VTV.vn - Đối với những thành viên của VTV5, họ khẳng định đây chính là gia đình mình, là ngôi nhà thứ 2 của mình.

Ngày hôm nay (10/2) của 20 năm trước là ngày đánh dấu một sự kiện đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Đây là ngày mà một kênh truyền hình mới của VTV được ra đời - kênh VTV5. Sau một thời gian phát thử nghiệm chương trình truyền hình tiếng dân tộc, ngày 10/02/2002, kênh VTV5 chính thức phát sóng chương trình đầu tiên. 

Sự ra đời của kênh VTV5 không chỉ có ý nghĩa đối với VTV mà sự kiện này còn đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số được xem các chương trình được thiết kế riêng bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình trên sóng truyền hình quốc gia.

Từ đó tới nay, sau 20 năm, VTV5 đã trở thành một kênh truyền hình quen thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số, là món ăn tinh thần hàng ngày của họ. Và với những thành viên của VTV5, những con người vẫn cần mẫn làm công việc của mình, 20 năm qua là một hành trình. Những ngày tháng đầy bỡ ngỡ và khó khăn trong những ngày tháng cùng nhau xây dựng một kênh sóng đặc thù riêng biệt, những người làm truyền hình tiếng dân tộc đã từng bước khẳng định được bản lĩnh, sức sáng tạo và niềm đam mê, tâm huyết trong việc sản xuất các chương trình phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, khán giả cả nước nói chung.

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 1.

Sau 6 năm chuyên biệt chỉ phát các chương trình tiếng dân tộc phục vụ đồng bào DTTS, từ năm 2008, Ban Truyền hình Tiếng dân tộc bắt đầu cho lên sóng chương trình tiếng phổ thông đầu tiên, đó là bản tin Thời sự…

Chia sẻ trong cuộc trò chuyện với VTV News, quay phim Phạm Quốc Khánh - người đã gắn bó 16 năm với Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc - khẳng định VTV5 là ngôi nhà của anh, là gia đình thứ 2 của anh.

Chị Trần Thu Hà - Trưởng phòng Biên dịch Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc, người thuộc thế hệ đầu xây dựng nền móng cho VTV5 khi kênh bắt đầu sản xuất các chương trình tiếng dân tộc, nói chị luôn cảm thấy ấm áp, tình cảm trong 18 năm làm việc tại đây.

"Tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với VTV5 mãi" - chị Hà Nói.

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 2.

Trò chuyện với VTV News trước ngày VTV5 kỷ niệm 20 năm ngày thành lập kênh, chị Trần Thu Hà - Trưởng phòng Biên dịch Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc - tràn đầy cảm xúc khi nhớ lại những ngày đầu tiên chị trở thành thành viên của gia đình VTV5.

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 3.

Chị Thu Hà trong một bức ảnh cũ tại thời điểm chị chuyển về Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"VTV5 ra đời vào ngày 10/2/2002 thì đến tháng 8/2004 tôi từ Ban Thời sự được điều động sang Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc" - chị Thu Hà nhớ lại sự kiện 18 năm trước với sự chuyển đổi công việc của chị - "Lúc đó kênh mới ra đời 2 năm nên các chương trình tiếng dân tộc phát trên sóng vẫn còn ít. Hồi đó 1 ngày kênh chỉ phát có 6 tiếng thôi. Lúc đó chương trình vừa đơn giản vừa ít thứ tiếng".

"Lúc tôi sang đây thì mới bắt đầu có đội ngũ biên dịch" - chị Hà nói tiếp - "Các anh chị em biệt phái từ các đài địa phương về VTV5 để sản xuất luôn tiếng dân tộc tại VTV5. Chứ trước đó chỉ là cộng tác của các Đài gửi về và chúng tôi kết nối băng để phát sóng mới 2 giờ mỗi ngày".

"Lúc đầu kênh chỉ có 14 thứ tiếng với những thứ tiếng cơ bản như ở Tây Bắc - Mông, Dao, Thái, Tày, Cao Lan, Sán Chí, Mường. Còn phía Nam thì có Ê đê, Ba Na, Cơ Ho, Giẻ Triêng... Rồi Nam Trung Bộ có tiếng Chăm..., Tây Nam Bộ có Khơ me... Về sau này mới mở thêm nhiều thứ tiếng khác".

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 4.

Chị Thu Hà và những chuyến đi luôn in đậm dấu ấn trong chị trong suốt 18 năm gắn bó với Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc, với VTV5. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Hà cho biết, sự phát triển của phòng Biên dịch bắt đầu từ khi có các biên dịch của các đài về: "Mỗi năm chúng tôi có 5-7 biên dịch ở các đài địa phương về đây, biệt phái một năm một và sau đó thay các bạn khác. Đến bây giờ chúng tôi đã có 26 thứ tiếng phát sóng trên kênh VTV5". 

"Hiện nay, chúng tôi phát sóng 24 giờ trên 3 kênh độc lập, gồm: kênh VTV5 quốc gia phát sóng toàn quốc; VTV5 Tây Nam Bộ phủ sóng khu vực Tây Nam Bộ (lên sóng ngày 01/01/2016), VTV5 Tây Nguyên phủ sóng khu vực Tây Nguyên (lên sóng ngày 17/10/2016). So với thời điểm ban đầu là thời lượng bây giờ đã nhiều hơn rất nhiều".

"Phòng Biên dịch hiện tại các anh chị em biệt phái về đây sản xuất 7 thứ tiếng, còn lại là cộng tác của các đài địa phương là 41 đài. Các đài gửi các thứ tiếng dân tộc về cho VTV5 và từ các nguồn đó mà chúng tôi có các chương trình để phát sóng hàng ngày".

"Chúng tôi lựa chọn các chương trình có tiêu chí gần sát với đồng bào, rồi các chương trình phổ biến kiến thức cho bà con để bà con nắm bắt được các thông tin phát triển kinh tế, những thông tin chính sách của Đảng, Nhà nước... hay những thông tin về trao đổi văn hóa giữa các vùng miền".

- Chị Trần Thu Hà, Trưởng phòng Biên dịch Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc.

Nhìn lại 18 năm gắn bó với VTV5, chị Hà nói: "Lúc đầu từ Ban Thời sự sang, mình quen với guồng công việc lúc nào cũng nhanh nhưng sang đây mọi thứ từ từ hơn nhưng ngược lại, mình phải cập nhật nhiều các thứ tiếng".

"Mình thấy mình được làm công việc phù hợp với mình" - chị Hà nói tiếp - "Là một thành viên trong gia đình VTV5, nhìn lại quãng thời gian đã qua, có thể thấy sự phát triển rõ nét của VTV5 từ đó đến giờ. VTV5 đã có bước khởi đầu là những bước đi chập chững nhưng giờ đây, những bước đi ấy đã vững chãi với 16 giờ phát sóng mỗi ngày và nhân sự cũng ngày càng phát triển". 

"Tôi rất yêu thích công việc của mình ở đây. VTV5 giống như ngôi nhà thứ 2 của tôi. Ở đây mọi người đều rất tình cảm với nhau, chúng tôi luôn gần gũi, tình cảm và đoàn kết với nhau và tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với nơi này mãi".

Trong khi đó, phóng viên Kông Chí cho biết: "Cho đến bây giờ, tôi đã gắn bó với VTV5 tròn 10 năm và VTV5 cho một phóng viên trẻ như tôi nhiều thứ. Tôi được đi nhiều. Tôi được rèn nghề và trưởng thành". 

"VTV5 còn cho tôi những niềm vui riêng. Đó có thể là đêm cuối năm nằm lạnh cóng ở bản, nửa đêm tỉnh giấc thấy trưởng bản đang đốt bếp củi cho mấy anh phóng viên đỡ lạnh".

"Tình cảm của bà con khiến tôi luôn tự nhủ cần phải cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hay, thiết thực hơn nữa cho bà con vùng dân tộc thiểu số" - phóng viên Kông Chí nói tiếp - "Đó cũng là cách tốt nhất để một phóng viên như tôi góp phần định vị thương hiệu của VTV5, như slogan của kênh chúng tôi: Đồng bào ở đâu, VTV5 ở đó".

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 6.
VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 7.

16 năm gắn bó cùng với Ban Truyền hình tiếng dân tộc, quay phim Phạm Quốc Khánh đã coi nơi đây là một phần của chính anh, là gia đình thứ 2 mang ý nghĩa đặc biệt. Và cũng giống như chị Trần Thu Hà và phóng viên Kông Chí, làm việc ở Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc, cùng đồng nghiệp vun đắp và xây dựng cho kênh VTV5, anh đã có nhiều trải nghiệm với nghề, những bài học cuộc sống khi làm việc ở đây. Và những trải nghiệm ấy, với 16 năm gắn bó, khiến quay phim Quốc Khánh trở nên gắn bó hơn, muốn được cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của VTV5.

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 8.

Quay phim Phạm Quốc Khánh.

Quay phim Phạm Quốc Khánh nói ngày 1/1/2006 là một ngày đánh dấu sự kiện trong cuộc đời anh. Đó là ngày anh chính thức chuyển công tác từ Ban Chuyên đề thời đó sang làm việc ở Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc. Tại nơi này, sau nhiều năm, quay phim Quốc Khánh cùng các đồng nghiệp đã mang đến những bộ phim tài liệu và chương trình đa dạng, phong phú và hấp dẫn đông đảo khán giả truyền hình. Cho tới nay, anh vẫn không thể quên ngày đầu tiên bước chân tới nơi làm việc mới.

"Ngày ấy, tôi được anh Hồng Minh, giờ là Phó ban Truyền hình Tiếng Dân tộc, dẫn tới ra mắt các phòng ban của đơn vị. Tôi vẫn còn nhớ lời của chú Lê Tất Cứ - Nguyên Trưởng ban: Cháu ở bên kia chuyên làm phim tài liệu, về đây mới đầu chưa quen nhưng cố gắng nhé vì đặc thù riêng" - quay phim Phạm Quốc Khánh nhớ lại những ngày tháng đầu tiên của mình.

"Một điều duy nhất chỉ có ở VTV5 đó là các phóng viên, biên tập, quay phim... đến từ đủ mọi miền đất nước, với nhiều dân tộc anh em. Đây là sự khác biệt rất tự hào đấy!".

Quay phim Quốc Khánh.

"Lúc đó, đơn vị còn ít người nhưng yêu quý nhau như anh em. Tôi cảm thấy ở nơi công tác này như gia đình" - quay phim Phạm Quốc Khánh nói tiếp - "Và bạn thấy đó, tôi đã gắn bó đến tận bây giờ cùng VTV5. Nơi này đã là một phần trong tôi, là gia đình thứ 2 của tôi. Điều tôi luôn tự nhủ là học hỏi để góp sức một phần cho VTV5 lớn mạnh".

Trong những ngày đầu, Ban Truyền hình tiếng dân tộc chỉ có vài chục người cùng trang thiết bị đơn sơ. Nhưng từ đây, các chương trình đã lần lượt ra đời, đến với những đồng bào dân tộc trên khắp cả nước. Với những quay phim như anh Phạm Quốc Khánh, những "món đồ chơi" qua năm tháng đã có thay đổi nhưng có một điều bất biến là tình yêu nghề, luôn khao khát cống hiến.

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 10.

"Bạn biết đấy, cơ sở vật chất thời đó thiếu lắm" – quay phim Phạm Quốc Khánh nói – "Bước chân vào nghề tôi làm phim truyện rồi chuyển qua phim tài liệu nên "đồ chơi" nhiều. Nhưng khi về VTV5, chúng tôi chỉ có 2 máy quay cho 3 quay phim, đi làm phải thay nhau. Sau này, chúng tôi được các lãnh đạo Ban quan tâm hỗ trợ, giờ được trang bị hiện đại đáp ứng nhu cầu chất lượng hình ảnh cao và lực lượng quay phim nhiều bạn trẻ, yêu nghề". 

Khi hỏi quay phim Quốc Khánh về những kỷ niệm của anh với các chương trình của VTV5 anh đã làm, anh nói anh đặc biệt nhớ về chương trình Sắc màu Văn hóa.

"Khi tôi về VTV5 cũng là thời điểm ra mắt số đầu tiên chương trình Sắc màu Văn hoá. Chúng tôi làm chương trình talk về Tết ở nhà Mông số đầu tiên trong Bảo tàng Dân tộc" - quay phim Quốc Khánh kể - "Mấy anh em phải đi mượn đèn, treo từng quả ớt bắp ngô rồi lên phố Lương Văn Can mua giấy oản phủ lên đèn cho vào trong bếp giả lửa. Đèn nóng nên cứ một lúc nó lại cháy tờ giấy". 

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 11.

"Ngày ấy mệt mà vui, khó khăn lại cần nhiều sáng tạo, được cái anh em đoàn kết đồng lòng".

Quay phim Quốc Khánh.

Với quay phim Phạm Quốc Khánh, mỗi chương trình, mỗi chuyến đi đều là một dấu ấn nghề nghiệp, như khoảnh khắc đón giao thừa Tết Nguyên đán cùng các chiến sĩ biên phòng Lũng Cú (Hà Giang), hay kỷ niệm ăn bữa cơm cuối cùng với người Thái ở lòng hồ sông Đà, Thuỷ điện Sơn La để hôm sau đồng bào đến nơi ở mới. Nghề quay phim mang tới cho anh nhiều trải nghiệm có một không hai mà không phải ai cũng được trải qua.

"Lâu không đi là nhớ bản làng, nhớ sự hồn hậu, thuần khiết và nồng ấm của người vùng cao. Đến bây giờ mà nói có vất vả hay không thì thú thực, tôi thấy thú vị nhiều hơn. Mỗi chuyến đi đều cho tôi cảm giác tuy đã quen thuộc nhưng vẫn luôn mới lạ".

Đạo diễn Tuấn Anh.

Quay phim Quốc Khánh nói làm việc ở Ban Truyền hình Tiếng Dân tộc, anh đã được đến nhiều nơi, được gặp nhiều người và trải nghiệm văn hóa của nhiều vùng miền. Mỗi nơi đi qua đều để lại cho anh những bài học, kinh nghiệm, vốn hiểu biết cũng như kỷ niệm đáng nhớ. 

Để một bộ phim, chương trình ra mắt công chúng, đòi hỏi sự làm việc tận tụy, tâm huyết của nhiều bộ phận, trong đó phải kể tới những con người hy sinh thầm lặng ở hậu trường. Họ không được công chúng biết đến nhiều như đạo diễn, MC… nhưng vẫn luôn âm thầm cống hiến hết mình để mang lại những sản phẩm chất lượng nhất cho khán giả.

"Công việc gì cũng có rủi ro của nó. Với suy nghĩ của tôi, khi bạn đã xác định chọn theo nghề gì cũng phải đam mê, say mê với nó cùng với lòng tự trọng nghề nghiệp. Với tất cả quay phim chúng tôi, những ai đã yêu nghề thì thường xong việc mới nói chuyện với nhau, sao lúc đó mình liều thế...".

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 14.

"Đặc thù của đơn vị chúng tôi là được đi nhiều nơi, tiếp xúc vời nhiều dân tộc trên khắp cả nước, tôi thấy được họ thật thà chất phác đáng yêu lắm. Mỗi dân tộc đều có nét văn hoá riêng đặc sắc. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm hiểu và đưa lên cho mọi người biết và hiểu hơn. Bởi văn hóa sẽ là cái còn lại khi những cái khác bị quên đi, là cái vẫn thiếu khi ta đã học tất cả... Đó là câu nói của một học giả nào đó tôi đã từng đọc và nhớ mãi" - quay phim Phạm Quốc Khánh nói trong phần kết cuộc trò chuyện với VTV News.

"Một con tàu thống nhất chạy qua 20 năm dưới sức kéo tâm huyết cả những lãnh đạo đầu tàu và sự gắn kết của các toa chúng tôi. Tôi thấy VTV5 đang ngày càng lớn mạnh và sẽ tiếp tục hành trình đó" – quay phim Quốc Khánh nói về ngày đặc biệt của VTV5, ngày kênh tròn 20 tuổi – "Chúng tôi có câu - Đồng bào ở đâu, VTV5 ở đó. Tôi tự hào được đứng trong mái nhà chung VTV5. Tôi mong đơn vị của chúng tôi sẽ lớn mạnh hơn nữa để chuyển tải tiếng nói, hình ảnh văn hoá của các đồng bào các dân tộc cả nước đến cho người xem".

VTV5 20 tuổi - Bước đi chập chững đã vững chãi - Ảnh 15.

___

Người thực hiện: N.A - Thanh Huyền

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước