VTV.vn - Với hàng loạt “cuộc gặp marathon” bên lề, G20 Osaka được xem là nơi các nhà lãnh đạo tìm cách gỡ rối cho những khúc mắc và trao đổi về các hồ sơ nóng của thế giới.

G20 OSAKA  

CƠ HỘI HÓA GIẢI NHỮNG CĂNG THẲNG CỦA THẾ GIỚI 


Mọi sự chú ý trên thế giới đổ dồn vào thành phố Osaka của Nhật Bản vào tuần cuối tháng 6 vừa qua, khi nước này lần đầu tiên đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G20. 

Đây được coi diễn đàn thượng đỉnh để tìm cơ hội giải quyết các vấn đề toàn cầu từ chiến tranh thương mại, quan hệ ngoại giao đóng băng, hay các điểm nóng chính trị an ninh.

Sau những cuộc thảo luận được miêu tả là khó khăn, G20 năm nay đã thống nhất đi đến một thông điệp chung là cảnh báo những rủi ro với nền kinh tế toàn cầu. Sự kiện năm nay là lần thứ hai liên tiếp mà các nhà lãnh đạo nhóm G20 không nhắc tới cụm từ "chống chủ nghĩa bảo hộ" vào tuyên bố chung cuối hội nghị, dù thừa nhận rằng "căng thẳng thương mại và địa chính trị đang gia tăng". 

G20 Osaka: Cơ hội hóa giải những căng thẳng của thế giới - Ảnh 2.

Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị G20 đã có một lịch trình làm việc dày đặc với những cuộc gặp quan trọng

Đây được xem là một bước dung hòa quan điểm để có thể tìm được tiếng nói chung giữa các nền kinh tế G20, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng nhiều biện pháp thuế quan nhằm vào Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)… để thực hiện chủ trương "Nước Mỹ trước tiên."

Tuyên bố chung, chỉ được đưa ra vào phút chót, cho thấy vẫn tồn tại sự khác biệt quan điểm giữa các nước thành viên G20. Trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. 

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, 19 thành viên của nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới đã nhất trí về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, với những cam kết tương tự thỏa thuận ở Argentina năm 2018. Mỹ vẫn giữ nguyên quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris và từ chối tham gia cam kết với lý do muốn tập trung vào tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng hơn.

Mặc dù thiếu sự thống nhất về thỏa thuận biến đổi khí hậu, các thành viên G-20 đã đồng ý chấm dứt việc xả chất thải nhựa vào các đại dương trước năm 2050 và gọi mục tiêu này là Tầm nhìn Đại dương Osaka.

CƠ HỘI CỦA NHỮNG CUỘC GẶP 

"HOÁ GIẢI" CĂNG THẲNG

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng trở lại, nhiều điểm nóng địa chính trị diễn biến phức tạp.

Bên lề Hội nghị G20 tại Osaka, nhiều "cuộc gặp marathon" đã giúp tìm ra phương hướng cho các vấn đề nóng của thế giới hiện nay. Nước chủ nhà Nhật Bản năm nay đã chuẩn bị tới 20 phòng họp cho các cuộc đối thoại song phương, nơi các nhà lãnh đạo tìm cách gỡ rối cho những khúc mắc giữa họ và trao đổi quan điểm về các hồ sơ nóng của thế giới.

Hội đàm song phương Mỹ - Trung Quốc

Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là đang gặp khó khăn và ảnh hưởng đến sức khỏe nền kinh tế toàn cầu. Vậy nên, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện chiếm sóng nhiều nhất tại Hội nghị G20. 

Cuộc gặp được xem là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thuế hàng trăm tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai bên đang ở giai đoạn vô cùng căng thẳng 

Cuộc gặp này được nhiều quốc gia trên thế giới theo dõi sát sao, đặc biệt là các quốc gia trong chuỗi cung ứng châu Á.  Đa số những nước này đang chịu tổn thương từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, trong khi một số khác đã tìm ra cách chuyển sản xuất và hưởng lợi từ đó.  

Một thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng, bao gồm việc Mỹ sẽ không đánh thuế mới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và cả hai nước đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại, là kết quả không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, bởi cả hai bên đều đang có động cơ để xoa dịu tranh chấp.

Trang Bloomberg Economics từng tính toán, nền kinh tế thế giới có nguy cơ thiệt hại lên đến 1.200 tỷ USD nếu chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Tuy nhiên, việc hai bên có thể có được một thỏa thuận trong các cuộc đàm phán tới hay không vẫn là một vấn đề mà chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Cuộc gặp song phương Mỹ - Nga

Lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau trực tiếp, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước diễn ra tại Phần Lan vào tháng 7 năm ngoái. 

Tại cuộc hội đàm kéo dài 80 phút, hai nhà lãnh đạo đã xem xét lại mối quan hệ "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" hiện nay cũng như thảo luận một loạt các vấn đề nóng của thế giới như cơ chế kiểm soát vũ khí mới thế kỷ 21, các biện pháp phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, tình hình tại Iran, Syria, Venezuela và Ukraine. 

G20 Osaka: Cơ hội hóa giải những căng thẳng của thế giới - Ảnh 5.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga đã có cuộc gặp song phương tại Hội nghị G20 năm nay

Mặc dù các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp, nhưng nội dung cuộc gặp giữa hai bên vẫn chỉ mang tới niềm lạc quan dè dặt về việc quan hệ Nga-Mỹ sẽ dần được khôi phục.

Trợ lý Điện Kremlin Yury Ushakov cho biết, trong cuộc hội đàm trên, Tổng thống Putin đã mời người đồng cấp Trump tới tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô trước phát xít Đức vào năm 2020, và nhà lãnh đạo Mỹ đã phản hồi một cách tích cực.

Cuộc gặp song phương Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ

Một cuộc gặp song phương khó đoán định khác bên lề G20 năm nay là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Hiện cả hai nước đang trong cuộc tranh cãi dai dẳng trước việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua và tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào tháng Bảy này. 

Thương vụ này đã gây nhiều căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trước đó, Washington và các quốc gia đồng minh đã nhiều lần hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ không lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Đổi lại, Washington sẽ bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ankara. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp cả người đồng cấp Mỹ và Nga nhằm giải quyết những khúc mắc của các bên 

Động thái này được cho là sẽ phá vỡ khả năng hiệp đồng tác chiến của Ankara tại NATO và làm suy yếu khối liên minh quân sự này khi cho phép Nga tiếp cận thông tin về mạng lưới phòng không NATO và tiêm kích tàng hình F-35. 

Bất chấp những quan ngại trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định nước này vẫn sẽ tiến hành thương vụ mua S-400.

Theo hãng tin Reuters, cuộc hội đàm bên lề G-20 đã giúp nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phần nào giải quyết những tranh cãi dai dẳng về thương vụ S-400.

Trong buổi họp báo sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, ông muốn việc này được giải quyết mà không ảnh hưởng tới quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, và do đó, vẫn đang xem xét khả năng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh sự tin tưởng rằng cuộc tranh cãi sẽ được khắc phục mà "không có vấn đề gì", đồng thời xác nhận quá trình chuyển giao S-400 từ Nga vẫn diễn ra theo kế hoạch.

OSAKA TRACK – SÁNG KIẾN THÚC ĐẨY 

QUẢN TRỊ NỀN KINH TẾ SỐ

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 cùng với 8 quốc gia khách mời đã thảo luận về kinh tế số. Đây là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh chóng làm thay đổi mọi khía cạnh của các nền kinh tế và có tiềm năng đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội ở tất cả các nước.

Dòng chảy dữ liệu trên không gian mạng hiện nay được coi là tài sản quý giá nhất của kinh tế số. Chính vì vậy, nước chủ nhà Nhật Bản đã đề xuất thiết lập khuôn khổ luật lệ toàn cầu cho nền kinh tế số với tên gọi Osaka Track, với mục tiêu tận dụng tối đa những lợi ích mà lĩnh vực mới mẻ này mang lại.

Tất nhiên, đề xuất của Nhật Bản cần nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới mới có thể được ứng dụng rộng rãi. Trong khi thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế số, Mỹ và Trung Quốc cũng cho rằng dòng chảy thông tin cần đi kèm với chủ quyền và an ninh quốc gia trên mạng Internet.

G20 Osaka: Cơ hội hóa giải những căng thẳng của thế giới - Ảnh 8.

Kinh tế số là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh chóng làm thay đổi mọi khía cạnh của các nền kinh tế và có tiềm năng đóng góp cho sự thịnh vượng của xã hội ở tất cả các nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định, việc mở rộng thương mại số phải đi kèm với khả năng phòng chống và đảm bảo an ninh cho các lĩnh vực công nghệ như mạng 5G. Còn theo Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình nhấn mạnh chủ quyền mạng của mỗi quốc gia cần được tôn trọng ngay từ những hoạt động truy cập, phân tích và lưu thông dữ liệu.

Nếu được hưởng ứng, sáng kiến Osaka Track có thể sẽ là bước khởi đầu cho những quy chuẩn về lưu thông dữ liệu số trên phạm vi toàn cầu. Các nước sẽ có thể tiến tới chuẩn hóa quy định bảo mật thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ và thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, và xác định những dạng dữ liệu nào cần bị hạn chế.

Nhờ thế, thế giới có thể giải quyết được vấn đề khúc mắc nhất hiện nay là xung đột giữa chủ quyền quốc gia trên mạng internet, nhu cầu bảo vệ thông tin cá nhân trước các cách thức kiếm lời từ dữ liệu người dùng của các công ty công nghệ đa quốc gia. 

Hiện ngày càng có nhiều chính phủ yêu cầu các công ty công nghệ phải thông báo rõ về hoạt động thu thập dữ liệu người dùng trong phạm vi quốc gia của mình, nhưng biện pháp này vẫn gặp khó khi chưa có quy chuẩn pháp lý nào được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. 

Mặt khác, một quy chuẩn chung về kinh tế số có thể thúc đẩy hơn nữa việc quản lý và khai dòng chảy dữ liệu một cách hợp pháp trên mạng Internet. Về lâu dài, hoạt động này sẽ giúp ích rất lớn cho những công nghệ đòi hỏi tập dữ liệu lớn như trí tuệ nhân tạo và máy học.

KỲ VỌNG SAU HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20 OSAKA

Các nhà quan sát cho rằng xung đột thương mại vẫn sẽ là chủ đề cần được quan tâm của kinh tế thế giới sau hội nghị thượng đỉnh G20. 

Thương mại trong thế kỉ 21 không chỉ bao hàm dòng chảy hàng hóa, nhân lực, tài chính, mà còn là dòng chảy dữ liệu trên mạng internet, điều mà các quốc gia G20 đã nhất trí sẽ xây dựng khung pháp lý cho nền kinh tế số, theo sáng kiến Osaka Track của nước chủ nhà Nhật Bản. 

G20 Osaka: Cơ hội hóa giải những căng thẳng của thế giới - Ảnh 10.

Dù không có quyết định đột phá nhưng Hội nghị G20 được đánh giá là đã giúp các bên ngồi lại để hợp tác giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu

Các ưu tiên khác của Nhật Bản cho hội nghị thượng đỉnh G20 bao gồm hợp tác quốc tế về toàn cầu, vấn đề già hóa dân số, tiền điện tử và tránh thuế. Dù thế, rất ít giải pháp cho những vấn đề này có thể được đúc kết tại Osaka, nhưng sự kiện lại có giá trị thiết lập chương trình nghị sự cho các nhà lãnh đạo trong các cuộc đối thoại sau đó.

"Không có các quyết định đột phá nhưng… tất cả các bên tham gia đã xác nhận khát vọng của họ nhằm hợp tác hơn nữa về việc cải thiện hệ thống thương mại toàn cầu, trong đó có khát vọng về việc cải cách WTO" - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định về Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 14.

Kết quả này cho thấy các nền kinh tế G20 có thể đạt đồng thuận trong những vấn đề lớn nếu các bên đều có trách nhiệm đối với vai trò lèo lái nền kinh tế thế giới.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhấn mạnh vào ngày đầu sự kiện là muốn tổ chức một hội nghị "với trọng tâm là những vấn đề mà chúng tôi có thể nhất trí và hợp tác với nhau, hơn là làm nổi bật những bất đồng."

Những điểm đồng thuận mà các nhà lãnh đạo đạt được năm nay đã phần nào chứng minh vai trò của G20 như một cơ chế đối thoại và phối hợp hành động nòng cốt trong giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu.

"Các quốc gia G20, với tư cách là những nền kinh tế thế giới hàng đầu thế giới, có trách nhiệm thẳng thắn đối mặt với các vấn đề toàn cầu và đưa ra giải pháp thông qua đối thoại thẳng thắn" - Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nói. 

"Với ‘Tuyên bố Osaka’, chúng ta nên cố gắng tìm kiếm một cách kiên quyết, không phải là khác biệt, mà là những điểm chung giữa chúng ta, và hy vọng sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu."

Nhật Anh - Duy Cường


X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước