Tháng 5/2022, Hệ sinh thái VTV Money chính thức ra mắt. Sau một năm, Hệ sinh thái VTV Money đã tiếp cận nhiều hơn với khán giả, độc giả, các nhà đầu tư ở mọi nơi, mọi lúc, trên nhiều thiết bị khác nhau, cập nhật kịp thời và đầy đủ thông tin, bước đầu đẩy lùi được vấn nạn tin giả dễ gây hoang mang, xáo trộn trong dư luận. Trong một năm vừa qua, Hệ sinh thái VTV Money giữ vững vị trí là một kênh thông tin chính thống, uy tín và chuyên sâu về kinh tế trên nền tảng số của VTV Digital nói riêng và VTV nói chung.
Việc hình thành và phát triển Hệ sinh thái VTV Money cũng là bước đi nằm trong chiến lược chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Đài Truyền hình Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc và ảnh hưởng mạnh mẽ.
Nhân dịp kỷ niệm 53 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên (7/9/1970 - 7/9/2023) của Đài Truyền hình Việt Nam và cũng là thời điểm một năm nhìn lại VTV Money, đội ngũ sản xuất đã có những chia sẻ về "guồng quay" làm số đầy mới mẻ và thách thức này.
Sau 1 năm hệ sinh thái VTV Money ra đời, chị và các đồng nghiệp đã quen với guồng quay của công việc làm số?
- Nói là quen cũng chưa hẳn vì chúng tôi lúc nào cũng vẫn trong quá trình học làm số, học sản xuất đa nền tảng. Mà bạn biết rồi đấy, học thì cái gì cũng thấy mới. Song chúng tôi đã biết phải làm gì với với guồng quay rồi. Ví dụ, sản xuất cho sóng là phải tư duy ngay các sản phẩm phái sinh cho số và ngược lại. Tư duy ngay từ khi có tên đề tài chứ không phải trong quá trình sản xuất mới nảy sinh ý tưởng. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã biết chủ động tính toán để sản xuất, phân phối cho mỗi một đề tài ngay từ ban đầu. Đây là một trong những điểm khác biệt so với 1 năm trước.
Chị có thể chia sẻ thêm về sự khác biệt đó?
- Từ những người chuyên sản xuất nội dung cho truyền hình, 1 năm qua, đội ngũ làm Kinh tế của VTV Money chúng tôi đã và đang học thêm cũng như vỡ ra thêm cách làm nội dung đa nền tảng, rồi còn học cách phân phối, quản trị nội dung của mình như thế nào cho hiệu quả nhất.
Chúng tôi mới vỡ ra là đa nền tảng là như thế nào. Một nội dung tốt mà không biết cách phân phối, hay nói nôm na là đặt đâu cho phù hợp thì nội dung ấy không phát huy hết hiệu quả được. Nhưng phân phối ở đâu thì phải có nội dung, định dạng phù hợp. Chúng tôi học được những điều tưởng chừng như rất đơn giản như phóng sự truyền hình dù có hay mấy nhưng bê nguyên lên trên các nền tảng số chưa chắc đã hút người xem mà lại phải phù hợp với định dạng nền tảng đó, hay phải chắt ra những cái hay nhất, "trend" nhất để đưa lên, từ đó họ quay lại nội dung gốc xem nhiều hơn.
Nhưng những cái đơn giản đó chúng tôi đã áp dụng và cố gắng áp dụng sao cho thực chất nhất thì thấy rất hữu dụng. Có một cụm từ tôi học được từ đồng nghiệp của mình và thấy rất thấm đó là "bào nội dung". Nó nôm na là từ một đề tài tốt, cứ lật đi lật lại, khai thác ở mọi góc độ, phân phối ở mọi nền tảng, từ đó có sự cộng hưởng rất lớn.
Có một ví dụ như thế này. Cách đây ít lâu có một đề tài rất "hot" trên mạng, nếu nhìn qua thì nghĩ đó là đề tài xã hội không mấy liên quan kinh tế. Song khi đó, tôi nhớ chính Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - anh Trần Việt đã gợi ý: "Kinh tế làm đi, hãy nhìn đề tài bằng góc nhìn của người làm kinh tế và khai thác". Cả đội ngũ cùng bàn bạc và ngay lập tức ra một tiêu điểm trên Tài chính kinh doanh (TCKD) ngay hôm sau. Thông tin trên bản tin TCKD là khởi đầu, bắt đầu tạo được sự quan tâm của đông đảo khán giả hướng vào câu chuyện kinh tế. Tiếp theo đó, phóng viên thực hiện Tiêu điểm đó là Tài Phan tiếp tục làm một clip ngắn trên số. Clip đó lượng share, view rất "khủng".
Rồi chúng tôi khai thác những phỏng vấn, trích đoạn ngắn từ truyền hình đẩy lên mọi nền tảng. Các chương trình số thuộc VTV Money như SmartMoney tiếp tục làm những cuộc phỏng vấn cùng chủ đề nhưng sâu hơn cũng rất "viral". Tất cả những dữ liệu, chất liệu sản xuất hay chính những phản hồi từ các nền tảng lại giúp chúng tôi có được các chất liệu, dữ liệu tốt, làm thành các phóng sự, tiêu điểm trên truyền hình. Tóm lại cứ cái nọ bổ trợ cái kia, lúc thì từ sóng truyền hình, lúc từ nền tảng số. Một đề tài tốt chúng tôi nuôi được nhiều ngày, nhiều tập, nhiều chương trình cho đa nền tảng. Tác động thực tế từ đó cũng rất đáng kể. Ví dụ sau khi chúng tôi thực hiện xong vệt đề tài đó, cộng với sự vào cuộc của các báo đài khác, cơ quan chức năng lập tức có văn bản và phản hồi. Đấy thực sự là động lực để chúng tôi biết cách sản xuất hiện nay của VTV Money theo hướng đa nền tảng đã đúng hướng và chỉ cần nỗ lực bước tiếp thật vững.
Ở vị trí là người "đầu tàu", chị truyền cảm hứng cho mọi người như thế nào trong công việc làm số?
- Tôi không dám nhận và không chắc liệu có chút truyền cảm hứng nào không cho đội ngũ của mình. Tôi chỉ dám chắc hơn là vì mình được xếp ở đầu hàng, đi đầu hàng nên cố gắng sao cho bước bước nào, chắc bước đó để những người kế bên ít rủi ro bước hụt nhất có thể. Và dù tôi có đi đầu hàng, tôi nghĩ những người đi phía sau sẽ chỉ cho tôi lối nào đúng hướng. Nên suy ra chính đội ngũ cùng làm là động lực giúp tôi tiến bước thay vì nghĩ tôi có thể truyền động lực hay cảm hứng nào đó cho họ. "Cùng đi với nhau sẽ đi được xa" - tôi thấy câu này lúc nào cũng đúng.
Sự tương tác, phản hồi của khán giả trên số mà hệ sinh thái VTV Money nhận được trong 1 năm qua đã có sự thay đổi như thế nào, thưa chị?
- Một năm trước, tôi nhớ từng kể với bạn rằng, chúng tôi ngồi đọc từng "comment" (bình luận) của khán giả về một nội dung hay một chương trình nào đó. Cùng cười, cùng nhăn mặt về những bình luận khen - chê thẳng thắn. Hay điện thoại của tôi đầy ảnh các bình luận của người xem. Giờ chúng tôi đong đếm tính hiệu quả của chương trình bằng sự tồn tại của chính các chương trình đó. Làm số, chúng tôi học được một thứ rất nghiệt ngã xong cũng rõ ràng đó là chương trình nào biến mất nghĩa là chưa hiệu quả. May mắn 1 năm qua, kể từ khi VTV Money cho ra đời một loạt chương trình sản xuất trên các nền tảng số như: Khớp lệnh, Landshow, Bí mật đồng tiền, Tự do tài chính thì giờ các chương trình đó đều đang được thực hiện. Có những chương trình sang mùa mới chúng tôi thay đổi cách thức sản xuất, định dạng, còn có những chương trình chúng tôi làm mới "ruột" và giữ nguyên " vỏ".
Chưa kể, năm nay cũng có một loạt chương trình khác trong hệ sinh thái VTV Money ra đời cả trên truyền hình và các nền tảng số như: Tiêu dùng Thông thái (trên truyền hình); các chương trình trên số gồm: Điểm tựa Tài chính, Dòng tiền xanh, Sống xanh...
Trong năm qua, với những gì đã thể hiện, VTV Money liệu đã được như kỳ vọng của đội ngũ sản xuất?
- Chúng tôi luôn đặt mục tiêu đi xa nhưng muốn đi xa thì phải đi vững và phải chinh phục từng quãng đường ngắn trước nên nói đạt được kỳ vọng hay chưa sẽ không dễ. Có thể đạt được bước ngắn nhưng chưa đạt bước dài, kỳ vọng ngắn chứ chưa phải kỳ vọng dài. Ví dụ kỳ vọng ngắn, thứ năm ngoái chúng tôi đặt ra là các chương trình trên nền tảng số phải "sống". Hay mục tiêu phủ "xanh" hệ sinh thái VTV Money chúng tôi cũng đã và đang làm tích cực. Những chương trình về Tăng trưởng xanh, chương trình liên quan đến nội dung giảm phát ròng khí thải nhà kính, hướng tới bằng 0 - Net zero đã được chúng tôi thực hiện suốt cả năm qua trên đa nền tảng, từ sóng truyền hình, các nền tảng số, hội thảo quốc tế về tăng trưởng xanh. Đó đúng nghĩa là đa nền tảng: truyền hình/online/offline rồi lại truyền hình - một vòng thực sự với những nội dung về "xanh" mà chúng tôi "bào" được trong suốt năm qua.
Đó cũng là điều tôi vỡ ra và ngày càng thấm về cách sản xuất đa nền tảng trong năm qua của VTV Money. Tôi nghĩ về phương diện nào đó, nội dung "xanh" đã chạm đến nhiều thành phần, đối tượng khán giả và nó là thứ chủ đạo theo như kế hoạch đầu năm chúng tôi đặt ra cho VTV Money.
Không chỉ phản ánh thông tin mà VTV Money còn có vai trò kết nối giữa khán giả, giữa người dân, giữa nhà đầu tư với các cơ quan quản lý về kinh tế, quản lý thị trường. "Cầu nối" VTV Money đã thực hiện nhiệm vụ này ra sao, thưa chị?
- VTV Money năm qua dùng cả 3 "cây cầu" sóng truyền hình/online (các nền tảng số)/offline(hội thảo) kết nối các bên người dân/nhà đầu tư, doanh nghiệp/cơ quan quản lý và thấy hiệu quả không chỉ gấp 3 mà hơn thế.
Theo chị, trong thời gian tới, VTV Money cần tập trung thêm ở điểm gì để tăng tính cạnh tranh và phát triển hơn nữa?
- Tôi luôn tâm niệm muốn phát triển thế nào thì trước hết phải giữ chắc bản sắc: chính xác, chính thống, tin cậy, chuyên sâu. Giữ vững được những tiêu chí trên cũng chính là tăng được tính cạnh tranh, tạo sự riêng có, khác biệt của các thông tin kinh tế trên VTV Money. Đây là điều chắc chắn chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện.
Khi nhận trả lời phỏng vấn bạn bây giờ, tôi đã phải lần dở lại đoạn phỏng vấn vào thời điểm này năm trước. Tôi mừng vì mình không nói mâu thuẫn gì với năm trước cả, nghĩa là vẫn đi đúng hướng. Từ cuộc phỏng vấn năm ngoái tôi nhận thấy, 1 năm trước, tôi trò chuyện với bạn về " làm số" với những người làm bước ra từ truyền hình, đơn thuần chỉ từ góc độ của người sản xuất. Tôi không hề nhắc một từ nào tới "phân phối" hay "quản trị nội dung".
Năm nay, ngay từ đầu tôi đã kể rất dài với bạn về 2 thứ mới mẻ này. Đó cũng là thay đổi lớn và năm nay cũng là năm chúng tôi tập trung để vừa học vừa làm đối với hai lĩnh vực này. Sản xuất nội dung nhưng phải biết cách nào để phân phối và quản trị nội dung hiệu quả do chính mình làm ra. Nếu thực sự đội ngũ VTV Money chúng tôi thấm và thực hiện tốt được điều này, tôi tin chúng tôi sẽ khác.
Với Hệ sinh thái VTV Money, những biên tập viên, phóng viên theo dõi chuyên sâu trong từng lĩnh vực kinh tế sẽ đảm nhiệm vai trò dẫn dắt các chương trình. Họ là những người trực tiếp tiếp cận với thông tin, nghe những câu chuyện của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hay ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia và cơ quan quản lý, để chia sẻ đến quý khán giả. Đó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự chính xác, chân thực và sống động của từng chương trình.
Phóng viên Điệp Anh gắn bó với VTV từ năm 2018. Gần 6 năm trôi qua, cô vẫn luôn quen với việc tác nghiệp truyền hình nhưng bây giờ, mọi thứ đang dần có sự thay đổi.
Điệp Anh chia sẻ về công việc làm số khi trở thành một trong những "mắt xích" của "bộ máy" VTV Money: "Từ một đầu vào thông tin, chúng tôi phải thiết kế thành các định dạng, các hình thức thể hiện khác nhau cho phù hợp với người xem của từng nền tảng. Ví dụ: Phóng sự truyền hình cần dễ hiểu, tròn trịa để phục vụ khán giả đại chúng, người xem Tiktok lại cần thời lượng ngắn, nội dung trực tiếp, cách thể hiện trẻ trung; khán giả trên Youtube khá chuyên sâu… Chúng tôi đang từng bước thay đổi để đi bằng hai chân - cả sóng và số, dù chưa hoàn hảo, trơn tru nhưng chúng tôi tự hào là mình đang đi cùng nhau, cùng nhìn về một phía.
Và tất nhiên, điều gì mới thì cũng bỡ ngỡ. Chúng tôi phải chuyển động mỗi ngày, mà ở VTVDigital chúng tôi hay gọi là "học", từ Ban giám đốc, lãnh đạo phòng tới các vị trí như biên tập viên, phóng viên, quay phim, các bộ phận hỗ trợ khác. Học để tiếp cận với khán giả đa nền tảng. Bản thân tôi, nếu không phải làm ở VTVDigital thì chắc có lẽ tôi sẽ không sử dụng Tiktok, nhưng giờ tôi lại là người "đu trend" Tiktok khá nhanh đấy". (Cười)
Trước câu hỏi "Song song làm truyền hình và nội dung số, BTV, MC cần có những thay đổi gì để phù hợp với các chương trình?", Điệp Anh cho rằng: "Một điều thú vị nhưng cũng đầy thách thức với chúng tôi là được tương tác với quý vị khán giả. Trước đây, phóng sự truyền hình khá một chiều - chúng tôi phát sóng và phải lâu lâu sau, cũng không nhiều khán giả phản hồi trực tiếp về nội dung của chương trình. Cá nhân tôi gọi đó là "người xem thụ động". Tức là chúng tôi chủ động cung cấp những thông tin mà mình nghĩ là quan trọng, cần thiết, phù hợp. Chúng tôi có thể khảo sát, lắng nghe khán giả đang muốn xem gì, nghe gì, đọc gì và đo được hiệu quả ngay lập tức bằng số lượng người xem trực tiếp, số view tổng của chương trình… Từ đó, chúng tôi thay đổi và thiết kế các chương trình phù hợp với thị hiếu của "người xem chủ động".
Làm số cũng khác hoàn toàn, chúng tôi - các MC, BTV còn là các host, được tương tác trực tiếp với khán giả. Có những ngày làm livestream, khán giả bình luận trực tiếp: "MC đêm qua mất ngủ hay sao đấy, mắt hơi sưng"; "Váy MC mặc đẹp thế"; "Tiếng bé quá các bác ơi"… Chúng tôi ngay lập tức có thể tương tác, trả lời phần bình luận, "chém gió" cùng khán giả. Rất thú vị, cảm giác như mình đang trò chuyện, chứ không bị gò bó trong khuôn khổ của một chương trình. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi chúng tôi cũng phải rèn luyện về cách dẫn dắt một chương trình số, cách giao lưu với khán giả, xử lý tình huống trực tiếp và nâng cao kiến thức để làm chủ chương trình trong mọi tình huống".
Hiện tại, Điệp Anh vẫn miệt mài học và nâng cao về chuyên môn cả số và truyền hình. Ví dụ với chương trình Smart Money - một chương trình về tài chính, đầu tư cá nhân, gia đình, qua mỗi số là một lần nữ BTV tự học và thử nghiệm, đặt ra các giả thuyết: Khán giả có thích xem chủ đề này hay không? Có thích khách mời này hay không? Kết quả hiển thị ngay bằng số lượt xem, tương tác. Từ đó, cô rút ra kết luận mình phải thay đổi những điều gì ở số sau.
Hơn 1 năm đồng hành cùng VTV Money, Điệp Anh thấy bản thân lớn hơn rất nhiều, cả về cách dẫn dắt và kiến thức nền tảng vì được làm nhiều chương trình hơn, va vấp ở nhiều lĩnh vực hơn. Dù còn những bỡ ngỡ và điều chưa vừa ý nhưng nữ biên tập viên vẫn đang bước đi rất tự tin trên hành trình "tự học" của mình.
Nếu để nói về hiệu quả các chương trình đang thực hiện, Điệp Anh chia sẻ: "Có chương trình triệu view khiến tôi thực sự hài lòng và đem khoe khắp nơi như con nít được phiếu bé ngoan. Nhưng cũng có những chương trình như một nốt trầm, không khỏi làm mình băn khoăn, suy nghĩ vì sao mình làm chưa tốt. Song, tôi luôn tự hào về tâm thế của mình khi làm các sản phẩm, không ngừng học hỏi và thay đổi. Sau cùng, tôi nghĩ khi mình làm việc bằng cả trái tim, theo thời gian, thành quả sẽ tới!
Bản thân tôi và các đồng nghiệp tại VTV Money, VTVDigital đang lắng nghe khán giả từng ngày để đưa ra những format, những chương trình, chủ đề hay, hấp dẫn, thú vị, thiết thực, có màu sắc riêng.
Tôi cũng sẽ nỗ lực hơn nữa trong cách dẫn dắt, sáng tạo nội dung vì trên số mọi thứ nhanh lắm, chậm một nhịp là mình đã đứng ngoài cuộc chơi. Tôi cũng hy vọng mình sẽ trau dồi để có một hình ảnh riêng, lối dẫn dắt riêng, không bị lẫn màu trong "đại dương thông tin số" hiện nay.
Hy vọng khán giả luôn đồng hành, ủng hộ, góp ý cho những chương trình của VTV Money nói riêng và VTV nói chung. Cảm ơn tình cảm của quý vị trong suốt 53 năm qua!".
Hệ sinh thái VTV Money được phát triển từ phần lõi là chương trình Tài chính kinh doanh và đây cũng là chương trình mà BTV Hữu Trí đã gắn bó gần 8 năm nay. Đó cũng là sự thuận lợi của nam BTV vì đã quen làm ở mảng thông tin kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển các chương trình kinh tế lên nền tảng số có nhiều sự thay đổi so với cách làm truyền hình.
Hữu Trí chia sẻ: "Cách làm, cách quay, cách dựng, cách dẫn đều thay đổi. Khán giả số phần đông là khán giả trẻ, lại được tiếp cận với rất nhiều nền tảng mạng xã hội, bị ảnh hưởng bởi những xu hướng khác nhau nên đòi hỏi của họ với một chương trình cũng rất cao. Một chương trình vừa phải có thông tin, bổ ích nhưng cũng phải "bắt trend", có tiết tấu, nhanh và ngắn. Họ khá bận rộn, thói quen lướt điện thoại khiến chúng ta ngày càng "thiếu kiên nhẫn" nên chương trình số cũng phải đi trực diện vào vấn đề, nếu không sẽ bị lướt qua.
Truyền hình hay số đều có áp lực cả nhưng áp lực trên số rất rõ ràng. Chương trình của bạn có hay hay không nó thể hiện ngay sau vài giờ đăng tải. View có cao không, lượng share như thế nào, có bao nhiêu bình luận…
1 năm làm cho VTV Money, bạn thấy sự thay đổi lớn nhất là gì?
- Chúng tôi cũng phải… "số hoá". Nếu cứ vác cách dẫn, cách viết của truyền hình lên số, nói thẳng là "không ăn". Nếu những bản tin trước đây tôi dẫn, đa phần là tin tức, chính luận, cần sự trịnh trọng, chuẩn mực… thì với chương trình số, bạn phải "đời" nhất có thể, gần gũi nhất có thể. Họ không thích nghe bạn "dẫn" một chương trình, họ thích nghe "chia sẻ". Những chương trình nào view "lẹt đẹt" quá, tôi rất buồn. Số nào view cao, nhiều chia sẻ, bình luận thì rất phấn khích. Tất nhiên rồi.
Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố tác động đến lượt view như giờ đăng, tính thời sự, khách mời, chủ đề… nên chúng tôi thường nhìn nhận tổng thể, lắng nghe các góp ý và dần điều chỉnh".
Nhìn lại chặng đường 1 năm qua đồng hành cùng VTV Money, BTV Hữu Trí cảm thấy hài lòng với câu chuyện "số hoá" bản thân để phù hợp với VTV Money. Nam BTV cũng rất vui khi bản thân luôn được lựa chọn vào các chương trình mới. Điều đó phần nào thể hiện sự ghi nhận của mọi người khi xem các chương trình anh làm.
BTV Hữu Trí cũng chia sẻ anh sẽ phải xem nhiều và học nhiều hơn nữa: "Tôi tin là ai trong chúng ta cũng có thể làm được và làm hay nếu chúng ta đầu tư thời gian và công sức cho một chương trình nào đó".
Với BTV Phương Nam, khi bước vào Hệ sinh thái VTV Money, thay đổi đầu tiên ở anh chính là tư duy.
"Khi làm bất kỳ một sản phẩm nào, chúng tôi cần phải tư duy đa nền tảng. Với BTV, MC, Host cần linh hoạt cả cách dẫn, phong thái, cách biên tập nội dung, đặc biệt với các chương trình số cần nhiều tương tác trực tiếp với khán giả như: Khớp lệnh, Bí mật đồng tiền…
Với tôi, áp lực lớn nhất là việc thay đổi thói quen làm nội dung. Nếu như trước đây chỉ phục vụ cho truyền hình thì nay phải đáp ứng tiêu chí "một công đôi việc", phát được cả trên truyền hình và các nền tảng số.
Ngay từ bước đầu tiên đã cần tính toán rồi, làm sao để tối ưu được công sức sản xuất. Ví dụ việc đi phỏng vấn, thay vì chỉ làm một cuộc phỏng vấn khoảng 2 phút phát trên sóng truyền hình thì cần phỏng vấn nhiều hơn, khai thác thêm nội dung phù hợp hơn với khán giả số, trong khi yêu cầu, thói quen, hình thức thể hiện… giữa truyền hình và số lại rất khác nhau" - Phương Nam chia sẻ.
VTV Money có thể nói là một bước đi táo bạo, gần như tất cả các MC vốn quen với sóng truyền hình, dù có bao nhiêu kinh nghiệm đi nữa thì bước sang nền tảng số cũng cần thay đổi rất nhiều. Nhưng đây cũng chính là môi trường giúp tôi được phát huy tối đa sự linh hoạt trong cách dẫn và làm nội dung. Có thể nói rằng, tôi đã có một bước tiến mới trong sự nghiệp dẫn chương trình của mình.
BTV Phương Nam cảm thấy rất may mắn khi được đóng góp một phần nhỏ bé để VTV Money đến gần hơn với khán giả. Nhìn lại hơn 1 năm qua, BTV Phương Nam thấy có những điểm hài lòng và cả những điểm cần hoàn thiện hơn, nhưng nhìn chung là tích cực.
Trải qua quá trình làm việc tại phòng Kinh tế của VTVDigital, nam BTV được học hỏi và đào sâu từ các chuyên gia đầu ngành, được tiếp cận, cập nhật tin tức kinh tế hàng ngày. Điều này đã giúp cho anh có nền tảng vững chắc hơn. Đây là điểm mấu chốt để phát huy sức hấp dẫn của các chương trình bởi kiến thức có vững thì khán giả mới tin.
"Các khán giả theo dõi VTV Money rất đặc thù, hầu như họ đều có nền tảng kiến thức về kinh tế và đầu tư rất chắc. Tôi đều đón nhận các ý kiến với một tâm thế khách quan, cởi mở. Bản thân tôi cũng sẽ tập trung học hỏi chuyên môn và hoàn thiện hơn nữa khả năng dẫn chương trình, bên cạnh đó là sự sáng tạo để mang tới cho khán giả những ‘món ăn’ tinh thần mới" - BTV Phương Nam chia sẻ.
Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney của Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam đã đạt giải thưởng ở hạng mục Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu của giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2022 (VDA 2022).
Tác phẩm "Những thay đổi trong Nghị định 08 để khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp" (Hoàng Nam, Thanh Trà, Văn Cơ) giành Giải A Báo chí Toàn quốc về Ngành tài chính lần thứ VIII 2023.
Thực hiện: Chu Anh - Bùi Thuỷ
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!