VTV.vn - Với phim tài liệu Người mẹ, đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói chị đã có được niềm hạnh phúc của một người làm phim - chứng kiến những điều đẹp đẽ trong đời sống này.


So với những bộ phim tài liệu khác, Người mẹ có một sự khác biệt lớn. Nếu những bộ phim khác được làm dựa trên một câu chuyện đã có cái kết rõ ràng thì ở Người mẹ, đoàn làm phim đã tham gia vào diễn biến câu chuyện, cùng nhân vật trải qua những cảm xúc như chính người trong cuộc... Chính điều này đã làm nên sự khác biệt của phim tài liệu Người mẹ.


Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 2.

Cô Đẹp và con gái Leigh Boughton Small.

Cùng với 4 bộ phim khác, Người mẹ của đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã lọt danh sách 5 phim đi tiếp vào vòng 2 của hạng mục Phim tài liệu ấn tượng VTV Awards 2020. Trong chia sẻ trên trang cá nhân của mình vào ngày 26/8, một ngày sau khi danh sách vòng 2 được công bố, đạo diễn - nhà báo Đoàn Hồng Lê viết: "Mọi niềm vui của việc làm phim tụi mình đều đã tận hưởng hết trong mấy tháng làm việc, bình chọn của các bạn sẽ là sự khuyến khích để tụi mình thấy công việc này có ý nghĩa thêm".

Phim tài liệu Người mẹ lên sóng vào tháng 1 năm nay, đúng chiều 30 Tết Nguyên đán. Với thời lượng gần 45' cùng một nội dung đầy xúc động, ngay sau khi phát sóng phim đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Vì thế, không ngạc nhiên khi Người mẹ của đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã được đề cử vào hạng mục Phim tài liệu ấn tượng của VTV Awards 2020 và sau đó, có mặt trong 5 phim được bình chọn đi tiếp vào vòng 2.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 3.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (bên trái) trong một buổi quay.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói rằng chị tin có một mối duyên nào đó đưa chị đến với việc làm bộ phim này. Qúa trình làm phim cũng không mấy thuận lợi - ngân sách làm phim ít ỏi, phim có 6 nhân vật thì chỉ duy nhất nhân vật chính sống tại Việt Nam, 5 nhân vật còn lại đều ở Mỹ...  Nhưng cuối cùng, sau tất cả những trở ngại ấy, Người mẹ đã hoàn tất và được gửi tới người xem - với sự hài lòng của đạo diễn và ê-kíp làm phim.

"Tụi mình không có tiền để đi Mỹ nhưng vẫn làm được bộ phim này" - đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói - "Đây cũng là câu chuyện truyền cảm hứng về tình yêu thương, hy vọng và những điều tốt đẹp nhất trong hơn 20 năm làm nghề của mình".

Và nhân dịp này, VTV News xin được gửi tới độc giả những chia sẻ của đạo diễn Đoàn Hồng Lê với câu chuyện phía sau Người mẹ - trước khi phim được phát sóng, được đề cử tại VTV Awards 2020. Và với câu chuyện của đạo diễn Đoàn Hồng Lê, VTV News cũng hy vọng qua đây, khán giả sẽ hiểu được phần nào công việc của những đạo diễn - những người làm phim tài liệu.

"TÔI KHÔNG HÀO HỨNG VỚI CÂU CHUYỆN NÀY CHO ĐẾN KHI TÔI GẶP CÔ ĐẸP"

Tháng 3 năm ngoái, nhà sản xuất đưa cho tôi một bài báo và gợi ý xem tôi có thể làm một bộ phim hay không. Bài báo viết về câu chuyện cô Đẹp, một người phụ nữ gửi đứa con lai đi Mỹ trong chiến dịch Babylift và đã 44 năm qua không kết hôn, đau đáu tìm kiếm đứa con... Những câu chuyện như thế này không phải là ít, tôi không mấy hào hứng cho đến khi tôi gặp cô Đẹp.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cô Đẹp hấp thụ nền giáo dục kiểu miền Nam xưa, đầy tự trọng, ý nhị và hiểu biết. Tôi hình dung cô đã trải qua một quãng đời hơn 4 thập kỷ khép kín, âm thầm, không chồng không con vì bị ám ảnh và đè nặng bởi những ân hận từ quá khứ, bị cái bóng của định mệnh phủ lên toàn bộ cuộc đời mình. Nỗi đau mất con và sự chân thành của cô đã khiến tôi xúc động, tôi quyết định làm một bộ phim kể về cuộc hành trình tìm con của một người mẹ, hy vọng rằng bi kịch của cá nhân cô trong giai đoạn đặc biệt - những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975 - có thể kể được đôi điều về thời điểm lịch sử ấy. Bộ phim cũng sẽ kể về những nỗ lực tìm kiếm của một người mẹ được thôi thúc bởi tình mẫu tử- thứ tình cảm nguyên sơ bản năng nhất của con người, và vì vậy sẽ dễ dàng tìm được đồng cảm từ người xem bởi ai cũng đều có mẹ.

"Và không chỉ làm phim, tôi muốn cùng cô đi tìm con gái" - đạo diễn Đoàn Hồng Lê.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 5.

"Cô Đẹp"

Tôi bắt đầu tìm kiếm các tư liệu về chiến dịch babylift. Từ chi tiết "chuyến bay babylift cuối cùng ngày 26-4-1975" mà cô Đẹp khẳng định đó là ngày con gái ra đi, bởi ngày 25 khi cô đến nhà trẻ công giáo nơi gửi con để thăm, bé Phương Mai vẫn còn ở đó, tôi search cụm từ "the last babylift flight", hy vọng tiếp cận được hồ sơ danh sách babylift để tìm cái tên Nguyễn Thị Phương Mai, thì đọc được một số thông tin về chuyến bay cuối cùng này, trong đó đáng chú ý là thông tin từ bà Cherie Clark- một nữ nhân viên của Tổ chức Hy vọng Quốc tế- một tổ chức phi chính phủ chuyên cứu trợ nhân đạo đã hoạt động ở Việt Nam trong suốt những năm chiến tranh, đã trực tiếp tham gia chiến dịch Babylift. 

Bà Cherie Clark đã viết cuốn hồi ký "Sau những nỗi buồn, niềm vui cũng đến" kể lại khoảng thời gian này. Là giám đốc Tổ chức Hy Vọng Quốc tế, bà nổi tiếng với những hoạt động nhân đạo và là một trong những người Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh. 

Đây là một đoạn bà trả lời phỏng vấn trên báo Mỹ, tôi dịch từ tiếng Anh và đã trích trong phim:

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 6.

Cô Đẹp và con gái trong một tấm ảnh cũ.

"Chuyến bay đưa tôi rời Sài Gòn, ngày 26-4-1975 cũng chính là chuyến Babylift cuối cùng, là một cơn ác mộng. Chúng tôi không thể đẩy chiếc xe bus lại gần máy bay vì có rocket bắn ở đó. Sân bay biến thành một cơn ác mộng quân sự. Đạn rocket rơi xuống quanh chúng tôi. Bây giờ trên mặt những con đường nhựa xung quanh vẫn còn dấu vết.

Chúng tôi được đưa lên nhà ga chỉ sử dụng trong tình trạng khẩn cấp ngay tại sân bay. Chúng tôi chờ đợi ở đó trong cái nóng 100 độ, giờ này sang giờ khác. Có một lúc tôi bị lạc khỏi đoàn. Chúng tôi chờ 10 tiếng đồng hồ mới được lên máy bay. Nhiều đứa trẻ đã chết trong khoảng thời gian này, khi chúng tôi chờ đợi cơ hội được cất cánh.

Chúng tôi bị dồn vào một chiếc máy bay quân sự, như một bầy vịt, vừa chạy vừa bế bọn trẻ. Có 18 người lớn và 180 đứa trẻ trong khoang. Chúng tôi đặt bọn trẻ trên sàn máy bay, ngồi bên cạnh và chăm sóc chúng. Vài phút trước khi máy bay cất cánh, những người lính Mỹ quá stress ở phía đuôi máy bay (nhiều người còn chưa biết họ đang kết thúc mọi việc ở Việt Nam bằng chuyến sơ tán này), đã xô đổ tất cả các hộp sữa, nước và thuốc men của bọn trẻ. Khi đã cất cánh tôi nghe thông báo điểm đến sẽ là Guam, cách 10 tiếng bay. Tôi nói chuyện với cơ trưởng, một người đàn ông có vẻ mặt dữ dằn, tôi gào lên với ông ta trong tiếng gầm rú của máy bay, rằng tất cả bọn trẻ sẽ chết nếu không hạ cánh được ở Clark Airfield, bởi vì tất cả đồ ăn thức uống đã bị đổ. Những lời cuối cùng tôi lặp lại, là: "Thưa ngài, đứa trẻ ấy thật sự đã chết". Và cuối cùng chúng tôi hạ cánh ở căn cứ quân sự Clark Air. Đó là một chuyến bay dài và chết chóc, chăm sóc cho bọn trẻ và nhìn chúng chết dần".

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 7.

Tôi tìm được Facebook của bà Cherie. Bà nay đang là hiệu trưởng trường đại học y tế cộng đồng ở Uganda. Tôi nhắn tin cho bà, kể về câu chuyện của cô Đẹp và nhờ giúp đỡ. Bà cần biết địa chỉ nơi cô Đẹp đã gửi con, vì ngày hôm đó có 3 nhóm trẻ ra đi từ ba trại trẻ khác nhau. Cô Đẹp chỉ nhớ nơi cô gửi con nằm cùng con đường nhỏ với Đệ Nhất Khách sạn, gần sân bay Tân Sơn Nhất. 

Qua Facebook, tôi đã nhờ những người bạn sống ở Sài Gòn gần khu vực này trước 1975 tìm kiếm, và cuối cùng xác định được đó là trại trẻ ở đường Dân Tiến, một nhánh nhỏ của đường Phan Thanh Giản, nay là đường Hoàng Văn Thụ. Bà Cherie trả lời rằng bà vẫn giữ liên lạc với các nhóm con nuôi Babylift đang tìm kiếm cha mẹ của mình. Bà sẽ liên hệ với họ để xem cái tên Nguyễn Thị Phương Mai có trong danh sách những đứa trẻ rời khỏi Việt Nam trong ngày 26-4 ấy không, và nếu có thì Phương Mai đã được đưa đi đâu. Đó là những ngày tôi hồi hộp mỗi khi thấy tin nhắn từ bà. Bà giới thiệu tôi với người phụ trách một nhóm như vậy, nhưng cuối cùng rất tiếc là không tìm được dấu vết gì.

Chúng tôi cũng liên lạc với cô Lily Dương, một người phụ nữ lai Mỹ đang sống ở Hoa Kỳ. Lily Dương đọc được bài báo về cô Đẹp và "cảm thấy có một mối liên hệ" với cô Đẹp nên đã gọi cho cô. Tuy nhiên, kết quả thử DNA cho thấy đó không phải là Phương Mai. Rồi tôi tìm được một mẩu tin trên trang web Operation Babylift.com nhắn tìm người mẹ Việt của một cô gái tên là Nguyen Thi Phuong Mai ở Canada. Tôi liên lạc qua email, nhưng đó là một Phương Mai khác, trùng tên họ, trùng năm sinh.

"CÂU CHUYỆN CỦA CÔ ĐẸP ĐÁNG ĐƯỢC KỂ, NÓ LÀ MỘT MẢNH BIÊN NIÊN KÝ TRONG LỊCH SỬ..."

Thất vọng vì không lần ra dấu vết, tôi vẫn nghĩ rằng đây là một câu chuyện đáng được kể, vì ít nhất nó cũng là một mảnh biên niên ký nho nhỏ trong lịch sử những ngày loạn ly của miền Nam. Người trẻ ngày nay nên được biết về lịch sử thông qua những ký ức cá nhân như thế.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 8.

Bối cảnh ghi hình nhân vật cô Đẹp - nhân vật chính và nhân vật duy nhất đang sống tại Việt Nam - của đạo diễn Đoàn Hồng Lê và quay phim.

Chúng tôi đã quay cuộc trò chuyện rất dài với cô Đẹp trong phim trường, xung quanh là bóng tối, chỉ một nguồn sáng duy nhất tập trung vào cô. Đó không phải là một cuộc phỏng vấn, mà là trò chuyện. 

Chúng tôi dành thời gian với cô, lắng nghe cô, bày tỏ sự đồng cảm với cô, và cùng cô trải qua nhiều cảm xúc, kể cả trải qua những quãng im lặng dài, bởi im lặng cũng chính là kể chuyện. Chúng tôi tôn trọng tất cả những điều ấy, bởi vì muốn đưa cô vào trạng thái tâm lý như sống lại những ngày quá khứ. Tôi đọc cho cô nghe những gì bà Cherie Clark viết về chuyến bay Babylift cuối cùng đã mang con gái cô rời khỏi Việt Nam, trong lúc đó người quay phim quay những gì diễn ra trên khuôn mặt cô khi im lặng lắng nghe. 

Chúng tôi đã dựng xen những cảnh này với những đoạn hồi ức của Cherie Clark trên nền các tấm ảnh về chiến dịch Babylift, để tăng tính cá nhân cho những tư liệu lịch sử. Cũng với cách này, chúng tôi tái hiện những ngày hỗn loạn ở Sài Gòn cuối tháng 4 năm 75. Thật ra những hình ảnh tư liệu này khán giả đã xem trong nhiều bộ phim tài liệu về chiến tranh cách mạng, nhưng với một ekip dựng phim và hoà âm nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đã làm lại âm thanh cho những đoạn phim tư liệu vốn bị lời bình đọc đè lên, để tạo ra một cảm giác sống động như là chính ký ức của cô Đẹp, với mong muốn tái hiện một  thứ lịch sử gắn với số phận cụ thể của một con người chứ không phải là lịch sử chung chung.

Bộ phim vừa dựng xong, tôi nhận được một cuộc gọi từ cô Đẹp: "Lê ơi, cô tìm được con  rồi!". Tôi sởn gai ốc. Và theo những điều cô kể, nước mắt tôi rơi: "Bữa đó cô đang đi làm thì nhận được cuộc gọi từ Mỹ: "Are you Mrs Dep? - Yes I am, who are you? - I’m Mai, I’m your daughter".

Vũ Lê - một chàng trai người Việt Nam đang học tập ở Florida - xúc động vì câu chuyện cô Đẹp kể trên báo đã quyết định tìm kiếm giúp cô. Bằng kỹ năng và hiểu biết của một người đang sống ở Mỹ, anh đã tìm được người con gái riêng của ông Joe - người yêu cũ của cô Đẹp, cha của Phương Mai. Cô con gái này đã nộp mẫu DNA của mình ở trang web ancestry.com chuyên tìm kiếm người thân, và 2 tuần sau, trang web cho kết quả: Cô có một người em gái cận huyết sống ở Main, tên là Leigh Mai, đó chính là Nguyễn Thị Phương Mai. Họ đã hẹn ngày để Phương Mai cùng chồng và ba con về TP.HCM gặp cô Đẹp.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 9.

Leigh Boughton Small

Một câu chuyện thật xúc động về tình yêu thương, sự tử tế, tình người ấm áp giữa những người hoàn toàn xa lạ, một mối dây kết nối các cá nhân tưởng mong manh nhưng hoá ra lại bền chặt, một thế giới mênh mông bỗng chốc gần gụi lại, vì họ đều có một điểm chung: tình yêu con người. Thế là chúng tôi quyết định tiếp tục làm phim, với cái kết là cuộc gặp gỡ giữa hai mẹ con. Các nhân vật đều đang ở Mỹ mà ngân sách phim không cho phép đi Mỹ để quay, chúng tôi phỏng vấn họ qua video call. Cùng với những video tư liệu gia đình, những ảnh chụp màn hình, những tấm ảnh cũ, cuộc tìm kiếm đã được tái hiện.

Ngày trở về của Phương Mai cận kề, cô Đẹp rất phiền lòng vì phải từ chối hết những cuộc gọi liên tục của phóng viên muốn viết bài về chuyện của cô, lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Từ Đà Nẵng, chúng tôi đến nhà cô ở TP.HCM một ngày trước cuộc hẹn. Cô đã gầy sút đi với nhiều nỗi lo lắng: "Mong cho mọi việc tốt đẹp, êm xuôi, mong cho đừng có hiểu lầm nào xảy ra vì những khác biệt văn hoá và ngôn ngữ".

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 10.

Cuộc gặp gỡ giữa cô Đẹp và con gái sau 44 năm.

Như đã nói trong phim, mẹ con cô Đẹp hẹn gặp tại một khách sạn ở TP.HCM. Để giữ gìn sự riêng tư cho cuộc gặp mặt, chúng tôi không được phép đi cùng. Phương Mai nhắn tin cho tôi, nói rằng sẽ gửi tôi video do gia đình tự quay giây phút ấy. Là một người làm phim, tôi phải tôn trọng sự riêng tư của nhân vật, nhưng khỏi phải nói tôi đã lo đến thế nào. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra: Liệu cô ấy có quay được không? Có khi nào mọi người đều xúc động quên cả việc phải quay phim? Rồi nếu quay thì chất lượng hình và tiếng ra sao? Nhỡ đâu có trục trặc kỹ thuật không thể quay được, khoảnh khắc ấy sẽ trôi qua mất? 

Tôi đành theo cô Đẹp cho đến giây phút cuối cùng lúc cô rời khỏi nhà, lên đường tới khách sạn. Từ buổi trưa hôm ấy tôi theo dõi sát sao facebook của Phương Mai, cô post nhiều những tấm ảnh gặp gỡ gia đình bên ngoại, nhưng không có video nào, dù sao tôi vẫn rất mừng vì mọi chuyện có vẻ đều tốt đẹp. 

Những bức ảnh được Leigh Boughton Small chia sẻ trên trang Facebook cá nhân khi trở về quê ngoại, Việt Nam.

Hơn một tuần sau khi Phương Mai trở về Mỹ, chờ cho mọi xúc động lắng dịu, tôi mới dám gửi mail nhắc Mai về video. Và khi tôi hồi hộp mở đoạn phim do một trong các con của Phương Mai đã quay, lần nữa tôi lại rơi nước mắt, vì hạnh phúc của một người làm phim và vì hạnh phúc của một con người: Đoạn phim  lúc đầu khuôn hình rất ổn: Phương Mai chờ sẵn, cô Đẹp bước vào, họ ôm nhau. Sau đó phim rung lắc, có khi còn nằm ngược không nhìn thấy gì vì cô Đẹp tiến đến ôm các cháu ngoại của mình, nhưng tôi vẫn giữ nguyên bởi trong đó là âm thanh của những lời xúc động nghẹn ngào, những tiếng khóc. Rồi khuôn hình trở lại ổn định, cuối cùng cô Đẹp ôm lấy Phương Mai, thốt lên: "Mẹ yêu con".

Phim kết thúc, tôi vẫn tiếp tục theo dõi niềm vui sum họp và sự tiến triển trong mối quan hệ của họ. Phương Mai đã có những ngày vui vẻ cùng gia đình bên ngoại ở TP.HCM khám phá văn hoá Việt. Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Phương Mai post tấm ảnh cô chụp chung với cả đại gia đình cùng chú thích: "Chúc mừng năm mới đến gia đình tôi ở Việt Nam. Đây là Tết đầu tiên họ không còn phải cầu nguyện tìm thấy tôi nữa". 

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và câu chuyện phía sau bộ phim tài liệu Người mẹ - Ảnh 12.

Leigh Boughton Small đã tìm thấy mẹ!

Vào ngày sinh nhật Phương Mai, cô Đẹp mua một chiếc bánh kem hình bông hoa mai vàng chụp ảnh tặng con gái, Phương Mai thay đổi ảnh đại diện là hình hai mẹ con ôm nhau. Những yêu thương tràn ngập đó làm tôi thấy ấm áp vô cùng. Được chứng kiến những điều đẹp đẽ trong đời sống này chẳng phải là niềm hạnh phúc đối với một người làm phim sao?

Phim tài liệu: Người mẹ

___

Người thực hiện: ĐLNA

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước