VTV.vn - Người dẫn của "Talk Việt Nam" không ngại tự nhận trước đây cô từng là người ảo tưởng về bản thân…

Lina Phạm đến với công việc của một người làm truyền hình, trong vai trò Biên tập viên, đến nay đã là năm thứ 9 và trong gần 9 năm ấy, Lina nói truyền hình đã thay đổi cô rất nhiều. Người dẫn của Talk Việt Nam – một trong những chương trình mang tính thương hiệu của Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam – không ngại tự nhận trước đây cô là người khá ích kỷ, nhiều ảo tưởng về bản thân… Nhưng tất cả đã bị "đập vỡ" khi cô đặt chân vào VTV.

"Công việc đang làm giúp mình biết lắng nghe hơn và trở thành con người sâu sắc hơn".

Lina Phạm.

Không chỉ thú nhận mình từng là người ích kỷ, ảo tưởng, Lina Phạm còn cho rằng cô là người chậm chạp và không thông minh. Vì thế, cô đã từng bật khóc trong những ngày đầu tiếp cận với truyền hình…

"Mình là đứa khá chậm. Ví dụ, học một kiến thức mới thì mình vào nhịp không nhanh" – Lina Phạm nói trong cuộc trò chuyện với VTV News – "Mình cũng không biết tại sao. Mình tự nghĩ mình không thông minh lắm".

Nhưng với 9 năm gắn bó với truyền hình, Lina Phạm tự tin nói rằng cô đã lớn lên trong những năm tháng ấy – đã bớt ích kỷ, đã biết lắng nghe và thấy mình nhỏ bé.

Lina cũng nói cô thấy mình lì hơn và… liều hơn.

Tôi gặp và trò chuyện với Lina Phạm lần đầu tiên vào năm 2021 khi thực hiện việc giới thiệu chương trình Ngày trở về của Ban Truyền hình Đối ngoại trong năm này. Đó là thời điểm mọi thứ vẫn rất khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch và ê-kíp Ngày trở về cũng quay cuồng trong những ảnh hưởng ấy, khiến công việc sản xuất của họ gặp tương đối nhiều khó khăn.

Lúc đó, Lina Phạm vừa trở về sau chuyến đi cùng ê-kíp Ngày trở về "bám đuổi" nhân vật Philipp Roesler - Nguyên Phó Thủ tướng Đức – khi ông có chuyến về thăm Việt Nam vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán. Lina Phạm khi đó có nói một câu về công việc của mình – điều mà cô thích ở công việc ấy - đó là được chia sẻ lại những gì cô thấy cho mọi người. 

"Khi gặp những câu chuyện hay thì mình muốn chia sẻ nó với mọi người và từ đó, mỗi người sẽ có những bài học và những điều rút ra riêng của họ…".

Lina Phạm.

Còn cuộc nói chuyện với Lina lần này thì là vì một lý do khác, một sự kiện khác mang tính cá nhân hơn - cô được đề cử vào giải thưởng Ấn tượng VTV – VTV Awards 2022 trong hạng mục dành cho "Biên tập viên dẫn chương trình ấn tượng". Lina nói việc được đề cử khiến cô bất ngờ vì cô nghĩ phải là những người dẫn "có độ phủ sóng cao", "có tính giải trí" cao thì mới được đề cử. Những chương trình cô dẫn lại thường phát sóng vào những khung giờ không phổ thông nên việc được đề cử mang đến nhiều bất ngờ và vì thế nên cũng "rất vui".

"Những chương trình mình dẫn lại là tiếng Anh trên VTV1, tần suất không nhiều lắm và khung giờ phát sóng cũng khá muộn thành ra mình cũng không nghĩ mọi người biết đến mình nhiều. Nên khi biết được đề cử đầu tiên là ngạc nhiên, sau ngạc nhiên là thắc mắc là "tại sao?", "cũng có người xem mình à?"…" – Lina nói với nụ cười tươi và vẻ mặt rạng rỡ - "Nhưng mình trân trọng khi mình được đề cử vì … không nghĩ mình có thể lọt vào danh sách đề cử của VTV Awards năm nay".

Rồi Lina nói thêm: "Mình vốn là người vô duyên với giải thưởng. Từ bé đến giờ chưa được giải thưởng nào cả".

Lina nói câu chia sẻ đó với nụ cười lớn, có vẻ như ngụ ý rằng cô cũng không hy vọng nhiều khi được đề cử trong lần này, rằng khó có thể có giải thưởng nào dành cho cô và cô đã quen với chuyện đó rồi.

Và câu chuyện của chúng tôi sau đó đã được bắt đầu với con đường đưa Lina Phạm đến VTV. Cô nói tất cả là sự tình cờ - tình cờ theo đúng nghĩa đen.

Khác với phần lớn những người dẫn khác tôi có dịp phỏng vấn họ, Lina nói rằng ngay từ đầu cô không có một chút ý tưởng gì về truyền hình – từ lúc nhỏ cho đến lớn. Cô cũng không thần tượng bất kỳ ai hay yêu thích một người đặc biệt nào làm công việc truyền hình. Vì thế, ngành nghề cô chọn khi đi du học cũng không liên quan đến truyền thông. Cô học học Quản trị kinh doanh và Kinh tế. Vì thế, lý do cô đến với VTV nó hoàn toàn là tình cờ - không gì khác.

"Mình có một người bạn làm ở VTV4" – Lina nói, mở đầu cho câu chuyện cô đặt chân đến VTV vào 9 năm trước như thế nào – "Trước khi được rủ thi vào VTV thì mình đã vào làm việc ở Đại học Hà Nội rồi. Mình dạy ở Khoa quốc tế học và dạy ở đó được đúng 1 học kỳ. Lý do thi vào VTV là lúc đấy nghỉ hè, buồn quá không biết làm gì cả và đúng lúc đó thì bạn rủ vào đây và mình vào".

"Mình vẫn nhớ cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến nơi này, cảm giác đấy rất khó tả" – Lina nói tiếp – "Khi xuống trường quay lần đầu tiên và nhìn thấy rất nhiều màn hình, thì điều mình ấn tượng không phải là về người dẫn chương trình được trang điểm, được ánh đèn chiếu vào này kia đâu… mà điều mình ấn tượng là khi đi qua hàng xe Thời sự. Lúc đi qua mấy chiếc xe đó tự nhiên nghĩ: "Ui, mình mà được trèo lên trèo xuống cái xe hàng ngày thì vui nhỉ". Kiểu kiểu như vậy đấy. Cái cảm giác nó thân thuộc với mình…".

Nhưng lần thi vào VTV đầu tiên đó bạn đã trượt. Hỏi thật là nghe tin mình trượt có bực không?

- Không bực mà chỉ nghĩ là mình chưa đủ giỏi. Sau đó đến khi biết có lần thi thứ 2 thì vẫn cứ đi thi tiếp. Mà nói thật là đến giờ cũng chẳng biết lý do vì sao mình lại đi thi tiếp nữa. (cười)

Vậy lúc đỗ rồi thì sao?

- Mình là một đứa khá chậm. Ví dụ học một kiến thức mới thì mình sẽ rất chậm, sẽ vào nhịp không nhanh như những người khác. Mình cũng không biết tại sao. Mình tự nghĩ mình là đứa không thông minh lắm.

Bạn cần nhiều thời gian hơn mọi người?

- Đúng rồi. Tự mình đánh giá bản thân mình thì mình nghĩ mình không phải người thông minh, không thuộc kiểu học việc nhanh. Nếu người ta mất 1 tháng để học 1 kỹ năng mới thì mình có thể mất đến 3 tháng. Nên hồi đầu mọi người cũng không ấn tượng gì với khả năng của mình.

Nhưng mình nghĩ mình có một ưu điểm là nếu đã hiểu một cái gì đó rồi thì nó sẽ ở lại với mình rất lâu. Mình luôn cố gắng đi đến tận cùng với nó.

Lina Phạm trong các chuyến đi tác nghiệp.

Chậm, không bắt nhịp nhanh, cần nhiều thời gian để học… vậy lúc đó Lina có cảm thấy khó khăn hoặc muốn bỏ cuộc không?

- Mình không cảm thấy khó, mình cũng không cảm thấy mình có chất riêng gì cả. Thời điểm đấy mình cũng chưa biết đâu là thế mạnh của mình và đâu là cái mình có thể đóng góp được?

Vậy đến lúc nào thì mình tìm được thế mạnh của mình?

- Lúc đầu vào Ban Truyền hình Đối ngoại mình được phân vào mảng văn hoá và đấy không phải thế mạnh của mình. Về sau, cũng là sự giao việc vô tình thôi, bắt đầu được làm những phóng sự về kinh tế, thì lúc đó bắt đầu cảm thấy nó gần với khả năng của mình. Vì mình có chút đầu óc về phân tích nên thích làm những cái nó cần có chất chính luận một chút và có cái phân tích, chứng minh, giải thích… Kiểu như vậy.

Tuy nhiên, phải đợi đến lúc làm những nội dung liên quan đến chính luận như chính trị thì mình mới biết được thế mạnh của mình là gì. Đó là thời điểm đại dịch COVID-19. Lúc đó cần phải có tiếng nói quốc tế để phản ánh đúng công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Mình bắt đầu làm việc liên quan đến các tổ chức quốc tế như UN, WHO… thì tự nhiên đến lúc đấy mình phát hiện ra đây chính là cái mình muốn làm, là thế mạnh của mình.

Mình đọc rất nhiều, quan tâm nhiều đến các tin tức quốc tế, mình thấy khi mình soi chiếu một vấn đề dưới các góc nhìn khác nhau, cùng một vấn đề nhưng ở các trục toạ độ khác nhau, thì tự nhiên mình có một cảm giác rất nhanh là mình cần phải nói tiếng nói gì với những vấn đề ấy.

Đến lúc đó mình chợt à lên rằng công việc này, ở chỗ này là nơi mà mình có thể đưa nhiều giá trị nhất.

Chúng ta thường cần rất nhiều thời gian để hiểu mình thực sự thuộc về cái gì…

- Mình nghĩ vậy. Chúng ta cần có thời gian để tìm được mình có năng khiếu về cái gì và phù hợp với cái gì.

Lina Phạm nói con người cô trước khi đến với công việc của một người làm truyền hình rất khác. Nói một cách đơn giản thì là Lina của trước khi trở thành một biên tập viên thấy mình "lớn" và sau gần 9 năm, cô thấy mình "bé" đi…Nhưng hơn cả, cô đang được làm công việc mà cô không thấy mình làm việc…

Bạn nghĩ mình được nhất khi làm truyền hình, là một biên tập viên là gì?

- Mình được nhìn cuộc sống rất đa dạng và nhiều chiều. Nếu mình làm nghề khác thì có thể mình chỉ được tiếp xúc với những con người ở ngành nghề đó thôi nhưng khi làm nghề này, mình được tiếp xúc với rất nhiều người và không chỉ là tiếp xúc mà còn là khai thác và tìm hiểu về chuyện của họ.

Nghề này làm cho cuộc sống của mình nhiều màu sắc và mình cũng thấy mình nhỏ bé lại. Mà khi mình thấy mình nhỏ bé lại thì mình sẽ thấy các vấn đề của mình nó cũng bình thường thôi và mình có đủ dũng cảm hơn để mình xử lý khủng hoảng cuộc sống của mình.

Bạn có nghĩ là mình đã tìm được đúng nghề mình muốn làm và muốn theo đuổi nó lâu dài chưa?

Lina Phạm trong các cuộc trò chuyện tại Talk Việt Nam.

- Nói thật là chưa bao giờ mình có suy nghĩ là mình phải tìm đúng người hay tìm đúng việc – kể cả trong cuộc sống cá nhân với người mình ở cùng, với chồng của mình. Công việc cũng vậy. Chưa bao giờ mình có suy nghĩ là phải tìm đúng cả. Mình chỉ biết là mình làm và mình thấy nó đang rất vừa vặn với mình.

Nhiều khi mình nghĩ là nếu không làm nghề này thì mình làm nghề gì? Mình cũng không tưởng tượng được là nếu làm nghề khác thì mình sẽ có vui không? Khi làm nghề này mình không có cảm giác là mình đang làm việc.

Mà mình nghĩ thế này, người ta cứ nói là phải cân bằng cuộc sống và công việc nhưng đối với mình công việc là cuộc sống và cuộc sống cũng là công việc. Rất may mắn đây là công việc mà mình không cảm thấy là mình phải đi làm. Nó như là một phần hơi thở cuộc sống của mình ấy.

Thế là bạn may mắn rồi!

- Vâng, rất may mắn.

Theo bạn, một người dẫn talk show như thế nào thì được gọi là 1 người dẫn thành công?

- Là người truyền tải được câu chuyện đó đến với khán giả và để lại nhiều ý nghĩa nhất với khán giả. Không bao giờ mình dùng thước đo là độ phủ sóng hay là độ ảnh hưởng hoặc là cái nhận diện thương hiệu của người dẫn talk. Đối với mình, mình chỉ quan tâm đến thông điệp của chương trình.

"Người dẫn chương trình chỉ là chất xúc tác thôi".

Lina Phạm.

Vậy dấu ấn của một người dẫn talk sẽ được thể hiện qua điều gì?

- Mình sẽ tạo qua nhân vật của mình. Làm sao đó để khi kết thúc chương trình rồi người ta sẽ chỉ nhớ tới câu chuyện của nhân vật và thông điệp mà toàn bộ chương trình bày cho khán giả trong thời gian người dẫn và khách mời trao đổi với nhau. Khán giả nhận được gì, họ được truyền cảm hứng như thế nào hoặc chỉ là họ xả được cảm xúc khi nghe câu chuyện của nhân vật… Đối với mình cái đó mới gọi là thành công.

Từ trước đến giờ mình chỉ luôn coi mình là chất xúc tác. Mình chỉ là chất xúc tác để cho nguyên liệu chính của mình – là nhân vật của mình với câu chuyện của họ - dễ dàng được cởi mở ra, được bay lên với cả khán giả của mình.

Người dẫn chương trình Lina Phạm: Truyền hình giúp tôi bớt ích kỷ, biết lắng nghe và thấy mình nhỏ bé - Ảnh 14.

Lina Phạm phỏng vấn tổng thư kí LHQ António Guterres trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu LHQ vào ngày 21/10/2022. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cái việc hiểu đúng về bản thân mình có ý nghĩa như thế nào với Lina và nghề mà bạn đang làm?

- Không phải chỉ với nghề của mình đâu mà mình nghĩ với việc định vị được mình trong cuộc sống nó rất quan trọng. Một người hiểu rõ bản thân họ là ai thì từ đó cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc hơn.

Người ta hay nói mấy người làm mấy thứ liên quan đến ánh sáng sân khấu một chút là dễ bị ảo tưởng lắm…

- Có một cái hay là khi làm nghề này nó giúp mình bớt ảo tưởng (cười). Trước kia, trước khi làm truyền hình, mình cho mình là đứa khá kiêu căng.

Kiêu căng vì mình học giỏi, mình xinh hay vì điều gì?

- Vì nghĩ mình đi học nước ngoài cơ mà (cười lớn). Vì mình học nước ngoài nên mình được nhìn thế giới rộng lớn hơn nên suy nghĩ của mình cấp tiến hơn… Kiểu thế.

Đấy là một kiểu suy nghĩ rất phổ biến…

- Vâng. Phần lớn các bạn du học sinh hay có suy nghĩ đấy, rằng ở bên kia tốt hơn… Nhưng đến khi mình về Việt Nam rồi được làm ở truyền hình rồi được nghe nhiều câu chuyện mình mới nghĩ: "Ồ, Việt Nam mình giỏi thế nhỉ, khó như thế vẫn làm được…". Rồi tự nhiên mình thấy ô mình chả là gì hết. Có những số phận quá ngặt nghèo đi nhưng họ vẫn vươn lên và được thấy những câu chuyện ấy, tiếp cận với những con người ấy làm mình quay ngược lại nhìn lại chính mình. Mình có bệ phóng tốt hơn họ rất nhiều…

Điều gì đã đập vỡ ảo tưởng ấy và cho bạn cái nhìn khác đi?

- Nó là câu chuyện trên bàn dựng. Vì xuất phát là không chuyên, mình không có kiến thức gì về báo chí hay về hình ảnh, về dựng hình cả nên cái phóng sự đầu tiên của mình "toè loe" luôn (cười lớn). Lần đầu tiên bị mắng theo kiểu rất truyền hình. Trước đấy, mình ở môi trường sinh viên, là giáo viên nên lần đầu tiên đấy mình bị sốc. Mình nhớ mình đã khóc. Nhưng mình cũng không biết cái gì nó khiến cho mình tiếp tục cố gắng. Cũng không hẳn là để chứng tỏ bản thân đâu. Sau đó cứ cố gắng và cố gắng thôi.

Cái bạn học được nhiều nhất sau những chuyện đó là gì?

- Mình nghĩ đó là sự không sợ hãi. Trước đây mình sợ nhiều thứ lắm mà cái sợ lớn nhất là sợ mình bị bẽ mặt, sợ xấu hổ. Mình nhấc cái điện thoại lên gọi mình cũng sợ, mình phải nói với họ như thế nào? Trình bày như thế nào? Rồi dẫn những chương trình lớn với những nhân vật quan trọng mình cũng sợ… Mình  nghĩ truyền hình cho mình nhiều nhất là khả năng lì lợm và liều nhưng là liều trong kiểm soát. (cười)

May mắn của bạn trong vị trí 1 người dẫn của Ban Truyền hình Đối ngoại là gì?

- Đó là mình có thể kể một câu chuyện và khai thác nó ở một góc độ rất khác. Mình có mảng đối tượng nhân vật khác của mình ở quốc tế và từ đó nó mở cho mình một góc nhìn rất khác về cùng một sự vật, sự việc. 

Ở góc độ này mình có được cái nhìn toàn diện hơn – được nghe cả trong nước và được nghe cả quốc tế. Không dám nói khách quan hơn nhưng nó từ nhiều phía hơn. Lúc đó mình mới nhìn lại những nghi hoặc trước đây và tìm ra được câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Và khi đào sâu rồi thì mình thấy Việt Nam mình có rất nhiều cái hay. Tự hào hơn. Cái tự hào và yêu lúc đó nó là thật sự và mình lại nghĩ ồ mình biết thế thì mình rất mong những người khác cũng được biết điều ấy và mình làm việc ấy một cách rất tự nhiên.

Mình cũng mong những người còn đang có hoài nghi thì cũng sẽ có cơ hội giống như mình. Đó là lý do mình đang làm việc mình đang làm.

Làm truyền hình là căng thẳng, vậy làm thế nào để duy trì được năng lượng của mình?

- Đối với mình khi mình gặp được những người giỏi thì cái đó giúp cho mình đi tiếp. Khi mình gặp được người giỏi hơn mình rất nhiều thì nó giống như mình được truyền cảm hứng.

Con người của bạn trước và sau khi làm truyền hình thay đổi như thế nào?

- Bây giờ mình chịu được nhiều áp lực hơn, bớt ích kỷ đi. Trước đây mình rất ích kỷ. Mình cũng biết lắng nghe hơn và công việc đang làm cũng giúp mình trở thành con người sâu sắc hơn. Trước kia mình là con người khá bề nổi nhưng bây giờ mình gạt được những điều đó, mình nhìn vào bản chất của mọi thứ bên trong.

Nhưng cũng có cái xấu đi đấy. Bây giờ mình sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử nhiều quá. Mình cũng ít đi chơi, ít đến những nơi thiên nhiên hơn trước đây. Thấy không ổn lắm.

Điều Lina muốn nói với khán giả của mình là gì?

- Mọi người hãy cố gắng tìm cho mình một đam mê. Vì khi mình tìm được cho mình một đam mê thì khi mình buồn nhất, khi mình gặp khó khăn mình sẽ không mất phương hướng.

Vậy là bạn đã tìm được đam mê của mình rồi?

- Mình nghĩ thế.

Quan niệm sống của bạn là gì?

- Cố gắng tạo nên giá trị. Cung cấp một cái gì đó mà xã hội cần. Khi mình làm được điều đấy thì sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Mình đơn giản lắm. Mình chỉ nghĩ thế thôi.

Cảm ơn Lina về cuộc trò chuyện!

___

Người thực hiện: ĐLNA

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước