VTV.vn - Có những người sẵn sàng trao tặng một phần cơ thể cho một người xa lạ, với không toán tính gì hết ngoài mong cầu một phép màu của sự sống sẽ đến với phi công người Anh,

10H30 SÁNG 15 THÁNG 5:

Anh Phúc ơi, em thấy thông tin từ các báo, số người đăng ký đang không ngừng tăng lên?

Đúng rồi Hiền, đã có 40 người rồi, không… phải hơn 40 người rồi em…

Đó là cuộc trao đổi ngắn gọn giữa tôi và anh Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, chỉ để tôi xác tín lại với anh số lượng người sẵn sàng trao tặng một phần cơ thể mình cho một người xa lạ, với không toán tính gì hết ngoài mong cầu một phép màu của sự sống sẽ đến với phi công người Anh – ca bệnh COVID-19 nặng nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Những người sẵn sàng hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân 91 - họ là ai? - Ảnh 1.
Những người sẵn sàng hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân 91 - họ là ai? - Ảnh 2.

Người lính năm xưa nhập ngũ năm 1964, nay ông đã ngoài 70 tuổi. Giọng nói qua điện thoại của ông đầy ắp sự tự hào với những gì mà Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế đã làm được trong công cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19. 

Và ngay khi xem TV, biết thông tin bệnh nhân 91 có khả năng phải ghép phổi, ông sẵn sàng nhờ con cháu tìm số điện thoại của Trung tâm để gọi điện trực tiếp, sẵn sàng hiến một phần cơ thể mình để "không một ai bị bỏ lại phía sau", để "không một ai phải ra đi vì thứ dịch bệnh quái ác này trên đất nước Việt Nam".

Phẩm chất của người lính cụ Hồ vẫn luôn chói sáng trong thời bình. Xưa kia trên chiến trường, vào sinh ra tử dưới mũi tên làn đạn còn chả ngại, nữa là nay chỉ một thùy phổi? Và cũng bởi vì, trong tất cả các cung bậc về tình yêu đã được thống kê, thì tình yêu dành cho Tổ Quốc luôn là điều vô giá và thiêng liêng nhất!

Những người sẵn sàng hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân 91 - họ là ai? - Ảnh 3.

Hiến tạng! Có sợ không?

Có chứ.

Người phụ nữ Hà Nội ấy cùng nhóm máu với bệnh nhân 91. Cô hỏi anh Hoàng Phúc, hiến một phần lá phổi có giống như hiến một quả thận không? Cô hiểu đơn giản nếu hiến thùy phổi như cho đi một quả thận, cơ thể vẫn có thể sống được với quả thận còn lại, thì cô sẵn sàng hiến ngay lập tức.

Người phụ nữ này đã lập gia đình, có tiếng cười trẻ thơ như nhiều gia đình bình thường khác. Và với cô, thế đã là quá đủ may mắn trong cuộc sống này rồi. Khi cô thấy rằng cuộc đời đã cho mình quá nhiều, thì sự chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình đến nhẹ nhàng như một điều tự nhiên, không quá khó để lý giải.

Những người sẵn sàng hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân 91 - họ là ai? - Ảnh 4.

Tối 14 tháng 5, Trung tâm nhận được một tin nhắn từ Myanmar. Người đó liên lạc và cho biết, mình cũng cùng nhóm máu 0 với bệnh nhân 91, và sẵn sàng hiến một phần lá phổi của mình.

Những trao đổi còn lại, chủ yếu là những câu hỏi dồn dập đến từ đầu cầu Myanmar:

Điều kiện, chỉ số liên quan để được hiến như thế nào?

Hiện nay, các đường bay từ Việt Nam và Myanmar đang bị hạn chế, liệu tôi còn cơ hội để hiến không?

(một lúc sau)

Khoan đã, từ 21/5, tôi có khả năng bay được về nước, theo quy định sẽ bị cách ly 14 ngày, lúc đó nếu Trung tâm còn cần lá phổi của tôi, tôi sẵn sàng…

Những người sẵn sàng hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân 91 - họ là ai? - Ảnh 5.

Cũng chung băn khoăn, một bạn trong nhóm tôi đã gọi điện cho TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội và ghi nhận từ chị hai câu trả lời.

Thứ nhất, bắt nguồn từ những truyền thống nhân đạo của người Việt Nam, đặc biệt là tình thương, lòng trắc ẩn với những người có hoàn cảnh đặc biệt. Như người phi công này chỉ một thân một mình ở Việt Nam, ở nơi xa xôi đất khách quê người. Chính vì thế lòng trắc ẩn của người Việt trỗi dậy và rất muốn được giúp đỡ những người gặp trường hợp như thế.

Lý do thứ hai không gì khác ngoài niềm tự hào của người Việt Nam trong đợt chống dịch này. Việt Nam đã làm được những điều mà nhiều nước ở tầm phát triển hơn Việt Nam rất nhiều không làm được, và mỗi người dân cũng muốn đóng góp cùng Chính phủ bằng một cách nào đó, với khát khao cháy bỏng có cái kết trọn vẹn hơn mà Việt Nam sẽ đạt được trong công cuộc chống đại dịch COVID-19.

Trong 24 giờ qua, báo chí đã thông tin rất rõ, phương án ưu tiên hàng đầu trong công tác cứu chữa bệnh nhân 91 từ Hội đồng chuyên môn và các chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn ở ba miền Bắc-Trung-Nam, là lựa chọn ghép phổi từ người chết não. Chỉ khi nào không còn giải pháp nào khác thì mới tính đến phương án ghép phổi từ nguồn hiến tạng sống. Thế nhưng, hộp thư của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người vẫn nhận được tin nhắn, những tiếng chuông điện thoại, và những lời đề nghị "không vụ lợi" từ những người "vô danh".

Ta không chỉ tự hào về cách Việt Nam đối phó với dịch COVID-19, mà ta còn tự hào gấp bội về tình người trong đại dịch.

Còn tôi, khi viết bài này, tôi nhớ mấy năm trước đã đi làm phóng sự về bà Thanh "cân" – bà bán nước có cái cân đo bên cạnh trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Trong túi của bà luôn có một tấm thẻ: Đơn xin hiến tạng sau khi qua đời.

Cuộc sống là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng, mỗi người chúng ta là một mắt xích quan trọng trong vòng liên kết ấy.

Những người sẵn sàng hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân 91 - họ là ai? - Ảnh 6.


X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước