VTV.vn - Chuyến tàu LNG đầu tiên vừa chính thức cập cảng LNG Thị Vải, đánh dấu cột mốc quan trọng trên hành trình hiện thực hóa ước mơ "khát vọng xanh" của PV GAS...

Để đón được chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến cảng Thị Vải (Việt Nam), là nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo PV GAS, cột mốc quan trọng trên hành trình hiện thực hóa khát vọng "chuyển đổi xanh" - theo chương trình của Chính phủ - đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 - mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26.

Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 1.

Sáng 10/07/2023, chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên về Việt Nam đã cập bến Kho cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Con tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp, dung tích chứa khoảng 174.000 m3) mang trên mình gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải - Việt Nam.

Đây là cột mốc quan trọng của PV GAS, một đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam, đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11/2021 với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tính đến thời điểm này, Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn, hiện đại nhất Việt Nam, với công suất qua kho là 01 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, và nâng cấp lên 03 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2. Công trình Kho cảng LNG Thị Vải được PV GAS chú trọng đầu tư xây dựng từ những năm 2019, tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ tối tân và tiên tiến nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế; đảm bảo vận hành an toàn, thỏa mãn các điều kiện khắt khe từ Nhà cung cấp Shell thông qua công tác Thẩm định Chuyên sâu (Due Diligence) cũng như Nghiên cứu Khả năng Tương thích Tàu-Bờ (Ship-Shore Compatibility Study: nghiên cứu do chủ tàu, quản lý kỹ thuật và đơn vị vận hành kho cảng để đảm bảo tàu có thể cập bến và xuất nhập sản phẩm an toàn tại một kho cảng cụ thể).

Khoảnh khắc tàu Maran Gas Achilles cập bến cảng Thị Vải (Việt Nam)

Trong thời gian tới, LNG sẽ trở thành một trong những sản phẩm chủ đạo và là động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn của PV GAS. Mục tiêu của PV GAS là trở thành nhà cung cấp LNG số 1 tại thị trường Việt Nam, bao gồm dịch vụ quản lý, kinh doanh và khai thác hạ tầng LNG - bám sát Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho việc kinh doanh LNG, trong đó sẽ chú trọng đầu tư trọng điểm theo khu vực: mở rộng kho LNG Thị Vải tại khu vực Đông Nam Bộ, hợp tác cùng Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) xây dựng kho LNG Sơn Mỹ - Bình Thuận và nghiên cứu lựa chọn địa điểm để đầu tư kho LNG tại khu vực miền Bắc và Tây Nam Bộ.


Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 4.

Chia sẻ với VTV nhân sự kiện PV GAS đón chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam, ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS chia sẻ: "Nhiều nước phát triển trên thế giới đã ứng dụng LNG từ rất lâu, hàng thập kỷ trước, nhưng việc PV GAS là đơn vị đầu tiên đưa LNG về Việt Nam, mang lại cho bản thân tôi xúc cảm đầy tự hào.

"Để có chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam, PV GAS đã phải trải qua một hành trình rất dài. Chúng tôi đã bắt đầu những câu chuyện đầu tiên về LNG từ những năm 2010 và tới ngày 10/7/2023, ước mơ của PV GAS về việc nhập khẩu LNG mới có thể trở thành hiện thực", ông Phong cho biết.

Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 5.

Theo Tổng Giám đốc PV GAS, trong hành trình dài như vậy, khó khăn là rất lớn, PV GAS có lúc tưởng chừng như không vượt qua được, bao gồm khó khăn từ nhiều phía và ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Ngay khi chúng tôi vừa ký hợp đồng EPC để triển khai kho LNG Thị Vải, dịch COVID-19 đã hoành hành hết sức dữ dội, khiến PV GAS gặp nhiều khó khăn...

Tới thời điểm hiện nay, có thể nói những khó khăn trước mắt đã được vượt qua nhưng những thách thức trong tương lai vẫn còn chờ đón, PV GAS sẽ phải nỗ lực rất nhiều nữa để ngành công nghiệp LNG ở Việt Nam mới có thể hoàn thiện được.

Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 6.

"PV GAS ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện kế hoạch LNG, đã nhận thức được đối với các ngành công nghiệp LNG – phải là các doanh nghiệp dẫn đầu, các doanh nghiệp vốn nhà nước chi phối, phải là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành, vì nguyên nhân vốn đầu tư, năng lực và kinh nghiệm cũng như liên quan tới an ninh năng lượng quốc gia.

Tương tự như viễn thông, cổng thanh toán quốc gia... khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, chắc chắn chiến lược của các nước là để các công ty nhà nước hoặc các công ty có vốn nhà nước chi phối, làm "đầu tàu" trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều đó giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi xảy ra biến động địa chính trị trên thế giới. Trong khi, PV GAS là công ty có khoảng 96% vốn Nhà nước..." - ông Phạm Văn Phong chia sẻ với VTV.


Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 7.

Bên cạnh đó, tiết lộ về định hướng của PV GAS trong việc phát triển ngành công nghiệp LNG tại Việt Nam, ông Phạm Văn Phong cho hay: "Đầu tư cơ sở hạ tầng cho LNG được xác định là một trong những trụ cột của PV GAS trong tương lai. Ở giai đoạn tiếp theo, dự kiến tổng mức đầu tư 195.000 tỷ đồng. Mục tiêu của PV GAS là duy trì hoạt động PV GAS như hiện nay, tức là các nguồn khí khai thác trong nước sẽ tiếp tục được cấp cho các nhà máy điện, cấp cho các khách hàng tiêu thụ công nghiệp… bằng hệ thống hiện có. Cùng với sự suy giảm của nguồn khí trong nước trong trung và dài hạn, khi nguồn LNG được PV GAS đưa vào sử dụng với công suất giai đoạn 1 dự kiến 1 triệu tấn/năm, doanh thu có thể tăng lên từ 12.000-14.000 tỷ đồng trong giai đoạn I. Trong giai đoạn II, công suất tăng lên khoảng 3 triệu tấn, doanh thu có thể tăng lên 35.000 tỷ đồng/năm với giá LNG như hiện nay (Giá LNG neo theo giá dầu Brent - PV).

"Chiến lược đầu tư của PV GAS trong tương lai là: Song song với việc hoàn thành đầu tư kho LNG Thị Vải, PV GAS đã được trao giấy chứng nhận đầu tư kho LNG Sơn Mỹ (Bình Thuận) (PV GAS nắm 61% cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài nắm 39% - PV) với tổng mức đầu tư khoảng 1.5 tỷ USD; đi cùng với đó là 2 nhà máy điện đáp ứng đủ công suất, với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD… Dự kiến kho LNG Sơn Mỹ sẽ đi vào hoạt động từ khoảng 2027-2028 với công suất giai đoạn 1 dự kiến 3.6 triệu tấn LNG và giai đoạn 2 6 triệu tấn. Ước tính, doanh thu PV GAS từ kho LNG Sơn Mỹ sẽ tăng khoảng 70.000 tỷ đồng" - ông Phạm Văn Phong chia sẻ.

Dù kỳ vọng trong tương lai, doanh thu từ LNG rất đáng kể, song Tổng Giám đốc PV GAS khẳng định công ty chưa tính tới câu chuyện lợi nhuận từ LNG trong tương lai gần.

Ông Phạm Văn Phong nói: "Giá LNG rất khác với giá khí nội địa, khi được gắn với giá dầu Brent. Và dù PV GAS là một nhà đầu tư, nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi chưa tính tới câu chuyện lợi nhuận ở đây. 

"Với Quy hoạch điện VIII, dự kiến khoảng 27.7% tỷ lệ phát điện bằng khí và LNG, như vậy có thể thấy triển vọng về ngành công nghiệp LNG ở Việt Nam khá sáng sủa. Trong quy hoạch điện VIII cũng quy định rõ quá trình chuyển đổi từ nay tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050. Với tỷ trọng lớn như vậy, PV GAS kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng tham gia vào thị trường LNG.

"Trong quá trình đưa một dạng năng lượng mới về Việt Nam, việc hoàn thiện cơ chế chính sách là điều tất yếu. PV GAS là đầu tàu, tạo động lực cho việc phát triển LNG tại Việt Nam. Chúng tôi có trách nhiệm làm việc với các cơ quan, nhà chức trách về vấn đề này. Hy vọng trong thời gian ngắn tới, chúng ta có thể xây dựng được khung pháp lý, bao gồm khung pháp lý về mặt kỹ thuật cũng như khung pháp lý về cơ chế, chính sách, để ngành công nghiệp LNG có thể phát triển được, coi LNG là nguồn nhiên liệu bổ sung khi nguồn khi trong nước đã và đang suy giảm.

Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 8.

"Khi PV GAS bắt tay xây dựng kho Thị Vải, chúng tôi đã ý thức được điều đó. Từ rất sớm, PV GAS đã làm việc với các cơ quan nhà nước để phát triển ngành LNG. Bước đầu cũng đã được Chính phủ chấp thuận cơ chế - gần như là cơ chế thí điểm - để đưa Kho LNG Thị Vải đi vào hoạt động được.

"Song để phát triển ngành LNG bền vững và chắc chắn, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đúng đắn với kỳ vọng, mong muốn của Chính phủ theo Quy hoạch điện VIII thì bắt buộc phải có cơ chế, khung pháp lý chặt chẽ, cụ thể và hoàn thiện hơn nữa.

"PV GAS rất mong tiếp tục được Chính phủ, Bộ ban ngành có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện cơ chế chính sách để ngành công nghiệp LNG có thể hoạt động và phát triển!" - ông Phạm Văn Phong cho biết thêm


Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 9.

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với tình huống "hiệu ứng domino" về năng lượng nan giải: đà tăng dân số và kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu tiêu dùng năng lượng tăng cao, kéo theo sự bùng phát lượng phát thải khí carbon (CO2) vào khí quyển đạt đến mức báo động. Hậu quả của chuỗi domino này dẫn đến sự biến đổi khí hậu và những hệ lụy của hiện tượng thời tiết cực đoan (hạn hán/nắng nóng/lũ lụt/nước biển dâng) diễn ra với tần suất ngày càng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sự tồn vong của nhân loại.

Hiện nay, dân số thế giới đã vượt ngưỡng 8 tỷ người và sẽ tiếp tục tăng khoảng 140 người mỗi phút, với tỷ lệ sinh nhiều hơn tử ở hầu hết các quốc gia. Theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc, dân số toàn cầu sẽ đạt  9 tỷ người vào năm 2037.

Điều này dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu tăng cao. Dự báo tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 1,3% trong năm 2023, hơn ước tính tăng 0,9% của năm 2022. Tại Đông Nam Á, nơi có GDP chiếm khoảng 3.25% GDP toàn cầu, nhu cầu năng lượng đã tăng trung bình khoảng 3%/năm trong hai thập kỷ qua và xu hướng này sẽ tiếp tục đến năm 2030 (theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế).

Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 10.

Để phục vụ nhu cầu năng lượng của con người, một lượng carbon cực lớn đã được thải ra khi những nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá được đốt cháy để cung cấp năng lượng cho ô tô, hộ gia đình và nhà máy. Thế giới đang ở mức báo động khi lượng phát thải khí carbon làm nóng hành tinh đã lên tới 36,8 tỷ tấn vào năm 2022.

Theo Reuters, để đạt được mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và ngăn chặn biến đổi khí hậu quá mức, các nhà khoa học khẳng định phải khẩn cấp cắt giảm sâu lượng khí thải trong thời gian tới.

Giải pháp cho vấn đề này chính là tăng cường sử dụng khí thiên nhiên và phát triển năng lượng tái tạo. Ở thời điểm hiện tại, việc sản xuất điện từ các nguồn tái tạo vẫn chưa thực sự là giải pháp tối ưu và bền vững vì tính khả dụng (kinh tế/kỹ thuật) còn chưa cao. Năng lượng mặt trời không thể phát điện vào ban đêm, năng lượng gió phụ thuộc vào tốc độ của gió trong khi công nghệ pin lưu trữ chưa đáp ứng. Hơn nữa, hầu hết các dự án năng lượng tái tạo thường chiếm diện tích đáng kể (điện mặt trời chiếm khoảng 1,2ha/1 MWp, điện gió chiếm 0,35 ha/1 MW) và khả năng phát điện cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu tại địa điểm dự án. Thêm vào đó, các vấn đề về biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến năng suất phát điện, ví dụ như hệ thống thủy điện ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, ở trạng thái "tê liệt" khi không có đủ dòng nước tại những hồ chứa.

Do đó, khí tự nhiên chính là một mảnh ghép quan trọng để thay thế và cắt giảm lượng phát thải carbon. So với than đá, khí đốt chỉ tạo ra 1/2 lượng CO2 và 1/10 chất gây ô nhiễm không khí khác (Nox, Sox, bụi ...). Các nhà máy đốt khí rẻ hơn các nhà máy sử dụng than làm nhiên liệu, quá trình xây dựng nhanh hơn và linh hoạt hơn – dễ dàng khởi động hoặc dừng hoạt động.

Mỹ chính là một minh chứng điển hình của việc sử dụng khí đốt cho sản xuất điện. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), vào năm 2022, sản lượng điện ở Mỹ đến từ những nhà máy điện khí đốt đạt 40%, than đá là 20%; phần còn lại đến từ năng lượng tái tạo (21,5%) và hạt nhân (18%).

Nhiều quốc gia khác cũng đã tăng tốc chuyển đổi sang khí đốt như: Trung Quốc với khí đốt chiếm 10% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng, Nhật Bản với 21,3% và Hàn Quốc với 18% tổng mức tiêu thụ năng lượng.

Từ chuyến tàu LNG đầu tiên tới khát vọng chuyển đổi xanh của PV GAS - Ảnh 11.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã khẳng định: "Không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần". Bên cạnh đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) của Bộ Công Thương, đã thể hiện sự quyết tâm của toàn Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc phát triển kinh tế đất nước song song với hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net zero) vào năm 2050. 

Để thực hiện mục tiêu này, nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) có thể xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.


Minh Nguyễn
Duy Nguyễn
10/07/2023

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước