Thông báo

Liên hoan Truyền hình toàn quốc là hoạt động truyền thống do Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) chủ trì tổ chức 2 năm/lần.

THỂ LỆ

Liên hoan Truyền hình toàn quốc

––––––––

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Quy định chung

1. Tên gọi: Liên hoan Truyền hình toàn quốc.

2. Liên hoan Truyền hình toàn quốc (sau đây gọi tắt là Liên hoan) là hoạt động truyền thống do Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) chủ trì tổ chức 02 năm/lần.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Thể lệ này quy định về các hoạt động của Liên hoan, cách thức tổ chức và các hình thức tham dự.

2. Thể lệ này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Mục đích, ý nghĩa, yêu cầu

1. Liên hoan Truyền hình toàn quốc là dịp để những người làm truyền hình, truyền thông đa phương tiện trên cả nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, mở rộng các sản phẩm truyền thông đa nền tảng nhằm đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, nâng cao dân trí và giải trí, đóng góp vào sự nghiệp phát triển ngành Truyền hình Việt Nam.

2. Liên hoan Truyền hình toàn quốc tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất đã phát sóng trên truyền hình, nền tảng số đạt chất lượng cao về các lĩnh vực của đời sống xã hội; có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

3. Liên hoan Truyền hình toàn quốc góp phần cổ vũ, động viên phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm truyền hình trong cả nước; phát hiện và tuyên dương những cá nhân có chuyên môn giỏi, là cơ sở để tiếp tục bồi dưỡng những nhân tố, tập thể nổi trội trong ngành truyền hình.

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Liên hoan

1. Tổng Giám đốc Đài THVN là Chủ tịch Liên hoan.

2. Phó Chủ tịch Liên hoan.

3. Ban Tổ chức gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các ủy viên.

Phó Chủ tịch, Ban Tổ chức của mỗi kỳ Liên hoan do Chủ tịch Liên hoan ra quyết định. Thành viên Ban Tổ chức được sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị mình trong quá trình hoạt động.

Điều 5. Đơn vị đăng cai

1. Mỗi kỳ Liên hoan có 01 Đài Truyền hình hoặc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng cai tổ chức.

2. Đơn vị đăng cai có trách nhiệm thực hiện công việc của mình theo phân công của Chủ tịch Liên hoan; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và nhân sự; bảo đảm an ninh, an toàn, thuận lợi cho đại biểu tham dự Liên hoan tại các địa điểm tổ chức; có các hoạt động quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, xã hội của tỉnh/thành phố mình cũng như cung cấp các thông tin liên quan của địa phương nơi tổ chức Liên hoan cho các đại biểu.

Điều 6. Thông tin chung của Liên hoan

1. Trung tâm Thông tin

a) Trung tâm Thông tin là nơi đón tiếp, hướng dẫn các đoàn đại biểu về dự Liên hoan và thực hiện việc thông báo cho Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, các đơn vị dự thi khi có yêu cầu từ Ban Tổ chức. Trung tâm là nơi tiếp nhận góp ý (qua điện thoại hotline) và giải đáp thắc mắc của đại biểu.

b) Trung tâm thực hiện việc xác nhận thông tin về các Đoàn đại biểu tham dự: thời gian có mặt; thông tin chi tiết về Đoàn; đăng ký tham gia các hoạt động của Liên hoan; nhận tài liệu, giấy mời, lịch hoạt động, quà của Ban Tổ chức.

c) Đây cũng là nơi tiếp đón các nhà báo đến tác nghiệp, cung cấp các thông tin chính thức về Liên hoan, tiếp nhận đăng ký và sắp xếp phỏng vấn khi các nhà báo có yêu cầu.

d) Trung tâm Thông tin bắt đầu hoạt động trước Lễ khai mạc 02 ngày và kết thúc hoạt động sau Lễ bế mạc 01 ngày.

2. Trang thông tin và tác nghiệp của Liên hoan

a) Trang thông tin và tác nghiệp chính thức của Liên hoan sử dụng địa chỉ: http://vtv.vn/lienhoantruyenhinh.

b) Trang thông tin và tác nghiệp của Liên hoan đăng tải các thông tin, thông báo chính thức của Ban Tổ chức Liên hoan; là nơi trình chiếu các tác phẩm dự thi, công bố các quy định, hướng dẫn kỹ thuậtvề tác phẩm dự thi.

c) Các đơn vị thực hiện đăng ký tác phẩm dự thi, đại biểu tham dự và tham gia các hoạt động của Liên hoan thông qua phần Tác nghiệp của trang này.

d) Các đơn vị tham dự Liên hoan có trách nhiệm thường xuyên truy cập trang này để cập nhật thông tin.

3. Trang zalo, facebook của Liên hoan

Trang zalo, facebook của Liên hoan Truyền hình toàn quốc (Zalo Liên hoan Truyền hình và Facebook: http://facebook.com/lienhoantruyenhinh) cũng là nơi cập nhật các thông báo của Ban Tổ chức tới các đơn vị dự thi; cập nhật các thông tin, hình ảnh, hoạt động của Liên hoan hàng ngày và là nơi tổ chức lấy ý kiến của các đại biểu khi cần thiết.

Điều 7. Ban Giám khảo

1. Ban Giám khảo

a) Chủ tịch Liên hoan ra quyết định thành lập Ban Giám khảo và Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Giám khảo phù hợp với yêu cầu của Liên hoan và Luật Báo chí.

b) Mỗi thể loại dự thi có 01 Ban Giám khảo gồm 05 thành viên. Mỗi kỳ Liên hoan, Ban Giám khảo sẽ đổi mới 50% số lượng thành viên.

c) Giám khảo là những người có kinh nghiệm, uy tín nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cao, không nhất thiết là lãnh đạo đơn vị.

2. Thư ký

Giúp việc cho Ban Giám khảo có các nhóm Thư ký tổng hợp, Thư ký Giám khảo do Ban Thư ký biên tập Đài THVN và Thủ trưởng đơn vị đăng cai thống nhất, ra quyết định thành lập.

Điều 8. Các hoạt động của Liên hoan

1. Tổ chức chấm thi và xếp hạng tác phẩm

Tác phẩm dự thi được chia theo thể loại. Số lượng, nội dung thể loại, quy định về tác phẩm dự thi do Tổng Giám đốc - Chủ tịch Liên hoan quyết định tại mỗi kỳ Liên hoan.

2. Tổ chức hội thảo

a) Mỗi kỳ Liên hoan sẽ tổ chức các cuộc hội thảo về những vấn đề trong lĩnh vực của ngành truyền hình. Ưu tiên hướng tới những nội dung đang được các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình quan tâm.

b) Số lượng và nội dung các cuộc hội thảo ở mỗi kỳ Liên hoan sẽ do Ban Tổ chức quyết định trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình trên cả nước.

3. Hoạt động đồng hành

Mỗi kỳ Liên hoan sẽ có các hoạt động đồng hành gồm tham quan, triển lãm, hoạt động từ thiện. Ban Tổ chức sẽ quyết định nội dung các hoạt động đồng hành tại mỗi kỳ Liên hoan.

Điều 9. Đơn vị tham gia Liên hoan

1. Nhóm 1: Mỗi Đài Truyền hình, Kênh truyền hình thuộc các bộ, ngành Trung ương; Đài Phát thanh - Truyền hình, Đài Truyền hình tỉnh, thành phố; các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại khu vực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị có chương trình thường xuyên phát sóng trên VTV; các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam là đơn vị tham gia Liên hoan.

2. Nhóm 2: Các đơn vị nhà nước hoặc tư nhân có chức năng sản xuất chương trình truyền hình (không thuộc Nhóm 1) đã tham gia kỳ Liên hoan gần nhất có chương trình truyền hình được phát sóng ở một đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình (có xác nhận của đơn vị phát sóng) được quyền đăng ký là đơn vị tham gia Liên hoan.

Các đơn vị thuộc Nhóm này không tham gia kỳ Liên hoan gần nhất hoặc lần đầu tham gia phải đăng ký bằng văn bản gửi Ban Tổ chức (qua Ban Thư ký biên tập Đài THVN). Các đơn vị này chính thức trở thành đơn vị dự thi khi Ban Tổ chức có văn bản chấp thuận.

Điều 10. Giải thưởng

1. Cơ cấu giải thưởng

a) Liên hoan Truyền hình toàn quốc có Giải Vàng, Giải Bạc và Giải Khuyến khích.

b) Cơ cấu giải thưởng được xác định dựa trên tổng số tác phẩm dự thi cho mỗi thể loại như sau:

+ Giải Vàng: số lượng không quá 05% trên tổng số tác phẩm dự thi.

+ Giải Bạc: số lượng không quá 10% trên tổng số tác phẩm dự thi.

+ Giải Khuyến khích: số lượng không quá 25% trên tổng số tác phẩm dự thi.

Riêng với thể loại Phim truyện truyền hình, cơ cấu giải thưởng là 02 Giải Vàng, 04 Giải Bạc và 06 Khuyến khích.

c) Trường hợp đặc biệt do Chủ tịch Liên hoan quyết định.

2. Giá trị giải thưởng

a) Mức tiền giải thưởng do Chủ tịch Liên hoan quyết định và công bố tại mỗi kỳ Liên hoan. Ban Tổ chức chuyển tiền thưởng kèm theo giải thưởng về đơn vị dự thi theo số tài khoản do đơn vị đăng ký tại phần Tác nghiệp trên Trang thông tin và tác nghiệp của Liên hoan.

b) Giải thưởng có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.

3. Công bố và trao giải

Ban Tổ chức sẽ công bố và trao giải trong Lễ Bế mạc. Tuỳ từng kỳ, Chủ tịch Liên hoan sẽ quyết định loại giải thưởng (Giải Vàng, Giải Bạc, Khuyến Khích) trao trong Lễ Bế mạc. Các Giải còn lại sẽ được Ban Tổ chức trao tại Trung tâm thông tin ngay sau Lễ Bế mạc.

Điều 11. Tác phẩm dự thi

1. Quy định chung

a) Tác phẩm dự thi là chương trình truyền hình phát sóng lần đầu tiên, sản phẩm video đăng tải lần đầu tiên trên các nền tảng số do đơn vị sở hữu trong 02 năm gần nhất trước năm tổ chức Liên hoan.

Tác phẩm dự thi dài tập có thể bắt đầu phát sóng trước thời gian quy định nhưng tập cuối phải được phát sóng trong 02 năm gần nhất trước năm tổ chức Liên hoan.

b) Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm nguyên vẹn, không chỉnh sửa so với lúc phát sóng hoặc đăng tải lần đầu tiên.

c) Không gửi tác phẩm của đơn vị mình sang đơn vị khác để dự thi.

d) Cùng một đơn vị không dùng một nội dung đề tài dự thi ở các thể loại khác nhau.

2. Nội dung tác phẩm

Tác phẩm dự thi cần bám sát các chủ trương tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phản ánh sâu sắc và sinh động các thành tựu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học giáo dục của đất nước; phản ánh các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hoá mới, trong xoá đói giảm nghèo, khắc phục thiên tai, bão, lũ, trong đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, xây dựng nền văn hoá mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có tính sáng tạo nội dung-nghệ thuật, chuyển tải thông điệp nhân văn và truyền cảm hứng tích cực đến khán giả.

Liên hoan Truyền hình toàn quốc khuyến khích những cách thể hiện mới, sáng tạo, hấp dẫn, những tác phẩm mang tính phát hiện nhân tố mới trong thực tế sinh động ở các địa phương.

Điều 12. Quyền đối với tác phẩm dự thi

1. Các đơn vị dự thi phải đảm bảo, chịu trách nhiệm về các quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm của mình theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, pháp luật liên quan.

2. Ban Tổ chức không thực hiện việc in sao tác phẩm. Các đơn vị có nhu cầu in sao tác phẩm phải thỏa thuận với đơn vị sở hữu tác phẩm đó.

3. Ban Tổ chức được phép đăng tải các tác phẩm dự thi trên Trang thông tin và tác nghiệp của Liên hoan nhằm cung cấp thông tin và trình chiếu công khai tác phẩm dự thi.

Điều 13. Kinh phí

1. Kinh phí tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc gồm nguồn kinh phí của Đài Truyền hình Việt Nam và Đơn vị đăng cai; nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước, được sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Các đoàn đại biểu đăng ký tham dự Liên hoan: kinh phí tự túc.

Điều 14. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, tặng giải. Đơn khiếu nại phải ghi rõ lý do (Đơn của cá nhân phải có họ tên, địa chỉ, thông tin cá nhân) và gửi Ban Tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc.

2. Ban Kiểm tra chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký biên tập Đài THVN và các đơn vị liên quan xem xét, trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết lên Chủ tịch Liên hoan và Ban Tổ chức.

3. Tác phẩm dự thi nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Ban Tổ chức Liên hoan sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, các đơn vị tham gia Liên hoan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Thể lệ này; biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt; phê bình, kỷ luật hoặc kiến nghị kỷ luật những cá nhân, tập thể vi phạm.

Điều 16. Ban Thư ký biên tập Đài THVN chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổng kết đánh giá việc thực hiện Thể lệ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, cần điều chỉnh sửa đổi, bổ sung, Thủ trưởng các đơn vị thông báo cho Ban Thư ký biên tập Đài THVN để tổng hợp, kiến nghị Chủ tịch Liên hoan xem xét, quyết định./.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

đơn vị đồng hành

HOTLINE: 02253.611.799 - 02253.611.588