"Sau dịch COVID-19, doanh nghiệp hàng không Việt Nam như những cái cây đã héo rũ cành lá. Tuy nhiên, bộ rễ - chính là năng lực tài chính vẫn được các hãng nỗ lực bảo toàn để chờ cơ hội trỗi dậy khi gặp nhưng cơn mưa. Và cơn mưa đầu tiên đó là việc nối lại hoạt động bay nội địa từ cuối tháng 4"
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch
Hàng không và du lịch sẽ cùng tạo sức bật cho "lò xo nén" nền kinh tế
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng để "lò xo nén" nền kinh tế bật trở lại, nhất là trong bối cảnh bình thường mới, xét về vĩ mô, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành hàng không. Tất cả các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau. Trong đó, đi đầu phải là ngành du lịch. Vì đây là lĩnh vực có tính lan tỏa cao. Muốn vậy, chính quyền địa phương cần thực hiện nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp du lịch, lưu trú và hàng không.
Vừa bắt đầu hồi phục sau một trận "ốm lịch sử", ngành hàng không lại càng cần sự cạnh tranh lành mạnh. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa bình luận như vậy khi bầu trời mở cửa trở lại, khơi thông cho ngành hàng không và du lịch.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, phân bổ hợp lý tần suất bay và giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác là vấn đề cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cần cân nhắc lúc này.
"Chúng ta nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu"
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế
"Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng. Chúng ta đã dập dịch nhanh. Vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á. Việt Nam sẽ phục hồi nhanh nhờ cầu nội địa và cầu thế giới, hi vọng mở cửa nhanh cùng Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore" - ông Nghĩa nói.
"Muốn biết tương lai của hàng không thì hãy đến sân bay"
Theo ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: Trong tâm dịch COVID-19, chúng ta bàn luận và triển khai hàng loạt giải pháp để chống dịch nhưng không một giây phút lơ là bảo dưỡng đội tàu bay, đảm bảo có thể khai thác bất cứ lúc nào, khai thác an toàn. Ngày 23/4, mạng đường bay nội địa bắt đầu được nối lại. Ngày 28/4, ngành hàng không bắt đầu nâng dần tần suất.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, muốn có trả lời cho câu hỏi “Tương lai của ngành hàng không thế nào?” thì “hãy đến sân bay”. Hiện tất cả các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và sân bay địa phương hoạt động đi lại nội địa rất nhộn nhịp. Chỉ sau 1 tháng hoạt động bình thường trở lại mạng bay nội địa, có những đường bay đã đạt công suất 80% so với cao điểm Tết vừa qua.
"Hàng không sẽ không chết yểu" - ông Cường khẳng định và cho rằng cần tìm ra giải pháp phát triển và phát triển bền vững, sẵn sàng tiếp đón làn sóng mới, chào mừng du khách đến với Việt Nam. Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn và chu đáo.
"Hàng không sẽ không chết yểu"
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam
Đến thời điểm này, Bamboo Airways và Vietjet Air còn khoảng 50% đội tàu bay chờ được khai thác. Tỷ lệ này với Vietnam Airlines lớn hơn. Bởi các chuyến bay quốc tế hiện vẫn chưa có. Mặc dù chưa chắc chắn khi nào sẽ mở cửa trở lại nhưng lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết phải luôn sẵn sàng khi dịch bệnh được kiểm soát, khi các rào cản nhập cảnh, cách ly được xóa bỏ. Lúc đó, ngành hàng không hoạt động trở lại bình thường và hàng không quốc tế cũng sẽ nhộn nhịp như nội địa bây giờ.
"Chúng ta vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hướng tới tương lai. Hiện tại, chưa có thuốc chống COVID-19 thì chúng ta có thể suy nghĩ tạo dựng khu vực đi lại an toàn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc). Chúng ta cũng đang nghiên cứu với Pháp để xây dựng đường bay chở khách an toàn. Việt Nam cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng thế nào để trở lạnh mạnh mẽ sau dịch COVID-19" - ông Cường thông tin.
Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa và cơ chế như nhau cho các hãng bay, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Theo đó, với đường bay Côn Đảo, Cục Hàng không hoàn toàn có thể cho phép Bamboo Airways khai thác chiều Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP HCM bằng dòng máy bay Airbus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của đường cất hạ cánh.
Khai thác triệt để thị trường nội địa, sẵn sàng “cất cánh” ra quốc tế trở lại
Khi được hỏi những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong và sau khi giãn cách xã hội, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch hãng bay Bamboo Airways chia sẻ: "Trước đó doanh nghiệp đã có những kiến nghị với Cục Hàng không cùng Bộ Giao thông. Nhìn chung, đến thời điểm này, Chính phủ, các bộ ngành đã hỗ trợ nên khó khăn phần nào được tháo gỡ. Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay".
Ông Quyết khẳng định sẽ tăng cường đường bay vào đầu tháng 6, trong đó tập trung vào các đường bay du lịch đến Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang. Đồng thời, các đường bay đến Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc cũng sẽ sẵn sàng bay khi đủ điều kiện an toàn.
Cùng mục tiêu kích cầu và phát triển mạng bay nội địa đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, Vietnam Airlines cũng vừa thông báo sẽ mở 6 đường bay mới trong tháng 6/2020, tập trung kết nối hai điểm đến là Thành phố Hải Phòng và Cần Thơ với các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Vinh.
Việc tập trung khai thác triệt để thị trường nội địa được các hãng đánh giá sẽ là yếu tố quan trọng giúp hàng không Việt phục hồi, góp phần tạo thêm sự "cứng cáp" cho những đôi cánh khi bầu trời quốc tế mở cửa trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bài viết: Đức Chung