VTV.vn - Không ngừng đổi mới, cải thiện chất lượng nội dung, hình thức thể hiện, sánh ngang với truyền hình quốc tế là khát khao chưa bao giờ vơi của những người làm nghề của VTV.

Phút thứ 120+3, tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên trên sân Rizal Memorial, dồn trọn vẹn sự mệt mỏi về tinh thần sau cuộc đấu trí hay những lần căng cơ của cơn "hành xác" kéo dài 2 giờ đồng hồ vào cú sút, một cầu thủ đưa trái bóng như tên bay ra khỏi sân. Trong khoảnh khắc đó, chỉ còn lại niềm vui, những nụ cười, những giọt nước mắt hạnh phúc khi lần thứ 6 bóng đá nữ Việt Nam lên đỉnh tại sân chơi SEA Games. Bằng giọng đầy tự hào, 2 BLV Phạm Anh và Đương Huyền dõng dạc tuyên bố: Bóng đá nữ Việt Nam đã giành tấm HCV tại SEA Games 30!

BTV Minh Tân, trong vai trò dẫn dắt chương trình bình luận, nhanh chóng gửi tới khán giả những chia sẻ đầy cảm xúc về vị trí số 1 Đông Nam Á của các cô gái Việt Nam trước khi đạo diễn hình cho phát tín hiệu về cầu truyền hình trong trường quay ngay tại Trung tâm Truyền hình Quốc tế (IBC) phục vụ SEA Games, Clark, Philippines.

SEA Games đến, SEA Games đi và khát khao của VTV luôn cháy - Ảnh 2.

Cách trường quay VTV gần 2000km, BTV Tiểu Huyền bình luận về thông tin thống kê giá trị về bóng đá nữ Việt Nam những năm qua trên nền hình ảnh các VĐV đang ăn mừng trên sân và lễ trao huy chương trước khi nhận được hiệu lệnh dẫn móc nối tới địa điểm của BTV Quang Việt đang có mặt tại hiện trường để gửi tới khán giả những hình ảnh trực tiếp và chân thực nhất về những chia sẻ của "người trong cuộc".

Qua màn ảnh nhỏ, khán giả đã có được một "bữa ăn tinh thần" trọn vẹn khi theo sát hành trình của các VĐV từ lúc tới sân, xỏ giày khởi động, chinh phục ngôi vô địch, khoảnh khắc ăn mừng cho tới những phát biểu sau thành tích đáng tự hào đó…

Nhưng đằng sau "món ngon" trên sóng VTV ấy là nỗ lực của cả một tập thể những người làm truyền hình thể thao VTV, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào chiến dịch SEA Games 30 của Đài THVN.

SEA Games đến, SEA Games đi và khát khao của VTV luôn cháy - Ảnh 3.

Từ rất sớm trước giờ bóng lăn, nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Thể thao, Tổng đạo diễn của chiến dịch SEA Games 30 trên sóng VTV, đã có mặt tại phòng Booth của VTV tại IBC. Thâm niên hơn 20 năm làm truyền hình và tham dự rất nhiều kỳ SEA Games, nhà báo Phan Ngọc Tiến vẫn luôn giữ cho mình niềm đam mê và tâm huyết với nghề. Anh trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ trực sóng các nội dung được nước chủ nhà cung cấp, điều phối phát các môn thi đấu, chỉ định người bình luận trên kênh sóng được phát song song cùng giờ với giờ thi đấu bóng đá, chỉ đạo các công đoạn móc nối, luân chuyển giữa các điểm cầu truyền hình…

Ở một góc khác, BTV Minh Nguyệt liên tục cập nhật các thông tin huy chương của Đoàn TTVN, liên lạc nhóm với các BLV để gửi tới khán giả những thông tin nóng hổi về thành tích của Đoàn TTVN trên tiêu chí không bỏ sót bất cứ khoảnh khắc giành huy chương nào của các VĐV nước nhà.

SEA Games đến, SEA Games đi và khát khao của VTV luôn cháy - Ảnh 4.

Diễn ra cùng lúc với tất cả những sự kiện nói trên, các biên tập dựng, kỹ thuật dựng và BTV máy lẻ vẫn đang làm công việc của riêng mình để phục vụ cho các bản tin đồng hành, bên lề trên sóng VTV sau đó.

Đó là một ngày làm việc điển hình của đoàn công tác VTV tại SEA Games 30. Nó bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào lúc tối muộn… Sẽ không đúng nếu nói rằng không ai cảm thấy mệt, nhưng được "mệt" như thế khi theo sát hành trình chinh phục các đỉnh cao thể thao của Đoàn TTVN và gửi tới khán giả những món ngon trên sóng truyền hình Việt Nam, đó là cả một sự tự hào!

SEA Games đến, SEA Games đi và khát khao của VTV luôn cháy - Ảnh 5.


Với vị thế là Đài truyền hình quốc gia, là địa chỉ tin cậy để khán giả cả nước theo dõi những thông tin về SEA Games 30, có thể nói áp lực của VTV là không hề nhỏ. Đặt mình dưới góc độ khán giả, khi được chứng kiến các VĐV thi đấu tranh huy chương và sau đó được nghe thấy Quốc ca Việt Nam vang lên là một niềm tự hào với tất cả mọi người. Những kỹ thuật viên, biên tập viên, quay phim viên của VTV đều hiểu rằng, để có được những thành tích như thế các VĐV đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt.

Theo chia sẻ của nhà báo Phan Ngọc Tiến, việc VTV không thể truyền tải những thông tin cực nóng và ý nghĩa với người dân Việt Nam là một sự thất vọng. Chính vì lẽ đó, mỗi khi bước vào chiến dịch SEA Games, những thành viên của Ban Thể thao VTV nói riêng và của đoàn công tác VTV luôn phải đặt sự tập trung cao nhất cho nhiệm vụ của mình.

Trước khi khởi hành sang Philippines, Đoàn công tác VTV rất quyết tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ lần này được lãnh đạo Đài giao phó và cũng đã lường trước những vấn đề có thể gặp phải, tuy nhiên, luôn có những thứ phát sinh khi trực tiếp bước vào chiến dịch.

Dù là nước chủ nhà nhưng thực tế truyền hình Philippines cũng có những khó khăn nhất định, đường truyền vệ tinh từ Manila về Clark cũng không ổn định. Vì thế, nhiệm vụ điều phối vệ tinh của chuyên viên Ban Hợp tác Quốc tế VTV luôn đặt trong tình trạng làm việc căng thẳng bởi có thể với nước bạn, một trận đấu, một nội dung thi đấu ở môn thể thao không phải đội tuyển của họ thi đấu, có xảy ra tình trạng mất sóng là điều có thể xảy ra. Nhưng với VTV, đó lại là một nội dung quan trọng bởi nó phục vụ hàng triệu khán giả Việt Nam.

Trước khi chính thức bước vào chiến dịch SEA Games 30, Đoàn công tác đã có bàn bạc, tiên liệu trước, từ khâu sản xuất nội dung tới việc phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Sản xuất chương trình, Trung tâm Tin học & Công nghệ Truyền hình, Ban Hợp tác Quốc tế, Báo Điện tử VTV… Song thực tế luôn có những vấn đề phát sinh.

Lấy ví dụ từ việc trận bóng đá nam U22 Việt Nam – U22 Indonesia ở vòng bảng có khả năng mất tín hiệu khi bão đổ bộ Manila, nhà báo Phan Ngọc Tiến cho hay: "Những ngày đầu, U22 Việt Nam chơi tốt và khán giả rất vui mừng, phấn khởi và sau đó việc được dõi theo thầy trò HLV Park Hang-seo thi đấu hẳn là điều mà người hâm mộ chờ đợi. Chính vì lẽ đó, khi nước chủ nhà thông báo có khả năng trận đấu của U22 Việt Nam không được phát sóng, VTV đã có phương án tự sản xuất tín hiệu thông qua công nghệ phát 4G Streambox để thực hiện bình luận trận đấu trong trường hợp xấu nhất, gửi tới khán giả trọn vẹn hành trình chinh phục đỉnh cao SEA Games 30 của bóng đá Việt Nam".

SEA Games đến, SEA Games đi và khát khao của VTV luôn cháy - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng Giám đốc Trần Bình Minh, những buổi họp báo sau trận lần đầu tiên được thực hiện bởi chính ê-kíp VTV. Điều này giúp khán giả được thấy gần hơn với những cầu thủ HLV, gần hơn với những thông tin nóng hổi ngay sau trận đấu. Đây là một nét mới đột phá trên sóng truyền hình VTV. Trước đây, những thông tin dạng này chỉ được theo dõi qua các trang mạng, các mặt báo còn bây giờ người hâm mộ có thể được theo dõi trực tiếp trọn vẹn và chân thực nhất. Đây là nỗ lực lớn của đội ngũ làm nghề Ban Thể thao và các đơn vị phối hợp.

"Tại SEA Games 30, Đoàn TTVN đã thi đấu rất thành công với vị trí thứ 2 chung cuộc, với 2 tấm HCV ở nội dung bóng đá nam và bóng đá nữ. Có thể nói, ê-kíp VTV cũng rất vui và phấn khởi khi liên tục được chứng kiến các VĐV ở nhiều môn thể thao bơi, điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn cung, đấu kiếm, karate, taekwondo, xe đạp… lập được những kỷ lục, những kỳ tích ở sân chơi khu vực, rồi từ đó càng quyết tâm hơn để sản xuất ra những chương trình chất lượng, phục vụ khán giả trong và ngoài nước. Hòa vào niềm vui chung của thể thao Việt Nam, chúng tôi, những người làm nghề ở VTV nghĩ rằng bản thân đã làm hết sức với lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp" – Nhà báo Phan Ngọc Tiến cho biết thêm – "Trong lúc làm việc tôi luôn đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt, không được chủ quan bởi những trải nghiệm không tốt, ảnh hưởng tới vị trí, uy tín của Đài THVN. Khi IBC đã thưa người, có thể nói, những thành viên của VTV luôn trong nhóm về muộn nhất. Dù chúng tôi phải ăn cơm khi đã rất muộn, con người cũng đã thấm mệt, nhưng mọi thành viên đều động viên nhau trong giờ ăn, tạo không khí vui vẻ, xua tan sự uể oải. Tôi nghĩ rằng, thành công chung của VTV tại SEA games 30 luôn là nỗ lực hết mình ở mọi vị trí, trong một tập thể đoàn kết, chung sức chung lòng".

SEA Games đến, SEA Games đi và khát khao của VTV luôn cháy - Ảnh 7.

Không tự hài lòng với chính bản thân, qua mỗi kỳ SEA Games, Đoàn công tác VTV luôn nỗ lực để làm mới bản thân, bắt kịp với xu hướng chung của truyền hình quốc tế.

Trong mỗi chiến dịch SEA Games của VTV, bên cạnh lực lượng sản xuất nội dung chính là Ban Thể thao, Trung tâm Kỹ thuật Sản xuất chương trình cũng là đơn vị nòng cốt luôn đồng hành. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất tiền kỳ, hậu kỳ, Trung tâm Kỹ thuật Sản xuất chương trình còn đóng vai trò nghiên cứu, phát triển và vận hành những ứng dụng mới cho hoạt động sản xuất truyền hình.

Trong SEA Games 30, lần đầu tiên VTV áp dụng hệ thống liên lạc mới được hoàn thiện hơn, tạo thuận tiện trong việc móc nối giữa trường quay ở Việt Nam, IBC và các phóng viên có mặt tại các địa điểm thi đấu. Ưu điểm của hệ thống này là độ trễ rất nhỏ, tạo thuận tiện trong việc trao đổi thông tin giữa các điểm cầu, nối sóng trường quay… Trên cơ sở đó, việc thực hiện các cầu truyền hình diễn ra trơn tru hơn. Tại đó, trường quay đặt tại IBC là 1 chủ cầu, kết nối với các phóng viên có mặt tại các địa điểm thi đấu ở Philippines, trường quay S12 cũng là 1 chủ cầu, kết nối với các phóng viên hiện trường… tạo ra một "mặt trận" thông tin sôi động trên sóng truyền hình khi phóng viên VTV có mặt tại rất nhiều địa điểm có vị trí địa lý cách nhau rất xa.

Với giá thành thuê diện tích sử dụng Booth tại IBC là rất đắt, đoàn công tác VTV đã có những tính toán để tận dụng mọi không gian, dù chật hẹp nhưng phải đảm bảo khả năng sản xuất hiệu quả nhất. Đây là khó khăn nhưng sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm làm nghề lâu năm của đội ngũ thực hiện chương trình đã góp phần tạo nên hiệu quả đột phá.

Lý giải về điều này, kỹ sư Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung Tâm Kỹ thuật Sản xuất chương trình Đài THVN, Phó Trưởng đoàn công tác VTV tại SEA Games 30 cho hay: "Booth là trung tâm truyền hình thu nhỏ bao gồm hoạt động tiền kỳ máy lẻ, tiền kỳ trường quay, tiền kỳ tại các địa điểm thi đấu, cả hệ thống hậu kỳ sản xuất từ các nguồn tiền kỳ, phát sóng trực tiếp bản tin, bình luận, hậu kỳ dựng đọc tổng hợp, có thể nói, trước khi tới Philippines, đoàn công tác VTV đã hoàn thiện khép kín mảng sản xuất lưu động.

"Đối với trung tâm kỹ thuật, sau mỗi kỳ SEA Games chúng tôi lại bắt tay vào nghiên cứu những cái mới và tính toán phương án, lên kế hoạch cho những kỳ SEA Games sau. Về mặt kỹ thuật, các thiết bị phải có tính tích hợp như một trung tâm truyền hình. Nhưng bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ các tính năng, thiết bị cần có đặc thù riêng là phải gọn nhẹ để đóng thùng, di chuyển quốc tế, tiêu thụ năng lượng thấp".

SEA Games đến, SEA Games đi và khát khao của VTV luôn cháy - Ảnh 9.

Thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games 30 thành công với vị trí thứ 2 trên Bảng tổng sắp huy chương, VTV cũng tự tin về một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á trọn vẹn trên sóng truyền hình. 

Cùng với sự phát triển của thể thao Việt Nam, VTV và các cơ quan truyền thông trong nước, đang góp phần vào bức tranh toàn cảnh của một nền truyền thông phát triển, sẵn sàng cho một kỳ SEA Games 31 trên chính mảnh đất hình chữ S.

Minh Nguyễn
Duy
12/12/2019