VTV.vn - Mỗi giờ lại có 45 người chọn cách từ giã cõi đời vì trầm cảm.Theo Viện sức khỏe tâm thần, trầm cảm là nguyên nhân khiến khoảng 40.000 người tự tử mỗi năm ở Việt Nam.

rong năm 2017, người hâm mộ thế giới vô cùng đau lòng khi nghe tin Kim Jong Hyun – thành viên nhóm nhạc SHINee – và Chester Bennington, giọng ca chính của nhóm Linkin Park, tự sát vì trầm cảm. Tra cứu từ khóa "tự sát vì trầm cảm" trên Google, có đến hơn 17.100.000 kết quả trong 0.44 giây, một con số đáng kinh ngạc.

Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Theo WHO, có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm, tức là cứ mỗi giờ lại có 45 người chọn cách từ giã cõi đời vì căn bệnh này.

Tại Việt Nam, số người tự sát vì trầm cảm cũng rất đáng báo động. Theo số liệu từ Viện sức khỏe tâm thần, trầm cảm là nguyên nhân khiến khoảng 40.000 người tự tử mỗi năm ở nước ta.

Trầm cảm: Căn bệnh có thể gây chết người nhưng vẫn bị xem nhẹ - Ảnh 2.

Trầm cảm không phải là căn bệnh của thời hiện đại như mọi người vẫn lầm tưởng. Đây là một căn bệnh có yếu tố di truyền, được gắn sẵn trên gen và yếu tố môi trường chỉ là thứ kích thích nó phát tác. Số lượng người trầm cảm ngày càng nhiều là do dân số ngày càng đông, tuổi thọ ngày càng cao và các phương pháp chẩn đoán trầm cảm đã tiên tiến và chính xác hơn.

Tuy nhiên, áp lực của xã hội hiện đại đối với giới trẻ ngày càng lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến số lượng người trẻ mắc bệnh trầm cảm ngày càng tăng. Chưa bao giờ như bây giờ, cụm từ "con nhà người ta" lại trở nên phổ biến như thời điểm hiện tại. Hàng loạt thông tin về hình mẫu người trẻ với nghề nghiệp, lối sống, ngoại hình lý tưởng đã tạo ra một thước đo vô hình mà ở đó, chỉ những người vượt qua được chỉ tiêu mới đáng được đánh giá cao. Bức thư tuyệt mệnh của Kim Jong Hyun một lần nữa khiến chúng ta phải nghĩ lại.

Trầm cảm: Căn bệnh có thể gây chết người nhưng vẫn bị xem nhẹ - Ảnh 3.

Mặc dù sự quan tâm của xã hội đối với trầm cảm đã cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, nhưng sự thờ ơ của mọi người đối với các vấn đề tâm lý vẫn còn rất lớn. Người trẻ dường như không có quá nhiều nơi để chia sẻ cảm xúc của mình, nhất là rủi ro khi chia sẻ như nhận được phản hồi tiêu cực từ người xung quanh khiến họ phải dè chừng hơn. Mọi người dường như phải giấu nhẹm đi vấn đề của mình dù đó không phải lỗi của họ, cho đến khi tình hình trở nên tệ đi.

Việc chia sẻ với người thân đặc biệt là cha mẹ, theo một số người trẻ, cũng gặp nhiều khó khăn. Trong mắt con cái, các bậc phụ huynh có một khoảng cách vô hình lớn với họ.  Đôi khi cha mẹ còn là nguồn cơn gây ra những cảm xúc tiêu cực, hoặc thường xem nhẹ cảm xúc của con. Ngay cả với những người bạn đồng trang lứa, người bệnh cũng khó nói ra được vấn đề của mình vì dễ bị trêu chọc hoặc nhận được những lời khuyên vô thưởng vô phạt khiến tình hình trở nên tệ hơn.

Trầm cảm: Căn bệnh có thể gây chết người nhưng vẫn bị xem nhẹ - Ảnh 4.
Trầm cảm: Căn bệnh có thể gây chết người nhưng vẫn bị xem nhẹ - Ảnh 5.

"Bạn bè bảo rằng tôi chỉ đang làm quá mọi chuyện lên", Vy chia sẻ, "và tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi nghĩ chắc do mình quá nhạy cảm với nỗi buồn". Vy năm nay 20 tuổi, cô đã sống chung với căn bệnh trầm cảm từ năm 17 tuổi và hiện vẫn đang trong quá trình điều trị. Ở giai đoạn đầu, cô chỉ cảm thấy tâm trạng nặng nề, mất ngủ và chán ăn. "Tôi đã nghĩ nó liên quan tới chu kì kinh nguyệt, nên đã mặc kệ nó", Vy kể lại.

Trầm cảm không chỉ là… "cảm giác". Não bộ của người trầm cảm có sự biến đổi về mặt vật lý và hóa học. Đặc trưng là sự suy giảm nghiêm trọng các chất dẫn truyền thần kinh trung ương như: serotonin, noradrenalin, dopamin… Bên cạnh đó, một số vùng não cũng có dấu hiệu thu nhỏ hoặc giãn rộng.

Điều đó có nghĩa là, Vy hay các bệnh nhân trầm cảm khác, đơn giản là không thể cảm thấy tích cực. Hai từ "trầm cảm" có lẽ không đủ để diễn tả mức độ nghiêm trọng của căn bệnh. Từ này thường gợi ra một cảm giác buồn bã u tối giống như nỗi buồn của một người thất tình nhưng thực tế nó tệ hơn nhiều. Nó là cảm giác của một người đang đứng trước bờ vực tự sát, và khó có từ nào có thể diễn tả đầy đủ cảm giác tệ hại ấy. Đó không chỉ là sự mất mát hay buồn bã, nó là kiểu mất đi sinh lực. Khi bạn bị trầm cảm, bạn sẽ không còn hứng thú để làm bất cứ việc gì kể cả việc bình thường nhất.

"Tôi dần đánh mất hứng thú với những việc tôi từng yêu thích dù chẳng hiểu tại sao. Mọi việc dường như đều quá sức với tôi, kể cả việc thức dậy và đánh răng rửa mặt hay việc đưa tay với lấy điện thoại" – Vy nhớ lại.

Cô kể rằng việc phải mở miệng giao tiếp là cả một cực hình và cô cũng chẳng còn đủ sức hay cảm giác ngon miệng để ăn uống. "Và tôi biết rằng mình không ổn, tôi cần kêu cứu, may mắn là gia đình tôi đã nhận ra và đưa tôi đi khám. Nhiều người không có được may mắn này", cô chia sẻ.

Vấn đề của người trầm cảm nói riêng hay người bị bệnh tâm lý nói chung là họ thường không nghĩ mình bị bệnh. Có nhiều người lúc nào cũng cảm thấy tiêu cực do bệnh lý đã tác động đến cảm xúc của họ, nhưng họ thường không cho rằng là do có bệnh. Họ nghĩ rằng họ là những người sáng suốt thấy được sự thật trần trụi về thế giới, còn những người khác chỉ đang bị lừa vì nhìn đời qua lăng kính màu hồng - một thế giới mà ở đó, chẳng ai yêu thương họ cả.

Trầm cảm: Căn bệnh có thể gây chết người nhưng vẫn bị xem nhẹ - Ảnh 6.

"Tôi cảm thấy quá đơn độc, cảm giác dường như chẳng ai đứng về phía mình. Có những lúc tôi như mất trí, cảm thấy sợ hãi mọi thứ, sợ cả ánh sáng lẫn những âm thanh quen thuộc nhất. Chưa bao giờ tôi thấy việc sống lại khổ sở thế này", Đạt – một kỹ thuật viên dựng video – chia sẻ.

Những lúc rơi vào trạng thái tiêu cực, anh thường chọn cách vẽ. Vô tình đây cũng là cách khiến anh giải tỏa và theo anh là có thể khiến anh lấy lại quyền làm chủ tinh thần. Đạt chia sẻ rằng anh đã thôi thu mình và suy nghĩ tiêu cực mỗi khi đặt bút vẽ. "Tôi đã bắt đầu giao tiếp với mọi người và nhận ra thế giới không vô cảm như mình nghĩ, anh cười.

Nhưng tự vượt qua không phải là một chuyện đơn giản, nếu không muốn nói là hy hữu. Nhiều người trong lúc cảm xúc tụt xuống tận đáy đã chọn cách tự làm đau bản thân (self-harm). Vy là một trong số đó. Cô rạch tay không phải vì để gây sự chú ý hay muốn như vậy mà chỉ vì nó khiến cô cảm thấy đỡ hơn.

Vy được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nặng và được điều trị bằng sốc điện. Hiện nay cô vẫn tiếp tục dùng thuốc nhưng đã đỡ hơn rất nhiều, việc giao tiếp và hòa nhập với mọi người nay đã không còn khó khăn nữa. Cô hiện có thể tiếp tục học và bắt đầu có cảm xúc với những thứ mà cô mất hứng thú trước đây. "Tôi mừng vì mình có thể giận hờn người yêu, thay vì cảm thấy khổ sở với việc cầm đũa ăn cơm", cô cười.

Trầm cảm: Căn bệnh có thể gây chết người nhưng vẫn bị xem nhẹ - Ảnh 8.

Hiện nay đã có nhiều liệu pháp điều trị đối với bệnh trầm cảm, bao gồm sốc điện, sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế như khả năng thành công không hoàn toàn hay tác dụng phụ của thuốc nhưng đây vẫn là những liệu pháp tối ưu nhất.

Bên cạnh những liệu pháp y khoa, còn có những phương pháp chữa trị phi chính thống khác. Đó là làm những việc mà bệnh nhân sẽ cảm thấy tốt hơn. Đó có thể là viết lách, chia sẻ với người họ tin tưởng, vẽ tranh, thiền, làm đồ thủ công hay thậm chí là nhảy nhót. Nhiều người xem đây như là cách để lấy lại sự kiểm soát đối với những cảm xúc. Nếu như bạn xem hài khi bị bệnh tim và cảm thấy vui hơn nhưng bệnh tim vẫn ở đó không hề thuyên giảm, thì đối với bệnh trầm cảm, việc bạn cảm thấy tốt hơn là một yếu tố tác động không nhỏ đến tình trạng bệnh.

Một điều quan trọng khác, thái độ của người bệnh cũng là yếu tố quan trọng. Chối bỏ trầm cảm chỉ khiến bệnh nặng thêm, sự né tránh chỉ khiến trầm cảm lớn dần. Có một số người sau khi vượt qua được giai đoạn trầm cảm nhẹ có thái độ tiêu cực đối với những người khác đang trong giai đoạn trầm cảm, và gạt phắt đi quá khứ đau buồn của chính mình. Nhưng trầm cảm luôn ở trong mỗi người, thái độ tiêu cực chỉ khiến chúng có thể trỗi dậy trở lại một lần nữa.

Nếu bạn đang hoặc đã sống chung với căn bệnh trầm cảm, hãy chấp nhận nó, điều này sẽ khiến bạn có một sự dẻo dai về mặt tinh thần, một sự tự chủ và chuẩn bị tốt hơn khi đón "người khách không mời" ở trong chính mình.

Sự cảm thông và tôn trọng từ những người xung quanh cũng rất quan trọng. Những lời khuyên vô thưởng vô phạt hay những lời trách móc chẳng khác nào một cú đẩy người bệnh đến gần hơn với bờ vực tuyệt vọng. Không ai trong chúng ta muốn điều đó xảy ra cả.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Trầm cảm: Căn bệnh có thể gây chết người nhưng vẫn bị xem nhẹ - Ảnh 9.
 
Trần Tiến
Duy Nguyễn
6/11/2018

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước