VTV.vn - "Khi mình nói cái này nó đặc biệt bởi nó mang đến cho mình cảm xúc, là cái nội tại bên trong mà mình cảm nhận được từ nó" - đạo diễn Lê Mỹ Cường.

Tháng 12, "Đoạn trường vinh hoa" của đạo diễn Lê Mỹ Cường sẽ được phát sóng trên VTV1, ở mũ chương trình VTV Đặc biệt. Khác với những bộ phim nằm trong mũ chương trình này trước đó, trước khi phát sóng trên truyền hình, "Đoạn trường vinh hoa" đã ra rạp, đã có thời gian làm quen với khán giả ở 3 nơi là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Thậm chí, "Đoạn trường vinh hoa" còn có 2 tuần được công chiếu tại các cụm rạp của BHD với 234 suất chiếu và có 2000 vé được phát hành. Đó có thể coi là sự đặc biệt từ bộ phim của đạo diễn Lê Mỹ Cường.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường, Đoạn trường vinh hoa và hành trình chạm vào cảm xúc - Ảnh 1.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường trong thời gian quay phim Đoạn trường vinh hoa.

Lê Mỹ Cường nói cách làm này là để anh "mở đường" cho "Đoạn trường vinh hoa" khi được phát sóng trên truyền hình. Anh muốn bộ phim được tiếp cận với đông đảo khán giả hơn, có nhiều công chúng hơn.

Lê Mỹ Cường cũng nói, có thể là một cách nói khiêm tốn nhằm "giảm áp lực" với chính bản thân anh: "Mình vẫn nghĩ bộ phim này không đặc biệt theo quan điểm của VTV Đặc biệt".

"Vậy với bạn, như thế nào là đặc biệt!?" - tôi hỏi Cường. Đáp lại, Lê Mỹ Cường nói, vẫn rất kín kẽ: "Chỉ là với cá nhân mình thôi. Khi mình nói cái này nó đặc biệt bởi nó mang đến cho mình cảm xúc, là cái nội tại bên trong mà mình cảm nhận được từ nó".

Và từ câu trả lời này, Lê Mỹ Cường đã kể cho tôi nghe câu chuyện đã đưa anh đến với việc làm "Đoạn trường vinh hoa" và những hành trình tiếp nối sau đó.

TỪ NHỮNG BỨC ẢNH TRÊN BÁO...

"Câu chuyện bât đầu khi mình xem được những bức ảnh của anh Khánh trên báo Tuổi trẻ chụp một gánh tuồng" - Lê Mỹ Cường nhớ lại - "Nó có hai vấn đề ở đây, đó là những khái niệm văn hóa như Lễ kỳ hiên hay văn hoá cúng đình. Với miền Bắc, những khái niệm đó là cái gì đấy rất khác biệt và xa lạ. Những khái niệm ấy gợi cho mình sự tò mò. Nhưng cái đó chỉ là một phần thôi, cái chính là cách bắt khuôn hình của anh Khánh rất tuyệt vời. Nó cho thấy ngay sự đối lập của sân khấu và những gì phía sau nó. Thế là mình xin contact và đi khảo sát".

Đạo diễn Lê Mỹ Cường, Đoạn trường vinh hoa và hành trình chạm vào cảm xúc - Ảnh 3.

Gánh tuồng cổ Phương Ánh.

"Mình còn nhớ rất rõ buổi chiều hôm ấy ở Cần Thơ, mình thấy chú Chiêu Thanh đầu đội mũ rồng phượng rất lấp lánh, mặt đáng phấn nhưng từ phần cổ trở xuống thì đen xì" - Lê Mỹ Cường nói tiếp - "Chú mặc chiếc áo phông cũ có chữ New York đã rách ở phần nách và vai. Và cái hình ảnh đó nó chính xác là cảm nhận của mình khi nhìn thấy những bức ảnh của anh Khánh - nó là sự đối lập, là cái gì đó trớ trêu một chút trong cùng một khuôn hình. Nó vừa sân khấu nhưng lại có gì đó đời sống, tất cả trong một". 

"Khi mình quyết định làm phim là mình muốn có câu trả lời cho câu hỏi thật sự những con người này là ai?".

Lúc đó đã bạn đã có ý định làm phim này cho VTV đặc biệt chưa hay chỉ là muốn làm cái mình thích thôi? 

- Lúc đó thì chưa có ý định. Cho đến khi mình tham gia Ngày hội sáng tạo của VTV. Nó có nhiều sự tác động để đưa tới quyết định làm phim này cho VTV Đặc biệt. Ngoài ra, đề tài con người - những người khuyết tật, những người đồng tính, những người không có nhiều tiếng nói trong xã hội... - luôn thu hút mình và mình muốn làm về những con người như thế.

Quá trình làm phim có nhiều khó khăn không? Phải đi theo gánh hát, vấn đề thời gian, lịch trình... chắc chắn không hề đơn giản?

Đạo diễn Lê Mỹ Cường, Đoạn trường vinh hoa và hành trình chạm vào cảm xúc - Ảnh 4.

Một buổi ghi hình của Đoạn trường vinh hoa.

- Thật ra nó vừa dễ và cũng vừa khó. Ban đầu, với cái bối cảnh của gánh hát nó rộng, mình nhìn vào thấy nó lấp lánh, thấy cái gì cũng hay. Mình quay nhân vật này một tí, nhân vật kia một tí nhưng sau 4 tháng đầu thì mình thật sự bị chới với. Xem lại những gì đã quay, cái gì cũng ok nhưng nó lại không đi với nhau được. Mình như bị dội vậy. Mọi thứ xanh đỏ màu sắc nhưng mình chỉ là người đứng bên ngoài những con người trong gánh hát ấy họ, đưa những thứ bề nổi. Mình không vào được bên trong họ, không đi vào được bản chất của câu chuyện.

Có 2 lý do dẫn đến việc đó. Một là hiện trường nó quá rộng, quá mới với mình. Nó là lợi thế - đáp ứng cho sự tò mò lúc đầu của mình - nhưng nó không giúp mình đi hết hành trình bằng sự tò mò ấy. Cái thứ 2 là đoàn này họ đã rất quen với báo chí rồi nên khi họ tiếp mình đúng kiểu tiếp một người ngoài, nói dăm ba câu chuyện rồi đi ra. Thậm chí, họ chủ động hỏi mình sao không quay, sao không phỏng vấn? Họ ý thức, họ kiểm soát được cái họ muốn chia sẻ. Họ chủ động đến mức mình cảm thấy, thôi chết rồi, mình đang bị kiểm soát ngược lại. Mình đã mất tới 4 tháng và những cảnh đã quay gần như không thể sử dụng được. 

"Có thời điểm, mình đã nổi nóng, mình nói với nhân vật của mình: "Nếu cứ thế này con không thể làm phim ở đây được nữa". Bởi cứ mở máy quay là nhân vật bắt đầu nói cô ấy yêu nghề ra sao, cháy bỏng với nghề thế nào… nhưng đó là những câu rất chung chung, đầy tính khẩu hiệu" - Đạo diễn Lê Mỹ Cường.

Sau 4 tháng đầu mình gần như tụt tâm trạng. 4 tháng là 3 - 4 lần đi công tác. Nó không phải chuyện dễ dàng. Nếu phim đổ thì rất tệ nên mình nói với nhân vật của mình: "Chúng con muốn trở thành một phần của gánh hát này!" chứ không phải "quay phim đi để cô còn làm việc này". 

Sau đó, bằng nhiều cách và giải thích, mình đã làm cho họ hiểu được đó không phải cách mình làm việc, không phải điều mình muốn và đó không phải cái mình cần ở họ.

Phải đến tháng thứ 5 thì mọi người mới quen sự hiện diện của mình ở đó và chấp nhận việc không biết bọn này làm gì. Đó là lúc bọn mình được thoải mái trong hiện trường đấy. Ghi lại tất cả sinh hoạt của mọi người.

Mình bắt đầu quay vào tháng 4 năm ngoái và kết thúc quay vào tháng 6 năm nay.

Những cảnh thường nhật của đoàn hát Phương Ánh.

... VÀ HÀNH TRÌNH ĐẾN VINH HOA

Được trở thành người của đoàn hát, như vậy là công việc của bạn đã thuận lợi hơn rồi!? 

- Thực ra chuyện đó nó giống con dao 2 lưỡi với vị trí của mình, đặc biệt ở khâu hậu kỳ, khi mình dựng phim. Lúc đó mình phải đứng giữa 2 lựa chọn - làm ra một bộ phim tốt hay đứng về phía họ vì là một phần của họ? 

Lúc bọn mình dựng phim nó thật sự là một quá trình, mình phải đánh đổi giữa cái ham muốn của cá nhân với việc chọn mình là ai. Mình đã có những cảnh quay có thể sẽ sốc, rất ý nghĩa cho phim nhưng phải cân nhắc có sử dụng chúng vào phim hay không? Và có những cảnh mình buộc phải bỏ. Vì ở thời điểm đó mình hiểu là, vì mình trải qua đầy đủ thời gian ấy, nên mình sẽ hiểu tại sao họ hành xử trong hoàn cảnh ấy như vậy nhưng nếu mình đưa cho khán giả với 50’ phim, họ sẽ không hiểu điều ấy. Họ chỉ tiếp nhận những cái họ thấy trên màn ảnh. Mà nếu vậy, đấy sẽ là điều khá đau đớn với nhân vật.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường, Đoạn trường vinh hoa và hành trình chạm vào cảm xúc - Ảnh 8.

Dựng phim là quá trình mình phải thật sự cân nhắc để xác định vai trò, vị trí của mình.

Vậy cuối cùng mình là ai?

- Mình nghĩ mình chọn thời điểm mình là ai phù hợp trong mỗi phân đoạn và trường đoạn. Thật ra mình phải cảm ơn người dựng phim vì đã giúp mình cân bằng lại rất nhiều. Thực sự, cái tôi của người làm sáng tạo trong mình nó mạnh hơn việc đứng về phía nhân vật. Đã có những lúc mình cực đoan trong việc giữ lại những chi tiết ấy nhưng người dựng phim là người đã cân bằng lại mình. Chị ấy đã phân tích cho mình tại sao lại không nên khi mình bị sáng mắt quá bởi những chất liệu và mình có thể đi những bước đi không tốt cho nhân vật.

Qúa trình làm phim này có thay đổi bạn nhiều về quan điểm làm nghề không?

- Mình nghĩ nếu có thay đổi lớn nhất thì chính là ở câu chuyện mình vừa chia sẻ. Mình luôn đứng ở vị trí của người làm phim - muốn hoàn thành tốt nhất cho điều mình mong muốn cho bộ phim của mình. Nhưng một bộ phim, nó là kết quả của cả 2. Nếu nhân vật không mở lòng thì mình không làm phim được. Nếu họ không phá bỏ hàng rào thì chắc chắn sẽ không có bộ phim này.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường, Đoạn trường vinh hoa và hành trình chạm vào cảm xúc - Ảnh 9.

Khi mình quyết định tạm gác lại cái ham muốn của bản thân thì đấy là lúc mình thừa nhận điều đó – là sự thay đổi của mình trong suy nghĩ. Mình đã biết dung hòa hơn.

Nếu làm lại bạn có nghĩ mình sẽ làm tốt hơn?

- Những phim trước mình hay tự dựng nhưng phim này mình xác định mình muốn khác nên nhờ người khác dựng – chị Hảo, người dựng phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng".

Hai chị em làm việc với nhau trong khoảng 4 tháng. Sự thay đổi của mình chính là ở quá trình hậu kỳ này. Mình thay đổi rất nhiều. Mình hay bị ấn tượng với chi tiết nên những bộ phim của mình hay bị mất tính tổng thể, mà là sự chắp nối các chi tiết. Nhưng khi làm với chị Hảo thì đó là một cách làm việc khoa học, nó chuẩn mực theo thể loại mình đang muốn thay đổi.

4 tháng có rất nhiều tranh cãi nhưng mình đã học được rất nhiều.

Khi bộ phim của bạn ra rạp, nó đã bị so sánh với "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng". Bộ phim của bạn bị đánh giá non hơn. Cảm giác của bạn thì thế nào trước so sánh này?

- Mình đồng tình với điều ấy!

Hỏi thật, bạn có bị ảnh hưởng của "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" khi làm "Đoạn trường vinh hoa" không?

- Có bị ảnh hưởng, chắc chắn! Vì người hướng dẫn cho mình từ những cảnh đầu của phim này chính là chị Thắm – đạo diễn của phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng". Chị Thắm cùng chị Thảo - đạo diễn phim "Finding Phong" - là những người cố vấn cho mình khi làm phim này. Thậm chí, người dựng phim cho mình cũng là người dựng phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" cho chị Thắm. Những cảnh quay đầu về các chị xem và định hướng những lần sau mình sẽ quay như thế nào.

Nên sự ảnh hưởng là chắc chắn, sự non hơn cũng là chắc chắn.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường, Đoạn trường vinh hoa và hành trình chạm vào cảm xúc - Ảnh 11.

Lê Mỹ Cường nói anh thích thể loại phim tài liệu và sẽ theo đuổi thể loại này trong sự nghiệp làm phim của mình.

Các chị ấy nhận xét về cách làm phim của bạn thế nào?

- Các chị hay nói mình có nhiều điểm mạnh khi làm phim, nhưng điểm mạnh cũng chính là điểm yếu vì mình đã làm việc với truyền hình quá lâu. Mình chỉ nhìn thấy những cái rất bề nổi. Những cái con người, tinh tế bên trong thì mình không thấy.

Nghe thế có tự ái không?

- Nó vừa tự ái nhưng cũng vừa khiến mình muốn phá bỏ, muốn vượt qua và làm tốt hơn.

Mình cũng nói với các chị là mình làm phim này là vẫn đang cố thay đổi theo điều mình muốn, nên việc mọi người thấy bộ phim non hay chưa thật sự chỉn chu là dễ hiểu. Nếu phim có non, có bị ảnh hưởng thì nó vẫn là trên hành trình ấy – hành trình hướng đến cái mình mong muốn, của bản thân mình.

Phim của mình sến hơn! "Sến" là từ các chị ấy luôn nói về mình và cách mình làm phim cũng như tư duy của mình.

Sến có xấu không?

- Đó là mình thôi. Còn mình không dám khẳng định nó có xấu hay không.

... CHẠM VÀO CẢM XÚC

Những buổi chiếu của Đoạn trường vinh hoa tại rạp đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.

Là bộ phim được phát trong mũ VTV Đặc biệt của tháng 12, cái chữ đặc biệt ở ấy nó dẫn đến tác phẩm sẽ được kỳ vọng và chờ đợi hơn. Vậy với bạn, nó có phải một áp lực?

- Nó là một áp lực đấy! Đầu tiên là đề tài. Những bộ phim từng phát sóng ở VTV Đặc biệt hay là những đề tài khá lớn, là 1 bức tranh rất rộng và nhân vật phải đại diện cho một ai đấy và cho một vấn đề mang tính thời đại nào đấy. 

Ngay khi thuyết trình về phim của mình, mình đã khẳng định là phim làm về những con người rất nhỏ bé và họ không đại diện cho ai, cho một điều gì cả. Họ là những màu sắc vẫn tồn tại trong một phổ màu rất rộng. Mình làm phim về những con người nhỏ bé đang làm những điều nhỏ bé nhưng khi mình làm, nó vẫn phải chạm được vào cảm xúc của người xem. Đây là cái mình hướng đến khi làm phim. Và nếu mình làm được điều mình hướng đến ấy thì đó chính là sự đặc biệt.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường, Đoạn trường vinh hoa và hành trình chạm vào cảm xúc - Ảnh 13.

Ê-kíp Đoạn trường vinh hoa trò chuyện với khán giả.

Khác với những bộ phim VTV Đặc biệt khác, phim "Đoạn trường vinh hoa" đã ra rạp trước khi lên sóng truyền hình, nó có là một áp lực khác không?

- Mục tiêu của mình là phim được tới với đông đảo khán giả nhất có thể. Việc phim ra rạp cũng là "mở đường" khi phim lên sóng. Chính vì thế mình đã tìm tới các quỹ văn hóa để có thể làm được việc này.

Nhân vật của bạn xem phim chưa và họ phản ứng thế nào?

- Phản ứng của nhân vật với phim là điều mình lo lắng nhất khi đưa phim ra rạp - tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Khi phim được chiếu xuất chiếu đầu tiên ở Hà Nội, mình quan sát phản ứng của khán giả và của nhân vật của mình. Ở buổi chiếu đầu tiên, ở gần 10’ cuối, cô nhân vật chạy ra ngoài. Lúc đó mình không biết cô ấy đi đâu nên thật sự sợ. Vì lúc họ đồng ý cho mình quay họ sẽ không lường trước được việc mọi thứ sẽ bị bóc trần như thế khi lên phim và sẽ có rất nhiều người xem. Nên lúc cô chạy ra ngoài mình lo lắng thật sự. Khi cô quay lại mình hỏi cô đi đâu, cô nói cô đi vệ sinh. (Cười)

Ở những đoạn cuối phim, có những lúc cô rất xúc động nhưng phản ứng của cô với phim không như mình đã lo lắng. Nó ổn và cô chấp nhận nó. Mình rất vui vì người mình lo lắng nhất có thái độ tiếp nhận bộ phim tốt.

Mình rất cảm ơn khi cô ở đó, xem bộ phim, chấp nhận và tiếp nhận bộ phim theo cách ấy.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường, Đoạn trường vinh hoa và hành trình chạm vào cảm xúc - Ảnh 14.

Nghệ sĩ Phương Ánh và đạo diễn Lê Mỹ Cường trong buổi công chiếu đầu tiên của Đoạn trường vinh hoa ở Hà Nội.

Trong phần cuối cuộc trò chuyện, Lê Mỹ Cường nói anh sẽ vẫn làm truyền hình và vẫn làm phim khi bản thân thấy đủ muốn: "Mình không muốn cực đoan là phải đi theo một con đường nào, nó giống như tính cách của mình vậy. Mình không giỏi đưa ra các lựa chọn. Nên mình sẽ cố gắng dung hòa những điều ấy".

"Mình thích làm phim tài liệu. Đó là điều khá rõ ràng. Chỉ có điều là mình muốn tận dụng những cái mình có để làm điều mình muốn chứ không phải rời bỏ truyền hình để đau đáu 1 bộ phim đến 5-7 năm. Mình không lựa chọn bước đi ấy. Mình không đủ gắt để làm việc ấy, không đủ quyết liệt để làm điều đó".

Trước câu hỏi điều muốn nhắn gửi tới khán giả trước khi "Đoạn trường vinh hoa" được phát sóng, Lê Mỹ Cường trả lời: "Mọi người hãy thử tắt điện trong nhà, ngồi trên ghế sofa nhà mình 50’ như ngoài rạp, chắc chắn sẽ có một trải nghiệm khác".

Những khán giả xem phim Đoạn trường vinh hoa tại Cần Thơ.

"Để phim được tới với mọi người, mình rất cảm ơn những người đã đồng hành với mình, cảm ơn Thanh Nguyễn - đồng tác giả của phim. Những người đồng hành ấy gần như không có kinh phí hỗ trợ nhưng vẫn sẵn sàng đi cùng mình bằng tình yêu và đam mê!" - Đạo diễn Lê Mỹ Cường.

___

Người thực hiện: ĐL.Nhân Ái

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước