Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA
e-magazine

“Sự trả thù”
của những thứ bị vứt đi

Phiên chợ bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng nay đã bắt đầu vãn. Vẫn là khung cảnh quen thuộc lúc tàn chợ: đường xá ẩm ướt, những chiếc túi nilon nằm vất vưởng hoặc chất thành từng đống. Những bà nội trợ tay xách lủng lẳng từng bọc hàng hóa, có khi là hai ba cái chồng vào nhau vì sợ rách. Chiếc túi nilon nhỏ gọn, tiện dụng, gói kín những con cá biển, miếng thịt tươi rói. Những người chạy xe ôm treo vắt vẻo trên tay lái ly cà phê đen buổi sáng. Chiếc túi nilon, ly nhựa đồ uống dùng một lần sau khi vứt đi không chỉ nằm yên vị tại các bãi rác mà trở thành thức ăn của nhiều sinh vật biển. Mới đây, xác một chú cá voi xấu số trôi dạt vào bờ biển Indonesia với hơn 6 kg nhựa trong bụng khiến nhiều người bị sốc. Nhưng rác thải nhựa không chỉ có trong bụng của cá. Con người cũng đang “ăn” nhựa mỗi ngày mà không hề hay biết.

Nhựa đang đi vào dạ dày con người mỗi ngày

uy chỉ mới được sử dụng phổ biến cách đây gần 100 năm, nhưng chất dẻo (hay còn gọi là “nhựa”, “mủ”) hiện nay đang chi phối hầu như toàn bộ cuộc sống của chúng ta: từ túi nilon, bình đựng nước, đồ điện tử,… cho đến thẻ tín dụng. Sự tiện dụng và giá thành rẻ khiến chúng trở nên phổ biến và dần trở nên không thể thay thế. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt và lợi ích càng nhiều thì tác hại càng khó lường.

Chiếc túi nilon đựng cá, chai nước suối vứt đi,… có thể chỉ được dùng một lần nhưng lại tốn đến gần 500 năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Trong quá trình phân hủy, rác thải nhựa phân mảnh thành những hạt vi nhựa li ti trôi nổi trong môi trường.

Chúng tồn tại trong nước bạn dùng sinh hoạt, muối ăn bạn sử dụng, trong bia bạn uống và thậm chí là lơ lửng trong không khí. Những con cá được đựng trong những chiếc túi bóng đầy màu sắc rất có thể bên trong chúng cũng chứa những hạt vi nhựa. Và rồi chúng trở thành một món ăn trong bữa cơm gia đình bạn. Một vòng tuần hoàn kín đã được tạo ra mà ở đó, con người đang phải hấp thụ những gì họ từng vứt đi.

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học ở Đại học Vienna (Áo) đã tiến hành một cuộc khảo sát trên diện rộng và cho ra một kết quả bất ngờ: 100% số tình nguyện viên tham gia đều bị nhiễm hạt vi nhựa. Cụ thể, các nhà khoa học đã xét nghiệm phân của 8 tình nguyện viên ở Anh, Phần Lan, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan, Nga và Áo. Kết quả cho thấy cứ mỗi 10 g phân lại chứa 20 hạt vi nhựa.

36/ 39 mẫu muối ăn được nhóm các nhà khoa học ở Hàn Quốc và tổ chức Greenpeace châu Á lấy trên khắp thế giới sau khi phân tích cũng phát hiện có hạt vi nhựa. Mật độ hạt vi nhựa cao nhất là trong sản phẩm muối bán tại Indonesia – đất nước từng bị xếp thứ hai trong danh sách các quốc gia ô nhiễm nhựa nhiều nhất thế giới.

Đại dương
sẽ có nhiều nhựa
hơn cá vào năm 2050?

Có một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về vị vua Midas chạm vào thứ gì thứ ấy biến thành vàng, ban đầu ông rất vui về việc này nhưng khi tất cả mọi thứ đều biến thành vàng thì ông mới nhận ra nỗi đau khổ tột cùng. Thế giới cũng chúng ta dường như cũng có một vị vua Midas mang tên “nhân loại” và mọi thứ cũng đang dần biến thành… nhựa.

“Vị vua Midas mang tên nhân loại” không chỉ đang gây đau khổ cho chính mình mà đã và đang reo giắc nỗi ám ảnh lên những loài sinh vật cùng chung sống trên Trái Đất. Theo nghiên cứu của đại học Plymouth (Anh), hơn 700 loài sinh vật biển đã ăn phải hoặc mắc kẹt bởi nhựa và túi nilon. Sự thật đau buồn rằng khi ăn phải nhựa, chúng thường sẽ cảm thấy mệt mỏi và đói bụng cồn cào hơn nên sẽ tiếp tục ăn thêm. Những mảnh nhựa nhỏ cũng có thể làm rách bao tử của các loài chim biển.

Nghịch lý rằng những loài sinh vật vô tội đang phải chịu hậu quả cho một việc mà không phải do chúng tạo ra. Chúng chỉ kiếm ăn và chết vì vô tình ăn phải những “con sứa nilon” – thứ đang ngày càng ngập tràn trong đại dương hoặc bị mắc kẹt bởi một chiếc vòng nhựa nào đó. Mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa. Những đoạn video, hình ảnh về những chú chim, rùa, cá voi đáng thương ăn hay mắc phải rác thải nhựa được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nhưng đáng buồn là lượng rác thải nhựa được thải ra môi trường cũng đang gia tăng với tốc độ chóng mặt không kém.

Gần 2 triệu chiếc túi nilon, 1 triệu chai nhựa được sử dụng mỗi phút, và hơn nửa triệu chiếc ống hút nhựa được dùng mỗi ngày, đi kèm với hơn 500 tỷ chiếc cốc nhựa mỗi năm. Khoảng 5 đến 13 triệu tấn nhựa bị đổ xuống đại dương mỗi năm và bị chim biển, cá và các sinh vật khác ăn vào. Nghiên cứu của Quỹ Ellen MacArthur dự báo đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa trong đại dương sẽ nặng hơn khối lượng cá.

-->

CHUNG
TAY

Hạn chế rác thải nhựa: Muộn còn hơn không

TUỔI THỌ CỦA RÁC THẢI

TÚI
20 NĂM

LY NƯỚC
30 NĂM

ỐNG HÚT
200 NĂM

CHAI NHỰA
450 NĂM

Tác động của rác thải nhựa mà cụ thể là từ những hạt vi nhựa đi vào cơ thể con người là khá phức tạp vì chất thải nhựa không chỉ bao gồm chất dẻo mà còn có các chất phụ gia khác: phẩm màu, chất chống tia cực tím, chất chống thấm, chất chống cháy, chất làm cứng, chất làm mềm,… Một số hóa chất được coi là chất gây rối loạn nội tiết - các hóa chất cản trở chức năng nội tiết tố bình thường, thậm chí khiến tăng cân. Chất chống cháy có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não ở bào thai và trẻ em; các hợp chất khác còn có thể gây ung thư hoặc dị tật bẩm sinh.

Không chỉ là vấn đề môi trường hay sức khỏe con người, chi phí để xử lý rác thải nhựa cũng tạo ra một gánh nặng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó còn tồn tại một nguồn chi phí khổng lồ chi cho việc cải thiện môi trường và giải quyết các vấn đề sức khỏe do môi trường bị ô nhiễm, ví dụ rác thải trên đại dương gây thiệt hại cho hệ thống sinh thái biển ít nhất 8 tỷ USD/năm.

Mọi người đang chung tay trước khi quá muộn, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đã có động thái tích cực trong cuộc chiến chống lại chính những gì nhân loại tạo ra – cuộc chiến với rác thải nhựa.

Châu Âu là khu vực đi đầu trong nỗ lực này khi có đề xuất cấm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần và tái chế toàn bộ bao bì nhựa vào năm 2030. Chile cũng trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ thông qua lệnh cấm túi nilon sử dụng một lần, cùng các quốc gia có động thái tương tự như Colombia, Panama, Costa Rica,…

Tại Châu Á, Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải. Indonesia – quốc gia đứng thứ hai thế giới về xả rác ra đại dương – cũng đã huy động quân đội tham gia “cuộc chiến” chống rác thải nhựa với cam kết tới năm 2025 giảm 70% lượng chất thải nhựa trên biển.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính phủ, các tập đoàn và nhiều công ty lớn cũng đã có những động thái nhằm giảm thiểu tiêu thụ nhựa. Addidas hiện đang đẩy mạnh sử dụng nhựa tái chế và hứa hẹn rằng đến năm 2024 sẽ chỉ sử dụng loại nhựa này. Các công ty khác như Starbucks, McDonald’s, IKEA,… cũng có những động thái tương tự.

Ở mức độ vi mô, hiện đang có rất nhiều phong trào bảo vệ môi trường được hưởng ứng mạnh mẽ bởi nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Tiêu biểu có thể kể đến là phong trào 3R đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện: reduce (giảm thiểu) - re-use (tái sử dụng) - recycle (tái chế).

Phong trào này được hưởng ứng bởi việc sử dụng các loại túi tái sử dụng, ống hút tre và ly kim loại mang theo,…Mọi người thay vì sử dụng những loại chai nước, túi nilon, ống hút hay ly nước dùng một lần đã mua và mang theo những đồ dùng có thể tái sử dụng để dùng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức phi lợi nhuận cũng có nhiều chiến dịch thu gom và tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích.

Tuy nhiên, một vài giải pháp chỉ có thể giảm thiểu mà không thể giải quyết triệt để được vấn đề. Thậm chí nhiều cách còn phản tác dụng. Chúng ta vẫn chưa tìm ra được vật liệu thích hợp để thay thế được chất dẻo. Theo một nghiên cứu gần đây của chính phủ Đan Mạch, việc sản xuất túi nilon dùng một lần tiêu tốn rất ít năng lượng và tạo ra lượng khí CO2 thấp hơn nhiều so với những loại túi tái sử dụng. Theo đó, chúng ta cần sử dụng túi tái sử dụng của mình hơn 7.000 lần thì mới hiệu quả hơn trong việc bảo vệ môi trường so với túi nilon.

“Bọn mình luôn cố gắng hết sức, nhưng cũng luôn cảm thấy… hết sức.
Mọi người dường như chỉ quan tâm đến sự tiện lợi và điều này cũng dễ hiểu.
Phân loại rác thải tại nguồn thật bất tiện, không sử dụng túi nilon cũng thật bất tiện,…
trong khi đó cứ dùng một lần rồi vứt đi thì lại vô cùng tiện lợi.
Mọi người chưa nhìn thấy được sự nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường và vì thế động lực dường như bằng không,
dù trong thâm tâm ai cũng muốn làm việc tốt cả.”

Hoài An

Hoài An, sinh viên trường Đại học Ngoại Thương, hiện đang là tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường, chia sẻ những trăn trở.

Khi vòi nước của chúng ta bị tràn, chúng ta sẽ không lấy thêm xô để đựng nước hay lấy khăn để lau nước đi, chúng ta đơn giản sẽ khóa vòi nước lại trước. Vấn đề rác thải cũng thế. Nghĩ về những điều tốt đẹp không khiến thế giới tốt đẹp hơn, hãy hành động bắt đầu bằng việc đơn giản nhất, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút và chai nhựa.

Một số gợi ý để giảm thiểu rác thải nhựa

- Từ chối sử dụng túi nilon khi có thể.

- Dùng một túi lớn để đựng thay vì nhiều túi nhỏ.

- Ủng hộ những mặt hàng sử dụng nhựa tái chế.

- Mang theo bình nước và ống hút cá nhân để sử dụng.

- Không sử dụng các sản phẩm có chứa hạt vi nhựa (sữa rửa mặt, sữa tắm, kem đánh răng,… khi sử dụng có thể cảm nhận trong dung dịch có chứa hạt li ti).

- Thu gom rác nhựa để bán cho các vựa phế liệu thay vì vứt đi.

- Tận dụng các chai nước đã vứt đi để làm đồ handmade.

- Trao đổi với bạn bè và người thân về những phương pháp trên.

e-Magazine

Thực hiện:
Bài: Trần Tiến
Design: Duy Nguyễn

26/11/2018