Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: "Trước dịch COVID-19, dù khách quốc tế đến Việt Nam chỉ chiếm 1/5 lượng khách nhưng chiếm đến 60% tổng doanh thu. Cụ thể, năm 2019, trong số 32 tỷ USD, du lịch quốc tế đã đóng góp 18 tỷ. Điều này khẳng định vai trò rất quan trọng của khách quốc tế".
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch quốc tế cũng góp phần quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, quá đó mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Tuy vậy, sau 1 năm mở cửa, dù du lịch nội địa bùng nổ với hơn 101 triệu lượt khách, nhưng Việt Nam mới đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, bằng 70% kế hoạch. Trong khi đó, Thái Lan đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế, Singapore - 6,3 triệu, Indonesia là 5 triệu lượt khách quốc tế… Các nước trên đều vượt mục tiêu đề ra.
Tính trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa, nhưng chỉ đón 1,8 triệu khách quốc tế.
Như vậy, nhìn vào các con số, so với các quốc gia láng giềng, du lịch Việt Nam "đi trước nhưng về chậm". Đánh giá cả yếu tố khách quan và chủ quan, còn nhiều điểm nghẽn trong thu hút khách quốc tế, khiến du lịch Việt Nam chưa thực sự phục hồi và phát triển như kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, dù nhiều năm qua, chính sách visa đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách khi tới Việt Nam nhưng so với các "đối thủ cạnh tranh" trong khu vực, chính sách vẫn chưa thuận lợi bằng, chưa kéo dài được thời gian lưu trú của khách.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, hạn chế trong chính sách visa khiến Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực vì du khách sẵn sàng chọn các điểm đến có chính sách cởi mở, thuận tiện hơn là điểm đến.
Hai tháng đầu năm, cả nước đón 1,8 triệu khách quốc tế nhưng khách đến từ những thị trường truyền thống, chi tiêu cao chiếm tỷ lệ thấp. Khách châu Âu chỉ chiếm 13.4 %.
Vì khách châu Âu chỉ được miễn thị thực 15 ngày ở Việt Nam nên nếu muốn trải nghiệm nhiều hơn du lịch Đông Nam Á, sau tour Việt Nam, du khách thường chọn tour đi Lào, Campuchia với giá 200-500 USD. Như vậy, du lịch Việt Nam mất đi một nguồn thu.
Nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho thấy, sau đại dịch du khách có xu hướng đi du lịch ít hơn nhưng dành thời gian lâu hơn ở một điểm đến. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, cần tăng số ngày cấp thị thực cho khách để tăng nguồn thu.
"Chúng ta cần đơn giản hoá thủ tục, mở rộng visa điện tử cho nhiều quốc gia hơn. Bên cạnh đó, kéo dài thời gian của visa du lịch, đến 30 ngày, thậm chí tôi nghĩ có thể lên đến 90 ngày. Đó sẽ trở thành lợi thế của Việt Nam", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam nhận định.
Tại hội nghị du lịch toàn quốc vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có đổi mới chính sách visa theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa Luật xuất cảnh, nhập cảnh. Tuy nhiên, sửa đổi Luật là cả một quá trình dài.
Trong thời gian này, các chuyên gia đề xuất nên mở rộng thêm việc miễn visa cho một số thị trường trọng điểm, mở rộng thêm danh sách các nước áp dụng e-visa, xem xét việc thí điểm cấp visa điện tử ở các cửa khẩu, tăng thêm các cửa khẩu có thể cấp visa điện tử…
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT công ty du lịch Viettraval, cần chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn, qua đó nâng cấp hệ thống e-visa, rút ngắn thời gian, xử lý được nhiều hơn so với mức 2000 người như hiện nay.
Thực tế cho thấy, mùa cao điểm du lịch như hè, các ngày nghỉ lễ, Tết là luôn là thời điểm lý tưởng để tăng tốc phục hồi du lịch do nhu cầu đi lại của khách tăng cao, nhưng giá vé máy bay không giảm mấy, thậm chí nhiều thời điểm còn tăng.
Lý giải cho sự khác biệt về giá này, bà Trần Nguyện - Phó tổng giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group cho biết: Nền công nghiệp du lịch Thái Lan có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, tạo ra những gói sản phẩm vô cùng hấp dẫn, tạo lợi thế cạnh tranh của các điểm đến.
"Đó không chỉ là vé máy bay, lưu trú và còn các dịch vụ khác như mua sắm, vui chơi giải trí cùng cộng hưởng, để tạo ra một gói combo sản phẩm hấp dẫn, cùng chia sẻ lợi nhuận, Ở Việt Nam, vì cơ cấu sản phẩm chưa được đa dạng, mới chỉ tập trung chủ đạo vào vé máy bay, lưu trú và ăn uống tại chỗ, nên mới có mức giá khác nhau về mức giá", bà Nguyện cho biết.
"Ở Việt Nam việc chia sẻ giữa các dịch vụ vẫn đang rất khó. Việc này đòi hỏi các tổ chức, các địa phương, các doanh nghiệp cần sự liên kết và tôi nhấn mạnh ở đây là "liên kết thực chất" với những hoạt động cụ thể, tài chính rõ ràng để tạo ra những sản phẩm du lịch tốt hơn", ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ.
Bên cạnh giá, yếu tố chính là các tour du lịch cũng bị đánh giá là nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn, nhất là với giới trẻ luôn cần những trải nghiệm mới.
Thêm vào đó, sản phẩm của các địa phương trong cùng một khu vực còn bị tình trạng "na ná nhau", thiếu sự liên kết. Tây Bắc nở rộng du lịch "phượt", du lịch "hoa" hay "cộng đồng". Còn sản phẩm du lịch sông nước ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm nay chưa khác biệt, đổi mới là mấy.
Dù một số thành phố của Việt Nam được mệnh danh là điểm đến du lịch giá rẻ trên thế giới, có nhiều lợi thế về thiên nhiên, văn hóa di sản, ẩm thực nhưng không phải là không có những điểm trừ. Một số du khách gặp phải nạn "chặt chém" ở các địa phương. Dù không nhiều nhưng để lại những hình ảnh "xấu xí" trong mắt du khách.
Theo Khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới, hai trung tâm du lịch lớn của Việt Nam là Hà Nội đứng vị trí 66 và TP Hồ Chí Minh xếp 67, gần như "đội sổ", thua xa một số thủ đô các nước láng giềng như Kuala Lumpur (Malaysia) đứng thứ 42, Bangkok (Thái Lan) đứng ở vị trí 45…
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 10 triệu dân, tuy nhiên chỉ có hơn 250 nhà vệ sinh công cộng và tập trung nhiều nhất ở các quận nội thành, như Q1, Q3, Q5. Không chỉ thiếu về số lượng, nhà vệ sinh công cộng tại TP Hồ Chí Minh còn bị than phiền về sự bất tiện, khi khó nhận biết, tình trạng xuống cấp, dơ bẩn… khi sử dụng.
Khi được hỏi về giải pháp quan trọng nhất, cốt lõi nhất để ngành du lịch có thể đạt được mục tiêu trong năm 2023, Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL nhấn mạnh: Giải pháp quan trọng nhất là phải phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, độc đáo, qua đó nâng cao chất lượng của điểm đến Việt Nam.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới sự thay đổi trong nhu cầu của du khách sau đại dịch. Sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần hay như cách nói là sức khỏe "thân – tâm - trí" là yếu tố được du khách quan tâm đặc biệt. Vì thế, đây cũng là gợi ý để các doanh nghiệp du lịch cần lưu tâm khi xây dựng các sản phẩm mới.
Về sự "điểm yếu liên kết" trong tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, đây là điều tất yếu nhưng câu hỏi đặt ra là "liên kết" như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả giữa các bên.
"Giờ chúng tôi dùng cụm từ là "trao đổi khách giữa hai quốc gia với nhau" chứ không còn là "thu hút" nữa. Người ta cùng cần khách, mình cũng cần khách, sao không gửi khách cho người ta, để người ta gửi khách ngược lại cho mình", ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Trùng Khánh nhấn mạnh đến sự thực chất trong liên kết cả về sản phẩm dịch vụ, xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân chung để cùng phát triển.
Từ phía doanh nghiệp, bà Trần Nguyện - Phó tổng giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group cho biết, doanh nghiệp nên chủ động và dành ngân sách xúc tiến tới các thị trường mà mình có thế mạnh và nguồn lực lớn nhất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể liên kết với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các địa phương, các đối tác như hàng không, để tạo ra giá trị thực sự cho các chương trình xúc tiến.
"Từ quy mô quốc gia, các doanh nghiệp cũng cần chuyển mình. Ở thị trường Trung Quốc, du khách chủ yếu dùng Wechat, hay chủ yếu thanh toán không dùng tiền mặt. Vì thế chúng ta cần có tài khoản thanh toán chính thống của quốc gia, các doanh nghiêp, các điểm đến để họ dễ dàng thanh toán được. Cần hiểu được du khách để có cách xúc tiến cho phù hợp", bà Nguyện cho hay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!