VTV.vn - Nẻo đường hội ngộ" mang đến câu chuyện khác, góc nhìn khác về quá trình đi tìm mộ liệt sỹ, dựa trên hai phương pháp là thực chứng và giám định ADN.

"Nẻo đường hội ngộ" - bộ phim tài liệu lên sóng khung giờ VTV Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7). Vẫn là đề tài hậu chiến - đi tìm mộ liệt sỹ đã cũ, vẫn là 50 phút phim không có bất cứ lời bình nào theo phong cách quen thuộc của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, nhưng "Nẻo đường hội ngộ" tiếp tục lặng lẽ lấy đi nước mắt của khán giả giống như "Đường về" đã từng làm. Những thước phim cứ thế trôi đi theo từng phút nhưng ngập tràn trong đó là rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, thể hiện chân thực mà cũng đầy ám ảnh qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói của từng nhân vật. Xót xa có, day dứt có, nuối tiếc có, cả hy vọng rồi thất vọng cũng có. 

Qua cách kể bình dị nhưng cảm động của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, hai câu chuyện về 30 gia đình cùng nhau khai quật 46 ngôi mộ liệt sỹ ở nghĩa trang xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và mẹ Việt Nam anh hùng - Nguyễn Thị Sinh (Trấn Yên, Yên Bái) - 96 tuổi nhưng có 52 năm khắc khoải chờ cậu con trai thứ 2 được trở về quê hương, trở về bên mẹ trong bộ phim đã chạm đến được cảm xúc của khán giả.

VTV Đặc biệt - Nẻo đường hội ngộ: Lựa chọn nào cũng mang đến hành trình nhiều đau đớn và day dứt - Ảnh 1.

Hơn nửa thế kỷ chiến tranh đã trôi qua cũng đồng nghĩa với từng ấy thời gian, hàng trăm, hàng nghìn gia đình, thân nhân liệt sỹ vẫn khắc khoải và nhẫn nại đi tìm phần mộ người thân đang lưu lạc ở đâu đó trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Những hành trình dài đằng đẵng không chỉ được tính bằng hàng nghìn cây số, mà kéo theo đó còn là chuỗi những niềm hy vọng rồi lại thất vọng, loé sáng rồi lại vụt tắt khi chưa thể đưa được hài cốt người thân trở về. Dù có những phần mộ đã được tìm thấy nhưng rồi lại đẩy họ vào nỗi phân vân, liệu đó có phải chính xác là phần mộ của người thân mình hay không. 

Mặc dù hiện nay nhà nước và nhiều tổ chức chung tay góp sức hỗ trợ việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, nhưng vẫn còn không ít câu chuyện éo le mà người trong cuộc đang gặp phải, khiến cho quãng đường để những hài cốt liệt sỹ được yên nghỉ bên sự chăm sóc của người thân vẫn còn rất đỗi gian nan. Cùng là phim phóng sự tài liệu tìm mộ liệt sỹ, nhưng "Nẻo đường hội ngộ" mang đến câu chuyện khác, góc nhìn khác về quá trình đi tìm mộ liệt sỹ, dựa trên hai phương pháp là thực chứng và giám định ADN.

Hiện tại, nước ta áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cả nhân lực và vật lực tốt nhất phục vụ cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ/chăm sóc trùng tu tôn tạo các nghĩa trang. Về phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sỹ thì Chính phủ cho phép tìm kiếm hài cốt liệt sỹ bằng các phương pháp:

- Phương pháp thực chứng hay còn gọi là phương pháp loại trừ (ghép nối thông tin để chứng minh hài cốt này/ở vị trí này/thông số này là của liệt sỹ A, không thể là của liệt sỹ B);

- Phương pháp xét nghiệm ADN (lấy mẫu từ hài cốt để xét nghiệm chuỗi ADN, so sánh với người thân trong gia đình);

- Kết hợp cả 2 phương pháp trên; 

Tuy nhiên, tất cả các phương pháp này đều gặp nhiều tiềm ẩn rủi ro và những khó khăn nhất định.

VTV Đặc biệt - Nẻo đường hội ngộ: Lựa chọn nào cũng mang đến hành trình nhiều đau đớn và day dứt - Ảnh 2.

Ở câu chuyện đầu tiên, "Nẻo đường hội ngộ" xoay quanh hành trình đầy khó khăn và vất vả khi 30 gia đình cùng nhau tụ họp lại, chung cuộc tìm kiếm, đón đưa phần mộ liệt sỹ trở về bên gia đình. Các liệt sỹ dù đã được quy tập tại nghĩa trang xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nhưng do quá trình di chuyển mộ, trải qua nhiều thời gian và vì hoàn cảnh mà dẫn đến các ngôi mộ này thất lạc và lẫn lộn với nhau.

Năm 1983, đơn vị Quân đoàn 2, Sư 325 bàn giao cho xã Triệu An hài cốt của 65 liệt sỹ, trong đó có 50 liệt sỹ có đầy đủ thông tin tên, tuổi, quê quán và sơ đồ mộ trí. Địa phương tiếp nhận 41 hài cốt liệt sỹ đưa vào trong nghĩa trang xã Triệu An, 8 hài cốt khác được chôn cất tại nghĩa trang các huyện, một hài cốt đã được bàn giao cho gia đình. Đến năm 1988, chính quyền địa phương quy hoạch lại các công trình và di chuyển các phần mộ liệt sỹ về nghĩa trang mới, dẫn đến sự việc đau lòng là các phần mộ liệt sỹ có tên tuổi đều bị xáo trộn và trở thành những ngôi mộ vô danh. Năm 2018 – 2019, nhờ sự nhiệt tình và kết nối của chị Cao Thị Dung - một người cháu đi tìm bác là liệt sỹ, các gia đình đã tụ họp và kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép được khai quật 46 ngôi mộ liệt sỹ đang được quy tập trong nghĩa trang xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để xác định danh tính ADN với thân nhân của 30 gia đình.

VTV Đặc biệt - Nẻo đường hội ngộ: Lựa chọn nào cũng mang đến hành trình nhiều đau đớn và day dứt - Ảnh 3.

Tháng 10/2018, các gia đình liệt sỹ gặp lại nhau tại nghĩa trang xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tất cả đều chung một niềm hi vọng trong những ngôi mộ bị mất thông tin kia sẽ có người thân của mình nằm trong đấy. Khi khai quật các ngôi mộ, các mẫu hài cốt lại không đủ điều kiện để giám định ADN. Chỉ còn ít những chiếc răng sót lại được các cán bộ quy tập cẩn thận thu gom, làm sạch dù đã bị thời gian bào mòn hết chân răng. Khó khăn nảy sinh khi những mẩu hài cốt phát hiện được lại không đủ điều kiện để giám định. Người nhà của các liệt sỹ muốn thu thập thêm nhiều mẫu để thêm hy vọng nhưng đại diện chính quyền lại không cho phép.

Quá trình khai quật mộ liệt sỹ lại gây thêm nỗi thất vọng cho người thân. Thời gian một lần nữa khước từ niềm hi vọng cuối cùng của các gia đình. Mọi người dù đau xót nhưng đành phải đuyết định dừng khai quật 46 ngôi mộ liệt sỹ vì các mẫu lấy từ mộ không thể giám định ADN. 

Ngày 10/10/2018, số ngôi mộ còn lại trong tổng số 46 ngôi mộ Liệt sĩ được khai quật tiếp để lấy mẫu sinh phẩm làm xét nghiệm ADN. Kết quả chỉ có 3/46 mẫu sinh phẩm đủ chất lượng làm xét nghiệm ADN khớp nối với thân nhân các gia đình liệt sỹ. 3 mẫu hài cốt liệt sỹ cuối cùng cũng không liên quan huyết thống theo dòng mẹ với 30 thân nhân liệt sỹ đã gửi mẫu.

Tháng 8/2019, nghĩa trang nhân dân xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được trùng tu, tôn tạo lại. Các gia đình thân nhân đều phải chấp nhận người thân mình đã nằm lại đây, trong số ngôi mộ nào đó ở nghĩa trang này. 

"Dù phải chấp nhận anh trai ở đây nhưng tôi không buông cũng không giải thích được. Tôi như đi vào vết xe đổ của mẹ tôi, càng những năm về cuối đời, không đưa được anh về tôi lại càng day dứt. Đi tìm mộ liệt sỹ gần như là mò kim đáy biển nhưng mà không buông được, như bám víu lấy một hy vọng nào đấy không rõ ràng. Lúc nào cũng vậy, cứ chợp mắt lại hình dung thấy anh".

Ông Đỗ Văn Thúc (em trai liệt sỹ Đỗ Văn Tẹo, Hà Đông, Hà Nội):


VTV Đặc biệt - Nẻo đường hội ngộ: Lựa chọn nào cũng mang đến hành trình nhiều đau đớn và day dứt - Ảnh 6.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sinh (Hoà Cuông, Trấn Yên, Yên Bái) là mẹ của hai liệt sỹ Đào Xuân Kỷ và Đào Xuân Bính. Nếu như mẹ đã từng được đón con trai Đào Xuân Bính trở về thì người con còn lại - liệt sỹ Đào Xuân Kỷ vẫn đang nằm ở đâu đó. Suốt bao nhiêu năm, mẹ sống trong nỗi nhớ và sự day dứt khi chưa đưa được anh về. Năm 2018 gia đình mẹ tìm được mộ liệt sỹ tên Đào Văn Kề được chôn cất tại nghĩa trang trong Bình Định nhưng không có thân nhân gia đình nhận. Trên các giấy tờ liên quan ghi ngày nhập ngũ, tên bố và rất nhiều thông tin khác trùng với với thông tin của liệt sỹ Đào Xuân Kỷ. Nhưng trên thực tế khi tìm hiểu hồ sơ lưu của đơn vị gửi địa phương thì liệt sỹ lại có tên khác là Đào Văn Kề. Thấu hiểu được tâm can mong ngóng con về của mẹ, Cục người Có công nhanh chóng hoàn thành các văn bản pháp lý cấp phép cho gia đình được khai quật mộ liệt sỹ tên Đào Văn Kề để lấy mẫu xét nghiệm ADN.

Đứng trước cơ hội được đón người thân về thì nhiều câu hỏi được gia đình đặt ra: Nếu xét nghiệm không có kết quả trùng thì sao? Liệu sau 52 năm, mẫu hài cốt có còn tốt để làm xét nghiệm?

Cuối cùng gia đình đã quyết định nhờ phương pháp thực để chứng minh đó chính là liệt sỹ Đào Xuân Kỷ để đưa anh về bên mẹ Sinh. Sau bao nhiêu năm chờ đợi mòn mỏi, với niềm tin một ngày nào đó con sẽ trở về, mẹ Sinh đã được ôm con trai - liệt sỹ Đào Xuân Kỷ dù giờ anh chỉ còn lại nắm xương, nắm đất. 

VTV Đặc biệt - Nẻo đường hội ngộ: Lựa chọn nào cũng mang đến hành trình nhiều đau đớn và day dứt - Ảnh 8.

Thông qua "Nẻo đường hội ngộ", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư mong muốn gửi đến thông điệp: Với những người làm công tác liệt sỹ, chúng ta có thể làm gì để "nẻo đường hội ngộ" của các liệt sỹ về với gia đình bớt gian nan? Với những gia đình thân nhân liệt sỹ thì cần có trách nhiệm hoàn cốt lại đúng nơi ban đầu sau khi xét nghiệm ADN không trùng với huyết thống gia đình, đừng để một lần nữa thân xác các liệt sỹ bị chia lìa.

Phim cũng là một bức tranh chân thực về cuộc đấu tranh trong nội tâm, diễn biến tâm lý của những gia đình liệt sỹ với câu hỏi đau đáu: Tiếp tục tìm hay dừng tìm kiếm bằng phương pháp khai quật mộ liệt sỹ lấy mẫu xét nghiệm ADN sau nửa thế kỷ khắc khoải kiếm tìm thân nhân của mình. Và lựa chọn nào cũng có thể mang đến cho họ một hành trình với nhiều nỗi đau đớn và day dứt khôn nguôi.

VTV Đặc biệt - Nẻo đường hội ngộ: Lựa chọn nào cũng mang đến hành trình nhiều đau đớn và day dứt - Ảnh 9.

"Nẻo đường hội ngộ" chỉ với hai câu chuyện nhưng lại đầy đủ biến động trạng thái cảm xúc: từ đợi chờ, đau đáu đến buồn bã thất vọng; từ đồng cảm đến trách móc; từ giận rồi lại thương. Chiến tranh tàn khốc nhưng thời gian một lần nữa còn tàn khốc hơn.

Nhưng rồi cuối cùng có những điều chúng ta buộc phải chấp nhận và tâm niệm rằng các anh yên nghỉ nơi nghĩa trang cùng đồng đội, dù chỉ là nơi trận địa ác liệt năm xưa nhưng đâu cũng đều là nhà, là quê hương. Bởi máu thịt các anh đã ở lại trong mỗi tấc đất, cuộc đời các anh đã tận hiến cho dải đất non sông này. Các thế hệ luôn bái vọng, tưởng nhớ và biết ơn!

VTV đặc biệt: Nẻo đường hội ngộ

Đoán định được những khó khăn chồng lấp khó khăn trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, từ năm 2017, Cục Người có công đã phối hợp với Viện pháp y Quốc gia, Viện Công nghệ sinh học thành lập trung tâm lưu trữ ADN. Điều kiện lấy mẫu hài cốt liệt sỹ được thực hiện khi các nghĩa trang được nâng cấp, sửa chữa di dời… để giám định ADN lưu vào trung tâm lưu trữ, làm cơ sở dữ liệu để sau này khớp nối với thân nhân liệt sỹ được thuận lợi hơn. Hiện tại, trung tâm lưu trữ ADN đã lấy và lưu trữ được 30 nghìn mẫu hài cốt chờ khớp nối với thân nhân các gia đình liệt sỹ.

Những mẫu phẩm được các gia đình lấy về làm xét nghiệm ADN (thường là 4 chiếc răng hàm và một đoạn sương ống đồng), khi kết quả không trùng huyết thống, vì nhiều lý do khác nhau mà các gia đình đã bỏ lại tại Trung tâm xét nghiệm ADN, Cục Người có công. Hiện có đến 5 nghìn mẫu phẩm bị bỏ lại. Số lượng ngày càng nhiều đến nỗi trung tâm giám định ADN, Cục Người có công phải mang sang chùa Phật Tích để gửi.

CHU ANH

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước