Nhà báo Thu Hà - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thời sự - đã dành cho VTV News một cuộc phỏng vấn trong khoảng thời gian tương đối bận rộn của chị. Đây là thời gian chị và ê-kíp chuẩn bị ghi hình cho chương trình Dấu ấn – một chương trình đặc biệt, được thực hiện thường niên của Ban Thời sự vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, khác với những cuộc nói chuyện thuần về công việc trước đây, chị còn có những chia sẻ - về góc nhìn cũng như những trải nghiệm của một BTV thâm niên ở Ban Thời sự.
XÃ HỘI ẢO - DẤU ẤN CỦA NĂM 2019
Chia sẻ với VTV News về chương trình năm nay, nhà báo Thu Hà nói: "Cũng như mọi năm, tiêu chí của Dấu ấn là giúp khán giả có cơ hội nhìn lại những vấn đề nổi bật của một năm - ở tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội... Chúng tôi sẽ nhìn nhận những dòng chảy chính của thời cuộc trong năm 2019, trong đó có những niềm tự hào với thế giới và cũng có những điều mà người Việt Nam chúng ta phải trăn trở".
Vậy chị có thể nói qua những vấn đề sẽ được nhắc đến trong Dấu ấn năm nay?
- Cái này tôi xin tạm không tiết lộ nhiều nhưng có thể nói trước về một vấn đề mà tôi cho rằng nó được biểu hiện ra rất rõ trong năm 2019, đó là mạng xã hội. Chúng ta đang ngày càng dành nhiều thời gian cho xã hội ảo và tác động của nó đến đời sống thật là vô cùng lớn. Tôi cho đây là một vấn đề ngày càng nổi bật của thời cuộc. Khi chúng ta đã nhận thức được điều đó thì chúng ta sẽ có những giải pháp để nó trở nên hợp lý.
Ngoài ra, kinh tế năm nay cũng sẽ được nhắc đến một cách đậm nét. Mặc dù trong tình hình kinh tế thế giới rất chao đảo, bên bờ vực suy thoái, nhưng 2019 lại là một năm khả quan với kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa rồi và tiếp tục mở những cánh cửa nữa, trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Chúng ta ngày càng thấy được giá trị của môi trường chính trị ổn định, của hòa bình, sự thân thiện quan trọng như thế nào trong một thế giới có nhiều biến động như thế này.
Tôi kỳ vọng Dấu ấn 2019 sẽ là một điểm hẹn không thể nào bỏ qua của khán giả trong ngày cuối năm.
Một trong những điều khán giả quan tâm là khách mời của chương trình. Vậy năm nay đó là ai?
- Năm nay chúng tôi sẽ không mời khách mời đến trường quay. Những ý kiến của họ sẽ được chắt lọc và đưa vào theo tiết tấu và mạch chương trình.
Như vậy là cách thể hiện của năm nay đã có sự đổi khác rồi?
- Vâng! Và các biên tập viên sẽ trở thành những chuyên gia dẫn dắt nội dung. Nói chung, cách làm của chương trình năm nay sẽ mới mẻ, trẻ trung và đột phá hơn.
17 NĂM LÀM DẤU ẤN NHƯNG VẪN THẤY MỚI MẺ
Nhà báo Thu Hà là một trong những người gắn bó với Dấu ấn từ những năm đầu tiên. Tuy nhiên, chị cho biết dù đã làm Dấu ấn nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm nhưng mỗi năm khi chuẩn bị bắt tay vào làm, chị vẫn trăn trở như thuở mới bắt đầu.
"Tôi nghĩ dù có làm bao nhiêu năm thì chẳng có gì là thuộc lòng cả. Mình vẫn muốn khám phá, vẫn cần khám phá…".
"Tôi làm Dấu ấn nhiều năm rồi và được tham gia ngay từ số đầu tiên cùng với anh Thanh Lâm cách đây 17 năm và sau đó, gần như năm nào cũng được vinh dự tham gia dẫn chương trình. Dù đã làm rất nhiều năm rồi nhưng năm nào mình cũng trăn trở khi bắt tay làm. Lúc nào cũng vật vã với câu hỏi: Sau tất cả những tin tức tràn ngập thì cuối cùng Dấu ấn đọng lại năm nay là gì nhỉ?.
Nghĩa là thời gian có trôi đi, tuổi tác có thay đổi nhưng tâm thế của người làm Thời sự thì vẫn luôn là tìm tòi, đặt những câu hỏi để phân tích, một cách đầy nhiệt huyết.
Cái khó của người làm Dấu ấn là gì?
- Điểm yếu nhưng cũng là điểm mạnh của người làm Thời sự là luôn luôn được tiếp cận với những tin tức mới. Nhưng cái khó là làm sao phân biệt được trong những tin tức ấy đâu là dòng chảy chính và đâu không phải là dòng chính? Mình phải đủ độ sâu để nhìn thấy đâu là dòng chảy lớn để bắt được đúng mạch đập của thời cuộc, để không đi chệch hướng nhưng vẫn đón nhận và không bỏ qua mọi thông tin mới trên bề mặt.
THỦ PHÁP GIỎI NHƯNG LỆCH ĐỊNH HƯỚNG THÌ LÀ TAI HẠI
"Tư duy, nhân sinh quan, thế giới quan của người làm Thời sự là rất quan trọng, sau đó mới đến những thủ pháp. Thủ pháp rất tốt nhưng thế giới quan không chuẩn thì có khi còn là tai hại. Vì cách đưa tin của người làm Thời sự có tác động rất lớn đến nhận thức và suy nghĩ người xem".
Sau bao nhiêu năm làm phóng viên ở mảng Thời sự, cách làm, cách nhìn nhận vấn đề của chị có khác đi? Chị có thấy bây giờ làm nghề khó hơn không?
- Khi có kinh nghiệm thì làm việc sẽ bài bản hơn và nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi thấy may mắn mình được làm một nghề mà "gừng càng già càng cay". Bởi vì lúc đó mình có nhiều kinh nghiệm, mình nhạy bén hơn, hiểu biết nhiều hơn, nắm bắt vấn đề trúng hơn. Quan trọng là đúc rút được kinh nghiệm, văn bản hóa nó lại thành những quy trình và những nguyên tắc làm tin tức và truyền đạt lại cho những bạn trẻ, cũng như những thế hệ đi trước đã truyền nghề lại cho chúng tôi và tạo nên một bề dày đáng tự hào của Ban Thời sự như ngày hôm nay.
Năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên. 50 năm của Đài cũng là 50 năm của những người làm thời sự. Chúng tôi bắt tay vào thực hiện một cuốn sổ tay truyền thống của Ban Thời sự, tập hợp thông tin, tư liệu hình ảnh về lịch sử về những thế hệ người làm thời sự. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bởi đó chính là minh chứng sống động về bề dày và niềm tự hào của tập thể.
Luôn tiếp cận với các tin tức mới, điều đó ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của chị ?
- Tôi thấy thú vị. Khi mình được tiếp nhận nhiều tin tức thì cuộc sống của mình sôi động hơn, và nhờ đó, mình cũng được chiêm nghiệm. Cái chiêm nghiệm nó giúp mình hiểu cuộc sống hơn, đúc rút được những quy luật. Càng về sau tôi càng thấy tin tức thì có vẻ luôn bất ngờ và nóng hổi nhưng ngẫm kỹ lại, mọi thứ xảy ra hầu như không phải là ngẫu nhiên, đều có căn nguyên và có quy luật.
Trong hình dung của nhiều người, những phóng viên Thời sự luôn rất bận rộn với công việc. Vậy chị dành bao nhiêu thời gian cho công việc, bao nhiêu phần trăm cho gia đình?
- Trong cuộc sống, giá trị lớn nhất vẫn là gia đình. Gia đình mình vẫn phải là gốc rễ, công việc là sự cống hiến cho xã hội. Thế nhưng trong ngày, đôi khi thứ tự ưu tiên sẽ thay đổi tùy theo tình huống.
Nghe hơi ngược nhưng là người quản lý, song tôi vẫn nói với đồng nghiệp và nhân viên là làm sao thu xếp để dành nhiều thời gian cho gia đình, bởi đó là gốc rễ của sự cân bằng và hạnh phúc trong cuộc sống. Để có được điều đó không phải là chúng ta bớt cống hiến đóng góp mà phải tìm cách làm việc khoa học hơn và nhân văn hơn. Những người nhân viên hạnh phúc chắc chắn sẽ mang lại những kết quả công việc tốt, thậm chí ngoài mong đợi.
"Tôi nói với nhân viên của mình rằng hãy làm việc khoa học hơn để có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nếu có cách sắp xếp khoa học, chúng ta sẽ có được cuộc sống đủ cân bằng".
Bài học chị đúc rút được cho cuộc sống của chị từ công việc là gì?
- Qúa trình trưởng thành của con người rất quan trọng. Không quan trọng việc bạn là ai so với người khác mà chỉ cần bạn tốt hơn bạn của chính ngày hôm qua.
Vậy chị bây giờ với chị của nhà báo Thu Hà thời trẻ có khác nhiều không?
- Tôi trưởng thành hơn so với trước đây. Với công việc cũng vậy, quan trọng là ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. Cứ như vậy chỉ sau 6 tháng bạn sẽ nhận được một kết quả khá hài lòng về chương trình. Quan trọng là tiến dài, tiến đều, tiến mãi, chứ không quan trọng là tiến nhanh.
Một câu hỏi cuối, chị có thể nói một chút những thay đổi của Ban Thời sự trong năm 2020?
- Tập thể những người lãnh đạo chủ chốt của Ban đã cùng suy nghĩ tới những kế hoạch, những dự án mà chúng tôi cho là quan trọng cần làm trong năm 2020. Ít nhất 2 đến 3 dự án quan trọng sẽ được lựa chọn để thống nhất triển khai, trong đó chắc chắn có dự án "Trao tiếng nói làm chủ và sáng tạo cho các bạn trẻ".
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
___
Người thực hiện: N.A