Nhìn lại 8 tháng nỗ lực tháo gỡ "thẻ vàng" của EC cho thủy sản Việt Nam
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam do Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của Ủy ban châu Âu.
Ngay sau khi EC cảnh báo Thẻ vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Chính phủ
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản năm 2017 (ngày 21/11/2017), đảm bảo tương thích với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của EC.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt Chỉ thị 689/CT-TTg; Công điện 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 06/7/2018 về việc gia nhập Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng.
Thủ tướng Chính phủ đã tiếp và làm việc với Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn châu Âu tại Hà Nội để trao đổi về Hiệp định FTA và triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với một số Bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai Công điện 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung liên quan đến chống khai thác IUU.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trao đổi với đại diện cấp cao của EC phụ trách đối ngoại và an ninh, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 để có các tác động ngoại giao cần thiết đối với EU, nhất là xem xét sự khác biệt giữa 2 bên (Việt Nam và EU) về cách tiếp cận trong xây dựng Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý các hoạt động thủy sản và triển khai các khuyến nghị của EC có tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp làm việc với Cao ủy của Ủy ban châu Âu tại Bruxelles để thông báo nỗ lực của Việt Nam và trao đổi về tinh thần, tình hình, kết quả thực hiện của Việt Nam đối với các quy định, khuyến nghị của EC về IUU, đồng thời đề nghị EC tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về thực hiện các quy định về IUU.
Các Bộ, ban, ngành
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư Quyết định và các văn bản khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần trao đổi thư với Ủy ban châu Âu và làm việc với Đại sứ EU tại Hà Nội về việc thực hiện của Việt Nam đối với các khuyến nghị của EC về IUU. Đặc biệt, ngày 20-23/3/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với các cơ quan thẩm quyền của Ủy ban châu Âu tại Bỉ về các biện pháp phòng, chống khai thác IUU.
- Tổ chức họp trực tuyến với DG-MARE để trao đổi, cung cấp tài liệu và cập nhật tình hình triển khai các khuyến nghị của EC tại Việt Nam và các cuộc họp kỹ thuật với Bộ phận phụ trách IUU của EC.
- Ban hành Kế hoạch tổng thể về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động tàu cá khai thác hải sản trên biển và cảng cá theo quy định của EC.
- Thành lập 03 Đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Trà Vinh và Cà Mau.
Ngày 24/5/2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã tiếp và làm việc với Trưởng đoàn Thanh tra EC về khai thác IUU, kết quả kiểm tra đối với Việt Nam sau 07 tháng nhận cảnh báo "thẻ vàng" của EC.
- Tổ chức các Đoàn công tác để đàm phán hợp tác thủy sản với một số quốc đảo tại khu vực Thái Bình Dương (Papua New Guinea, Tân Caledonie. Micronesia, Solomon, Palau...).
- Trình Chính phủ Đề án khai thác viễn dương, mở rộng ngư trường đánh bắt cho tàu cá Việt Nam.
- Phối hợp với Cơ quan Quản lý Thủy sản của Australia (AFMA) thực hiện chương trình truyền thông cộng đồng về chống khai thác IUU cho ngư dân (từ ngày 8-9/12 tại cảng Sa Kỳ và Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi).
- Tổ chức cuộc họp nhóm công tác chung về chống khai thác IUU giữa Việt Nam và Thái Lan lần thứ 2 tại Đà Nẵng (từ ngày 19-21/12/2017).
- Công bố danh sách tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
- Tiếp tục tăng cường hợp tác song phương và đa phương với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực để thúc đẩy các hoạt động chống khai thác IUU, thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin, đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam sang khai thác hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hợp tác với Australia thí điểm tuyên truyền về tác hại của khai thác IUU đến cộng đồng ngư dân ven biển trên địa bàn để nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp về chống khai thác IUU.
- Đang tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo 02 Nghị định (hướng dẫn thi hành Luật thủy sản và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản) và các thông tư liên quan có xem xét các khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC và thường xuyên trao đổi với EC để thống nhất ý kiến.
- Đã xây dựng dự án thông tin giai đoạn II, trình cấp có thẩm quyền, trước mắt tập trung chỉ đạo giám sát tàu cá cho khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên lắp thiết bị MOVIMA và nâng cấp Trạm bờ, máy VX-1700
- Đã chọn 3 tỉnh: Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh là tỉnh điểm triển khai chống khai thác IUU và Luật Thủy sản năm 2017.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng
- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng:
+ Tăng cường triển khai thực hiện kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; xử phạt theo quy định các tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, vi phạm các quy định trong lĩnh vực thủy sản.
+ Ban hành Chỉ thị số 2082/CT-BTL ngày 16/6/2017 về tăng cường các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị này.
+ Tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ tàu cá lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động tránh va (AIS).
- Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp lực lượng chức năng của các Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao) đưa phương tiện, lực lượng tiếp nhận ngư dân do phía Indonesia trao trả về nước an toàn.
Bộ Công an
- Chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tăng cường theo dõi, nắm tình hình an ninh trong hoạt động nghề cá; điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối cho tàu cá, ngư dân đi vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ (Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành lấy lời khai của các ngư dân bị Tân Ca-lê-đô-ni-a, In-đô-nê-xi-a bắt giữ được trao trả về nước.
Bộ Ngoại giao
- Triển khai kịp thời công tác bảo hộ công dân đặc biệt là tại Tân Ca-lê-đô-ni-a, kiên quyết đấu tranh với các nước sử dụng vũ lực để bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân ta, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tiếp nhận ngư dân do nước ngoài trao trả về nước bằng đường biển. Chủ trì, phối hợp với các Bộ (Nông nghiệp và PTNT, Quốc phòng, Công an) và địa phương tiếp nhận ngư dân do phía Indonesia trao trả.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề nghị các Quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân ta tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới; hỗ trợ kịp thời cứu nạn ngư dân; tích cực thúc đẩy đàm phán ký kết Hiệp định về phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các Đoàn công tác hợp tác khai thác hải sản với các nước; đàm phán với EC sớm gỡ "thẻ vàng" đối với Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông
- Tổ chức định hướng báo chí tuyên truyền về "Tình hình và giải pháp xử lý việc tàu cá, ngư dân Việt Nam xâm phạm, đánh bắt thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài".
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Ban Tuyên giáo Trung ương
- Chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí trong việc đưa tin, giải quyết các vấn đề liên quan đến tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
- Phối hợp với các Bộ (Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) biên soạn, in ấn "Sổ tay về một số điều ngư dân cần biết liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam" để cấp phát cho ngư dân.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Chương trình tập huấn, tuyên truyền về biển, đảo; trao đổi các vấn đề về ngư nghiệp, ngư trường, tàu cá, ngư dân, nâng cao trách nhiệm, chất lượng nội dung tuyên truyền về lĩnh vực thủy sản, nghề cá cho đội ngũ trực tiếp làm công tác tuyên truyền.
Kiến nghị giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Các địa phương
* Đến tháng 5/2018, có 22/28 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cảnh báo Thẻ vàng theo Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt tại một số Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chống khai thác IUU như: Bình Thuận, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre...
Tổ chức, chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường thực hiện các biện pháp để quản lý ngư trường khai thác, ngăn chặn tàu cá của ta vi phạm vùng biển các nước trong khu vực khai thác bất hợp pháp.
Hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá.
* Đến tháng 5/2018 có 22/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại 48 cảng trọng điểm ở các địa phương, có 03/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập Tổ công tác liên ngành.
Tăng cường tuyên truyền trên các báo đài địa phương về chống khai thác IUU.
Chỉ đạo các Chi cục Thủy sản, các cảng cá triển khai công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác theo quy định.
Nông thôn mới: Tháo gỡ thẻ vàng thủy sản
Các hội, hiệp hội ngành hàng
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), Hội nghề cá Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông về chống khai thác IUU, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hội thảo và làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản để phổ biến các quy định về IUU; ban hành Sách trắng về khai thác IUU.
Cơ quan thông tấn, báo chí
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV2, VTV8, VTV9, Báo điện tử VTV News), VTC, Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Tạp chí thủy sản Việt Nam, Báo nông nghiệp Việt Nam, Báo nông thôn ngày nay, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Kinh tế nông thôn, Người lao động... và các tổ chức quốc tế đã tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chống khai thác IUU.
Sau 8 tháng nỗ lực gỡ "thẻ vàng" đã đem lại kết quả gì?
Việc EC cảnh báo và công tác khắc phục "Thẻ Vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, trong thời gian qua, đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, các cấp lãnh đạo, bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng như của toàn xã hội, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp thủy sản, là điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực để xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, hiện đại, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Sau hơn 8 tháng (kể từ khi EC cảnh báo Thẻ vàng ngày 23/10/2017), với sự nỗ lực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng trong việc chống khai thác IUU như:
+ Cơ bản đã nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU trong Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật;
+ Công tác tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU đã được quan tâm thực hiện; nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đã được nâng cao;
+ Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt;
+ Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có tiến bộ;
+ Công tác hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực.
Trong đợt kiểm tra từ 16-24/5/2018 vừa qua, Đoàn Thanh tra EC đã ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai các hành động chống khai thác IUU.
Nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế về khung pháp lý, tổ chức thực thi
Về khung pháp lý:
Luật Thủy sản cơ bản đã nội luật hóa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU, tuy nhiên cần tiếp tục quy định trong các văn bản dưới luật về:
- Nội dung để thực hiện Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng của FAO; giám sát tàu cá; phân vùng khai thác; kiểm soát hoạt động chuyển tải; cấp phép cho tàu cá Việt Nam đi khai thác tại vùng biển nước ngoài; điều kiện từ chối cấp phép đối với tàu khai thác IUU; làm rõ khái niệm về định nghĩa khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; quy định về nhật ký khai thác; danh sách tàu cá IUU; đánh dấu tàu cá; cấp lại quốc tịch cho tàu cá từ nước thứ 3.
- Tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU để đảm bảo tính răn đe và tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế; cần xác định các hành vi vi phạm nghiêm trọng để áp dụng khung xử phạt cao nhất; thu hẹp thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi nghiêm trọng để đảm bảo tính thống nhất trong xử lý vi phạm; xem xét danh sách các hình phạt hành chính bổ sung để đảm bảo ngăn chặn ngư dân tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm...
Công tác khắc phục thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu
Về tổ chức thực thi:
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác tổ chức thực thi còn có 05 tồn tại, hạn chế cơ bản như sau:
- Chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt từ Trung ương (Chính phủ, bộ, ngành Trung ương) đến địa phương (tỉnh, thành phố ven biển) để đảm bảo thực thi hiệu quả chống khai thác IUU và quy định của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU trong thực tiễn.
- Nguồn lực (nhân lực và vật lực)trong toàn hệ thống quản lý nhà nước, thực thi pháp luật thủy sản từ Trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo việc thực thi có hiệu quả các quy định của quốc tế về chống khai thác IUU còn rất hạn chế, cụ thể:
+ Đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá còn bất cập, chưa tương xứng với phát triển cường lực khai thác. Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, toàn quốc quy hoạch 125 cảng cá (35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II) và 146 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (30 khu cấp vùng, 116 khu cấp tỉnh).Tuy nhiên đầu tư giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 30% so với quy hoạch.
+ Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động của tàu cá còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu (hiện nay khoảng 28.600 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Luật Thủy sản năm 2017).
+ Nguồn nhân lực và kinh phí cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng và trên biển còn thiếu nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC. Bài học kinh nghiệm của 10 nước đã được EC gỡ " Thẻ Vàng" và 03 nước đã được EC gỡ "Thẻ Đỏ" cho thấy các nước này đã đầu tư nguồn lực rất lớn và thậm chí thực hiện cải tổ bộ máy quản lý về thủy sản (Philippines đã đầu tư khoảng 10 triệu USD từ năm 2014 đến năm 2015 và cải tổ bộ máy để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC); hiện nay còn 09 nước chưa gỡ được Thẻ Vàng và 03 nước chưa gỡ được Thẻ Đỏ, điển hình Thái Lan đã đầu tư khoảng 13 triệu EUR từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa gỡ được Thẻ Vàng.
- Một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công điện 732/CĐ-TTg, Chỉ thị 45/CT-TTg, Quyết định 78/QĐ-TTg...), đặc biệt là sau thời điểm EC cảnh báo Thẻ Vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EUvẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tính từ ngày 23/10/2017 đến nay đã xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; cụ thể: (1) Kiên Giang: 15 vụ/26 tàu/133 ngư dân; (2) Cà Mau: 12 vụ/15 tàu/87 ngư dân; (3) Bình Định: 05 vụ/08 tàu/70 ngư dân; (4) Bình Thuận: 05 vụ/07 tàu/51 ngư dân; (5) Bến Tre: 03 vụ/11 tàu/61 ngư dân; (6) Bà Rịa – Vũng Tàu: 01 vụ/03 tàu/23 ngư dân; (7) Phú Yên: 01 vụ/02 tàu/14 ngư dân; (8) Quảng Ngãi: 01 vụ/02 tàu/30 ngư dân; (9) Tiền Giang: 01 vụ/01 tàu/13 ngư dân.
Ngoài ra còn có 48 vụ/77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ.
- Công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn hạn chế; thông tin xác nhận, chứng nhận hải sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu chưa đảm bảo độ tin cậy, tính hợp pháp.Chưa kiểm soát được tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động trên biển và sản lượng hải sản cập bến.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá chưa được thực hiện thường xuyên và chưa xử lý nghiêm theo quy định.
- Một số vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực (Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines… chưa được phân định vì vậy vẫn còn tình trạng lực lượng chức năng các nước bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động trong khu vực này.
4 tháng tới phải làm gì để gỡ "thẻ vàng"?
Theo Kế hoạch tháng 10/2018 Đoàn Nghị viện châu Âu gồm 30 thành viên, trong đó có 08 nghị sỹ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại Việt Nam và đến tháng 01/2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; trên cơ sở kiểm tra đánh giá của Đoàn, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét vấn đề khắc phục "thẻ vàng" đối với Việt Nam.
Từ nay đến 31/12/2018, Việt Nam cần phải tập trung thực hiện, làm tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu:
1. Tập trung xây dựng, hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và 09 Thông tư để bảo đảm có hiệu lực đồng bộ với Luật Thủy sản từ 01/01/2019.
Xây dựng, ban hành và thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng mà Việt Nam vừa gia nhập, bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời, hoàn thành việc gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc.
2. Thiết lập cơ chế chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương về phòng chống khai thác IUU và triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho ngư dân, cán bộ, các tổ chức cá nhân có liên quan hoạt động thủy sản.
Tuyên truyền đánh bắt thủy sản đúng pháp luật
4. Triển khai thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm đảm bảo ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các nhóm công việc sau:
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tập trung mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý ngay giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Có biện pháp xử lý quyết liệt như: rút giấy phép khai thác, không cấp giấy phép mới đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.
- Xác định, cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá được xác định là có khả năng tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này.
- Tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng và trên biển để xử lý nghiêm các tàu cá có hành vi khai thác IUU.
5. Triển khai Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II, thực hiện ngay trong quý IV/2018 để giám sát hoạt động của tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên.
6. Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá:
- Thu hồi tất cả các thiết bị MOVIMAR đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m và lắp đặt các thiết bị đã được thu hồi đó cho các tàu cá có chiều dài 24m trở lên trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Yêu cầu các chủ tàu hoặc thuyền trưởng của tàu cá đã được lắp đặt thiết bị MOVIMAR mở máy 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển. Xử lý nghiêm đối với các tàu cá không mở máy theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức nâng cấp thiết bị VX-1700 lắp đặt trên tàu và trạm bờ nhằm đảm bảo báo cáo tự động từ tàu về bờ.
7. Tăng cường công tác kiểm soát tàu cá xuất bến và kiểm soát tàu cá tại cảng; kiểm soát sản lượng thủy sản cập bến theo quy định.Thực hiện nghiêm công tác ghi nhật kí khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật.
8. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/01/2018 của Bộ để chấn chỉnh công tác xác nhận chứng nhận sản phẩm thủy sản từ khai thác, đảm bảo: việc cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản phải truy xuất được hồ sơ đã lưu; hành trình khai báo trong sổ nhật kí khai thác phải khớp với dữ liệu hành trình của hệ thống giám sát tàu cá; tàu cá được xác nhận phải khớp với danh sách tàu ra vào cảng và được kiểm tra đối chiếu với danh sách tàu cá khai thác IUU.
Nông thôn mới: Nỗ lực thực hiện khai thác thủy sản bền vững
9. Về kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu:
- Xây dựng, thực hiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để kiểm soát hàng thủy sản được nhập vào Việt Nam bằng các tàu vận chuyển hàng đông lạnh quốc tế tại các cảng giao thông quốc tế, đảm bảo yêu cầu thực hiện các qui định pháp luật về thực hiện các biện pháp quốc gia có cảng.
- Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại cảng quốc tế (Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Hải quan, Cảng vụ,…) để phối hợp kiểm tra tàu vận chuyển nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, đảm bảo nguyên tắc kiểm tra tính hợp pháp trước khi cho tàu cập cảng; nghiên cứu đề xuất danh sách cảng chỉ định cho tàu cập cảng; tổ chức tập huấn về pháp luật thủy sản cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại cảng.
10. Triển khai nghiêm túc kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 27/QĐ-BNN-TCTS ngày 05/01/2018.