ết hôn được 2 năm, nhưng vợ chồng Nguyễn Bình A. (30 tuổi) và Shin Yong-seok (55 tuổi) mới chỉ chuyển về Hàn Quốc sinh sống cách đây 4 tháng. Tưởng chừng cuộc sống sẽ tiếp diễn êm đẹp như khi ở Việt Nam nhưng sự thật lại khác hoàn toàn với tưởng tượng của cô.
Bất đồng ngôn ngữ và quan điểm trái ngược khiến người chồng 55 tuổi của A. thường xuyên cáu giận và đổ lên người vợ vô số trận đòn roi. Shin không cho vợ tiền sinh hoạt phí và từng nhiều lần nói với vợ: "Cô tự đi mà kiếm tiền sinh hoạt cho mình".
Chính vì những lời nói này nên chị A. đã quyết tâm đi tìm việc. Dù thế, khi chị tìm được công việc phù hợp thì người chồng lại tìm cách ngăn cấm. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khiến người chồng ra tay sát hại vợ của mình bằng dao. Sự việc đau lòng chỉ bị phát hiện sau khi người quen của nạn nhân không liên lạc được với cô và trình báo cảnh sát. Lúc này, đối tượng này đã tìm cách phi tang xác nạn nhân.
Câu chuyện trên đã cho thấy góc khuất, một thực tế đáng buồn của những người phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn và làm dâu xứ người. Đa số phụ nữ nhập cư biết tới Hàn Quốc qua những nhóm nhạc K-pop hào nhoáng, các bộ phim truyền hình về cuộc sống đủ đầy. Họ tới Hàn Quốc với ước mơ đổi đời và có thể gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, không phải cô dâu nào cũng có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc nơi xứ người.
Theo tờ Korea Times, trung bình mỗi năm, xứ "củ sâm" lại có thêm khoảng 15.000 cô dâu ngoại quốc theo diện kết hôn với người bản xứ. Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, cứ 10 cô dâu nhập cư thì có 4 người bị chồng bản địa bạo hành, nhiều trường hợp khác thì bị lạm dụng tình dục. Nghiêm trọng hơn, ít nhất 19 người đã bị sát hại trong 10 năm qua. Sự việc đau lòng của chị A. không phải là trường hợp đầu tiên và có lẽ cũng không phải là cuối cùng.
ô dâu ngoại quốc từ lâu đã không còn xa lạ với xã hội Hàn Quốc. Rất nhiều phụ nữ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc... thi nhau tìm kiếm cơ hội lấy chồng xứ Hàn, mong có cơ hội được đổi đời. Đổi lại, đàn ông Hàn Quốc thì cần một người vợ nội trợ, biết chăm lo cho gia đình và không cần phải có học thức quá cao. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bao nhiêu người trong số họ tìm được hạnh phúc thực sự?
Chỉ cần gõ các từ khóa như "kết hôn quốc tế", "phụ nữ Đông Nam Á" hay "lấy chồng Hàn Quốc" sẽ tìm được hàng ngàn clip với lượt xem vô số ngay trên trang YouTube. Đây cũng là góc khuất ít người biết, nơi mà các cô gái trẻ được "rao" chẳng khác một món hàng.
Những quảng cáo này được các công ty môi giới ở Hàn Quốc thực hiện hết sức công phu. Từ phỏng vấn, lý lịch trích ngang cho đến hàng loạt hình ảnh kèm lời quảng cáo dù bắt tai... nhưng khiến nhiều người liên tưởng đến những món hàng không hơn không kém.
Khuôn mặt xinh, thân hình đẹp, giỏi nấu ăn, ngoan ngoãn ở nhà, biết đi tất cho chồng, chịu phục tùng. Bên môi giới cũng đưa ra số tiền mà cô dâu và gia đình cô dâu nhận được khi kết hôn. Thông thường một cuộc hôn nhân quốc tế sẽ được dàn xếp ổn thỏa trong 4 đêm 5 ngày. Chú rể Hàn sau khi tìm được "ứng viên" phù hợp sẽ bay thẳng đến nước của "vợ tương lai" để gặp mặt trực tiếp.
Việc các kênh YouTube "trưng bày" cô dâu nước ngoài đang đi ngược lại với tinh thần của Luật "Môi giới Hôn nhân" tại Hàn Quốc, bởi chính cách thức quảng cáo và thương mại hóa phụ nữ là nguyên nhân căn bản của nạn bạo hành cô dâu ngoại quốc tại Hàn Quốc.
Thực tế, Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật quản lý môi giới hôn nhân vào năm 2012 để loại bỏ hành vi buôn bán, môi giới nhiều phụ nữ cho đàn ông cùng một lúc. Tuy nhiên, các công ty đã khéo léo lách luật bằng cách buộc các cặp đôi ký vào giấy chứng nhận kết hôn ngay tại chỗ. Tất cả thủ tục gặp mặt, cưới xin chỉ vỏn vẹn trong vòng 4-5 ngày là hoàn tất, với giá từ 11 triệu Won đến 13 triệu Won (khoảng 209 - 247 triệu đồng).
Dù thế, ngay cả khi đã kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, những người vợ nước ngoài vẫn phải vượt qua bài kiểm tra trình độ tiếng Hàn mới có được thị thực. Toàn bộ chi phí sinh hoạt và học tiếng Hàn đều do chồng chi trả. Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều người có tư tưởng "bỏ tiền mua vợ" nên vợ phải phục tùng.
ân số ở nông thôn Hàn Quốc liên tục giảm trong 30 năm qua, khiến tỷ lệ nam - nữ sinh sống tại khu vực này có sự chênh lệch lớn. Đặc biệt, đàn ông ở vùng nông thôn khó tìm vợ hơn, đa phần là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, công việc không ổn định, đã quá tuổi lấy vợ hoặc đơn giản có rất ít lựa chọn do phụ nữ địa phương đã bỏ lên thành phố.
Để giải quyết tình trạng này, một số địa phương đã đề ra chính sách chi tiền trợ cấp cho những người độc thân đi tìm vợ ở nước ngoài. Chính sách trợ cấp hôn nhân này trang trải chi phí cho đàn ông Hàn Quốc làm lễ cưới, mua vé máy bay, thuê chỗ ở và chi trả phí môi giới khi ra nước ngoài tìm vợ. Mức trợ cấp này thay đổi tùy từng khu vực, từ 3 đến 10 triệu Won (tương đương từ 2.500 USD đến 9.000 USD).
Theo một nghiên cứu do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình thực hiện năm 2017 về ngành môi giới hôn nhân quốc tế, chi phí để đàn ông Hàn Quốc kết hôn là:
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách hỗ trợ hôn nhân như vậy phần nào thể hiện văn hóa trọng nam khinh nữ, gia trưởng và bài ngoại của Hàn Quốc, đặc biệt là trong thời đại đề cao bình đẳng giới hiện nay.
Việc kết hôn không có sự tìm hiểu, không xuất phát từ tình yêu lại có nhiều khác biệt về văn hóa, phong tục dễ dẫn đến mâu thuẫn, tan vỡ nếu cả hai không có sự cố gắng, nỗ lực. Không chỉ bất đồng ngôn ngữ, ràng buộc bởi tiền bạc, kinh tế cũng là một nguyên nhân khiến hôn nhân rạn nứt.
Cũng vì chữ "tiền" ấy, nhiều người bị mặc nhiên coi như được lấy về để làm giúp việc. Như nhiều cô dâu ngoại quốc khác, chị Sumampong, người Philippines, gặp chồng mình thông qua dịch vụ mai mối tại quê nhà. Nhưng khi đặt chân đến Hàn Quốc, chị mới chợt nhận ra trọng trách của mình nhiều hơn chỉ "làm vợ". Phải chăm sóc 3 thế hệ (mẹ chồng, chồng, các con), người phụ nữ 48 tuổi vẫn phải làm việc để kiếm tiền. "Tôi phải đứng vững cả về tinh thần và thể xác để vượt qua mọi khó khăn sẽ đến với mình", chị tâm sự.
Vào tháng 6 năm nay, Hiệp hội phúc lợi gia đình Hàn Quốc đã trao cho chị Sumampong danh hiệu "hyobu" - một giải thưởng cho thành tích "hiếu thảo" với gia đình chồng. Dù xuất phát là danh hiệu dành cho phụ nữ bản địa, nhưng rất nhanh chóng, những người được trao giải "hyobu" lại là những người vợ ngoại quốc, trong bối cảnh nữ giới Hàn Quốc chẳng mấy mặn mà với những ràng buộc vai "con dâu truyền thống".
Tuy nhiên, các cô dâu ngoại quốc thường rất khó chấp nhận tính gia trưởng ăn sâu trong gia đình, xã hội Hàn Quốc, bất kể họ lớn lên trong nền văn hóa như thế nào. Tâm lý gia trưởng trong các gia đình có nghĩa là những người phụ nữ đi làm phải đảm nhiệm hầu hết cả các công việc gia đình và thực hiện tốt công việc ngoài xã hội. Mẹ chồng của Sumampong là một trường hợp điển hình. Bà vô cùng tức giận mỗi khi con trai cố gắng giúp vợ làm việc nhà. Sumampong nhớ lại: "Bà ấy luôn nhấn mạnh rằng đàn ông giống như các vị vua."
Cô dâu ngoại quốc cũng không dám tố cáo bạo lực gia đình vì lo sợ có thể bị đuổi ra khỏi Hàn Quốc. Nếu muốn ở lại Hàn Quốc cho đến khi có quốc tịch thì người vợ phải hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, nhờ chồng bảo lãnh để gia hạn thời gian lưu trú. Vì vậy, nếu người chồng rút lại quyền bão lãnh thì cô dâu sẽ có nguy cơ bị trục xuất hoặc trở thành bất hợp pháp. Chính chế độ hiện nay đã đẩy người phụ nữ vào cảnh hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Với những cô dâu này, câu chuyện không đơn giản là rời xa khỏi người chồng bạo lực bởi nếu ly hôn, đồng nghĩa họ sẽ mất quyền ở lại Hàn Quốc, trừ khi họ kiện chồng ra tòa vì hành vi bạo lực, hoặc họ phải có con mang quốc tịch Hàn Quốc. Bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, không chủ động về tài chính là những điều ràng buộc các cô dâu nước ngoài này.
uá nhiều các vụ bạo hành đã xảy ra, xuất phát từ những chàng rể xứ kim chi khiến chính phủ nước này phải sửa đổi luật kết hôn. Hiện có khoảng 1.000 cô dâu ngoại quốc đang được trú ẩn tại những nhà an toàn nhưng khi điều kiện pháp lý và tài chính của họ chưa chắc chắn, tỷ lệ cô dâu nước ngoài phải chịu thiệt thòi và thậm chí bị bạo lực gia đình sẽ vẫn còn cao. Thực trạng này buộc chính phủ Hàn Quốc không thể bỏ qua thêm được nữa.
Mới tháng trước, Bộ Tư pháp Hàn Quốc xác nhận nước này sẽ áp dụng luật cấm đàn ông có tiền án bạo lực gia đình kết hôn với phụ nữ nước ngoài, nhằm bảo vệ các cô dâu ngoại. Đối tượng bị kết án phạm tội tình dục với trẻ em trong vòng 10 năm trở lại đây, hoặc nhận án tù trong thời gian này, cũng phải tuân theo quy định của luật sửa đổi. Bản sửa đổi áp dụng với luật kiểm soát nhập cư của Hàn Quốc sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2020, theo Bộ Tư pháp. Chính phủ phối hợp với các nhà hoạt động xã hội để phát hiện sớm những vụ bạo hành và tăng cường kiểm tra gia đình có nguy cơ xảy ra bạo hành cao.
Trong thời gian này, Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc cũng thông báo sẽ mở đường dây nóng đa ngôn ngữ cùng nhiều biện pháp mới nhằm bảo vệ những cô dâu ngoại quốc trước nạn bạo hành. Đường dây nóng được cung cấp với 13 ngôn ngữ để hỗ trợ các cô dâu ngoại quốc xin giúp đỡ bất cứ lúc nào dù không nói tốt hay hiểu rõ tiếng Hàn.
Ngoài ra, chính phủ Hàn sẽ trấn áp các hành vi bất hợp pháp của các cơ quan mai mối quốc tế, bao gồm việc cung cấp thông tin cá nhân và các trang web môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Nếu muốn hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực này, công ty môi giới buộc phải tăng mức minh bạch về thông tin cá nhân khi giới thiệu những cặp đôi làm quen qua mạng hoặc trong thời gian ngắn ngủi. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc sẽ sử dụng các nhà hoạt động cộng đồng để phát hiện sớm bạo lực gia đình và tăng cường kiểm tra các gia đình có nguy cơ xảy ra bạo hành cao. Số lượng trung tâm tư vấn cho những nạn nhân như vậy sẽ tăng từ 5 lên 7 trung tâm vào năm tới.
Quy định cũng sẽ được nới lỏng cho việc nhập tịch của những người phụ nữ di cư đã ly dị do bạo lực và lạm dụng. Hiện tại, họ phải nộp các tài liệu chứng minh rằng họ "không chịu trách nhiệm cho việc chia tay". Nhưng chính phủ Hàn cũng sẽ công nhận bằng chứng về "cuộc sống hôn nhân bình thường không thể duy trì vì những lý do chủ yếu là do người chồng".
Các chương trình giáo dục cho người vợ nước ngoài trước khi họ vào nước này cũng sẽ được mở rộng. Chương trình đào tạo 8 giờ cho những người di cư kết hôn hiện đang được triển khai tại Việt Nam và Philippines và sắp tới đây là Thái Lan.
Dù vậy, đó mới chỉ là những biện pháp giúp đỡ một chiều. Có cầu thì sẽ có cung. Vẫn còn rất nhiều những cô gái trẻ mong muốn lấy chồng Hàn Quốc để đổi đời bất chấp những rủi ro ở phía trước. Trung tâm môi giới hôn nhân vẫn hoạt động trá hình bằng cách này hay cách khác để "kết nối" những con người chỉ có điểm chung duy nhất là tìm kiếm một bến đỗ tưởng như an toàn. Thế nhưng, bỏ qua những câu quảng cáo bắt tai, những lời hứa hẹn đầy màu hồng từ những người môi giới, những cô dâu người nước ngoài sẽ cần tìm hiểu nhiều hơn, để chuẩn bị kỹ tâm lý, kiến thức để có thể bảo vệ bản thân khi lựa chọn kết hôn với người chồng tương lai có nhiều khác biệt.