Cách đây 2 năm, vào đúng dịp ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, bộ phim tài liệu "Đường về" lên sóng trên khung giờ VTV Đặc biệt, lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả. Bộ phim không có bất cứ lời bình nào, nói về đề tài hậu chiến đã rất cũ, nhưng từng thước phim hiện lên lại khiến người xem không khỏi xót xa, không khỏi day dứt. Năm ấy, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư mang đến cho khán giả câu chuyện đầy ám ảnh và nghiệt ngã khi hai liệt sỹ cùng tên, cùng quê, cùng hi sinh và nhập ngũ, chỉ khác tên họ và đệm bị nhầm lẫn mộ. Hai người mẹ ở tuổi gần đất xa trời đã phải đau xót quyết định khai quật mộ để xét nghiệm ADN nhằm xác nhận hài cốt dưới nấm mồ kia là con ai. Cuối cùng, mẫu xét nghiệm không đủ tiêu chuẩn nên không thể xác định ADN và không thể biết được liệt sỹ là con trai của mẹ nào. Kết phim, hai người mẹ già chung một nỗi đau nắm tay nhau, cùng động viên, an ủi nhau, cho dù dưới nấm mồ kia là liệt sỹ nào đi chăng nữa thì đó vẫn là con chung của cả hai mẹ.
Như một duyên nợ, vị đạo diễn ấy tiếp tục thực hiện một bộ phim tài liệu nữa, cũng cùng đề tài tìm mộ liệt sỹ, hứa hẹn sẽ lại lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Bộ phim tài liệu với tên gọi "Nẻo đường hội ngộ" sẽ lên sóng vào 20h10 thứ 7 (24/7) trên kênh VTV1.
Hơn ba năm để hoàn thành bộ phim, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ "Nẻo đường hội ngộ" tiếp tục khai thác một góc cạnh khác về đề tài hậu chiến. Với "Nẻo đường hội ngộ", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết anh thấy nhiều cung bậc cảm xúc ở chính các nhân vật trong phim. Đó là sự day dứt, đồng cảm, là sự chia sẻ, đau đáu, là khát vọng, giận hờn, oán trách - và theo anh "chính điều đấy làm nên chất riêng ở bộ phim này".
Năm 2019, anh có thực hiện bộ phim "VTV Đặc biệt: Đường về" lấy đề tài về quá trình tìm kiếm mộ liệt sỹ. Điều gì khiến anh tiếp tục thực hiện tiếp bộ phim "Nẻo đường hội ngộ" với cùng đề tài như vậy?
- Sau khi thực hiện phim tài liệu "Đường về", tôi nhận thấy với đề tài hậu chiến còn rất nhiều góc cạnh khác để khai thác. Tất cả các gia đình thân nhân liệt sỹ vẫn luôn đau đáu nỗi niềm được đón người thân của mình trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ, gia đình.
Với Tổ quốc thì công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện rất sát sao. Điển hình trong năm 2013, Chính phủ đã ra đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin bằng hai phương pháp là thực chứng và xác định ADN. Trong quá trình thực hiện đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, chúng tôi được biết quá trình này còn gặp nhiều trắc trở và gian nan mà chính những người trong cuộc không lường trước được. "Kẻ thù" số một chính là thời gian.
Chúng tôi quyết định thực hiện bộ phim để muốn khán giả hiểu hơn về quá trình đưa các liệt sỹ trở về bên người thân, bên gia đình đã gặp muôn vàn khó khăn, gian khó mà ở đó đôi lúc khoa học cũng không thể giúp ích được. Và con đường hội ngộ, gặp gỡ với gia đình nhiều khi chỉ còn lại trong ký ức, trong sự day dứt khắc khoải chờ mong.
Điều gì khiến anh quyết định lựa chọn câu chuyện của hai liệt sỹ làm câu chuyện chính của bộ phim?
- Là một đạo diễn phim tài liệu, tôi quan niệm có những nhân vật đưa ta đến một đề tài để quyết định làm bộ phim và có những đề tài đưa ta đến nhân vật. Với bộ phim này thì các nhân vật đã đưa tôi đến lựa chọn thực hiện đề tài này.
Ở bộ phim này, chúng ta sẽ thấy có những cái ta có quyền lựa chọn, có những cái chúng ta không được lựa chọn và thậm chí có cái được lựa chọn nhưng sự lựa chọn đó chưa chắc mang lại cho ta kết quả tốt.
Trong phim sẽ có hai câu chuyện. Câu chuyện đầu tiên nói về hành trình 30 gia đình cùng nhau đi tìm liệt sỹ dù họ đã được quy tập tại nghĩa trang xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trước đấy gia đình liệt sỹ đã có đầy đủ thông tin tên tuổi, quê quán, nhưng do quá trình di chuyển mộ, trải qua nhiều thời gian và vì hoàn cảnh mà dẫn đến các ngôi mộ này thất lạc và lẫn lộn với nhau. Năm 2018 – 2019, các gia đình đã tụ họp và kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép được khai quật 46 ngôi mộ liệt sỹ đang được quy tập trong nghĩa trang xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để xác định danh tính ADN với thân nhân của 30 gia đình. Ở trường hợp này, nếu áp dụng phương pháp thực chứng thì không thể làm được. Chính vì thế họ không có sự chọn lựa ngoài cách trông chờ vào phương pháp khoa học giám định ADN. Đó là niềm hy vọng cuối cùng của họ bám víu lấy, mong có thể đưa người thân trở về với gia đình.
Câu chuyện thứ hai là về mẹ Sinh và gia đình bà ở Yên Bái. Ở đây, gia đình mẹ Sinh đã quyết định chọn phương pháp thực chứng để đưa con trai - liệt sỹ Đào Xuân Kỷ về với đất mẹ.
Ở bộ phim này, chúng ta sẽ thấy có những cái ta có quyền lựa chọn, có những cái chúng ta không được lựa chọn và thậm chí có cái được lựa chọn nhưng sự lựa chọn đó chưa chắc mang lại cho ta kết quả tốt. Đó là sự trăn trở, khắc khoải, gian lao và nỗi niềm mà những gia đình thân nhân liệt sỹ trong quá trình đi tìm người thân, đi tìm liệt sỹ gặp phải.
Anh mất bao nhiêu thời gian từ giai đoạn tìm kiếm nhân vật, lên kịch bản đến quá trình thực hiện xong bộ phim này?
- Trong quá trình thực hiện bộ phim tài liệu "Đường về", chúng tôi đã nhận ra và thấy rằng đề tài chính bắt nguồn chính từ những nhân vật chúng tôi gặp. Trong quá trình làm chúng tôi không có bất cứ kịch bản nào sẵn, chúng tôi cứ trò chuyện với họ để ra được vấn đề. Và cứ thế tôi theo đuổi.
Đề tài này bắt đầu từ tháng 5/2018 đến nay. Chúng tôi không mất thời gian tìm kiếm nhân vật để bổ trợ cho đề tài này, mà chỉ cần dành thời gian để tiếp xúc, để nghe nhân vật giãi bày, chia sẻ. Câu chuyện nỗi lòng của họ từ trong cuộc sống thực tế, đời thường cứ thế kéo chúng tôi theo. Mỗi lần có việc thì họ gọi và chúng tôi lại lên đường. Sau 3 năm thì bộ phim hoàn thành.
Trước đó, đã có nhiều PTL về tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, đây là đề tài không mới và chính anh cũng đã từng thực hiện PTL "Đường về" có cùng đề tài. Lần này "Nẻo đường hội ngộ" có điểm gì mới và riêng so với các PTL khác nói chung và "Đường về" nói riêng?
- Với đề tài hậu chiến và đi tìm hài cốt liệt sỹ thì theo tôi đây là đề tài rất cũ, trước đó có các bộ phim hay được rất nhiều đạo diễn thành danh thực hiện. Tôi làm bộ phim này theo linh tính mách bảo, với sự hiểu biết, quá trình tiếp xúc nhân vật cho tôi đến với đề tài này.
Phương pháp giám định gen hay thực chứng thì không phải ai cũng biết. Trong quá trình đi làm phim "Đường Về", được tiếp xúc nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ thì tôi mới biết có rất nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ không biết rõ có 2 phương pháp tìm kiếm trên.
Điểm mới của phim thì "Nẻo đường hội ngộ" cho thấy phương pháp giám định gen hay thực chứng không phải cái nào cũng thuận lợi, cái gì cũng có khó khăn, gian lao nhất định mà ngay cả người trong cuộc cũng không thể biết và lường trước. Như ở trên tôi có nhắc đến kẻ thù chính là thời gian.
Điểm khác của bộ phim có lẽ là ở trong những tâm sự, chia sẻ, trong quá trình mà các gia đình đi tìm thân nhân của mình. Tôi thấy nhiều cung bậc cảm xúc ở chính họ, day dứt, đồng cảm, chia sẻ, đau đáu, khát vọng, giận hờn, oán trách. Tôi nghĩ chính điều đấy làm nên điều riêng ở bộ phim này.
Với tôi khi làm phim thì không áp lực phim sau phải hay hơn phim trước. Mỗi bộ phim đều là một đứa con tinh thần. Tôi cũng có những quãng nghỉ, nốt thăng trầm.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư
Khó khăn lớn nhất của anh là gì?
- Về khó khăn với tôi khi thực hiện bộ phim này là tôi có dám ghi hình, dám dựng và dám phản ánh không. Bởi trước đó, khi "Đường về" phát sóng có một số hình ảnh khán giả nói tôi vô tâm, không biết cách tiết chế. Nhưng theo tôi đã chia sẻ thì có những nỗi đau phải đi đến tận cùng, có những chia sẻ phải phản ánh khách quan chân thực. Khi làm phim, tôi sẽ phải làm sao không bị cuốn theo câu chuyện, mang theo cảm xúc của các gia đình mà phải đứng ra góc độ nhà làm phim, quan sát chắt lọc để đưa vào trong phim.
Cách thể hiện trong các PTL anh từng thực hiện đều không có lời bình mà thông qua cách kể chuyện tự nhiên nhưng lại gây xúc động. Với PTL lần này, liệu cách thể hiện điều gì đặc biệt không, thưa anh?
- Với "Nẻo đường hội ngộ", cách kể chuyện không có gì khác, vẫn là lời tự sự, phản ứng, cung bậc cảm xúc, diễn biến câu chuyện. Tôi nghĩ không có lời bình nào khách quan, đắt giá, chân thực bằng chính những lời tâm sự, chính biểu cảm, cảm xúc và diễn tiến của câu chuyện, của nhân vật.
Điều gì khiến anh cảm động, trăn trở và cũng đau đáu nhất trong quá trình thực hiện phim?
- Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật, cũng như mỗi gia đình trong quá trình chúng tôi gặp gỡ và tiếp xúc đều để lại ấn tượng và nhiều suy nghĩ trong tôi. Ở đó là hình ảnh mẹ Sinh 96 tuổi có 52 năm khắc khoải chờ con. Mỗi đồng lương trợ cấp bà đều dành dụm để đưa con cháu làm lộ phí trên hành trình đưa con về với mẹ.
Người ta có nói chỉ có sợi dây vô hình, sợi dây tình cảm gắn kết lớn nhất với liệt sỹ chính là tình cảm của người mẹ. Những người con, em và cháu người liệt sỹ - tất cả họ đều không lý giải được nhưng càng về cuối đời, càng về già thì nỗi niềm tìm liệt sỹ càng đau đáu, càng mãnh liệt hơn mà bản thân họ không lý giải được. Họ nói đã đi vào vết xe đổ, đó là nỗi nhớ nhung, chờ mong, khát vọng đi tìm người thân về giống như nỗi niềm người mẹ ngóng con.
Anh có gặp nhiều áp lực khi "Đường về" đã từng được khán giả đón nhận và rất ấn tượng?
- Như khán giả thấy đây là đề tài hậu chiến, cả hai phim giống nhau đều là tìm người thân - liệt sỹ trở về với gia đình. "Đường về" thì hai liệt sỹ đã được xác định thông tin và có sự nhầm lẫn. Một trong hai gia đình cần xác định đâu là người thân của mình. "Nẻo đường hội ngộ" thì có sự khác nhau vì đây là hành trình đi tìm liệt sỹ thiếu thông tin, thiếu danh tính nên cần cả hai phương pháp để xác định. Mỗi một phương pháp đều có khó khăn, trắc trở và để đối diện với mỗi phương pháp thì mỗi gia đình có phản ứng, đón chờ khác nhau. Nhưng tựu chung lại là nỗi lòng, khắc khoải chờ mong và khát vọng đưa người thân trở về với gia đình.
Với tôi khi làm phim thì không áp lực phim sau phải hay hơn phim trước. Mỗi bộ phim đều là một đứa con tinh thần. Tôi cũng có những quãng nghỉ, nốt thăng trầm. Nhưng tôi vẫn luôn quan niệm là làm sao làm phim có thể phản ánh tận cùng đề tài mà mình muốn truyền tải đến khán giả.
Ý nghĩa khi anh đặt tên "Nẻo đường hội ngộ" cho bộ phim lần này của mình?
- Tôi đặt tên phim là "Nẻo đường hội ngộ" để muốn nói đến quá trình tìm kiếm người thân liệt sỹ về với gia đình, ngay cả không tìm được thì họ vẫn về trong tâm tưởng, trong nỗi nhớ nhung, khát vọng chờ mong và day dứt khôn nguôi của gia đình.
Xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn!
Bộ phim tài liệu với tên gọi "Nẻo đường hội ngộ" sẽ lên sóng vào 20h10 thứ 7 (24/7) trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!