VTV.vn - F1 Việt Nam hoãn, V.League, Ngoại hạng Anh tạm dừng, hàng loạt VĐV, HLV nhiễm COVID-19 … là thực trạng chưa bao giờ xảy ra đối với thế giới thể thao như hiện nay.
COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 1.

ác hoạt động thể dục thể thao vốn dĩ là nhằm để nâng cao sức khỏe con người, giúp cơ thể khỏe mạnh toàn diện về chiều cao, cân nặng, sức bền và đặc biệt là sức đề kháng. Thể thao chuyên nghiệp góp phần không nhỏ nhằm đề cao và cổ vũ cho các hoạt động thể dục thể thao phong trào. Thế nhưng, dịch bệnh không chừa một ai và COVID-19 chính là mối đe dọa lớn nhất đối với người dân toàn thế giới, với mọi lĩnh vực và thể thao không phải ngoại lệ.

Xuất hiện từ cuối năm 2019, virus Corona chủng mới (được WHO đặt tên là SARS-CoV-2) đã làm đảo lộn cuộc sống người dân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Từ Vũ Hán, con virus ấy lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn thế giới với hơn 100.000 người lây nhiễm COVID-19.

Trung Quốc cũng là nơi thể thao thế giới chịu những thiệt hại đầu tiên. Các giải đấu thể thao lớn của quốc gia này như giải bóng đá VĐQG Super League hay F1 Thượng Hải đều phải hoãn vô thời hạn để đối phó virus Corona.

Trong khi đó, các VĐV Trung Quốc đã phải sớm nương nhờ các trung tâm thể thao ở nước ngoài để được dự vòng loại Olympic Tokyo 2020. Thế vận hội lần này từng được Trung Quốc đặt mục tiêu lấy lại vị thế cường quốc số 2 thế giới nhưng tình cảnh hiện tại khiến nhiệm vụ này trở nên vô cùng khó khăn.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 3.

Nhưng Trung Quốc chưa phải là nền thể thao duy nhất chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Odion Ighalo chắc chắn là người cảm nhận rõ nhất điều này. Tiền đạo người Nigeria mùa giải trước vẫn đang thi đấu cho Thân Hoa Thượng Hải nhưng giữa cơn đau đầu của quốc gia tỷ dân, anh đã quyết định gia nhập Manchester United dưới dạng cho mượn, vừa để duy trì phong độ khi Super League tạm dừng và vừa để hoàn thành giấc mơ khoác áo Quỷ đỏ.

Sau hơn 2 tuần tự cách ly, Ighalo cũng đã thực hiện được mục tiêu thuở nhỏ. Anh tỏa sáng trong màu áo Manchester United khi ghi được 4 bàn chỉ sau gần 1 tháng trở lại với bóng đá Anh. Thế nhưng, vừa hưởng niềm vui chưa được bao lâu thì Ighalo lại vừa nhận thông tin giải Ngoại hạng Anh cùng nhiều giải đấu châu Âu bị tạm hoãn vì COVID-19. Vậy là tuy đã "trốn chạy" COVID-19 sang trời Âu thì virus Corona vẫn tìm đến những vùng đất nơi Ighalo sống. Và dù tiền đạo này có tính tới việc trở về quê nhà Nigeria thì dịch bệnh cũng vừa xuất hiện tại đây.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 4.

Odian Ighalo

Khi COVID-19 có dấu hiệu bùng phát, BTC các giải thể thao châu Âu đã nhiều lần nhóm họp để bàn các phương án đối phó. Ban đầu là những quyết định tổ chức trận đấu không khán giả nhưng sau đó họ buộc phải hoãn hàng loạt giải đấu khi virus Corona dần len lủi vào thể thao.

Ngày 27/2, một số phóng viên và CĐV Valencia nhiễm COVID-19 khi đến Milan để cổ vũ đội nhà ở Champions League. Đến ngày 11/3, cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên mắc bệnh được phát hiện là trường hợp của hậu vệ Timo Hubers đang khoác áo CLB Hannover. 1 ngày sau đó, COVID-19 "ghé thăm" Ngoại hạng Anh khi HLV Mikel Arteta cùng toàn đội Arsenal bị cách ly sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy nhà cầm quân này dương tính với virus SARS-CoV-2. Chỉ ít giờ sau là trường hợp nhiễm bệnh của tiền vệ Callum Hudson-Odoi (Chelsea). Tình hình báo động này buộc BTC và FA phải hoãn các trận đấu bóng đá tại Anh tới ít nhất 4/4. Đến nay, hàng chục cầu thủ bóng đá được ghi nhận dương tính với COVID-19.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 5.

Ở phía bên kia đại dương, lần đầu tiên trong lịch sử, giải đấu hàng đầu của bóng rổ Mỹ (NBA) phải tạm dừng khi trung phong CLB Utah Jazz - Rudy Gobert bị mắc với COVID-19. Điều đáng nói là ngôi sao người Pháp từng có phát biểu chủ quan và hành động chế giễu dịch bệnh này để rồi sau khi nhiễm bệnh, anh chuộc lỗi bằng cách quyên góp 400.000 USD tại Mỹ và 100.000 Euro tại Pháp nhằm giúp đỡ những người đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Với các môn thể thao khác, PGA Tour đã quyết định hủy giải golf The Players Championship 2020 ngay sau khi ngày thi đấu đầu tiên kết thúc. Trong khi đó, hai liên đoàn quần vợt ATP và WTA cũng tuyên bố hoãn các giải đấu trong nhiều tuần.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 6.

Rudy Gobert - CLB Utah Jazz

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 7.

Dù không ai mong muốn nhưng việc hoãn hủy các sự kiện thể thao thời điểm này là rất cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho khán giả cũng như cho chính VĐV, HLV. Nhưng điều đó lại mang đến những hệ quả phức tạp. Như tại các giải VĐQG châu Âu, giờ đang là giai đoạn cuối mùa giải. Liệu BTC có dám tuyên bố chấm dứt giải hay thậm chí hủy kết quả?

BTC Serie A đã đề ra một số giải pháp như tuyên bố không có đội vô địch hay đá play-off quyết định ngôi vương nhưng đều bị các CLB từ chối. Liverpool với cách biệt 25 điểm so với Man City trên BXH Ngoại hạng Anh ắt hẳn cũng sẽ phản đối việc hủy bỏ mùa giải khi họ chỉ cần 6 điểm nữa để vô địch nước Anh lần đầu tiên sau 30 năm.

Thi đấu tiếp cũng không phải phương án được nhiều người ủng hộ khi các cầu thủ có thể phải ra sân vào mùa Hè trong thời gian tổ chức Euro 2020 mà bệnh dịch chưa biết bao giờ chấm dứt.

Tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này sẽ đòi hỏi các liên đoàn thể thao châu lục phải cùng họp bàn phối hợp và hỗ trợ các CLB, VĐV với tinh thần đặt sự an toàn trên tất cả.




COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 8.

gày 15/12/2019, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã đích thân cắt băng khánh thành sân vận động quốc gia mới có sức chứa 68.000 người, trị giá khoảng 1,5 tỉ USD phục vụ Olympic Tokyo 2020.

Mọi người dân Nhật Bản lúc ấy đều chờ đợi đến ngày 24/7/2020, tại sân vận động này sẽ diễn ra lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 và đây cũng sẽ là nơi diễn ra các nội dung điền kinh, bóng đá và sau đó là phục vụ cho Paralympic 2020 cũng như lễ bế mạc của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Mọi thứ tưởng như đã sẵn sàng để nước Nhật tổ chức thành công kỳ thế vận hội mùa Hè lần thứ 2 trong lịch sử.

Thế nhưng, cơn bão COVID-19 ập đến… Tính đến ngày 10/3, Nhật Bản đã có khoảng 900 ca nhiễm virus Corona chủng mới, đó là chưa kể đến con số gần 700 trường hợp nhiễm trên siêu du thuyền Diamond Princess từng được cách ly ngoài khơi cảng Yokohama.

Tình hình hiện tại này buộc ông Abe đang phải cân nhắc việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh, thành phố ở Nhật Bản có thể chỉ thị người dân địa phương phải ở trong nhà và yêu cầu đóng cửa các trường học cũng như hủy bỏ những sự kiện lớn, trong đó có thể có Olympic Tokyo 2020. Nguy cơ thế vận hội mùa Hè năm nay bị hoãn hủy lớn hơn bao giờ hết.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 10.

Dù vậy, các quan chức của Nhật Bản vẫn có niềm tin rằng, thời gian hơn 4 tháng nữa sẽ giúp thế giới chung tay phối hợp đẩy lùi đại dịch virus chủng mới đầy nguy hiểm này. Đặc biệt, Olympic tổ chức vào mùa hè, khi thời tiết nóng lên cũng sẽ giúp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn.

Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Olympic Nhật Bản Seiko Hashimoto đã nhấn mạnh Olympic và Paralympic tại Tokyo vẫn sẽ được tổ chức. Theo nữ quan chức này, việc tổ chức Thế vận hội là cơ hội để đất nước mặt trời mọc thể hiện lòng biết ơn mà Nhật Bản nhận được từ thế giới sau trận động đất sóng thần năm 2011. Vì vậy sẽ không có trường hợp Olympic buộc phải hoãn hay hủy bỏ.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 11.

Bộ trưởng Hashimoto cho biết, hợp đồng giữa Tokyo với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) quy định tổ chức Olympic Tokyo trong năm 2020. Điều đó được hiểu Nhật Bản có thể trì hoãn việc tổ chức sự kiện thể thao này đến cuối năm nay.

Theo thỏa thuận đăng cai, quyền hủy Olympic Tokyo 2020 thuộc về IOC. Trong tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, Chủ tịch IOC vẫn khẳng định sẽ tổ chức sự kiện này theo đúng lịch trình vào tháng 7 tới, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy COVID-19 được đẩy lùi ở Nhật Bản. Đó là chưa kể những nguy cơ lây nhiễm đến từ hàng nghìn VĐV, HLV, quan chức cũng như đông đảo khán giả đổ về Nhật Bản mùa Hè này.

SMBC Nikko Securities cho rằng Nhật Bản sẽ hủy bỏ kế hoạch tổ chức Thế vận hội nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài tới tháng 7/2020. Nếu kịch bản này xảy ra, doanh thu của các doanh nghiệp ở Nhật Bản trong năm nay sẽ giảm gần 1/4 so với năm trước. GDP của Nhật Bản sẽ mất đi khoảng 7.800 tỷ USD.

Báo cáo của SMBC Nikko Securities cũng đưa ra một kịch bản khác với giả định dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào tháng 4/2020. Khi đó, việc tổ chức Olympic Tokyo vẫn diễn ra như kế hoạch. Tuy vậy, ảnh hưởng từ dịch bệnh sẽ chỉ gây thiệt hại 0,9% tăng trưởng GDP của Nhật Bản.

Mới đây, Hayley Wickenheiser, người từng 4 lần giành huy chương vàng Olympic môn khúc gôn cầu và giờ là thành viên của Ủy ban vận động viên Olympic đã lên tiếng phản đối việc không thay đổi kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo.

Các VĐV không thể tập luyện và không thể di chuyển. Các nhà quảng cáo không thể làm marketing vì sự nhạy cảm. IOC khẳng định sự kiện vẫn diễn ra như kế hoạch là vô cảm và thiếu trách nhiệm.

Bà Hayley Wickenheiser - thành viên của Ủy ban vận động viên Olympic

Hồi cuối tháng 2, London tự tin có thể là phương án dự phòng nếu Olympic 2020 tại Tokyo không thể diễn ra như dự kiến. Giới chức Anh khẳng định thành phố London có nhiều kinh nghiệm khi đã từng đăng cai nhiều sự kiện thể thao và văn hóa lớn trên thế giới, vì vậy nếu cần thiết, thủ đô của họ luôn sẵn sàng. Thời điểm này, đó hóa ra là câu chuyện "đùa" khi nước Anh đã ghi nhận hơn 4.000 người nhiễm COVID-19.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 13.

ột thông tin không vui cho những người hâm mộ thể thao Việt Nam đã đến khi Giải đua xe F1 Vietnam Grand Prix 2020 chính thức bị hoãn. Đây là quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa Chủ tịch tập đoàn F1, Chủ tịch FIA, Giám đốc Công ty Việt Nam Grand Prix và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.


COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 15.

Có thể nói đây là quyết định khó khăn vì năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên chính thức trong 22 quốc gia đăng cai tổ chức giải đua ô tô chuyên nghiệp và hấp dẫn nhất hành tinh. Để chuẩn bị cho chặng đua, BTC đã nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của F1 và FIA. Trường đua Công thức 1 tại Mỹ Đình theo đúng tiêu chuẩn quốc tế đã được hoàn thành và sẵn sàng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, quyết định hoãn giải đấu là bất khả kháng trong tình hình dịch bệnh hiện nay. 

Thực tế, Vietnam Grand Prix hiện là 1 trong 7 chặng đua đầu tiên tuyên bố hoãn và mùa giải F1 thế giới 2020 sớm nhất chỉ bắt đầu vào ngày 7/6. Trong bối cảnh BTC F1 cũng đang đau đầu để sắp xếp lại lịch thì người hâm mộ thể thao Việt Nam vẫn đang hy vọng chặng đua F1 đầu tiên tại Mỹ Đình sẽ được sớm tổ chức một cách an toàn nhất có thể.

Trước đó không lâu, Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) thông báo giải cầu lông Vietnam International Challenge 2020 tại Hà Nội được lùi ngày tổ chức, từ 24-29/3/2020 đến 2-7/6/2020.

Các giải đấu cấp quốc gia trong tháng 2 và 3/2020 cũng đã được Tổng cục Thể dục thể thao yêu cầu tạm dừng hoặc lùi thời gian tổ chức.

Trong 2 vòng đấu đầu tiên, V.League vẫn diễn ra trong sự tính toán thận trọng của VFF và VPF. Sau quyết định kéo dài kỳ nghỉ đến hết tháng 2, BTC nhận thấy không thể trì hoãn được nữa bởi có thể ảnh hướng lớn tới các CLB cũng như ĐT Việt Nam.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 16.

Trong 14 trận đầu tiên, tất cả các trận diễn ra không có khán giả nhằm hạn chế nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho các cầu thủ, lực lượng làm nhiệm vụ và chính bản thân khán giả.

VPF cũng nhấn mạnh BTC trận đấu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch. Các CLB chủ động trang bị máy đo thân nhiệt để thường xuyên theo dõi sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt của tất cả các cầu thủ, thành viên CLB kể cả nơi cư trú của CLB, di chuyển và khi đi thi đấu trên sân khách.

Các cầu thủ, quan chức chủ động khai báo và điền đầy đủ Phiếu thông tin do BĐH Giải quy định. Thực hiện nghi thức trước và sau trận đấu đúng quy định, các cầu thủ sẽ không bắt tay đội bạn và tổ trọng tài.

Thế nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam, VPF và VFF cuối cùng cũng đã thông báo tạm dừng các giải đến hết tháng 3. Nhằm tránh ảnh hưởng tới ĐTQG, BTC V.League cũng sẽ xây dựng kế hoạch điều chỉnh lịch thi đấu phù hợp, kịp thời báo cáo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và thông báo đến các CLB.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 17.

Bên cạnh đó, các biện pháp quyết liệt cũng đã được ngành thể thao đưa ra nhằm phòng chống dịch.

Tổng cục Thể dục thể thao yêu cầu rà soát, phát hiện các trường hợp có tiếp xúc gần với người bị lây nhiễm COVID-19 hoặc người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, những người sinh sống hoặc có người thân sinh sống trong khu vực đang bị phong toả, cách ly để chủ động báo cáo với Trung tâm Y tế dự phòng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ VHTTDL đồng thời thực hiện các biện pháp cách ly, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị.

Các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ vận động viên, huấn luyện viên, trước hết thực hiện cấm trại tại các trung tâm cho đến khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Đối với các giải thể thao đang được tổ chức, Tổng cục Thể dục thể thao đề nghị đơn vị tổ chức giải phải thường xuyên báo cáo, xin ý kiến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương đăng cai đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp hạn chế khán giả và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

COVID-19 làm “rung chuyển” thể thao Việt Nam và toàn thế giới như thế nào? - Ảnh 18.
 
Tạ Hiển
Minh Thu
20/3/2020
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước