VTV.vn - Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, mỗi năm cứ 100.000 người sẽ có 1,7 người có thể mắc ung thư xương. Trong đó, 80-90% là bệnh nhi từ 10-14 tuổi.

"Số cháu phải tập đi 2 lần. Lần đầu tiên lúc cháu 13 tháng và lần thứ 2 khi cháu 15 tuổi. Cảm giác của tôi là mừng rơi nước mắt". Đó là những lời tâm sự nghẹn ngào của một người cha. Gần 3 năm trước, cô con gái bé bỏng của ông Hoàng Xuân Thoả (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từng nhận chỉ định phải cắt bỏ hoàn toàn 1 bên chân để điều trị ung thư xương. Thế nhưng, kỳ tích đã xuất hiện.

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 1.
Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 2.

Đó có lẽ là tin "sét đánh ngang tai" mà nhiều bệnh nhân từng nghe được khi biết mình mắc căn bệnh ung thư xương. Tin dữ ấy người lớn còn khó có thể trụ vững, huống chi là 1 cô bé mới 13 tuổi.

Sau 1 chấn thương trong giờ học thể dục, Linh Nhi - Cô học sinh cấp II năm ấy phát hiện mình mắc ung thư xương. Em được gia đình đưa lên tuyến trên điều trị và bắt đầu hành trình làm bạn với bệnh viện, với hoá chất và những ca phẫu thuật.

Sốc! Là từ ngữ duy nhất để diễn tả cảm xúc của cô bé khi được chỉ định cắt bỏ 1 bên chân để cứu mạng sống trước.

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 3.

Khát khao được sống, thế nhưng mong muốn có 1 đôi chân lành lặn để chạy nhảy như các bạn cùng trang lứa vẫn luôn cháy bỏng.

Sau thời gian điều trị hoá chất, các y bác sĩ tại 1 bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định giữ lại chân cho Linh Nhi bằng 1 cuộc đại phẫu, kết hợp phương pháp kéo xương. Chân của Linh Nhi được cố định trong 1 khung sắt với mong muốn xương sẽ phát triển để bù lại 1/3 phần xương đùi đã bị cắt bỏ trước đó. Nhưng với phương pháp này, em phải nằm bất động, treo chân trên giường 1 thời gian dài.

Mọi sinh hoạt cá nhân đều ở trên giường, những cơn chuột rút, cơn đau đớn kéo dài triền miên nhưng cô bé ấy luôn đối diện với tinh thần lạc quan nhất.

18 tháng trôi qua đầy khó khăn... chân của Linh Nhi liên tục có dấu hiệu nhiễm trùng. Phương pháp truyền thống không thành công. Ác mộng phải cắt bỏ đi 1 bên chân lại đến!

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 4.
Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 5.

Thật may mắn, cuối năm 2020, qua 1 phóng sự trên truyền hình, 2 cha con Linh Nhi biết đến 1 phương pháp mới đó là "ghép xương nhân tạo".

Thế nhưng, làm thế nào để có kinh phí đây khi gần 2 năm chữa trị cho em kinh tế gia đình cũng kiệt quệ. Tiếp tục vay mượn người thân, bạn bè, 2 cha con quyết tâm đi tàu từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội với mong ước duy nhất là "còn nước còn tát".

Tháng 2/2021, Linh Nhi đã được kết nối với nhóm y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội. Nhóm chuyên gia đầu tiên thay xương nhân tạo tại Việt Nam, từng phẫu thuật thành công nhiều ca thay xương khớp phức tạp cho bệnh nhân ung thư suốt khoảng 5 năm qua.

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 6.

Sau khi xử lí nhiễm trùng nặng, giữa tháng 4/2021, ca phẫu thuật thứ 9, quan trọng nhất đã được thực hiện. Trong nhiều giờ, nhóm y bác sĩ đã thực hiện thay toàn bộ xương đùi nhân tạo công nghệ mới làm bằng chất liệu hợp kim titan, in 3D theo thông số giải phẫu của Linh Nhi. Xương đùi nhân tạo mới cũng được thiết kế có khả năng tháo lắp để tăng độ dài, giúp em không bị lệch chân khi lớn lên.

5 tuần sau khi ca phẫu thuật thành công, Linh Nhi đã được ra viện. Nụ cười hạnh phúc của 1 chiến binh phi thường với kỉ lục số lần phẫu thuật nhiều nhất ở độ tuổi của em.

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 8.

Những bước đi đầu tiên sau gần 3 năm chỉ nằm yên 1 chỗ với Linh Nhi như 1 điều diệu kì. Thấy con đang dần có thể tự bước đi trên chính đôi chân của mình, ông Hoàng Xuân Thoả - bố của em không khỏi xúc động.

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 9.

Nếu Linh Nhi là em bé giữ kỉ lục về số cuộc phẫu thuật từng trải qua thì Quỳnh Anh (sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) lại là em nhỏ ít tuổi nhất Việt Nam được thay xương nhân tạo điều trị ung thư khi em mới 11 tuổi.

Mắc căn bệnh ung thư xương đùi, Quỳnh Anh phải chịu đựng nhưng cơn đau âm ỉ suốt hơn một năm. Khối u không đáp ứng thuốc điều trị, ngày càng lớn, xâm lấn làm gãy đôi thân xương đùi, em phải bó bột chân phải. Nếu cứ tiếp tục, nguy cơ tàn phế và nguy hiểm tới tính mạng là điều có thể xảy ra.

Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam nên nhóm y bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phải cân nhắc nhiều yếu tố bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong thiết kế, cháu có thể sẽ gặp các di chứng như trật khớp, cứng khớp ngay sau mổ.

GS.TS. Bác sĩ Trần Trung Dũng cho biết: "Chúng tôi phải quét mô hình 3D toàn bộ hai chân của cháu trước mổ để từ đó mô phỏng giả lập sau khi tháo bỏ xương đùi thì cần thay thế xương nhân tạo mới có các thông số kích thước là bao nhiêu. Đồng thời, chúng tôi cũng tính toán phần gân cơ xung quanh xương còn lại có đủ bảo đảm cho chân cháu hoạt động hay không. Cuối cùng, chúng tôi sử dụng robot định vị trong suốt quá trình mổ để đảm bảo các bước phẫu thuật đều đạt độ chuẩn xác cao nhất".

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 10.

Trải qua đợt điều trị hóa chất tiền phẫu và ca đại phẫu kéo dài gần ba giờ đồng hồ, cuối cùng các bác sĩ đã lấy bỏ xương đùi bị bệnh cùng khối u khổng lồ có kích thước 28x10cm, nặng gần ba kg của bệnh nhân ra khỏi cơ thể. Đồng thời, thay thế thành công xương đùi nhân tạo kèm khớp háng và khớp gối nhân tạo.

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 11.
Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 12.

Trong nhóm y bác sĩ tâm huyết với bệnh nhi ung thư xương tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, có 1 nữ thư ký y khoa rất đặc biệt, đó là em Lê Thị Hoà - 25 tuổi.

Khoảng 5 năm trước, Hoà từng là 1 chiến binh ung thư và cô gái ấy cũng chính là ca ghép xương đùi nhân tạo đầu tiên được nhóm của GS.TS. Bác sĩ Trần Trung Dũng thực hiện.

Ca phẫu thuật năm ấy thành công, được coi như kỳ tích và câu chuyện của Hoà trở thành nguồn cảm hứng với những bệnh nhân ung thư xương.

Làm việc tại khoa Phẫu thuật khớp và y học Thể thao, bên cạnh công việc của 1 nữ thư kí y khoa, như ghi chép, tổng hợp thông tin, hồ sơ bệnh nhân, kết nối với các tổ chức từ thiện, Hoà còn là 1 người chị đi trước, tận tình chia sẻ, đồng hành cùng bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện.

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 14.
Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 15.

Từ nữ thư kí y khoa đặc biệt đến em nhỏ từng trải qua 9 cuộc phuật tới bệnh nhi ít tuổi nhất được tiếp cận với phương pháp ghép xương nhân tạo. Sự hồi phục của các em chính là 1 trong những kỳ tích trong điều trị ung thư tại Việt Nam.

Thay vì đi 1 vòng tròn điều trị với rất nhiều bước, nếu được tiếp cận sớm với phương pháp ghép xương nhân tạo, bệnh nhi mắc ung thư xương sẽ có khả năng hồi phục và giữ lại chân tốt hơn, chỉ sau 1 đến 2 lần phẫu thuật. Thế nhưng, để khép lại vòng tròn này, trở ngại lớn nhất với mỗi gia đình là vấn đề kinh phí.

Bước đến... Hạnh phúc - Ảnh 16.

Để khép lại vòng tròn điều trị, để bệnh nhi ung thư xương sớm có thể "Bước đến hạnh phúc",  điều đó chắc chắn cần được tiếp sức bởi những vitamin yêu thương. Vitamin yêu thương ấy chính là sự sẻ chia của cộng đồng, là sự quyết liệt trong chính sách hỗ trợ bệnh nhi của những nhà làm chính sách, bảo hiểm. Bởi chỉ khi cả xã hội cùng chung tay thì trẻ em mắc ung thư mới có thể được hưởng đầy đủ quyền lợi nhất. Các em rồi sẽ khoẻ mạnh, sẽ lớn lên, sẽ cống hiến và là nguồn động lực vượt qua những thử thách cuộc sống cho thật nhiều những người khác.

Và những bệnh nhi ung thư, các em hãy lạc quan và tin tưởng vào những điều diệu kì sẽ đến sớm thôi. Bởi: "Lạc quan chính là con đường dẫn lối thành công. Và sẽ chẳng có gì đạt được nếu không có niềm hy vọng". Hãy cứ hy vọng bởi: Cầu vồng luôn xuất hiện sau những cơn mưa.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước