"Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó".
Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm bộ đội Hải quân vào tháng 3/1961 vẫn luôn là kim chỉ nam cho các cán bộ, chiến sĩ. Không chỉ là điểm tựa cho các ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, các cán bộ, chiến sĩ hải quân còn gánh vác nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ của Tổ quốc.
Điều kiện sống của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hạn chế hơn rất nhiều so với trên đất liền. Không chỉ cần sự kiên trì, quyết tâm cao khi thực hiện nhiệm vụ ngoài biển khơi, các chiến sĩ còn phải vượt qua những thiếu thốn trong sinh hoạt hàng ngày, sẻ chia từng giọt nước, từng bữa rau cùng đồng đội, vững vàng trong màn đêm không ánh điện giữa mênh mông biển nước. Tuy nhiên, trước những khó khăn, gian khổ đó, ở nơi đầu sóng ngọn gió, những chiến sĩ hải quân vẫn giữ vững niềm tin, nắm chắc tay súng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảo nổi
Đảo Trường Sa Đông là một đảo nổi nằm ở cực Nam của quần đảo Trường Sa
Những đảo nổi tại Trường Sa giống như những hòn đảo thông thường ở ngoài khơi với màu xanh của cây cối và bãi cát trải dài. Bao quanh các đảo là các dải san hô. Những cây trồng thường thấy trên đảo là bàng vuông, phong ba, bão táp… những loài cây có khả năng chống chịu tốt trước nắng gió ngoài khơi, có thể sinh tồn trên những mảnh đất nghèo chất dinh dưỡng ngoài đảo, giống như các chiến sĩ vẫn kiên cường bám biển, bám đảo để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Trồng cây trên đảo Trường Sa Đông
Một số đảo có túi nước ngọt ngầm ở tầng nông, hình thành do mưa ngấm xuống nền đất trên đảo. Tuy nhiên, trữ lượng nước ngầm thay đổi tùy theo thời gian và vị trí, thường lẫn tạp chất ở tầng đất mặt hoặc lẫn nước biển.
Các đảo nổi như ngôi nhà chung của quân và dân giữa biển khơi. Đây là chỗ dựa vững chắc cho các ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khi cần tránh bão, các ngư dân đều được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo tận tình hỗ trợ neo đậu tàu thuyền, sửa chữa những hỏng hóc và chu cấp các nhu yếu phẩm cần thiết.
Đảo Sinh Tồn Đông vốn là một cồn cát thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, đất trên đảo chủ yếu là cát san hô nên các loại cây trên đảo phổ biến là bàng vuông, phi lao, phong ba...
Trong số các đảo nổi tại quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa (thường gọi là đảo Trường Sa Lớn) được coi là "thủ đô" với diện tích lớn và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong các đảo. Đây cũng là hòn đảo có đông cư dân sinh sống nhất.
Một số hình ảnh trên đảo Trường Sa Lớn
Trên đảo có thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Tại đây có đầy đủ các cơ quan chính quyền, quân đội, cơ sở giáo dục, trạm khí tượng hải văn, trạm xá… Đặc biệt, đảo Trường Sa Lớn còn có đường băng và sân đỗ máy bay, cho phép các chuyến bay chở khách hoặc đồ tiếp tế có thể hạ cánh và cất cánh trên đảo. Đảo còn có các công trình khác như nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa Trường Sa… được xây dựng quy mô, phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân trên đảo.
Đảo chìm
Đảo Tiên Nữ là một trong những đảo chìm tọa lạc trên bãi san hô lớn của quần đảo Trường Sa
Không giống như đảo nổi, những đảo chìm như Núi Le, Len Đao, Cô Lin, Tốc Tan… có diện tích nhỏ hơn với điều kiện sống khó khăn hơn. Nhìn từ xa, đảo chìm như ngọn hải đăng kiên cường đứng giữa biển khơi.
Đem mầm xanh từ đất liền tới đảo chìm
Để các cán bộ, chiến sĩ có thể canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại các điểm đảo chìm, những tòa nhà kiên cố được dựng lên từ nền móng là rạn san hô. Tuy nhiên, để xây dựng một đảo chìm trên rạn san hô không hề đơn giản, đòi hỏi nhiều công sức để vận chuyển vật liệu xây dựng từ đất liền, chọn vị trí thuận lợi để tạo nền móng vững chắc, xây lên những tòa nhà kiên cố có khả năng trụ vững trước những giông bão bất ngờ ập tới ngoài biển khơi. Chính bởi những khó khăn như vậy, diện tích của hầu hết các đảo chìm thường khá hạn chế, chỉ như những tòa nhà nhô cao hơn trên mặt nước biển.
Cuộc sống trên những đảo vốn đã có nhiều hạn chế so với đất liền, tuy nhiên, tại các đảo chìm, những khó khăn còn ở mức cao hơn. Do đảo chìm không có đất nên các chiến sĩ chỉ có thể trồng rau trong các chậu hoặc khay. Nước ngọt sử dụng trên đảo chủ yếu lấy từ nước mưa và nước tiếp tế chở từ đất liền ra đảo. Vì vậy, nước ngọt trên các đảo trên các đảo ngoài khơi vốn khan hiếm, tại các đảo chìm lại càng khan hiếm hơn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ có tiêu chuẩn 3 - 5 lít nước/ngày cho mọi sinh hoạt và đều phải tận dụng tối đa nguồn nước ngọt quý giá đó.
Một số hình ảnh tại các đảo chìm của quần đảo Trường Sa
Nguồn điện tại các đảo chìm phần lớn đến từ các tấm pin năng lượng mặt trời và turbine gió. Tuy nhiên, trước sóng gió, bão táp ngoài biển khơi, sự ăn mòn của nước biển đối với các bộ phận kim loại, những nguồn cung cấp điện này luôn phải được bảo trì thường xuyên để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của các cán bộ, chiến sĩ trên những đảo chìm.
Nguồn điện trên các diểm đảo tại Trường Sa chủ yếu được cung cấp từ các turbine gió và pin năng lượng mặt trời
Việc sinh hoạt hàng ngày của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo chìm cũng bị giới hạn bởi diện tích đảo. Nếu như trên đảo nổi, các cán bộ, chiến sĩ có không gian để huấn luyện hay chơi các môn thể thao, rèn luyện sức khỏe ngoài trời hàng ngày thì tại đảo chìm, các cán bộ, chiến sĩ chỉ có thể làm điều này trong phòng đa năng với diện tích hạn chế hơn. Số lượng các cán bộ, chiến sĩ tại các đảo chìm cũng ít hơn các đảo nổi, tuy nhiên, không vì vậy mà tình cảm, sự gắn bó của những người lính trên đảo vơi đi, thậm chí càng khăng khít hơn khi những người đồng đội, chiến sĩ cùng nhau sẻ chia từng giọt nước, bữa rau hàng ngày trên đảo.
Bất chấp những khó khăn, vất vả như vậy, các cán bộ, chiến sĩ tại đảo chìm vẫn vững vàng bản lĩnh, tự hào khi được đóng góp công sức bảo vệ và giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà giàn DK1
Nhà giàn DK1 được ví như "mắt thần ở biển Đông"
Ngoài việc canh giữ chủ quyền biển đảo tại các đảo nổi, đảo chìm, các cán bộ, chiến sĩ còn có nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Đông Nam của đất nước tại các nhà giàn DK1.
DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ cho mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa đất liền nhất.
Không giống như trên đảo chìm, đảo nổi, cuộc sống tại các nhà giàn DK1, thuộc cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, có phần vất vả, khó khăn hơn. Các nhà giàn được xây dựng trên nền đá san hô như những chòi canh vươn cao lên khỏi mặt biển, được ví như "mắt thần ở biển Đông", ngày đêm canh gác chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật Quế Đường - DK1/8
Việc xây dựng những nhà giàn không hề đơn giản. Những nhà giàn đầu tiên được thiết kế với kết cấu còn khá thô sơ, dễ bị dịch chuyển trong nước khi có sóng lớn hoặc dòng nước chảy mạnh. Nhà giàn DK1/3, DK1/4 và DK1/6 từng bị sập do bão lớn với gió giật mạnh. Những nhà giàn thế hệ sau đã được cải tiến với cọc thép chắc chắn, vững chắc hơn, tuy nhiên, đây vẫn chỉ là cơ sở mỏng manh trước sức mạnh vô cùng của tự nhiên.
Điều kiện sinh hoạt tại nhà giàn cực kỳ thiếu thốn, khả năng liên lạc hạn chế. Giống như các đảo chìm, nguồn nước ngọt chủ yếu trên nhà giàn phụ thuộc vào nước mưa và nước tiếp tế từ đất liền. Tuy nhiên, khả năng tiếp vận cho nhà giàn hạn chế hơn nhiều khi chỉ có thể thực hiện vào những ngày đẹp trời, thời điểm mà tàu hay trực thăng có thể tiếp cận nhà giàn dễ dàng hơn.
Trước đây, các nhà giàn không hề có điện nhưng nhờ sự chung tay quyên góp từ đất liền, hệ thống pin mặt trời và điện gió đã được lắp đặt tại các nhà giàn, giúp cải thiện phần nào đời sống sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Khoảng không gian nhỏ được tận dụng làm vườn rau trên nhà giàn
Mặc dù diện tích hạn hẹp, các cán bộ, chiến sĩ tại các nhà giàn DK1 vẫn tận dụng một phần không gian để trồng rau, nuôi lợn nhằm tận dụng các loại phế thải và góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo là vinh dự và trách nhiệm cao cả, các cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 vẫn nỗ lực hết mình với quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Sử dụng nước ngọt trên đảo
Nước ngọt vốn đã khan hiếm trên các điểm đảo ngoài khơi, ở các đảo chìm lại càng khan hiếm hơn
Việc sử dụng nước ngọt tại các điểm đảo, nơi mênh mông biển nước nhưng từng giọt nước ngọt lại vô cùng khan hiếm, vẫn là điều được mọi người quan tâm khi đến Trường Sa.
Trước đây, vào mùa khô, mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ có tiêu chuẩn 3 - 5 lít nước/ngày cho mọi sinh hoạt như đánh răng, rửa mặt, tắm, giặt… Tiêu chuẩn hạn hẹp là vậy mà nhiều khi, các chiến sĩ vẫn luân phiên nhường nước cho những người làm nhiệm vụ ngụp lặn ngoài biển về tắm.
Nước ngọt trên đảo được lấy chủ yếu từ nước mưa tích trữ ít ỏi trong các bể chứa
Việc sử dụng nước ngọt hàng ngày được hạn chế tối đa. Khi nấu cơm, các chiến sĩ thường rửa rau, củ, quả bằng nước biển trước rồi sau cùng mới dùng nước ngọt để tráng. Nước tráng này được dùng để vo gạo, nước vo gạo lại dùng để tưới rau… Các chiến sĩ tận dụng tối đa tác dụng của nguồn nước ngọt trên đảo khi toàn bộ nước tắm, giặt hàng ngày đều được đổ vào các bình chứa để sử dụng cho các hoạt động khác như trồng rau, chăn nuôi, cải thiện đời sống hàng ngày.
Giờ đây, sự chung tay đóng góp thiện nguyện từ đất liền, việc sử dụng nước trên các điểm đảo tại Trường Sa đã bớt khó khăn hơn. Năm 2015, dự án biến nước biển thành nước ngọt tại Trường Sa đã được triển khai. Với hệ thống lọc nước RO được vận chuyển và lắp đặt tại các điểm đảo, cho phép biến nước biển thành nước ngọt với công suất khoảng 70 lít/giờ, nhu cầu sử dụng nước ngọt của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã được giải quyết phần nào. Nhờ hệ thống lọc nước, mỗi ngày, các cán bộ, chiến sĩ có thể lọc 1 mét khối nước phục vụ cho việc tắm giặt, nấu ăn đồng thời tận dụng nguồn nước thải để tưới rau, tăng gia sản xuất.
Nước ngọt sau khi được sử dụng sẽ thẩm thấu vào đất, tạo nguồn nước ngầm trên đảo, giúp cho cây cối trên đảo phát triển xanh tốt, tạo nên mảng xanh giữa lòng biển khơi. Nhờ vào nguồn nước ngọt này, các cán bộ chiến sĩ trên đảo còn có điều kiện hỗ trợ, cung cấp nước cho các tàu bè và ngư dân đánh bắt cá tại quẩn đảo Trường Sa.
Không chỉ có những đảo nổi, các đảo chìm tại Trường Sa cũng đã được trang bị hệ thống biến nước biển thành nước ngọt. Từ hệ thống lọc nước ưu việt này, nguồn nước sạch được tạo ra giúp các cán bộ và chiến sĩ chủ động hơn trong việc sử dụng nước ngọt, nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt, vững chắc tay súng để sẵn sàng bảo vệ biển đảo Tổ Quốc.
Những "người bạn" đặc biệt
Người bạn đặc biệt và cũng là đồng đội của các chiến sĩ trên đảo
Trên các điểm đảo, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ cùng chỉ huy và những người đồng đội, các chiến sĩ chỉ có thể bầu bạn với những con vật trên đảo như lợn, gà, vịt… Những con vật nuôi sinh sôi trên đảo nổi, đảo chìm, vốn chỉ toàn đá san hô và nước mặn, không chỉ mang tới các chiến sĩ cảm giác gần hơn với đất liền mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm tươi dồi dào cho các chiến sĩ. Chất dinh dưỡng từ các thực phẩm tự tăng gia đã giúp nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu tại các điểm đảo.
Những con vật nuôi sinh sống trên đảo gắn bó với các cán bộ, chiến sĩ hàng ngày
Vốn là người bạn thân thiết của con người từ thuở sơ khai, những chú chó có nhiệm vụ quan trọng hơn những con vật khác trên đảo. Được huấn luyện hàng ngày trên đảo, những chú chó vừa là người bạn của các chiến sĩ, vừa là những chiến sĩ tuần tra, canh giữ đảo.
Với khả năng nhìn trong đêm tốt hơn người, những chú chó có thể xác định những đối tượng lạ di chuyển trong đêm và báo động cho các chiến sĩ. Ngoài ra, những chú chó còn giúp các chiến sĩ phát hiện những vật thể lạ hay hiện tượng lạ trên mặt biển.
Trạm dừng chân và tiếp tế giữa biển khơi
Đảo Đá Tây A có âu tàu lớn giúp các tàu thuyền tránh bão và cũng là nơi tiếp tế lương thực, nơi sửa chữa cho các tàu thuyền khi gặp sự cố
Cách bờ biển gần 400 km, ít ai biết rằng bên cạnh những vị trí quân sự được các chiến sĩ ngày đêm canh giữ, đảo Đá Tây còn có Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc diện lớn nhất quần đảo Trường Sa, nơi cung cấp tất cả các dịch vụ cho các tàu đánh bắt xa bờ. Đây là một dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm hỗ trợ tối đa ngư dân bám biển, vừa khai thác nguồn hải sản dồi dào tại vùng biển phía Nam, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thay vì phải thuê tàu kéo lai dắt về đất liền, vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí, những tàu gặp sự cố có thể đỗ tại đảo Đá Tây để sửa chữa. Thậm chí, nếu hỏng hóc dễ dàng khắc phục, các tàu có thể được sửa chữa gần như miễn phí tại đây.
"Nếu phạm vi hỏng hóc nhỏ, trên trung tâm có vật liệu thay thế và khắc phục được, anh em chúng tôi làm hết mình và không tính tiền, không tính công. Những sự cố mà chúng tôi cảm thấy không làm được hoặc không có vật liệu thay thế thì bắt buộc phải điện về đất liền, mua phụ tùng mang đến đây để thay thế và tính tiền phụ tùng theo giá ở đất liền" - anh Dương Đình Vinh - nhân viên tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa, chia sẻ.
Không chỉ sửa chữa quy mô nhỏ, những hạng mục lớn cần phải đưa tàu lên khỏi mặt nước, vốn chỉ có thể làm được trong đất liền, vẫn có thể thực hiện ở đảo Đá Tây nhờ nhờ triền đà được lắp đặt tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo anh Chu Minh Sơn - Trưởng Ban dịch vụ hậu cần nghề các đảo Đá Tây, triền đà giúp mang lại lợi nhuận cao cho bà con ngư dân tại Trường Sa khi giúp tàu thuyền của ngư dân có thể dễ dàng sửa chữa tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây.
Khu vực sinh hoạt và làm nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây A
Ngoài dịch vụ sửa chữa tàu thuyền, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây còn là nơi cung cấp nhu yếu phẩm giữa biển khơi. Từ mắm, muối, mì chính… cho tới các loại ngư cụ, các ngư dân có thể mua thực phẩm tiếp tế và các dụng cụ cần thiết tại đây với mức giá chỉ như trong đất liền.
Đảo Đá Tây còn có hệ thống thu mua, sơ chế hải sản hiện đại. Hải sản đánh bắt tại vùng biển Trường Sa được thu mua ngay trên biển theo giá thỏa thuận, sau đó đưa về đảo Đá Tây sơ chế, đông lạnh và vận chuyển về đất liền. Điều này giúp hải sản vừa đảm bảo độ tươi ngon, vừa tăng thêm thời gian đánh bắt và cải thiện thu nhập của bà con ngư dân.
Những nỗi nhớ từ đảo và đất liền
Thanh niên thủ đô và chiến sĩ Trường Sa
Khi các chiến sĩ trên đảo đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về với đất liền, những cái ôm được các đồng đội dành tặng cho người ra đi. Cái ôm siết chặt hơn và dường như cũng ý nghĩa hơn bởi chẳng phải ai cũng có thể được gặp, được cùng nhau sát cánh suốt thời gian dài nơi hải đảo xa xôi này. Với các chiến sĩ, ôm không hẳn là chia tay, mà ôm còn là để nhớ về tình đồng đội, nhớ về ngôi nhà giữa biển khơi đã giúp họ trưởng thành hơn.
Người mới - người cũ, từng thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã đến và đi làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc trong bao năm qua. Mỗi người họ, ai cũng giữ trọn cho mình những cảm xúc và những cái ôm của những người đồng đội, những người anh em đã cùng nhau gắn bó giữ sóng gió biển khơi.
Chẳng phải chỉ có người về từ đảo mà cả những người đi cũng quyến luyến trao cho nhau những cái ôm. Đó là cái ôm của tình thân, là sự động viên hướng về từ hậu phương vững chắc bởi thời gian tới, gia đình nhỏ sẽ tạm chia xa để chồng, để cha đi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
Các cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo không chỉ đảm nhận trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà còn là điểm tựa vững chắc cho các ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển
Cứ 2 năm một lần, Quân chủng Hải quân lại tổ chức những chuyến tàu đưa thân nhân từ đất liền ra thăm các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các điểm đảo, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa. Sau 2 năm xa cách, những chuyến tàu phần nào giúp nối gần hơn những khoảng cách từ đảo xa tới đất liền. Vượt qua hành trình dài, những cuộc đoàn tụ không chỉ mang lại niềm vui, sự động viên, khích lệ to lớn cho các cán bộ, chiến sĩ trên đảo mà còn khiến vơi đi nỗi nhớ của những người thân, giúp họ thêm yên tâm, giữ vững hậu phương để các chiến sĩ thêm niềm tin vững chắc, hoàn thành thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Phi Long