Trước đây, Trịnh Châu là một thành phố nghèo của Trung Quốc. Nhưng thời gian qua, nơi đây đã "thay da đổi thịt" rất nhiều. Và nhà máy có tên Science Park do công ty Foxconn điều hành là một trong những động lực cho sự phát triển của Trịnh Châu.
Nằm cách trung tâm Trịnh Châu khoảng hơn 30km, Science Park sử dụng trung bình khoảng 350.000 nhân công và sản xuất khoảng một nửa số iPhone trên toàn thế giới. Có những thời gian cao điểm vào mùa Hè, nhà máy này cho ra "lò" khoảng 500.000 iPhone mỗi ngày, tương đương khoảng 350 chiếc/phút.
Tại đây, các công nhân chủ yếu sống trong các ký túc xá là những tòa nhà 10 - 12 tầng. Và không quá để nói rằng Science Park là một thành phố thu nhỏ - "thành phố iPhone".
Hãy cùng khám phá thành phố này qua góc nhìn từ phóng viên của Business Insider:
Các phóng viên của Business Insider đến Science Park vào lúc 1h chiều, sau bữa ăn trưa của các công nhân. Ở cổng chỉ lác đác vài ba người. Sẽ có rất nhiều người không dám tin, Science Park có đến 350.000 nhân công của Foxconn. Trong tổng số 1,3 triệu lao động của công ty này tại Trung Quốc. (Ảnh: Business Insider)
Sở hữu khuôn viên có bán kính hơn 3,5km2, với hàng chục khu nhà, Science Park cũng giống như bất kỳ một nhà máy điển hình nào khác. Song điều này hoàn toàn trái ngược với một thập kỷ trước khi nơi đây chỉ những cánh đồng ngô và lúa mì. Năm 2010, khu vực này được mua lại với mức giá 600 triệu USD và Science Park được hình thành. (Ảnh: Business Insider)
An ninh tại Science Park luôn được đặt ở mức cao nhất. Thậm chí an ninh ở đây còn nghiêm ngặt hơn một số khu quân đội. (Ảnh: Business Insider)
Science Park được hưởng rất nhiều các ưu đãi từ chính quyền địa phương cũng như Chính phủ Trung Quốc: mở đường đến tận nhà máy, được xây dựng nhà máy điện riêng… Đến nay, Science Park cũng không phải ngoại lệ khi nhà máy này được hỗ trợ rất nhiều về thuế, trợ cấp… Thậm chí, trong giai đoạn cao điểm sản xuất iPhone, Chính phủ còn hỗ trợ Science Park tuyển dụng, đào tạo nhân công cũng như nơi ăn nghỉ. (Ảnh: Business Insider)
Bắt đầu một ngày làm việc mới, công nhân nơi đây thường bước qua cổng của Science Park lúc 7h sáng. Một số người đi làm bằng xe máy. Song hầu hết là đi bộ từ các khu ký túc xá gần đó hoặc đi xe bus nếu họ sống trong các tòa nhà xa nhà máy hơn. (Ảnh: Business Insider)
Lịch trình một ca làm việc của Science Park (ca sáng)
- Thức dậy lúc 6h30
- Đến nhà máy lúc 7h00
- Ăn sáng và bắt đầu làm việc lúc 8h00
- Ăn trưa trong 1 giờ. Hầu hết mọi người ăn ở căng tin bên trong khuôn viên nhà máy. Một số khác chọn ăn bên ngoài vì thức ăn tốt hơn
- Ca làm kết thúc vào lúc 17h00. Nếu phải làm thêm giờ, mọi người thường làm đến 20h00 hoặc 22h00
- Sau giờ làm việc, các công nhân ăn tối với bạn bè hoặc chơi trò chơi điện tử cho đến 22h00 hoặc 23h00
- Sau đó đi ngủ
Công việc chính của các nhân công tại Science Park là 1 quy trình có tên FATP gồm 400 bước để sản xuất iPhone: Final Assemble (lắp ráp) - Testing (thử nghiệm) - Packaging (đóng gói). Hầu như mỗi công nhân tại đây chỉ làm một công việc duy nhất trong cả ngày: Đánh bóng màn hình, hàn một bộ phận nào đó hay lắp một ốc vít vào mặt sau của iPhone. Nói với The Guardian, một công nhân nữ chịu trách nhiệm lau tấm màn trên màn hình LCD cho biết cô xử lý khoảng 1.400 chiếc iPhone/ngày, tương đương 3 màn hình/phút (trong một ca làm việc dài 12 tiếng). (Ảnh: Business Insider)
Để phục vụ cho việc chở công nhân đi làm bằng xe bus, cũng như vận chuyển hàng hóa, Science Park được xây dựng hẳn một đại lộ. (Ảnh: Business Insider)
Hầu hết công nhân tại Science Park có độ tuổi từ 18 - 25, có những thực tập viên độ tuổi chỉ là 16. Theo quan sát của phóng viên Business Insider, có một cân bằng tương đối về số lượng công nhân nam và nữ tại Science Park. Hầu hết các công nhân tại Science Park đến từ Trịnh Châu hoặc Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Business Insider)
Ngay bên ngoài cổng của Science Park là khu vực tập trung rất nhiều các cửa hàng tạm bợ để phục vụ nhu cầu ăn uống của những công nhân không muốn ăn tại căng tin trong nhà máy. Chủ cửa những cửa hàng này hầu hết là các cựu công nhân của Foxconn hoặc người từ các làng lân cận tìm cơ hội làm ăn từ Science Park. (Ảnh: Business Insider)
Phóng viên Business Insider quan sát có hàng loạt các cửa hàng bỏ trống. Một số người nói với phóng viên này rằng, đây là thời kỳ thấp điểm. Đến cuối tháng 6, khi Science Park tăng cường sản xuất để cung cấp iPhone vào mùa Thu, những cửa hàng trên sẽ lại đông khách. (Ảnh: Business Insider)
Phóng viên Business Insider vào một quán ăn có nữ chủ quán tên là Liu. Nữ chủ quán này cho biết, quán của họ không phục vụ những món ăn nào đặc biệt. Thay vào đó là những món ăn đơn giản có thể lấp đầy dạ dày của công nhân với giá bán rẻ nhất. (Ảnh: Business Insider)
Nữ chủ quán Liu cho biết công việc của mình thậm chí còn vất vả hơn cả những công nhân tại Science Park. Bà Liu cho biết bà phải dậy sớm hơn, ngủ muộn hơn công nhân để phục vụ họ cả ngày lẫn đêm.
Theo nữ chủ quán Liu, việc kinh doanh của họ ngày càng khó khăn hơn những năm trước đây. Bất chấp việc hơn một nửa số cửa hàng trong làng đã đóng cửa bởi theo quy hoạch khu vực này có thể bị giải tỏa vào cuối năm nay. (Ảnh: Business Insider)
Không chỉ công nhân, các ứng viên tuyển dụng cho Science Park cũng đến làm từ rất sớm. Theo quan sát của phóng viên Business Insider, cứ vài phút lại có một ứng viên đến tuyển dụng. Hành trang của họ là một va ly lớn và rất nhiều đồ ăn. (Ảnh: Business Insider)
Công nhân của Science Park được phân chia theo hai màu áo: xanh và đỏ. Lương khởi điểm cho công nhân là 1.900 Yuan (khoảng 300 USD/tháng). Mức này thấp đến mức, Chính phủ Trung Quốc không đánh thuế từ lương của những công nhân tại nhà máy này. Dù thấp song theo những công nhân ở đây, mức lương này là tốt nếu so với những công việc không đòi hỏi kỹ năng tại Trung Quốc. (Ảnh: Business Insider)
Lương của công nhân tại Science Park có thể tăng lên khoảng 676 USD nếu họ tham gia làm thêm giờ, đạt số giờ làm việc khoảng 60 giờ/tuần. (Ảnh: Business Insider)
"Hầu hết mọi người muốn làm thêm giờ" - một công nhân 27 tuổi chia sẻ với phóng viên Business Insider.
Một số khác còn sẵn sàng làm nhiều ca đêm hơn, qua đó có thể đạt mức lương 785 USD/tháng (bao gồm cả giờ làm thêm).
17h00 tan ca làm việc (ca sáng), mọi người ùn ùn ra về. Bởi đây là mùa thấp điểm, nên không có quá nhiều việc để mọi người làm thêm. Đường phố bị tắc nghẽn bởi người, xe hơi, xe máy và xe buýt. (Ảnh: Business Insider)
Sau một quãng ngắn đi bộ là khu phức hợp ký túc xá. Theo quan sát, có ít nhất 10 tòa nhà cao 10 - 12 tầng. Các hộ kinh doanh nhỏ mở các cửa hàng xung quanh để phục vụ công nhân, đáp ứng mọi nhu cầu: ăn uống, phim ảnh, massage… (Ảnh: Business Insider)
Về chỗ ngủ của công nhân trong khu phức hợp, mỗi phòng ngủ tập thể được chia làm 8 giường. Tiền thuê của mỗi người vào khoảng 25 USD/tháng, chi phí cho việc sử dụng internet là 3 USD. Phòng ngủ hiếm khi nào đầy đủ bởi họ làm theo các ca khác nhau. (Ảnh: Business Insider)
Vào 15h00, khu phức hợp này vắng như "chùa bà đanh", hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa bởi đây là thời điểm công nhân chưa đi làm về. (Ảnh: Business Insider)
Khu vực này nhanh chóng nhộn nhịp khi công nhân trở về sau ca làm việc.
Nông dân từ các làng lân cận cũng cố gắng bán trái cây, rau củ cho các công nhân. (Ảnh: Business Insider)
Sau giờ làm việc, mọi người thường ngồi trong một nhà hàng tại khu phức hợp để ăn tối và uống bia với bạn bè. "Đây là một cuộc sống đơn giản", một công nhân tên Chen mới 22 tuổi, nói với phóng viên của Business Insider. (Ảnh: Business Insider)
Hầu hết các công nhân ăn sáng và ăn tối ở các cửa hàng gần ký túc xá. Ăn trưa trong căng tin của nhà máy hoặc các cửa hàng gần đó. Thức ăn ít nhiều giống nhau: Mỳ, rau, xiên thịt và cá. Bữa ăn trong căng tin có giá khoảng 1 USD. Trong khi tại các quầy hàng hoặc nhà hàng từ 1,3 - 3,15 USD. Nếu tiết kiệm, những công nhân ở đây có để dành được 75% tiền lương của mình để gửi về cho gia đình hoặc cho công việc làm ăn sau khi thôi việc. (Ảnh: Business Insider)
Khi hỏi nữ chủ quán ăn tên Liu: "Cô có cho rằng những công nhân của Foxconn hạnh phúc?", nữ chủ quán cười trả lời: "Chúng tôi không hạnh phúc, không ai hạnh phúc. Đây là kế sinh nhai. Đây chỉ là cuộc sống".