Năm 2022 là năm ngành Giáo dục tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 suốt gần 3 năm liên tiếp. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, ngành Giáo dục vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học và thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học trên toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Đến thời điểm tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường. Mở cừa trường học và đưa học sinh quay trở lại trường học là quyết tâm lớn vủa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục.

Cùng với việc mở cửa trường học là rất nhiều việc đã và đang được ngành Giáo dục triển khai nhằm củng cố những chỗ hổng kiến thức, kỹ năng, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với chất lượng giáo dục. Những việc này có thể phải mất nhiều năm, song ngành Giáo dục xác định sẽ kiên trì và quyết tâm giải quyết.

Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều mặt các hoạt động của cơ sở giáo dục, tác động đến đời sống của người dạy, người học, nhất là với hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Hàng trăm trường tư thục đã phải đóng cửa, hàng ngàn giáo viên phải nghỉ việc.

Để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời đối với các cơ sở giáo dục, người dạy, người học, nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ và ngành giáo dục triển khai như: gói hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên; gói hỗ trợ tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; hỗ trợ với mức từ 2,2 triệu hoặc 3,7 triệu đồng đối với giáo viên mầm non, tiểu học trường ngoài công lập khó khăn do COVID-19; gói hỗ trợ đầu tư triển khai chuyển đổi số ... Các chính sách hỗ trợ vẫn đang tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030”.

Thiếu giáo viên không phải vấn đề mới, song năm 2022 là năm vấn đề này bộc lộ rõ nhất. Không chỉ thiếu giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc do các nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc và do nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa cũng là vấn đề nổi cộm của 2022. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, do đó, các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.

Một trong các chính sách quan trọng đang được Chính phủ xem xét là tăng lương cho giáo viên. Đây sẽ là giải pháp ý nghĩa, hiệu quả để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác. Giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, vì vậy, Bộ GDĐT đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.

Hiện, Bộ GDĐT cũng tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Bộ GDĐT cũng xem xét những phương diện liên quan đến công tác tư tưởng, xây dựng môi trường văn hóa học đường, đổi mới quản trị của các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất.

Năm 2022 đánh dấu nửa chặng đường đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với một khối lượng công việc rất lớn đã được hoàn thành trong bối cảnh ngành tiếp tục ứng phó với nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Năm học 2022-2023 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, qua đó cải thiện chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.

Với một số môn học mới, môn học bắt buộc được triển khai trong năm học, Bộ GDĐT đã có những hướng dẫn, chỉ đạo địa phương để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện. Năm 2022, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GDĐT đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, từ đó điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự bố trí phù hợp về thời lượng và tính chất đối với môn Lịch sử.

Năm 2022, học sinh vào học chính thức đã được 2 tuần, nhưng sách giáo khoa (SGK) vẫn thiếu, nhất là đối với các lớp thay sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, từ lớp 10, học sinh sẽ học 6 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và hoạt động trải nghiệm, hoạt động hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Các môn còn lại sẽ được dạy theo các môn chuyên đề lựa chọn.

Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn phê duyệt 3 bộ SGK từ tiểu học đến THPT, gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành 2 bộ là Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ Cánh diều do 2 NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm.

Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ rơi vào các lớp thay sách mà cả các lớp cận kề như lớp 4, lớp 11 và mang tính cục bộ, mỗi lớp thiếu một hoặc hai môn nào đó.

Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các NXB đảm bảo cung ứng đủ SGK cho học sinh. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các giám đốc Sở GD&ĐT thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong đó nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học.

Sau đó, GD&ĐT đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỉ đồng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. Khi đó, sách mượn sẽ đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh; các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã giao bộ phận chuyên môn tính toán và đưa ra 3 phương án: Trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, mua sách cho 70% nhu cầu và chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi phân tích, tính toán, Bộ GD&ĐT đã lựa chọn phương án sẽ mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh mượn, đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học. Nếu được phê duyệt, phương án này sẽ áp dụng cho năm học 2023-2024. Tuy nhiên, phương án này đang vấp phải nhiều ý kiến từ chính những người trong cuộc, giáo viên, hiệu trưởng các trường học.

Năm 2022, Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao. Năm 2022 - sau 19 năm kể từ năm 2003, Việt Nam có một học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42 điểm; lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic Vật lý quốc tế có một học sinh mới học lớp 10 đoạt Huy chương Vàng; đội tuyển dự Olympic Hoá học quốc tế có 4 học sinh dự thi cả 4 em đoạt Huy chương Vàng.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên, các nhà trường và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.

Năm 2022, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong cả nước với 2.243 điểm thi, 42.293 phòng thi và 989.863 thí sinh dự thi. Đây là năm đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022.

Việc đăng ký dự thi của thí sinh theo hình thức trực tuyến diễn ra an toàn, thuận lợi.

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 1.002.432; trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510.

Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và được triển khai đúng kế hoạch đề ra. Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Công tác chấm thi theo đúng tiến độ, bảo đảm đúng quy trình, đúng quy định. Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 là 98,57%.

Lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý lọc ảo chung trên hệ thống. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các cơ sở đào tạo công bố.

Điều này đã mang lại những kết quả tích cực như: Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực; các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất; Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố; Bộ GD&ĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh. Công tác tuyển sinh cũng là điểm sáng nổi bật đã được Chính phủ ghi nhận và báo cáo trước Quốc hội kỳ họp vừa qua.

Năm 2022 ghi nhận nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Giáo dục. Trước đó, trong 2 năm (2020-2021) ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đối số giáo dục diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để đáp ứng yêu cầu thực tế. Bộ GD&ĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông, đồng thời đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên và gần 21 triệu hồ sơ học sinh.

Năm 2022, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để, từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học. Kết quả trên đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là “tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng cho người dân”.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục và xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông. Bộ GD&ĐT cũng sẽ sớm đưa vào triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành. Hệ thống học liệu mở, trong đó có các bài giảng điện tử thu thập qua các cuộc thi và các nguồn học liệu khác nhau cũng được tăng cường.

Năm 2022, hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) đã được tổ chức trên cả nước với tinh thần giản dị, tiết kiệm, qua đó cổ vũ, động viên, tôn vinh và khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo Việt Nam - những người đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Bộ GDĐT đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như gặp gỡ, tôn vinh 400 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước; tri ân các nhà giáo lão thành có đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục; tôn tạo, nâng cấp các công trình di tích quan trọng của ngành…

Ngày 24/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Triển khai Nghị quyết này, hệ thống giáo dục đại học đã có bước tiến dài, các nguồn lực được khơi thông và năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy. Tuy nhiên, thực tế, tự chủ đại học cũng đang đặt ra những vấn đề cần phải được nhìn nhận, rà soát, đánh giá lại để đi vào chiều sâu.

Tháng 8/2022, Bộ GDĐT đã phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị tự chủ đại học. Tại đây nhiều kinh nghiệm đã được chia sẻ, nhiều vấn đề khúc mắc đã được trao đổi và nhiều kiến nghị đã được đặt ra. Từ thông tin của Hội nghị này, cũng như những vấn đề từ thực tiễn, Bộ GDĐT đang tiến hành điều chỉnh chính sách, để làm cho tự chủ đại học trong thời gian tới đi vào chiều sâu, đầy đủ hơn và tạo thêm điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Sau một thời gian học trực tuyến, khi học sinh quay trở lại trường, vấn đề nhức nhối bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng về mức độ và tính chất, giáo viên bạo hành học sinh, học sinh bạo hành lẫn nhau gây lo lắng cho phụ huynh và học sinh.

Vụ nữ sinh lớp 8 bị đưa vào nhà vệ sinh đánh và lột đồ quay clip; nam sinh lớp 11 ở Long An bị bạn đánh tử vong hay 1 nữ sinh lớp 8 bị đánh toác đầu do không mua nước uống cho bạn,… là 3 trong số những vụ bạo lực học đường rúng động trong năm 2022 vừa qua.

Đây là vấn đê cần được các nhà quản lý giáo dục giải quyết triệt để hơn trong năm 2023 này.

Năm 2022, với vai trò là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN tại Hà Nội từ ngày 11-14/10. Chuỗi hội nghị quan trọng này có chủ đề xuyên suốt “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.

Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, những kinh nghiệm trong việc mở cửa trường học, dạy và học trong giai đoạn hậu COVID-19. Đồng thời, thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng giáo dục ASEAN lần thứ 12; Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng giáo dục ASEAN+3 lần thứ 6; Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng giáo dục Đông Á lần thứ 6.

Tháng 9/2022, đoàn đại biểu Bộ GDĐT Việt Nam do Bộ trưởng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục tại New York, Hoa Kỳ. Hội nghị do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chủ trì, với sự tham dự của 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng đã chia sẻ một số quan điểm và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững trong giáo dục.

Năm 2022 cũng đánh dấu nhiều hoạt động, sự kiện quốc tế về giáo dục và đào tạo được tổ chức tại Việt Nam hoặc có sự tham gia tích cực của Việt Nam, qua đó cho thấy vai trò và nỗ lực của giáo dục Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của luật Giáo dục đại học năm 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, quy định của pháp luật thì việc chuyển Trường Đại học thành Đại học không đơn giản là việc chuyển tên cơ sở giáo dục đại học mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, phải có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo; qua đó, cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.

Điều đó không thể là thay tên gọi như một kiểu “bình mới rượu cũ” mà cần phải có thời gian để phát triển theo định hướng đã được quy định và ngày càng phải chất lượng, hiệu quả hơn trước.

Như vậy cũng không có nghĩa là tất cả các Trường đại học đều phải phát triển thành Đại học mới là tốt. Có những trường nhỏ, đơn lĩnh vực nhưng vẫn luôn khẳng định được chất lượng cao trong mọi hoạt động.

Điểm khác biệt giữa việc thành lập các đại học trước khi có Luật số 34/2018 là hình thành bằng con đường/biện pháp hành chính; còn theo Luật số 34/2018 thì các đại học tự chủ lựa chọn con đường phát triển theo những tiêu chí – định hướng đã được quy định.

Theo Luật số 34/2018, có hai cách để hình thành một đại học là: Chuyển trường đại học thành đại học theo cách mà Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa thực hiện và các trường đại học đang hoạt động tự nguyện liên kết thành đại học.

Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền chuyện đề tài luận án Tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của một nghiên cứu sinh. Chủ yếu trên các diễn đàn, mọi người đều bày tỏ quan điểm chê bai đề tài nghe có vẻ "bình dân" này. Bởi từ trước tới nay, nhiều người vẫn quan niệm đã là đề tài nghiên cứu thì phải hoành tráng, bác học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố kết quả thẩm định luận án trên không đạt vì hàm lượng nội dung không đủ thuyết phục, chứ không phải từ tên đề tài.

Một luận án Tiến sĩ khác cũng hứng chịu không ít "gạch đá" đó là "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực".

Về phía trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi có học sinh nghiên cứu luận án trên, PGS.TS Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và thời trang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã lên tiếng bảo vệ và xem đây là một luận án cần thiết.

Các nhà nghiên cứu, sinh viên học chuyên ngành này, cho rằng công trình nghiên cứu là thú vị, cần thiết. Chỉ có người trong nghề mới thấy được rõ hơn, sâu sắc hơn những kiến thức về chuyên môn, cho nên mới đánh giá được nội dung và giá trị của công trình.

Ngày 8/11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5871/BGDĐT-QLCL do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký về tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đúng quy định hiện hành, tại Công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương tăng cường công tác quản lý các tổ chức cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh chỉ cho phép các tổ chức cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, hoặc gia hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu tổ chức cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Trong thời gian qua, kỳ thi IELTS vẫn được xem là kỳ thi quan trọng và chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System) do được công nhận rộng rãi trên toàn cầu nên đây được xem là tiêu chí đánh giá và nhiều học viên theo đuổi để lấy chứng chỉ này. Với người đi làm, học sinh du học, đây là ‘thước đo’ đánh giá trình độ, năng lực tiếng Anh để họ có được cơ hội cao hơn. Với học sinh sinh viên, chứng chỉ IELTS là một trong những tiêu chuẩn cơ sở để các em được xét tốt nghiệp, hay đủ điều kiện dự thi vào các trường top đầu như mong đợi…

Trước thông tin trên, nhiều phụ huynh, học sinh sinh viên, người đi làm đều cảm thấy lo lắng. Sau đó tình trạng phải xếp hàng, quá tải xảy ra ở một số trung tâm được Bộ GD&ĐT cấp phép tổ chức thi trở lại, gây ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của của nhiều người.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao với nhiều thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo dục mũi nhọn của Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên toàn thế giới. Chỉ số xếp hạng các đại học của Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ, kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu cho thấy: Trong kỳ xếp hạng năm 2023, số trường được xếp hạng là 2.165 trường, thuộc 95 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu.