những mỹ cảm đẹp nhất dành cho mỗi địa danh, con sông, rặng núi, cánh đồng hay những gương mặt hồn hậu lướt qua. Khi người trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, hãy đi để check in cho bằng hết, hoặc thỏa mãn nhu cầu đánh thức lòng ghen tị đâu đó với những trầm trồ xung quanh về một “tâm thế tự do thoáng đạt không vướng chân”… rất ảo. 

Và một điểm đến trên hành trình này của tôi đi qua Hà Giang.

Từ xôn xao chợ phiên…

(Ảnh: Thắng Lê)

Thường thì ở những chuyến đi dài ngày, người ta không quan tâm lắm đến ngày tháng, nhưng sáng nay thì khác, tôi nhớ ngay ra là Chủ nhật – ngày mà thị trấn xôn xao với chợ phiên cuối tuần. Ở phiên chợ này, người dân quanh vùng đến đây trao đổi, buôn bán các sản vật của nhà trồng được hoặc tự sản xuất. 

Những điều giản dị ở Hà Giang - Ảnh 3.

(Ảnh: Thắng Lê)

Chợ phiên Đồng Văn luôn bắt đầu trong sương mờ và ẩm ướt. Có người phải đi từ 3 giờ sáng, vượt qua mấy ngọn núi để xuống cho kịp phiên chợ. Thường cả gia đình sẽ xuống chợ cùng nhau, mỗi thành viên đều có một điều để chờ đợi ở đây: Các bà, các mẹ tới chợ để buôn bán, mua sắm; Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố; Các em nhỏ theo bố mẹ đi “chơi” chợ… 

Những thứ được đồng bào bày bán, trao đổi ở chợ phiên thì vô vàn, khi thì một hai cái lưỡi cày, lúc một can rượu ngô, người thì bán nhang, kẻ bán khăn, quần áo… Người ta còn đem chó, lợn, gà và cả trâu bò đến chợ. Những thứ liên quan đến đời sống của đồng bào miền núi đều có thể được tìm thấy tại đây. Có người chỉ mang theo một ít hàng để bán, nếu hôm nay bán được thì tốt, không thì tuần sau lại mang lên, chả vấn đề gì, được gặp bạn bè là vui rồi. Trong chợ, dãy hàng bán các loại bánh, xôi khá đông khách. Khứu giác của tôi ngay lập tức bị đánh thức bởi mùi bánh rán thơm phức tỏa ra từ những chảo mỡ đang sôi ùng ục, rồi thì bánh bao, xôi ngũ sắc được nhuộm từ nhiều loại lá rừng. Bánh bột ngô và bột tam giác mạch được nướng ngay trên than hoa, tỏa mùi thơm nức mũi. 

Đi chợ cũng là một thú vui, là nơi để giải trí cuối tuần nên ai cũng vui vẻ và xúng xính đẹp nhất để “toả sáng”.

Trong phiên chợ, ta sẽ bắt gặp đủ màu sắc sặc sỡ của nhiều dân tộc. Giữa trưa, các gia đình bắt đầu chuẩn bị lục đục trở về nhà. Người gần thì túc tắc đi bộ, trẻ con lon ton chạy trước, phụ nữ khệ nệ xách theo gà, vịt, các món hàng mua được, cánh đàn ông đi sau cùng và khật khưỡng vì hơi rượu. Nhà xa hơn thì chở 3, chở 4 trên những chiếc xe mà tôi gọi là “xe siêu nhân” vì chở được cả nhà và rất nhiều đồ đạc. 

Những điều giản dị ở Hà Giang - Ảnh 5.

(Ảnh: Thắng Lê)

Ở cổng chợ là những chiếc xe ca để chở rất nhiều hành khách đến với phiên chợ từ rất xa. Họ phải ngồi chật như nêm cùng với hàng hoá và cả gà vịt trên đường về nhà. Nhưng các hành khách dường như không thấy phiền lòng vì điều đó! Có lẽ họ đã quá quen, hay niềm vui của phiên chợ đã khỏa lấp những mệt nhọc của họ khi trở về? 

Những nụ cười hồn hậu trên phiên chợ vùng cao làm lữ khách thấy vui lây. Chợt nhận ra rằng, giá trị của niềm vui và hạnh phúc đôi khi bắt đầu từ những thứ gần gũi, giản dị đến lạ thường.

Đến đèo Mã Pì Lèng…

(Ảnh: Danny)

Tôi đem niềm vui của buổi sáng từ phiên chợ để tiếp tục lên đường. Điểm dừng chân tiếp theo là đèo thứ 3 trong Tứ đại danh đèo của Việt Nam – đèo Mã Pì Lèng. Đây là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa, chỉ “sống mũi ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh thì trụy thai mà chết. Nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.

Những điều giản dị ở Hà Giang - Ảnh 8.

(Ảnh: Thắng Lê)

Con đường từ Đồng Văn đến Mèo Vạc khá đẹp và hùng vĩ giữa núi rừng và đèo dốc, được gọi với một tên gọi rất thơ – con đường Hạnh phúc. Đường Hạnh phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc nước ta làm trong 6 năm (1959 – 1965) với hơn 2 triệu lượt ngày công lao động. Trong đó, riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. 

Đường đèo chênh vênh giữa lưng núi, đâu đó vẫn còn những bản làng nằm vắt vẻo trên cao. Nguyễn Tuân đã viết: “Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc 24 cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pì Lèng thì phải tốn mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục, bổ đá, khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại”. 

Những điều giản dị ở Hà Giang - Ảnh 9.

(Ảnh: Thắng Lê)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong bài viết Kỳ tích Mã Pí Lèng cũng khắc họa “trong lịch sử làm đường của Việt Nam, có lẽ đó là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất; chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi tráng nhất. Khi con đường hoàn thành, có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Mã Pì Lèng cũng nhắc nhớ đến chính mình những kỉ niệm đã qua, ở đây nơi những mỏm đá cheo leo hàng ngày vẫn đón hàng trăm lượt du khách với con mắt hiếu kì “nhòm xuống” sự kì vĩ của thiên nhiên, cố thu vào tầm mắt cho bằng hết những màu sắc của núi rừng. Một bên là cao nguyên đá hùng vĩ, một bên là vực thẳm với dòng Nho Quế im lặng ngắm nhìn thế sự”.

Cảnh vật ở Mã Pì Lèng, con người ở vùng núi cao xa xôi tự nó gợi rất nhiều điều, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong lòng lữ khách về sự hùng vĩ của thiên nhiên, về tinh thần chinh phục những đỉnh cao của đồng bào người Mông khi trên sườn đèo núi cheo leo, những liếp nhà lúp xúp vẫn nhô ra thi gan cùng hiểm trở.

(Ảnh: Danny)

Cuối đường đèo, tới ngã ba Săm Pun – Mèo Vạc, tôi dừng chân để lắng nghe những thanh âm thú vị của một gia đình đang “giải sầu”. Ven ruộng ngô, một chiếc bàn gỗ mộc mạc, mấy cái bát cũ kỹ, một can rượu chỏng chơ và họ ngồi uống rượu. Người phụ nữ mặt đỏ gay, giọng điệu gay gắt vang cả khúc đường. Không rõ nội dung câu chuyện này là gì nhưng với thanh âm, sắc điệu, tôi đoán rằng họ đang tranh cãi rất sôi nổi về một việc gì đó trong gia đình. Cô bé con ngồi giữa vừa rót rượu vừa tủm tỉm cười. Những người tan phiên chợ trở về ngang qua, ngồi sà xuống làm chén rượu ngay vệ đường, giữa trưa hè nắng gắt. Ở góc xa, một vài người nghỉ chân trên vực đá cheo leo, lặng lẽ, trầm tư theo đuổi suy nghĩ của riêng mình. 

Cuộc sống ở đây, chao ôi là giản đơn, giản đơn đến lạ kì.

Những điều giản dị ở Hà Giang - Ảnh 12.

(Ảnh: Danny)

___

Tác giả: Thắng Lê

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước