VTV.vn - Để xuất ngoại mỗi người cần có một tấm hộ chiếu có những thông tin cá nhân cụ thể. Với nông sản, tấm hộ chiếu chính là mã số vùng trồng.

Để xuất ngoại mỗi người cần có một tấm hộ chiếu có những thông tin cá nhân cụ thể. Với nông sản, tấm hộ chiếu chính là mã số vùng trồng.

Theo Luật Trồng trọt năm 2018, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mỗi mã vùng trồng ít nhất khoảng 10 ha. Tương tự với mã số đóng gói cũng thể hiện mục đích là để nước nhập khẩu có thể truy xuất được nguồn gốc.

Về mặt định dạng thì mỗi mã số sẽ thể hiện tên nước, tỉnh và số định danh. Như mã số vùng trồng sầu riêng, tỉnh Bến Tre là VN – BTOR -0008, tỉnh Tiền Giang là VN – TGOR -0180, tỉnh Đồng Nai là VN – DNOR – 0091, tỉnh Bình Phước là VN-BPOR-0031…

Như vậy là để có thể đi đến bất cứ thị trường nào, "tấm hộ chiếu" mã số vùng trồng là thứ bắt buộc. Tuy nhiên, với nhiều hộ nông dân và cả doanh nghiệp, việc quản lý mã số vùng trồng còn gặp nhiều bỡ ngỡ.

Vậy, mã số vùng trồng đang được cấp và quản lý như thế nào? Có những thách thức nào trong việc giám sát các mã số sau khi được cấp? Và đâu là những giải pháp hiệu quả bền vững hơn cho nông sản Việt Nam khi đi ra thị trường thế giới?

Sầu riêng đang là loại trái cây đat tỷ USD nhanh nhất nhờ việc tăng nhanh số lượng mã số được phép xuất khẩu. Nếu so với năm ngoái thì số lượng mã số đã tăng gấp 3 lần. Vụ thu hoạch và xuất khẩu sầu riêng tại Tây Nguyên sẽ còn nhộn nhịp đến hết tháng 9.

Với lợi thế thời điểm này gần như chỉ còn Việt Nam có sầu riêng thu hoạch. Nhưng niềm vui giá cao cũng đi kèm với những rủi ro nếu việc tuân thủ các quy định về kiểm soát chất lượng và mã số không đi song hành. 

Sầu riêng đang là loại trái cây đat tỷ USD nhanh nhất nhờ việc tăng nhanh số lượng mã số được phép xuất khẩu.

Hiện 11 địa phương trên cả nước có 74 mã số vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói vi phạm lần đầu bị đề nghị tạm dừng xuất khẩu và 47 mã số bị đề nghị thu hồi. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 6 mã bị tạm dừng và 3 mã bị thu hồi. Ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương tiến hành điều tra nguyên nhân vi phạm để thực hiện biện pháp khắc phục.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc, Đắk Lắk cho biết, lãnh đạo địa phương cùng với các ngành chuyên môn đã đi kiểm tra từng cơ sở đóng gói, từng mã vùng trồng, để kịp thời khắc phục đối tượng kiểm dịch thực vật cũng như những nội dung chưa đảm bảo quy định của đơn vị nhập nhẩu, để đáp ứng một cách sớm nhất trong thời gian tới.

Trong khi đó, tại Thái Lan, quốc gia đặt mục tiêu năm nay thu về được 100 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD) từ việc xuất khẩu sầu riêng, việc xây dựng mã số vùng trồng cho quả sầu riêng đã được thực hiện cách đây 10 năm.

Nông dân khi có mã số thì được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải kiểm tra trái, nếu chất lượng đảm bảo mới cắt bán cho doanh nghiệp.

Những nông dân nào cố tình cắt lẫn cả trái còn non, chưa đủ độ già sẽ bị xử phạt nặng bởi như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu quốc gia của loại quả này.

Ngoài ra, nước này còn xử lý rất nghiêm các trường hợp giả mạo, gian lận mã số vùng trồng, đưa những hành vi vi phạm vào trong luật. Bộ luật hình sự qui định bất kỳ người bán nào lừa dối người mua về nguồn gốc, bản chất, chất lượng hoặc số lượng hàng hóa sẽ bị phạt tù lên đến đến 3 năm hoặc phạt tiền tối đa là 60.000 Baht (khoảng 40 triệu đồng).

Tính đến nay, Thái Lan đã có khoảng 20.000 mã vùng trồng, 2.000 mã cơ sở đóng gói sầu riêng. Những lô hàng dù xuất phát từ các cơ sở có mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu nhưng khi đến biên giới, hải quan nước này vẫn kiểm tra lần nữa. 

Nếu không đảm bảo chất lượng, họ sẵn sàng hủy bỏ hoặc yêu cầu hàng trở lại,  để đảm bảo uy tín thương hiệu sầu riêng. Nếu vùng trồng nào bị vi phạm nhiều lần còn bị thu hồi mã số vùng trồng.

Tính đến thời điểm này, cả nước có 7.000 mã số vùng trồng và hơn 1.600 cở sở đóng gói đáp ứng cho 11 thị trường, đáng chú ý là đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng được cấp nhiều mã số vùng trồng và cở sở đóng gói nhất với gần 4.000 mã số vùng trồng và hơn 600 cơ sở đóng gói, chiểm tỷ lệ lần lượt là gần 60% và 40% tổng mã số cả nước. Nhưng viêc tăng số lượng có đi kèm với chất lượng hay không lại đang là câu chuyện thời sự được nói đến nhiều trong thời gian qua.

Theo thống kê, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 370 lô hàng chuối, xoài, thanh long, sầu riêng và mít bị cảnh báo đều liên quan đến mã số vùng trồng và cở sở đóng gói của 13 tỉnh.

Đồng Nai là tỉnh có số lượng mã số vùng trồng và cở sở đóng gói không tuân thủ nhiều nhất, tiếp đến là Bình Phước và Bình Thuận.

8 tháng qua, ngành rau quả đã chạm mốc giá trị kim ngạch 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, việc liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu do không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật như nhiễm rệp sáp, ruồi đục quả và dư lượng hóa chất vượt quy định… đã cho thấy những bất cập về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay.

Nguy hiểm hơn, những vi phạm này có thể đẩy các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta tới nguy cơ mất thị trường. 

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn Phòng SPS Viêt Nam, đơn vị tiếp nhận phản hồi về chất lượng nông sản Việt từ khắp các thị trường trên thế giới, ngoài số liệu từ thị trường Trung Quốc, trong 6 đầu năm 2023, có 31 cảnh báo từ EU về vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. So với 2260 cảnh báo trên toàn thế giới thì vi phạm của Việt Nam vào khoảng 1,4%.

So với 6 tháng năm 2022 thì số lượng cảnh báo này giảm 24%. Một số nước lân cận có tỷ lệ cảnh báo vào thị trường EU lên tới 5,3%.

Quản lý  “tấm hộ chiếu” mã vùng trồng, để nông sản Việt đi xa - Ảnh 6.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị có trách nhiệm quản lý và giám sát chất lượng các vùng nông sản xuất khẩu cho biết, hành vi vi phạm và những cảnh báo rất đa dạng, nhiều khi không phải từ mã vùng trồng mà vì những việc rất nhỏ như hồ sơ giấy tờ ghi chép còn thiếu, nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật ở nước nhập khẩu, thậm chí là nhập khẩu hàng mà nước sở tại chưa có phép ví dụ như học sinh sinh viên mang trái cây sang bị giữ lại thì cũng sẽ thông báo về trong nước là hành động không tuân thủ.

Cuối tháng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn 1776 hướng dẫn về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với những sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Theo đó đã phân cấp triệt để cho địa phương về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. 20 loại trái cây đã được các địa phương chịu trách nhiệm chủ động kiểm tra thực tế, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp.

Quản lý  “tấm hộ chiếu” mã vùng trồng, để nông sản Việt đi xa - Ảnh 7.

8 tháng đầu năm, các địa phương liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu do không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật như nhiễm rệp sáp, ruồi đục quả và dư lượng hóa chất vượt quy định.

Cục Bảo vật thực vật có trách nhiệm tổng hợp danh sách các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đề nghị từ các địa phương, thực hiện đàm phán để được nước nhập khẩu phê duyệt, cấp mã số.

Trên cơ sở thông tin về quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, thực tế thời gian qua, công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên chất lượng mã số là điều đáng bàn. 

Một con số đáng chú ý là riêng Tiền Giang có tới 535 mã cở sở đóng gói phải thu hồi do không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Theo ông Võ Văn Men,  Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, qua thực tế, có nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong đó có việc người nông dân chưa thực sự ý thức được giá trị của mã số vùng trồng như một tài sản cần phải bảo vệ.

Ông Men cho biết, khó khăn đầu tiên phải kể đến cơ sở pháp lý để cấp và quản lý mã số vùng trồng cũng như xử lý vi phạm hành chính cũng chưa đầy đủ. Nhân lực cho việc kiểm tra giám sát sau khi cấp mã số vùng trồng cùng hạn chế; tuân thủ các quy định trong cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng  gói của bà con nông dân và doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. 

Bên cạnh đó, việc ghi chép sổ sách để theo dõi mã số vùng trồng, nhất là theo dõi sâu bệnh… cũng chưa được bà con nông dân và các doanh nghiệp quan tâm, thực hiện đầy đủ. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương đánh giá chất lượng giám sát mã số vùng trồng sau xử lý đã triển khai nhưng chưa được "toàn diện và hiệu quả".

"Trong khi nhiều địa phương dành nguồn lực cho việc này thì cũng có nhiều địa phương thì chưa. Thêm vào đó, quy hoạch vùng trồng của các địa phương mới đang chủ yếu là phục vụ nhu cầu hiện tại, tức là tôi đang có bao nhiêu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói thì tôi cứ làm thế đã, mà chưa có quy hoạch xem thế là nhiều hay ít, phù hợp hay chưa", bà Hương cho biết.

Bà Hương cũng cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có kế hoạch trình Chính phủ cho phép hướng dẫn xây dựng nghị định hướng dẫn điều 64 Luật Trồng trọt về quản lý và cấp mã số vùng trồng và hy vọng có thể triển khai trong năm 2024.

Trong bối cảnh Việt Nam xuất mạnh nông sản vào Trung Quốc, với việc tăng nhanh số lượng được cấp mã số vùng trồng, Trung Quốc càng tăng cường kiểm tra các quy trình, nhất là khi ngành chức năng phát hiện số lô vi phạm tăng.

Khi vi phạm nhiều, phía Trung Quốc sẽ tăng cường tỷ lệ kiểm tra các lô hàng tại cửa khẩu, giám sát online tại vườn, tại cơ sở đóng gói, khiến cho chi phí xuất tăng lên. 

Hiện vẫn tồn tại thực trạng cơ sở đóng gói tại vườn, thiếu cán bộ kiểm tra giám sát từ đầu tới cuối các khâu, không đảm bảo tuân thủ quy trình dễ dẫn đến bỏ sót các lô hàng chưa đảm bảo nhưng vẫn xuất khẩu có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn. 

Các chuyên gia cho rằng, ngoài vai trò của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động đáp ứng các yêu cầu tại nước nhập khẩu. Đồng thời, liên tục cải tiến điều kiện sản xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số xuất khẩu. 

Quản lý  “tấm hộ chiếu” mã vùng trồng, để nông sản Việt đi xa - Ảnh 10.

Khi vi phạm nhiều, phía Trung Quốc sẽ tăng cường tỷ lệ kiểm tra các lô hàng tại cửa khẩu, giám sát online tại vườn, tại cơ sở đóng gói, khiến cho chi phí xuất tăng lên.

Trung Quốc đã cấp gần 6900 mã số vùng trồng, gần 1600 mã số cơ sở đóng gói nông sản Việt Nam, chủ yếu là thanh long, xoài, nhãn, sầu riêng… Trong sự cạnh tranh với nhiều nước ASEAN xuất vào Trung Quốc,  nếu không chấn chỉnh thì đó là bất lợi lớn.

Mới đây Cục Bảo vệ thực vật đề nghị 11 tỉnh thành phía Nam tăng cường kiểm soát vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất sang Trung Quốc. Trong đó đề nghị nhiều địa phương thu hồi, tạm dừng xuất khẩu các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều lần vi phạm. Gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo về việc phát hiện một số lô hàng bị nhiễm các loài sâu bệnh như rệp sáp trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long.

Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. 

Để kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói để kết nối với địa phương, các vùng trồng.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương điều tra nguyên nhân và tích cực khắc phục. Vi phạm nhiều lần thông báo tạm dừng và thu hồi mã số vi phạm.Với các trường hợp mới vi phạm sẽ cho xuất khẩu lại khi đã khắc phục.

Theo các chuyên gia, kiểm soát chất lượng mã số vùng trồng chính là điều kiện sống còn để chúng ta giữ được các thị trường, nhất là trong bối cảnh lạm phát kinh tế, xuất khẩu khó khăn như hiện nay. Để giữ được thị trường, để nông sản Việt có được chữ tín thì  minh bạch hoá trong quản lý mã số là một đòi hỏi cấp thiết.

Hơn 8 tháng qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã vượt mốc 33 tỷ USD, trong đó ngành rau quả đã là điểm sáng khi đã đem về cho Việt Nam 3,4 tỷ USD. Để hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD trong năm nay thì mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương đã cùng ngồi lại để bàn thảo các giải pháp quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Nhiều ý kiến cho thấy, trên tổng số gần 7000 mã số vùng trồng và hơn 1600 cơ sở đóng gói thì tỷ lệ mã số được quản lý giám sát sau khi cấp còn rất thấp. 

Trong đó, người sản xuất và doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật. Vẫn còn tình trạng mượn mã số, hoặc có mã số chỗ này nhưng đi mua chỗ khác. 370 lô hàng bị cảnh báo đều liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của 13 tỉnh song chế tài xử phạt chưa có.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Hiện Bộ đã làm việc với Bộ Tư pháp xin phép Chính phủ cho phép xây dựng hai nghị định, một nghị định hướng dẫn cấp mã số, vùng trồng cơ sở đóng gói đi kèm với đó là nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực này".

Bên cạnh áp dụng biện pháp mạnh để quản lý, phát huy vai trò giám sát của các nhân tố trong chuỗi, Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý sansangxuatkhau.ppd.gov.vn nhằm minh bạch hoá thông tin. 

Hiện các mã số vùng trồng cơ sở đóng gói của Việt Nam đang phục vụ chủ yếu cho 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hệ thống "sansangxuatkhau" được triển khai sẽ giúp việc quản lý mã số vùng trồng dễ dàng và minh bạch hơn.

Hệ thống này gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối giữa Cục Bảo vệ thực vật với các chi cục tại địa phương có các thông tin liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; 2 phần mềm đang được xây dựng về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho phép người nông dân và các cán bộ cơ sở có thể ghi chép trực tiếp, theo dõi thông tin về lô hàng xuất khẩu, cũng như đăng ký giám sát hàng năm thay vì phải đến trực tiếp tại chi cục Bảo vệ thực vật. 

Hệ thống này cũng cung cấp thông tin về quy định của các nước cũng như quy định của Việt Nam về mã số vùng trồng, cơ sở đóng góp, kiểm dịch thực vật… ; quy định đã ban hành hay sắp ban hành.

"Mỗi mã vùng trồng có sản lượng bao nhiêu chúng ta đều rõ. Mỗi khi người nông dân hay hợp tác xã nào đó xuất khẩu thì đều phải đăng ký sản lượng. 

Mỗi một lần container hàng đi thì nhập sản lượng đó vào phần mềm thì cơ quan quản lý sẽ nắm được, sẽ cấp quyền cho anh, cũng như ngân hàng cấp cho người dùng một mã OTP thì sẽ trừ dần sản lượng đó đi, như thế chúng ta sẽ nắm được khối lượng của từng mã. Đồng thời chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mã này. 

Hệ thống này sẽ kết nối với các cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và cả bộ phận ở cửa khẩu, để tránh việc không phải chủ thể của mã vùng trồng nhưng lại sử dụng mã vùng trồng. Nên đưa công nghệ vào để quản lý", ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn Phòng SPS Viêt Nam bổ sung.

Quản lý  “tấm hộ chiếu” mã vùng trồng, để nông sản Việt đi xa - Ảnh 14.

Minh bạch trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để nông sản Việt Nam đi xa hơn

Để quản lý tốt hơn, từ  góc độ của cơ quan quản lý, bà Hương cho rằng, ngoài ứng dụng công nghệ vào quản lý thì việc phải có chế tài và chế tài đủ mạnh để xử phạt những vi phạm về mã vùng trồng và cơ sở đóng gói là rất cần thiết.

"Bên cạnh nghị định về quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang lên kế hoạch xây dựng nghị định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực này. Tôi cho rằng, khi đã có những quy định cụ thể thì mọi thứ sẽ đi vào nề nếp hơn", bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay.

Thuỳ An

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước