KHI GIÁM ĐỐC MARKETING CŨNG GẶP KHÓ...
Lần đầu tiên Li Ming, 36 tuổi, giám đốc marketing của một công ty xe hơi tại Bắc Kinh cảm thấy khó khăn trong cuộc đời mình.
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, doanh số bán xe giảm mạnh và cô đã phải nghỉ việc không lương từ tháng 2. Mọi việc càng trở nên tệ hơn khi chồng Li, nhân viên một hãng hàng không cũng bị cắt giảm 40% lương.
"Bỗng nhiên, một nửa thu nhập của gia đình tôi bốc hơi. Tôi chưa hề có một giấc ngủ yên nào trong nhiều tháng nay. Chúng tôi còn một khoản vay mua nhà cần trả và 2 đứa con ăn học. Tất cả đang trở thành gánh nặng".
Mỗi tháng, Li tiết kiệm được 12.000 Nhân dân tệ (tương đương 1.700 USD) từ việc cho người giúp việc gia đình nghỉ việc.
"Tôi giải thích và bảo cô ấy không cần quay trở lại sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Sau một hồi lâu im lặng, cô ấy đồng ý. Cô ấy không nói gì ngoài việc gửi lời yêu thương tới lũ trẻ nhà tôi. Cô ấy đã chăm sóc chúng được 3 năm rồi", Li cho hay.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Trung Quốc đã tăng lên 6,2% trong tháng hai, mức cao nhất trong lịch sử (Ảnh: EPA-EFE)
Ngoài việc nhiều sinh mạng mất đi vì dịch COVID-19, nền kinh tế cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề và ít người vượt qua được đại dịch mà không chịu tổn thương. Trong khi tầng lớp trung lưu đang phải đối mặt với viễn cảnh phải từ bỏ cuộc sống xa xỉ, thì những người ở dưới đáy của tháp thu nhập đang phải đương đầu với thảm hoạ tiềm tàng.
Tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị của Trung Quốc tăng kỷ lục ở mức 6,2% hồi tháng 2. Con số này được cải thiện lên 5,9% trong tháng 3 khi nhiều doanh nghiệp mở cửa và dịch gần như đã được kiểm soát.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới đối với phần đa giới lao động Trung Quốc.
Theo một báo cáo từ Economist Intelligence Unit ngày 22/4, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể lên tới 10% trong năm nay, với 22 triệu việc làm tại đô thị sẽ bị mất đi.
UBS ước tính 50 - 60 triệu việc làm của ngành dịch vụ, cùng với 20 triệu việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng sẽ bị mất đi.
Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc được đưa ra dựa theo dữ liệu thu thập từ 31 thành phố lớn. Tại các thành phố nhỏ và khu vực nông thông, tình hình thất nghiệp được cho là còn tồi tệ hơn.
"Khoảng cách giữa các khu vực của Trung Quốc là rất lớn. Trong khi mọi người tại các thành phố lớn và vùng ven biển đang chật vật để duy trì cuộc sống thường ngày, nhiều người tại các tỉnh sâu trong nội địa hoặc vùng nghèo đói đang phải đối mặt với nguy cơ mất đi kế sinh nhai hoặc trên thực tế đã không còn việc làm", Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị độc lập tại Bắc Kinh nhận định.
ĐÃ KHỔ NAY CÒN KHỔ HƠN
Peng Lixiang, 38 tuổi sống ở một ngôi làng nhỏ tại tỉnh Sơn Đông, từng kiếm được 1.000 Nhân dân tệ mỗi tháng từ việc làm tại một nhà hàng lẩu ở Hà Trạch, một trong những thành phố nghèo nhất tỉnh miền đông Trung Quốc.
Nhưng khi đại dịch bùng phát, nhà hàng phải đóng cửa từ hồi tháng 2, Peng mất đi việc làm. Chồng cô chỉ làm các công việc theo thời vụ. Là trụ cột chính trong gia đình, Peng cho hay cô đang chật vật không biết kiếm đâu ra tiền để nuôi con gái 8 tuổi và trả nợ tiền xây nhà.
Cô cho biết cô đã nộp đơn xin việc tại nhiều nhà máy và nhà hàng trong thành phố nhưng đều bị từ chối.
"Tôi không nghĩ rằng mọi việc lại khó khăn đến thế. Tôi chấp nhận mọi công việc dù nặng nhọc hay lương thấp, miễn là không phải làm việc ca đêm vì cần chăm sóc con gái. Tôi thực sự cần một việc làm", Peng chia sẻ.
Việc cách ly xã hội khiến nhiều công ty ở Trung Quốc lâm vào phá sản
Peng không phải là người duy nhất chật vật tìm kiếm việc làm tại những thị trấn và thành phố nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc. Đây là lý do mà hàng triệu lao động nhập cư như Cao Jin, 39 tuổi quay trở lại các thành phố ven biển để tìm việc sau nhiều tháng phong toả.
Ngày 1/4, Cao từ thành phố Su Huệ, tỉnh Hồ Bắc, đi tới Quảng Đông với hy vọng nhận công việc giám sát dây chuyện tại một công ty sản xuất tấm gia nhiệt cho các thiết bị điện ở Phật Sơn.
Nhưng sau 12 ngày giãn cách xã hội tại ký túc xá của nhà máy, Cao nhận được thông báo rằng công việc của anh chỉ làm ca đêm từ 18h đến 4h sáng, 5 ngày/tuần, với mức lương 2.000 tệ/tháng, chỉ bằng 1/4 mức thu nhập trước đây.
"Mức lương mới không đủ để tôi trang trải cuộc sống tại Phật Sơn, chưa nói gì đến việc hỗ trợ gia đình tại Hồ Bắc", Cao chia sẻ.
Cao cho biết anh cũng đã cố thương lượng với ông chủ nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời rằng do số lượng đơn hàng giảm 50% nên nhà máy quyết định cắt giảm dây chuyền sản xuất từ 10 xuống còn 5. Số lượng lao động cũng được cắt giảm cũng còn 300 người.
"Tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài xin thôi việc", Cao nói.
Cao cho biết những ngày sau đó anh cũng đã đi tìm việc ở Phật Sơn nhưng cũng đều không thành công. Bạn bè và đồng nghiệp cũ của Cao lý giải với anh rằng nhu cầu nước ngoài đối với hàng hoá Trung Quốc giảm mạnh, gây tác động lớn tới chuỗi cung ứng.
Phật Sơn là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng cung cấp cho các thị trường nước ngoài. Một trong số này, tập đoàn Midea đã báo cáo doanh thu giảm 23% trong quý I/2020, trong khi đó Gree Electric Appliances, có trụ sở ở Chu Hải, cũng phải đối mặt với mức giảm 50% doanh thu, chủ yếu là do xuất khẩu sụt giảm.
Sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nối tiếp sau mức giảm 17,2% trong tháng 1 và tháng 2 cộng lại.
Sản lượng xuất khẩu tháng 4 đã cải thiện 3,5% khi một số đối tác thương mại đã thoát khỏi lệnh phong toả. Nhưng sản phẩm đóng góp vào mức tăng này chủ yếu là các đơn hàng tồn đọng từ năm ngoái.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6,6% trong tháng 3, sau khi giảm 17,2% trong tháng 1 và tháng 2 cộng lại (Ảnh: AP, Reuters)
Rosealea Yao, chuyên viên phân tích tại Gavekal Dragonomics cho biết mức độ phục hồi của Trung Quốc vẫn còn khá nông do nhu cầu toàn cầu yếu hơn.
"Xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn so với dự kiến trong tháng 4, nhưng các đơn hàng mới vẫn tiếp tục giảm mạnh. Mặc khác, tác động từ sự lao dốc của nền kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn chưa giáng xuống. Trong tương lai, tình trạng mất việc làm trong ngành xuất khẩu sẽ tệ đi thay vì cải thiện", Yao cho hay.
LỐI ĐI NÀO CHO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG BỊ NHIỀU "TỔN THƯƠNG"?
Theo báo cáo của Fitch Rating rằng tác động của dịch bệnh với nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng thêm gánh nặng với thị trường lao động Trung Quốc.
Mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng chuyển hướng nền kinh tế trong nước tập trung vào lĩnh vực chi tiêu, tiêu dùng và dịch vụ, nhưng tỷ lệ lớn lao động Trung Quốc vẫn liên quan trực tiếp tới nhu cầu nước ngoài.
"Chính sách của chính quyền đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng có thể cung cấp thêm một số việc làm trong khi nhiều công việc tiềm năng đang giảm mạnh trong năm 2020, nhưng điều này khó có thể cải thiện toàn bộ tỷ lệ thất nghiệp", báo cáo cho hay.
Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng rất nhiều người lao động vẫn đang mất việc làm (Ảnh: AP)
Bài báo cáo cũng cảnh báo tác động đến thị trường lao động có thể sẽ tệ hơn những con số thất nghiệp chính thức được đưa ra.
"Tôi không biết liệu rằng nền kinh tế có trở nên tốt hơn vào năm sau không, nhưng năm nay tôi chắc chắn sẽ không tiếp tục làm việc trong lĩnh vực sản xuất sau khi chứng kiến các nhà máy phải cắt giảm việc làm và dây chuyền sản xuất. Tôi có thể sẽ tới một số thành phố ở phía bắc và tìm một công việc trang trí nhà cửa", Cao chia sẻ.
"Những cải cách về hộ khẩu và đất đai có thể sẽ gia tăng nhu cầu trong ngành bất động sản và xây dựng, kết hợp với kế hoạch của chính phủ về việc đẩy nhanh tốc độ cải tạo các thị trấn cũ", Wang Tao, chuyên gia kinh tế tại UBS cho hay.
Đây có thể sẽ là một sự lựa chọn khôn ngoan khi lĩnh vực bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc nhờ những khoản vay có sẵn và rẻ hơn cùng với nhiều chính sách thay đổi của chính phủ.
Những thay đổi mới nhất trong hệ thống đăng ký hội khẩu có thể giúp lao động nhập cư đăng ký thường trú dễ dàng hơn, qua đó họ được quyền tiếp cận các dịch vụ giáo dục và xã hội tại các thành phố có dân số từ 1 đến 5 triệu người. Nhờ vậy, chi tiêu tiêu dùng và nhu cầu bất động sản sẽ gia tăng, Wang cho hay.
Tuy nhiên, triển vọng này vẫn bị che mờ bởi tác động của dịch COVID-19 tới thu nhập hộ gia đình, Wang nói thêm.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, thu nhập trung bình khả dụng của dân thành thị trong quý I giảm 3,9% xuống còn 11.681 tệ (tương đương với 1.650 USD), trong khi đó con số này ở nông thôn gỉam 4,7% xuống còn 4.641 tệ (tương đương với 650 USD).
Quỳnh Anh - Thùy An