VTV.vn - Phóng viên Thanh Hoa – cô gái nhỏ nhắn nhưng vô cùng mạnh mẽ và bản lĩnh. Cô cũng chính là nữ phóng viên duy nhất trong đoàn của Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự...
Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.
Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Ý tưởng thực hiện 1 bộ phim tài liệu về TP. HCM trong tâm dịch đã đựơc lãnh đạo Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự xác định ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại TP. HCM. Ban giám đốc trung tâm trao đổi với chúng tôi: Đây là thời khắc lịch sử. Tin tức hàng ngày có thể cho chúng ta những lát cắt về vấn đề, nhưng để công chúng có được cái nhìn bao quát tổng thể về tất cả những gì đã diễn ra mà vẫn chân thực và đầy cảm xúc, thì phải có những bộ phim tài liệu.

Vì thế, khi ê-kíp thực hiện bộ phim được hình thành, lãnh đạo Trung tâm nói với chúng tôi: Đây là công việc nguy hiểm, có nhiều rủi ro, nhưng đó cũng là công việc để đời đối với người làm nghề. Không phải ai, cũng có được cơ hội được tận mắt chứng kiến, tham gia, và ghi lại những thời khắc lịch sử khó quên đó.

Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Trước khi ê-kíp vào thành phố, anh Hoàng Long - Trưởng phòng Biên kịch Biên tập, cũng là trưởng nhóm làm phim, đã lên ý tưởng nội dung phim: Chuyện ở Thành phố thức, về một thành phố im lìm, gần như mọi hoạt động đều đóng băng trong thời gian giãn cách, nhưng thực chất bên trong đó là bao nhiêu người không ngủ, để thực hiện chức trách nhiệm vụ chống dịch, bao nhiêu con người không ngủ nhiễm bệnh hay có người thân nhiễm bệnh, và bao nhiêu người không thể có giấc ngủ ngon vì mong mỏi chờ đợi đến ngày mọi thứ trở lại như xưa.

Và khi vào thành phố, chứng kiến những gì đang diễn ra, càng củng cố thêm cho chúng tôi rằng, những nội dung mình xác định đã đi đúng hướng. Bên trong vẻ tĩnh lặng im lìm của thành phố sôi động nhất đất nước này, bên trong mỗi trụ sở cơ quan chính quyền, hay bên trong mỗi ngôi nhà cửa đóng then cài suốt những tháng qua, là những trái tim không ngủ. Với cùng một nỗi khát khao, như Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Văn Nên từng chia sẻ: "Hơn 2 tháng rồi, chúng ta thèm một ngày không có COVID-19".

Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 4.

Hơn 1 tháng tác nghiệp nơi tâm dich, có lẽ tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc của nhiều năm cộng lại. Ấn tượng dữ dội ngay đầu tiên là hình ảnh của thành phố ngay lúc chúng tôi đặt chân tới đây. Không ai có thể tưởng tượng thành phố sôi động nhất cả nước mà giờ đây rất nhiều thời điểm trong ngày không có 1 bóng người. Những nơi vốn dĩ sầm uất nhất ở đây, có lúc chỉ có mấy anh em chúng tôi tác nghiệp.

Chúng tôi thấy những ngôi nhà đóng kín cửa, không một âm thanh phát ra, trong khi, trong tất cả những ngôi nhà ấy đều có người, và hầu hết là cả gia đình. Nhưng không tiếng cười vui, không tiếng tivi hay tiếng nhạc to nữa. Nó khiến tôi nhớ tới một số thước phim không có âm thanh, nhưng đè nén tâm hồn đến mức tột cùng. Và trong không gian ấy, thứ vang lên nhất, là tiếng xe cấp cứu. Thật sự là gây ám ảnh!

Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 5.

Một câu chuyện tác động mạnh vào cảm xúc của tôi, là ngày theo các cán bộ chiến sỹ của Bộ tư lệnh TP. HCM đi nhận tro cốt nạn nhân COVID-19, từ nghĩa trang Bình Hưng Hòa, để đưa về các gia đình. Ngồi trên chiếc xe tải, cạnh hơn 100 hũ tro cốt, bên trên mỗi hộp là mảnh giấy ghi tên tuổi, địa chỉ của những người, mà chỉ mới đây thôi, còn đang ở bên người thân đầm ấm sum vầy. Lúc rời xa người thân, vẫn còn là những con người bằng xương bằng thịt, mà khi trở về đã chỉ còn là nắm tro tàn.

Hình ảnh tôi sẽ không bao giờ quên được nữa, là thời gian thực hiện các tập phim tài liệu trong bệnh viện. Chứng kiến các bác sỹ lao vào cấp cứu cho bệnh nhân, ngay trước mắt mình, tôi đã đứng lặng cả người. Mãi một lúc sau, khi bệnh nhân lấy lại được hơi thở, tôi mới tĩnh trí lại và tiếp tục làm phim được. Rồi mỗi ngày, khi quay trở lại bệnh viện, lại nghe thông tin cô chú mình gặp hôm qua, đã ra đi vĩnh viễn, là một cảm giác khó hình dung. Thực sự đó là những lằn ranh sinh tử.

Chứng kiến những điều ấy, càng thấy cảm phục các y bác sỹ, các nhân viên y tế, đã tận tình nỗ lực suốt chừng ấy thời gian, dù những cảm xúc chất chồng, vẫn không nản lòng mà tiếp tục nỗ lực cố gắng cứu sống bao nhiêu người khác. Những gì họ đã làm được, thật sự không thể diễn tả bằng lời!

Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 6.
Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 7.

Trong một lần gặp đoàn làm phim, Chủ tịch TP. HCM Phan Văn Mãi chỉ gửi gắm chúng tôi một điều: "Các bạn ghi nhận và phản ánh chân thực những gì đang diễn ra. Những gì đang diễn ra là một phần của lịch sử". Đó cũng là mong muốn lớn nhất của chúng tôi. Sẽ không có một thông điệp nào được áp đặt ở đây cả, cái chúng tôi nỗ lực làm là ghi nhận chân thực tất cả những gì mà chúng tôi tận mắt chứng kiến và trải nghiệm, để từ đó, khán giả xem phim có thể tự rút ra được những thông điệp cho mình.

Thực hiện bộ phim này, là quãng thời gian chúng tôi đã cùng với chính quyền và nhân dân thành phố sống qua giai đoạn căng thẳng và đau thương nhất, vì vậy, dù mỗi người có thể có những các nhìn nhận đánh giá khác nhau về những gì đã xảy ra, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta đã sát cánh bên nhau, để vượt qua.

Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 8.
Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 9.

Gia đình, những người thương yêu nhất của tôi, đều ủng hộ khi tôi quyết định tham gia ê-kíp làm phim. Mọi người đều lo lắng, nhưng ai cũng hiểu, đó là một việc vô cùng ý nghĩa, và cần động viên khuyến khích. Mỗi ngày chúng ta đều thấy cả trăm cả nghìn người từ khắp các địa phương trên cả nước, xung phong vào tâm dịch để sát cánh cùng Thành phố, dù ai cũng biết sẽ đối mặt với nguy cơ gì. Nếu ai cũng ngăn cản, hay chùn bước, thì ai sẽ ra tuyến đầu đây.

Thực ra những ngày vào thành phố, tôi có giấu phụ huynh, vì sợ các cụ lo lắng nhiều ảnh hướng sức khoẻ. Nhưng rồi khi các cụ biết, thì các cụ còn động viên tôi rất nhiều. Lúc đó tôi mới nhận ra, ông bà bố mẹ mình đều đã sống qua thời hoa lửa, dành hết tuổi xuân để chiến đấu mang lại hoà bình cho đất nước. Vì vậy, các cụ quá hiểu tâm lý của những người trẻ của thế hệ này, khi muốn xung phong trong một "cuộc chiến" không tiếng súng, để hỗ trợ đồng bào thân yêu của mình, để nỗ lực mang cuộc sống bình yên trở lại. Tôi thấy những gì mình làm còn quá nhỏ bé so với những gì các cụ đã làm, đã trải qua. Vì vậy, chẳng nên chần chừ gì cả, hãy cứ nỗ lực và nỗ lực hơn nữa thôi!

Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 10.
Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 11.

Thú thực là tôi cố gắng làm việc thật nhiều, thật bận rộn, đến mức còn rất ít thời gian để nhớ mọi người. Như thế thì sẽ tốt hơn. Khi nhớ những người thân yêu của mình quá, thì tôi nghĩ đến việc đang có cả trăm nghìn người giống như tôi, xa gia đình, xa người thân thậm chí 3, 4 tháng chưa gặp mặt, họ cố gắng được thì mình cũng hãy cố gắng.

Theo thống kê thì số nhân lực chống dịch của TP. HCM là hơn 150 nghìn người, nhân lực hỗ trợ từ cả nước là 24 nghìn người. Chừng đó người, dù xa gia đình cả ngàn cây số, hay là ở ngay cạnh gia đình mình trong một Thành phố, thì suốt thời gian qua cũng không hề được gặp mặt người thân. Và như thế, chừng ấy người, sẽ nỗ lực hết sức mình để dịch bệnh được kiểm soát sớm nhất có thể, để sớm đến ngày đoàn tụ với những người yêu thương nhất.

Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 12.
Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 13.

Chúng ta đang trong một cuộc chiến. Để chiến thắng trong một cuộc chiến cần gì: Cần sự vững vàng quyết liệt với những quyết sách đúng và trúng của chính quyền; cần sự đồng lòng, nỗ lực của nhân dân với những quyết sách ấy. Vì vậy, chỉ có sự thông hiểu, đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau từ chính quyền tới nhân dân thì mới tạo nên sức mạnh để chúng ta kiểm soát được dịch bệnh sớm nhất có thể.

Tôi rất thích một chương trình mang tên "Dân hỏi, Thành phố trả lời" mà Bộ Thông tin Truyền thông, phối hợp với TP. HCM thực hiện trên mạng xã hội thời gian gần đây. Tôi nghĩ, nhà báo hãy giống như vậy, là cầu nối nhanh nhất và dễ dàng nhất, để những gì người dân nói, được chính quyền lắng nghe; những gì chính quyền làm tốt, được bà con ghi nhận; những gì còn bất cập, được sửa chữa sớm nhất. Dù phản ánh vấn đề gì, câu chuyện gì dù tích cực hay tiêu cực, nếu lấy đó làm mục đích cuối cùng, báo chí sẽ mang đến sức mạnh to lớn cho cuộc chiến này.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch - Ảnh 14.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước