VTV.vn - 2020 là một năm đặc biệt đối với cả thế giới khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đây cũng là một năm đặc biệt với Ngày trở về.

Ngày trở về là chương trình đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Với nhiều câu chuyện sâu sắc và xúc động về cộng đồng người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, về những giá trị thiêng liêng, những điều đã mang lại cho những người con gốc Việt sức mạnh để sống, vươn lên, tự hào và hy vọng, tình yêu và sự ấm áp mỗi khi cô đơn hay gặp trở ngại... - Ngày trở về đã trở thành chương trình được chờ đợi mỗi năm của VTV. Cho đến nay, Ngày trở về đã là bạn của khán giả suốt 10 năm.

2021 sẽ là năm thứ 11 của Ngày trở về nhưng khác với những năm trước, Ngày trở về năm nay được hoàn thành với nhiều khó khăn hơn rất nhiều đối với ê-kíp thực hiện. Bởi một lý do đầu tiên và xuyên suốt: Thế giới đã và đang trải qua đại dịch COVID-19. COVD-19 đã khiến ê-kíp Ngày trở về trải qua những điều chưa từng trong hơn 10 năm qua.

Một trong những nhân vật của Ngày trở về 2021.

NGÀY TRỞ VỀ 2021 - MỘT NĂM ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN 

Chia sẻ với VTV News, nhà báo Lê Hoàng Linh - đại diện của ê-kíp Ngày trở về nói: "Năm nay là một năm rất đặc biệt nên cách tiếp cận của ê-kíp Ngày trở về cũng đặc biệt".

"Kế hoạch làm chương trình đã được chúng tôi lên kế hoạch từ 6 tháng trước nhưng sự thật, lúc đó còn rất bối rối về cách sẽ làm. Mọi thứ đều hỗn độn. Cái đặc sắc của Ngày trở về từ trước đến nay là đi quay ở nước ngoài và những năm trước, ê-kíp của chương trình sẽ đi quay nhưng năm nay, không một ê-kíp nào được đi".

"Đã bao giờ mình trải qua tình huống như thế này đâu?" - nhà báo Lê Hoàng Linh nói tiếp - "Chưa bao giờ Ngày trở về làm việc theo cách này cả. Những năm trước, ê-kíp của mình đi, ít nhất mình có người mình ở đó. Lần này không có ai đi cả".

Phía sau Ngày trở về 2021 - Trái tim có nắng và 7 câu chuyện lên sóng - Ảnh 2.

Nhà văn Hồng Vân và MC Khắc Nguyện sẽ là 2 người dẫn của Ngày trở về 2021.

"Vậy phải làm như thế nào? Đây là câu hỏi lớn và chúng tôi thật sự bối rối" - nhà báo Lê Hoàng Linh tiếp tục - "Chúng tôi nghĩ đến chuyện nhờ người quay hộ nhưng mình cũng không chắc cách làm này có mang đến kết quả như mong muốn không? Thuê người kiểu gì? Họ có chuyên môn không? Nói chung là cả một áp lực rất to lớn".

Vậy ê-kíp Ngày trở về đã phải làm gì để có được tất cả nội dung, chất liệu mình muốn?

"Chúng tôi phải làm song song rất nhiều mũi và phải nhờ rất nhiều vào các cơ quan thường trú của VTV ở nước ngoài" - nhà báo Lê Hoàng Linh trả lời - "Và câu chuyện ngồi nhà, làm việc nội dung với các phóng viên thường trú là việc rất khó khăn". 

"Rất may mắn, lần này, Ngày trở về được sự hỗ trợ rất nhiều của anh Lê Minh - phóng viên thường trú của VTV tại Mỹ. Anh Minh đi quay cho ê-kíp hơn 20 mấy ngày. Anh ấy phải di chuyển rất nhiều, đi rất xa, vào cả những vùng dịch nguy hiểm. Vấn đề là anh Minh không có quay phim và anh phải tự quay, tự làm tất cả".

Phía sau Ngày trở về 2021 - Trái tim có nắng và 7 câu chuyện lên sóng - Ảnh 3.

Nhà báo Lê Hoàng Linh (ngoài cùng bên trái) trong một buổi ghi hình Ngày trở về 2021 tại trường quay. (Ảnh: VTV News)

"Ngoài các phóng viên thường trú, ê-kíp phải nhờ cả người địa phương" - nhà báo Lê Hoàng Linh nói tiếp - "Nếu không nhờ tới họ thì không thể làm hết việc và không thể có được các nội dung mình cần. Như chị biết, thời lượng của một chương trình Ngày trở về rất lớn và có rất nhiều nội dung, rất nhiều những câu chuyện được chuyển đến khán giả. Vì thế, chất liệu làm chương trình là vô cùng, vô cùng nhiều. Nói chung, để hoàn thiện một chương trình Ngày trở về mất nhiều thời gian lắm".

"Đây có thể coi là năm khó khăn nhất với ê-kíp sau hơn 10 năm làm Ngày trở về và thật may mắn là sau rất nhiều nỗ lực, rất nhiều sự trợ giúp, Ngày trở về đã có được 7 câu chuyện để gửi đến khán giả trong năm nay".

... VỚI NHỮNG SỰ ĐẶC BIỆT CHƯA TỪNG

Mặc dù ê-kíp Ngày trở về 2021 gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình làm nhưng nhà báo Lê Hoàng Linh khẳng định, Ngày trở về vẫn được làm rất chỉn chu và giống như mọi năm, vẫn có rất nhiều sự đặc biệt sẽ được gửi đến khán giả trong năm nay. Sự đặc biệt ở đây không chỉ là nội dung mà về cả kỹ thuật được sử dụng trong Ngày trở về.

Phía sau Ngày trở về 2021 - Trái tim có nắng và 7 câu chuyện lên sóng - Ảnh 4.

Công nghệ mới sẽ được áp dụng vào Ngày trở về 2021.

"Năm nay, những người dẫn dắt câu chuyện sẽ được đưa vào không gian ảo" - nhà báo Lê Hoàng Linh tiết lộ - "Và năm nay, lần đầu tiên Ngày trở về sẽ sử dụng đến công nghệ 3D mapping. Mình thì chưa có công nghệ này và phải đi thuê bên ngoài". 

"Lúc đầu cũng lo lắng lắm vì công nghệ này rất tốn kém nên rất lo, không biết có làm được không. Nhưng sau khi đặt vấn đề thì đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ".

"Với công nghệ này, MC Khắc Nguyện và nhà văn Hồng Vân sẽ được đưa vào không gian của cuộc khủng hoảng. Công nghệ 3D mapping sẽ có hiệu ứng về mặt thì giác với người xem, tạo hiệu quả lớn khi khán giả theo dõi chương trình".

Những hiệu ứng từ công nghệ 3D mapping.

VÀ NẮNG VẪN LẤP LÁNH...

Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với cả thế giới khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với toàn bộ loài người: hàng chục triệu người bị nhiễm bệnh, hàng triệu người đã phải bỏ mạng, nền kinh tế của cả thế giới lâm vào suy thoái trầm trọng, đẩy cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn cầu vào cảnh khó khăn, thậm chí khốn cùng. 

Trong hoàn cảnh như vậy, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã thể hiện được bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, sự sáng tạo để vượt qua muôn vàn những khó khăn, gian khổ, để vươn lên, để hi vọng, để khẳng định sức sống mãnh liệt, bản sắc và giá trị Việt. 

Tuy nhiên, những câu chuyện của Ngày trở về 2021 sẽ không chỉ nói về đại dịch COVID-19.

Nhìn lại lịch sử, qua nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau ở khắp nơi, từ động đất sóng thần, nạn đói, khủng bố, phân biệt chủng tộc đến gần đây nhất là COVID-19, những người con gốc Việt đều thể hiện những phẩm chất đáng quý này, đóng góp cho cộng đồng nơi họ sống, tạo dựng được vị thế, được bạn bè thế giới nể phục. Giống như những tia sáng mặt trời len lỏi giữa những đám mây đen đặc để chiếu những tia nắng ấm áp xuống mặt đất, ý chí của người Việt càng gặp khó khăn, gian khổ, vùi lấp thì lại càng mạnh mẽ và lớn lao. Chính vì lẽ đó, Ngày trở về 2021 sẽ mang với chủ đề "Trái tim có nắng". Chương trình sẽ chọn kể các câu chuyện sâu sắc và cảm động về cộng đồng người Việt Nam ở trên thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng khác nhau, qua đó thể hiện được phẩm chất tốt đẹp của họ.

Những hình ảnh của sư cô Thích Tâm Trí tại Nhật Bản. Câu chuyện của cô là một trong 7 câu chuyện của Ngày trở về 2021.

Vậy những câu chuyện nào sẽ được kể ở Ngày trở về năm nay?

Đó là câu chuyện của nhà văn Việt kiều Pháp - Bùi Hồng Vân, người đã vừa chiến đấu với căn bệnh đã làm hàng triệu người tử vong trên toàn cầu trong năm vừa qua: COVID-19. Đứng giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết, sự cưu mang, giúp đỡ của cộng đồng người Việt đã giúp chị mạnh mẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình. 

Phía sau Ngày trở về 2021 - Trái tim có nắng và 7 câu chuyện lên sóng - Ảnh 7.

Nhà văn Bùi Hồng Vân. Trước khi đến với Ngày trở về, chị đã từng nhiễm COVID-19.

Nhà văn Bùi Hồng Vân là một nhân vật đặc biệt của Ngày trở về năm nay. Chị là một người đã từng có tuổi thơ đi qua chiến tranh tại Việt Nam, chị chiêm nghiệm ra rằng kháng thể để người Việt vượt qua tất cả những điều kinh khủng đó nằm chính trong bản thân chúng ta. Sức sống, không phải bỗng dưng một ngày đẹp trời tự rơi vào lòng mình. Nó là mầm xưa, được bố mẹ gieo trồng, vun đắp từ tấm bé: mầm phẩm chất, mầm kiên định, can đảm… sâu thấm xuyên nhiều thế hệ. Đó là nguồn sống Việt, càng gặp khó khăn, càng bị dày vùi, thì lại càng mạnh mẽ và lớn lao. 

Nhà văn Hồng Vân là đại diện của lớp người Việt Nam đang sống ở nước ngoài đã vượt qua mọi cuộc khủng hoảng bằng niềm tin tuyệt đối vào tinh thần và phẩm chất Việt. Cái nhìn và đánh giá sâu sắc qua ngòi bút sắc sảo của chị chính là một phần không thể thiếu để giúp Ngày trở về năm nay lột tả hết mọi khía cạnh, phẩm chất và sự tương thân tương ái của người Việt trong khủng hoảng.

Đó là câu chuyện của bác sĩ Tiền Võ, Tổng giám đốc Trung tâm Y khoa Vo tại El Centro và Calexico, vùng đất xa xôi hẻo lánh ở bang California, Mỹ, ở gần biên giới với Mexico. 

Phía sau Ngày trở về 2021 - Trái tim có nắng và 7 câu chuyện lên sóng - Ảnh 8.

Bác sĩ Tiền Võ - nhân vật thư 2 của Ngày trở về 2021.

Trước cơn bão của COVID-19, tưởng chừng như mảnh đất này sẽ gục ngã trước dịch bệnh, nhưng nhờ tinh thần xả thân của bác sĩ Tiền Võ và người vợ Vy Nguyễn, những người dân nghèo tại đây đã được xét nghiệm COVID-19 sớm nhất toàn bang. Nhiều bệnh nhân nghèo với hoàn cảnh khốn cùng, tuyệt vọng đã được bác sĩ Tiền Võ cứu ngay trước khi họ rơi vào lưỡi hái tử thần. Họ rơi nước mắt trước những nghĩa cử cao đẹp và lòng nhân ái mà một bác sĩ gốc Việt tại vùng đất khó khăn này. Không những thế, những bệnh nhân COVID-19 đã được bác sĩ Tiền Võ chữa khỏi đã lập thành nhóm thiện nguyện đi phát đồ ăn cho những người khó khăn do bệnh COVID-19. Báo chí sở tại đã ca ngợi bác sĩ Tiền Võ là "ngôi sao chống dịch".

Đó là câu chuyện của sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản. Sư cô đã vượt qua nhiều khó khăn để cưu mang 84 người Việt từ các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất và sóng thần tại chính ngôi chùa của mình ở Tokyo vào năm 2011. 

Phía sau Ngày trở về 2021 - Trái tim có nắng và 7 câu chuyện lên sóng - Ảnh 9.

Sư cô Thích Tâm Trí.

Và năm nay, sư cô đã đứng ra vận động cả cộng đồng cứu trợ cho hàng trăm du học sinh và thực tập sinh khó khăn, mất việc, thiếu đồ ăn, bị mắc kẹt, bị sạt lở đất, bị bệnh hiểm nghèo được ở chùa và trở về nước, trong đó có nhiều câu chuyện xúc động, cứu được mạng sống của những người đang cần nhất. 

Những nỗ lực của sư cô đã được cả cộng đồng và bản thân những người bạn Nhật đánh giá cao. Và câu chuyện của sư cô Thích Tâm Trí sẽ là một câu chuyện truyền cảm hứng cho người xem khi đến với Ngày trở về 2021.

Đó là câu chuyện của giáo sư Tâm Vũ, giáo sư người Việt giảng dạy tại hai trường đại học lớn danh tiếng ở nước ngoài: Colorado (Mỹ) và Oxford (Anh), sở hữu 27 bằng phát minh tại Mỹ, đồng thời là người đang khởi nghiệp với doanh nghiệp công nghệ Earable. 

Phía sau Ngày trở về 2021 - Trái tim có nắng và 7 câu chuyện lên sóng - Ảnh 10.

Giáo sư Tâm Vũ.

Trong khi giới công nghệ trên thế giới điêu đứng về dịch, thì anh đã "biến nguy thành cơ", tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi và nhân lực tốt đang chưa có việc làm cho sự phát triển của mình. Anh cũng sáng tạo ra một chiếc máy kỳ diệu, giúp con người ngủ ngon hơn, sâu hơn, nhanh hơn, xua tan đi những căng thẳng của áp lực cuộc sống, đặc biệt là áp lực bị phong tỏa ở nhà trong dịch Covid-19. 

Triết lý của giáo sư Tâm Vũ là luôn phải tìm kiếm cơ hội trong những lúc khủng hoảng, những công ty có thể vươn lên sau "cơn bão hủy diệt" để đón ánh nắng đầu tiên sẽ là những công ty mạnh nhất sau này.

Đó là câu chuyện về những ngư phủ người Việt tại Seadrift, Texas, Mỹ đã vượt qua sự kì thị phân biệt chủng tộc của nhóm cực đoan Ku Klux Klan (KKK) với chủ nghĩa da trắng thượng đẳng cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Do cạnh tranh ngư trường mà những người da trắng theo chủ nghĩa này đã tìm mọi cách để triệt đường sống của những người ngư phủ Việt chăm chỉ, hiền lành. 

Căng thẳng leo thang khi một ngư dân da trắng bị 2 anh em Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Văn Chinh bắn chết lúc cố tình gây gổ và đe dọa. Hai người đàn ông Việt bị truy tố tội giết người, nhưng sau đó tòa tuyên họ trắng án vì chỉ là hành động tự vệ. 

Những hình ảnh tái hiện câu chuyện về những ngư phủ người Việt tại Seadrift, Texas, Mỹ.

Trước sự tấn công liên tiếp của nhóm KKK, người Việt đã không bỏ cuộc. Họ đoàn kết lại và ngăn chặn được những hành vi bạo lực của KKK. Cộng đồng người Việt ở Seadrift đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, hiểm nguy một cách tài tình, khéo léo. Họ còn biết cách hài hòa mối quan hệ với cộng đồng dân cư bản địa sau khi vụ kiện kết thúc. Chỉ có thể bằng trái tim yêu thương, sự chân thành, làm việc chăm chỉ và tâm hồn luôn hướng về phía ánh sáng mới có thể giúp người Việt cảm hoá những người da trắng có suy nghĩ cực đoan về phân biệt chủng tộc, và kéo họ lại gần hơn, chung sống hoà bình với họ.

Phía sau Ngày trở về 2021 - Trái tim có nắng và 7 câu chuyện lên sóng - Ảnh 12.

Đó là câu chuyện của bố con anh Lê Trường Chinh và Lê Chí Cường, 2 bố con người Việt Nam sau vụ khủng bố tại Paris năm 2015, với thông điệp: "Họ có súng, chúng ta có hoa hồng". 

Súng và hoa hồng, là những vật có thật, và cũng là biểu tượng của cái ác và cái thiện, của sự đàn áp bạo lực và của niềm tin vào sức mạnh từ tình yêu thương. Thông điệp này đã lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới với ý nghĩa lấy điều tốt để đấu tranh lại cái ác, một thái độ tích cực vượt qua khủng hoảng.

Đó là câu chuyện của Youtuber Quang Linh, chàng trai trẻ người Việt làm youtube tại Angola, Châu Phi không chỉ đơn thuần để giới thiệu văn hóa của nước Angola tới các khán giả Việt Nam mà Linh còn tổ chức rất nhiều các hoạt động vì cộng đồng. Chọn cho mình một con đường đi lạ và khác biệt ở một đất nước xa xôi. Linh chính là đại diện cho những thanh niên dám dấn thân và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Chiếc áo hình quốc kỳ Việt Nam được mang đến Angola, Châu Phi thông qua Youtuber Quang Linh.

Có thể thấy rằng, bệnh dịch hay bất cứ một thảm họa nào đều đáng sợ, nhưng lạ kỳ thay, nó lại như hồi chuông thức tỉnh, bắt mỗi chúng ta phải tìm được lòng can đảm trong nỗi sợ hãi, tìm được nguồn gắn kết trong cảnh chia ly, và tìm được tình yêu trong sự thù hận. Tất cả đều phải xuất phát từ bên trong, từ những giá trị thẳm sâu được truyền lại qua nhiều thế hệ người Việt. Nó là một mạch nguồn thường trực âm thầm, mãnh liệt, như nhựa sống luôn chảy trong thân cây dù mùa đông có lạnh lẽo đến chừng nào, chờ ngày xuân tới, lại bung ra những mầm xanh.

"Ngày trở về 2021: Trái tim có nắng" dự kiến phát sóng lúc 1h, 8h, 20h ngày 1 Tết Nguyên đán (tức ngày 12/2/2021) trên VTV4.

___

Người thực hiện: N.A

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước