Đại dịch COVID-19 đang khiến nhiều công ty lớn phải đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng. Việc đầu tư và sản xuất tại 1 quốc gia là vô cùng mạo hiểm. Vậy nên, việc đa dạng hoá nguồn cung tại nhiều quốc gia sẽ là một xu thế tất yếu trong tương lai. Trong đó, Việt Nam sẽ là một điểm đến tiềm năng được nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới lựa chọn. Cụ thể, nhiều nhà máy, tập đoàn công nghiệp đang đua nhau chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.
Cơ hội đến….
Dự kiến vào cuối tháng 9 năm nay, cơ sở Panasonic tại Thái Lan sẽ ngừng sản xuất máy giặt và tủ lạnh để di dời về Việt Nam, sau gần 40 năm kinh doanh và phát triển tại đất nước này.
Đại diện Panasonic Việt Nam cho biết, đây là chiến lược tái phát triển sản xuất của công ty, tìm vùng đất mới có nhiều tiềm năng hứa hẹn.
TGĐ CTY TNHH Panasonic Việt Nam nhận định.
"Đây là một trong những kế hoạch tái cấu trúc trong dây chuyền sản xuất của chúng tôi. Sản xuất và cung cấp sản phẩm từ Việt Nam đến các thị trường đơn lẻ sẽ thuận lợi hơn so với việc tiếp tục sản xuất tại Thái Lan. Từ đó, chúng tôi có thể đem lại các sản phẩm có tính cạnh tranh hơn tới người tiêu dùng" - ông Marukawa Yoichi, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho hay.
Ông Marukawa cũng nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại khu vực, với mức tăng trưởng GDP ổn định, dân số trẻ và vô cùng năng động. Việt Nam đang ở trong vị trí cực kỳ thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch nhà máy và dây chuyền sản xuất.
Dịch COVID-19 bùng nổ đang buộc nhiều "ông lớn" trong ngành công nghiệp phải đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng của mình. Và Việt Nam là một điểm đến vô cùng hứa hẹn.
Trong quý 1 vừa qua, do tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp dệt may Hàn Quốc Everpia đã chuyển 10% nguồn cung của họ về Việt Nam nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
"Là điểm đến an toàn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng trong tương lai và sẵn sàng bắt tay chặt chẽ với các đơn vị cung ứng Việt Nam để phát triển các mặt hàng mới", Ông Banghyun Lee, Trưởng phòng Kế hoạch Everpia chia sẻ
Everpia nhận thấy tiềm năng sau khi chuyển một phần nguồn cung về Việt Nam, đặc biệt là về việc giảm bớt giá cả. Đây là lần đầu tiên hãng có thể cho ra các sản phẩm được làm từ vải và sợi của Việt Nam. Tuy vậy, do một số nguyên liệu của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc phần nào vào dây chuyền sản xuất của nước ngoài, ông Lee nhận định sẽ mất một khoảng thời gian lâu hơn mới có thể chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng của hãng về Việt Nam.
Theo tờ Hoa Nam buổi sáng, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản đang cân nhắc về vấn đề chuyển dần các dây chuyền sản xuất của mình sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Tờ báo này cho biết, tháng trước chính phủ Nhật đã sẵn sàng một quỹ trị giá 2,2 tỷ USD chỉ để hỗ trợ cho các nhà máy của họ rời khỏi Trung Quốc. Theo phân tích, nhiều khả năng điểm đến có thể sẽ là Việt Nam và một số các nước trong khu vực.
Các ông lớn trong làng công nghiệp thế giới như Apple, Nitendo và Samsung cùng một số nhà cung cấp linh kiện ở Châu Á đã chuyển một số dây chuyền sản xuất hoặc lắp ráp sang Việt Nam
Cách đây ít ngày, xuất hiện chiếc hộp sạc AirPods Pro với dòng chữ "Assembled in Vietnam".
Cách đây ít ngày, theo The Information, Apple đang lên kế hoạch sản xuất mẫu tai nghe mới tại Việt Nam.
"Khoảng 30%, tương đương 3 - 4 triệu chiếc AirPods sẽ được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải ở Trung Quốc như thường lệ", báo cáo của Nikkei cho hay. Dự kiến các nhà cung ứng sẽ giao hàng cho Apple vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới.
"Động thái này sẽ là lần đầu tiên Apple sử dụng các nhà máy ở Việt Nam để sản xuất một sản phẩm mới hoàn toàn. Thay vì chỉ dựa vào các nhà máy này cho việc sản xuất một mẫu sản phẩm cũ đã được làm tại Trung Quốc", báo cáo của The Information nhấn mạnh.
Thách thức…
Việc nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đang có xu hướng dịch chuyển nhà máy, các chuỗi sản xuất về Việt nam là cơ hội nhưng cũng là thách thức.
"Trong việc sản xuất hàng loạt, Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh với Trung Quốc. Việt Nam cần khắc phục nhiều hạn chế về giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics... Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một thị trường hứa hẹn. Nhiều công ty Nhật vẫn đang cân nhắc và tìm hiểu xem dây chuyền nào phù hợp để chuyển sang Việt Nam", Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết.
"Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là những vấn đề quan trọng Việt Nam cần cải thiện trong tương lai" - ông Yoichi nhận định.
Ông Yoichi cũng nhận định: "Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân công, thị trường. Tuy cần khắc phục thêm các vấn đề liên quan tới logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng tôi tin rằng những vấn đề này sẽ sớm được cải thiện trong tương lai không xa".
Không chỉ Việt Nam, làn sóng chuyển dịch còn lan tới các nước trong khu vực
Theo Nikkei Asian Review, Google cũng đang nỗ lực tìm kiếm đối tác ở Thái Lan để chuẩn bị cho dây chuyền sản xuất các sản phẩm thông minh trong nhà như loa thông minh hỗ trợ giọng nói.
Mới đây, cũng đã có một số nguồn tin cho hay Tổng thống Donald Trump đang có ý định di dời 27 nhà máy của Mỹ từ Trung Quốc sang Indonesia.
Indonesia cũng đang chủ động "đón sóng đầu tư", thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Thượng viện Indonesia, Imee Marcos cho biết nước này đang thúc đẩy cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 30% tại thời điểm hiện tại, để Philippines có thể cạnh tranh với tỷ lệ 20% ở Việt Nam và Thái Lan.
Không chỉ Việt Nam, các quốc gia khác cũng đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhận thấy được sự chuyển dịch, Indonesia đang thể hiện nhiều nỗ lực để thu hút ánh nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trước tiên họ giảm thuế. Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Thượng viện Indonesia, Imee Marcos cho biết nước này đang thúc đẩy cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 30% tại thời điểm hiện tại, để Philippines có thể cạnh tranh với tỷ lệ 20% ở Việt Nam và Thái Lan.
Ngoài ra, quốc gia này cũng đã mở rộng thêm môi trường đầu tư cho các lĩnh vực dịch vụ, tài chính và công nghệ cao. Đặc biệt, Indonesia có số dân đông gấp 3 Việt Nam, điều này khiến quốc gia này có thể sẽ trở thành thị trường lý tưởng cho các nhà đầu tư.
Được đánh giá có nhiều nét tương đồng về môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng logistics với Việt Nam, nhưng thực tế cho thấy Indonesia đang chủ động vươn lên, đón sóng đầu tư dịch chuyển.
So với các quốc gia khác, Việt Nam với sự thành công vượt bậc trong quá trình chống dịch COVID-19, điều này chính là một trong những điều khiến các nhà đầu tư nước ngoài an tâm với thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, để thực sự có thể "yên lòng"các nhà đầu tư, chúng ta cần phải vươn lên cải cách mạnh mẽ. Cơ hội không thể sẽ mãi ở đó đặc biệt với sự cạnh tranh của nhiều quốc gia trong khu vực.
Việt nam có những lợi thế kinh tế vĩ mô ổn định, lao động dồi dào cùng nhân công giá rẻ. Đặc biệt lợi thế gần Trung Quốc cũng được xem như một điểm cộng trong việc dịch chuyển. Điều này sẽ mang lại lợi ích cạnh tranh so với những quốc gia trong khu vực. Nhưng chúng ta vẫn cần phải nhanh chóng cải thiện, đón đầu dòng vốn đầu tư, tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia, sớm trở thành điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng.
Đón đầu cơ hội...
Nhận thấy sự cấp thiết của việc chuyển dịch nhà máy và sản xuất cũng như sự cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác, chính phủ Việt Nam cũng đang lập ra các phương án hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam cần tranh thủ luồng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng. Cùng với tình hình dịch chuyển, Thủ tướng cho rằng cách thu hút dòng vốn đầu tư trong tình hình mới cũng cần "dịch chuyển".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu Việt Nam không thu hút được đầu tư, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang cạnh tranh quyết liệt để dành được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh hơn. Đặc biệt, cần phải phân loại thu hút đầu tư, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt để đón được làn sóng đầu tư mới khi các các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch.
Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư, đón sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch.
Song song đó, Thủ tướng yêu cầu xây dựng ngay đề án thu hút dòng vốn dịch chuyển, trong đó phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.