Bên trong cuộc đua vaccine COVID-19 trị giá hàng tỷ đô la
Bốn năm. Đó là khoảng thời gian loại vaccine nhanh nhất được phát triển - vaccine ngừa quai bị đang được sử dụng ngày nay. Nó được phân lập từ dịch họng của một đứa trẻ tên là Jeryl Lynn vào năm 1963. Hầu hết các loại vaccine khác đều mất từ 10-15 năm.
Nhưng các nhà khoa học hiện đang chạy đua để cho ra đời một loại vaccine chỉ trong vòng 365 ngày. Bạn không nghe nhầm!
Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang kỳ vọng có thể chỉ mất một năm để phát triển và điều chế ra vaccine ngừa COVID-19, bằng cách kết hợp các kỹ thuật đã có và những công nghệ mới.
Kinh phí chi ra lớn hơn bao giờ hết, với hàng tỷ đô la từ khắp nơi trên thế giới đổ vào các công trình nghiên cứu và chế tạo vaccine COVID-19 nhằm tạo ra lá chắn trước đại dịch. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là những nhà đầu tư nhiều nhất.
Đường dẫn đến vaccine COVID-19
Các nhà khoa học đang hy vọng vaccine sẽ có thể bắt đầu được bán đại trà kể từ đầu năm 2021. Để làm được điều đó, quá trình phát triển đã được đẩy nhanh một cách thần kỳ.
Theo nguyên tắc, một loại vaccine phải trải qua nhiều giai đoạn trước khi được bật đèn xanh để sử dụng. Sau giai đoạn nghiên cứu và phát triển ban đầu là một loạt các thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng (bao gồm ba giai đoạn), và thông thường mỗi bước có thể mất hai năm hoặc hơn để hoàn thành.
Nhưng trong cuộc chạy đua để ngăn chặn dịch COVID-19, một số bước trong số đó đang được kết hợp hoặc bỏ qua để tăng tốc quá trình.
Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ là công ty đầu tiên trên thế giới bắt đầu thử nghiệm trên người vào ngày 16/3
Hầu hết các thử nghiệm lâm sàng trên người đều nhận được sự hỗ trợ tài chính của Mỹ, Châu Âu hoặc Trung Quốc.
Nguồn: WHO
Tiền lâm sàng: Trước khi thử nghiệm trên người, các nhà nghiên cứu thường tiêm vaccine cho động vật để đánh giá độ an toàn và xem liệu nó có kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không. Nhưng đối với một số loại vaccine ngừa COVID-19, các nhà nghiên cứu đã tăng tốc quy trình bình thường bằng cách thử nghiệm song song trên động vật và con người.
Giai đoạn 1: Trong giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm lâm sàng, vaccine được tiêm cho một nhóm ít người, thường từ 10 đến 50 tình nguyện viên, để kiểm tra xem vaccine có an toàn hay không.
Giai đoạn 2: Sau đó, nó được thử nghiệm trên vài trăm người để đánh giá thêm độ an toàn, những tác dụng phụ tiềm ẩn nào, phản ứng miễn dịch và liều lượng. Nhưng một số vaccine đã “nhảy thẳng” đến giai đoạn 2 này, có nghĩa là chúng đang được thử nghiệm lần đầu tiên trên hàng trăm người.
Giai đoạn 3: Trong giai đoạn cuối, các nhà khoa học tiêm vaccine cho hàng nghìn người ở các độ tuổi và địa điểm sinh sống khác nhau. Song song với đó, hàng nghìn người khác sẽ được cho dùng giả dược – tức là một loại thuốc giả được các nhà nghiên cứu bào chế, chúng không có khả năng chữ bệnh nhưng cũng không gây hại đến sức khỏe người dùng. Nói cách khác, cơ thể người bệnh dùng “giả dược” sẽ vẫn “nghĩ” là đang được điều trị, và hệ miễn dịch sẽ vẫn sản sinh ra kháng thể. Các nhà khoa học sẽ so sánh xem khả năng miễn dịch ở bệnh nhân được tiêm vaccine và ở bệnh nhân được dùng giả dược – phương pháp nào giúp hệ miễn dịch phát triển tốt hơn. Điều này cũng xác định xem vaccine ngăn virus hiệu quả đến mức nào.
Phê duyệt, chấp thuận: Các cơ quan quản lý sau đó sẽ xem xét kết quả thử nghiệm để quyết định có chấp thuận sử dụng, cấp phép và sản xuất vaccine trên quy mô lớn hay không. Nhiều loại vaccine cũng trải qua các nghiên cứu Giai đoạn 4 sau khi chúng được phê duyệt và cấp phép.
Hiện có sáu loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người trước khi xin phê duyệt.
Hiện có sáu loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người trước khi xin phê
duyệt:
+ 3 loại từ Trung Quốc (bao gồm 2 loại do công ty nhà nước Sinopharm phát triển và một loại từ
công ty tư nhân Trung Quốc Sinovac Biotech)
+ 1 loại từ Vương quốc Anh, được sản xuất với sự hợp tác giữa Đại học Oxford và AstraZeneca
+ 2 loại từ Mỹ, một của hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer, loại còn lại của Moderna.
Theo Giáo sư Adrian Hill, giám đốc Viện Jenner tại Đại học Oxford, để tiến tới được giai đoạn cuối của thử nghiệm chỉ sau sáu tháng kể từ khi phát triển ra vaccine là rất nhanh – điều thông thường sẽ mất ít nhất sáu năm.
Trong trường hợp dịch SARS và Zika, dịch bệnh đã kết thúc trước khi vaccine được phát triển hoàn chỉnh, và hiện vaccine vẫn chưa được chấp thuận sử dụng.
Nguồn: WHO
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ đã bày tỏ sự hoài nghi về tính an toàn của vaccine COVID-19 do Nga sản xuất. Ông chia sẻ với hãng tin ABC News rằng: “Tôi hy vọng người Nga đã thực sự chứng minh được rằng vaccine an toàn và hiệu quả”. Lí do vì nước Nga được cho là đã đi ngược so với quy trình vốn có, tức là phê duyệt vaccine chỉ một ngày trước khi bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn 3 - bước cuối cùng và quan trọng nhất trong quá trình phát triển và sản xuất vaccine.
Một cuộc thăm dò của Kênh truyền hình CNN cho thấy chỉ 66% người Mỹ đồng ý sẽ tiêm vaccine COVID-19 khi chúng được bán đại trà. Nhưng ngay cả khi tất cả mọi người đều tiêm chủng, thì việc ngừa virus cũng không thể hiệu quả 100%.
Ví dụ như vaccine ngừa sốt rét đầu tiên trên thế giới - RTS, S hoặc Mosquirix - đã được triển khai trên khắp châu Phi vào năm ngoái, mặc dù khả năng bảo vệ trẻ em từ 5-17 tháng tuổi khỏi sốt rét chỉ 39%. Điều này được coi là có giá trị ở các nước có tỷ lệ bệnh cao.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đưa ra chỉ số so sánh như vậy để khẳng định rằng cần có ít nhất 50% dân số được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mới được coi là phòng dịch hiệu quả. Tỷ lệ này có thể giúp ngăn chặn sự lây truyền, đặc biệt là khi kết hợp với các biện pháp điều trị và phòng ngừa khác.
Một số chuyên gia tin rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ thực sự biến mất và thay vào đó nó có thể trở thành một bệnh nhiễm trùng điển hình, dễ kiểm soát hơn như các dịch cúm mùa thông thường.
Kiểm tra nguyên liệu: Các nhà sản xuất kiểm tra thành phần ban đầu tạo nên vaccine để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
Sản xuất vaccine số lượng lớn: Kháng nguyên - thành phần hoạt tính của vaccine, kích thích phản ứng miễn dịch - được nuôi cấy, thu gom và tinh chế trên quy mô lớn.
Công thức và kiểm soát chất lượng: Kháng nguyên được trộn với các thành phần khác để tăng cường phản ứng miễn dịch và đảm bảo tính ổn định của vaccine. Mỗi lô sau đó được kiểm tra và xác minh kháng nguyên về độ vô trùng.
Sang chiết vaccine: Lô vaccine được cho vào lọ thủy tinh hoặc ống nhựa.
Đóng gói bao bì: Vaccine được cho vào thùng, dán nhãn theo các yêu cầu quy định và được đóng gói để vận chuyển.
Xuất xưởng: Sau khi hoàn thành thử nghiệm để đảm bảo chất lượng, cơ quan quản lý quốc gia sẽ cấp phép cuối cùng để xuất xưởng vaccine và cho phân phối.
Tuy nhiên, nhiệm vụ sản xuất vaccine trên thế giới cũng đang bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng dược phẩm. Ví dụ, thế giới có không đủ lọ thủy tinh để đựng vaccine, các nhà máy sản xuất cũng không đáp ứng được năng lực đóng gói và phân phối sản phẩm đúng hạn.
Những áp lực bên trong phòng thí nghiệm vaccine
Nếu bạn phàn nàn rằng COVID-19 khiến bạn không thể ra ngoài, không được tụ tập bạn bè hay tận hưởng ánh nắng ấm áp. Thì các nhà nghiên cứu chỉ mong bạn biết rằng họ đang nỗ lực ngày đêm, phải làm việc 24/24h và 7 ngày mỗi tuần trong các phòng thí nghiệm, để mang bạn trở lại với cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể.
Buổi chiều ngày 19/8, nhiệt độ trung bình ngoài trời ở Texas khoảng 25 độ C, có nắng nhẹ.
Đằng sau cánh cửa phòng thí nghiệm, những đám vật chất di truyền trôi nổi bên trong ống ly tâm siêu nhỏ hình sao.
"Thấy chưa?" nhà công nghệ phân tử April Connell hỏi một đồng nghiệp khi cô ấy cầm mẫu vật trên tay.
Cô sẽ kiểm tra mẫu vật bên trong ống bằng cách sử dụng một quy trình gọi là phản ứng chuỗi polymerase, hoặc PCR để tìm sự hiện diện của virus SARS-CoV-2, loại virus đã lây nhiễm cho hơn 23 triệu người và khiến hơn 800 nghìn người trên toàn thế giới tử vong.
April Connell chuẩn bị nạp các ống ly tâm siêu nhỏ có mẫu vào Rotor-Gene.
Ảnh: Josie Norris
Mang khẩu trang và áo khoác bảo hộ trắng mỏng như giấy, Connell cẩn thận dán nhãn các mẫu bằng bút đánh dấu Sharpie. Sau đó, cô thêm dung dịch mồi và chuyển chúng đến một khay chứa hàng chục mẫu khác.
Ngoại trừ tiếng ồn ào của máy móc, bên trong căn phòng này rất yên tĩnh. Cô làm việc trong phòng thí nghiệm của bệnh viện lớn nhất thành phố - Bệnh viện Methodist tại Trung tâm Y tế Nam Texas, nơi có diện tích gần bằng ba sân bóng rổ.
Vào thời kỳ đỉnh điểm virus lan khắp thành phố San Antonio, các kỹ thuật viên đã làm việc theo ca 14 giờ để kịp hoàn thành công việc.
April Connell và Colory Bun nói chuyện khi họ chuẩn bị làm các thử nghiệm vaccine COVID-19
Ảnh: Josie Norris
“Mỗi lần tôi ghi nhận một mẫu xét nghiệm dương tính, điều đó cũng ảnh hưởng đến tinh thần của tôi. Nhưng là một kỹ thuật viên, tôi cũng phải tập trung vào nhiệm vụ”, Colory Bun, một chuyên gia công nghệ bệnh học phân tử tại phòng thí nghiệm thuộc Bệnh viện Methodist cho biết.
Bun đã thực hiện từ 250 đến 300 mẫu thử mỗi ca, đồng nghĩa là phòng thí nghiệm thực hiện khoảng 3.500 mẫu thử mỗi tuần.
Trước đại dịch, Bun làm ca sáng. Bây giờ, không có gì lạ khi cô ấy trực từ 11 giờ sáng và không rời đi cho đến quá nửa đêm.
Các xét nghiệm PCR được coi là tiêu chuẩn vàng để phát hiện virus SARS-CoV-2. Quá trình này thường mất khoảng 84 phút, với kết quả hiển thị trên màn hình máy tính. Không lâu sau đó, kết quả được khớp với một mã số bệnh nhân. Nếu kết quả chỉ ra bệnh nhân dương tính, ngay lập tức, một loạt các hành động được tiến hành bao gồm cách ly bệnh nhân và truy dấu tiếp xúc để phát hiện, ngăn chặn sự lây nhiễm của virus.
Một số xét nghiệm là của những bệnh nhân đang chờ phẫu thuật theo lịch trình tại bảy bệnh viện của Hệ thống chăm sóc sức khỏe Methodist. Cũng có những mẫu bệnh phẩm được các bệnh viện khác gửi đến, trả tiền cho Methodist để thực hiện dịch vụ xét nghiệm.
Bun cho biết mặc dù cô chưa bao giờ tiếp xúc với bệnh nhân nhưng cô cảm thấy áp lực rất lớn khi phải tìm ra kết quả xét nghiệm chính xác cho họ. Một sai sót nhỏ có thể dẫn đến một thử nghiệm không kết quả, kéo theo sự chậm trễ trong việc điều trị cho bệnh nhân và tốc độ triển khai các biện pháp phòng dịch.
Giám đốc phòng thí nghiệm, bà Pattie Hudak, phụ trách một đội 33 kỹ thuật viên, là một trong những người đầu tiên ở San Antonio tin rằng virus đã lan đến thành phố này từ hồi tháng 3.
Bà Pattie Hudak cho biết chưa bao giờ bà chứng kiến đại dịch nào khủng khiếp như COVID-19
Ảnh: Josie Norris
Mùa hè năm nay, các bệnh viện ở San Antonio đã đạt đỉnh điểm với hơn 1.100 bệnh nhân điều trị COVID-19. Số ca bệnh không ngừng tăng lên khiến các bệnh viện dần rơi vào tình trạng quá tải. Các bác sĩ tuyến đầu và cả bệnh nhân mong chờ vaccine COVID-19 từng giây, từng phút.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép máy xét nghiệm Abbott ID Now được sử dụng thử nghiệm từ cuối tháng 3. Nhưng vào tháng 5, FDA đã đưa ra một cảnh báo hiếm hoi rằng kết quả xét nghiệm có thể sai. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nó đã bỏ sót gần một nửa số mẫu dương tính trong khi phương pháp xét nghiệm của công ty đối thủ đã phát hiện ra.
Bất chấp những tranh cãi, Abbott đã bán được hơn 5,3 triệu máy cho các bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc vì dù sao thiết bị cũng cho kết quả kiểm tra nhanh chóng.
Các bệnh viện sử dụng các xét nghiệm nhanh này cho những bệnh nhân không có triệu chứng trong phòng cấp cứu và những bệnh nhân mắc các loại bệnh khác cần được phẫu thuật.
Bà Hudak cho biết các bác sĩ cũng phải xác định xem một bệnh nhân có dương tính với SARS-CoV-2 hay không rồi mới quyết định đặt nội khí quản.
Phòng thí nghiệm Methodist của bà Hudak cũng sử dụng một máy kiểm tra do GenMark Diagnostics sản xuất, cho kết quả trong vòng hai giờ.
Hầu hết các xét nghiệm phân tử, hoặc PCR đều đáp ứng tiêu chuẩn của FDA về độ chính xác trên 95%.
Tuy nhiên một trở ngại khác trong phát hiện virus ở mẫu thử là thời gian.
Do thời gian ủ bệnh dài của virus là 14 ngày, một người có thể đã mắc bệnh khi tiếp xúc với ca bệnh dương tính, nhưng ngày họ đến xét nghiệm có thể còn quá sớm. Chính điều này có thể mang lại cho người bệnh cảm giác an toàn giả tạo và họ có thể vô tình lây virus cho người khác.
Chiến lược phát triển vaccine đầy tham vọng của Mỹ
1,6 tỷ USD là số tiền lớn nhất mà chiến dịch "Operation Warp Speed" – hay còn gọi là “Chiến dịch thần tốc” của Mỹ tài trợ cho một công ty độc lập để phát triển và sản xuất vaccine COVID-19. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều các hợp đồng khác tiêu tốn “hàng núi tiền” của chính phủ Mỹ, chỉ để đảm bảo rằng người dân cứ cờ hoa sẽ có đủ nguồn cung vaccine.
Châu Âu đang ở đâu trong cuộc đua này?
Ủy ban Châu Âu đã bắt đầu các chương trình tài trợ rộng rãi cho nghiên cứu và phát triển vaccine kể từ tháng Một và đã cam kết chi 350 triệu euro, tức khoảng 412 triệu USD nhằm “thu phục” virus SARS-CoV-2 nguy hiểm.
Theo chương trình nghiên cứu và đổi mới, được gọi là “Horizon 2020” và với sự trợ giúp tài chính từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, các khoản vay cũng được thiết lập để hỗ trợ các nỗ lực sản xuất vaccine.
EU đã đầu tư cho Công ty công nghệ sinh học Curevac của Đức 75 triệu euro và 100 triệu euro cho BioNTech, một công ty khác của Đức để thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine trên người.
Sự vào cuộc của Trung Quốc
Nếu Mỹ và châu Âu chỉ đơn thuần ám chỉ rằng họ sẽ ưu tiên người của mình tiêm vaccine trước, thì Trung Quốc không giấu giếm kế hoạch thực hiện chính xác điều đó.
Vào tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố với Đại hội đồng Y tế thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO rằng Bắc Kinh sẽ giúp cung cấp vaccine trên toàn cầu, nhưng phải ưu tiên cho người dân Trung Quốc trước.
Trung Quốc có lịch sử chuyên môn về phát triển và sản xuất vaccine ngắn hơn so với Mỹ và châu Âu, nhưng họ có quy mô ngang bằng. Đây là nhà sản xuất và tiêu thụ vaccine lớn nhất thế giới và có thể cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine hàng năm từ 40 nhà sản xuất trên toàn quốc, theo CNN.
Trong số 29 loại vaccine hiện đang được thử nghiệm trên người trên toàn cầu, 9 loại đến từ Trung Quốc - nhiều nhất từ bất kỳ quốc gia nào. Và ba trong số sáu ứng viên vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm đang được phát triển bởi các công ty Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm.
Chủ nghĩa dân tộc vaccine
“Chủ nghĩa dân tộc vaccine” đe dọa nỗ lực phòng dịch COVID-19 toàn cầu
Khi vaccine mới được đưa ra thị trường, các nhà cung cấp sẽ phải vất vả để đảm bảo đủ nguồn cung cho hàng tỷ người trên toàn cầu. Vậy với năng lực sản xuất vaccine hiện nay, và nhất là vì vấn đề "lợi ích sát sườn", khả năng cao là các quốc gia giàu có sẽ độc quyền phân phối hoặc giữ phần trước cho công dân của mình. Vấn đề này được chính Tổ chức Y tế thế giới coi là "chủ nghĩa dân tộc vaccine". Viễn cảnh này cũng là điều mà các chuyên gia y tế nhiều lần bày tỏ lo ngại. Vì "không ai an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn".
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra lời kêu gọi rằng:
“Chúng ta cần ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine. WHO đang làm việc với các chính phủ và các bên liên quan để đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cao sẽ được tiếp cận vaccine mới”.
Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhận định:
“Các kết quả nghiên cứu dịch tễ học đều cho thấy, chỉ có ít hơn 10% dân số có kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Ở hầu khắp các khu vực trên thế giới, đại đa số người dân vẫn có nguy cơ mắc bệnh, đồng nghĩa với việc virus có cơ hội tiếp tục lây lan”.
Còn Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế của Canada, bà Karina Gould lại cảnh báo:
“Chỉ tiêm vaccine cho một quốc gia không phải là giải pháp hiệu quả. Thật sự điều đó còn có thể khiến đại dịch kéo dài hơn”.
Ưu tiên vaccine cho người dân trong nước là mục tiêu hàng đầu. Điều này thật ra cũng là một điều dễ hiểu.Theo các phóng viên thường trú của Đài Truyền hình Việt Nam tại Mỹ và Liên bang Nga, trong cuộc cạnh tranh vaccine hiện nay, có thể nhận ra một điều rằng lãnh đạo mỗi quốc gia giống như người chủ của một gia đình, với mong muốn dành những điều tốt nhất cho các thành viên của họ. Rồi sau đó mới tính đến chuyện san sẻ cho các nước khác.
Dù có nhiều thông báo từ các nước, tuy nhiên vẫn chưa có vaccine nào chính thức được đưa ra thị trường. Cuộc đua đang đến hồi kết. Và không khó để nhận ra chiến lược của các nước lớn khi cố gắng cán đích đầu tiên. Vaccine COVID-19 sẽ không chỉ là một món hàng sinh lời đem lại hàng tỷ đô la lợi nhuận, mà còn là yếu tố chủ chốt trong một chính sách mà không ít nước sẽ áp dụng: đó là " ngoại giao vaccine".
Ba xu hướng chính trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu đáng được quan tâm và cảnh giác.
Thứ nhất, khuynh hướng chính trị quốc tế, địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc nổi rõ trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine, nhiều nước áp dụng chủ nghĩa bảo hộ quốc gia vào quá trình này, nhấn mạnh ưu tiên cung cấp và đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thứ hai, coi cuộc cạnh tranh nghiên cứu và phát triển vaccine là cuộc cạnh tranh chiến lược quốc tế. Các phương tiện truyền thông Mỹ bình luận nước nào nghiên cứu và phát triển ra vaccine trước không những có thể nắm quyền chủ động trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, khôi phục kinh tế và việc làm của đất nước, mà còn mang lại lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đô la.
Thứ ba, mỗi quốc gia đều tự đặt ra tiêu chuẩn và tự công bố một loại vaccine riêng, không công nhận nhau, không hợp tác và không chia sẻ thông tin để cùng nghiên cứu và phát triển vaccine với nhau. Điều này không chỉ gây bất lợi cho quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu, mà còn gây nên một loạt trở ngại nghiêm trọng cho việc tiêm chủng và đánh giá hiệu quả của vaccine trong tương lai.
Trung Quốc đã có bước đi được các nhà phân tích gọi là "Ngoại giao vaccine" khi tuyên bố một khi nước này có được vaccine thì đó sẽ là một sản phẩm chung toàn thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ “cho vay vaccine” chứ không “cho không vaccine”. Đối với các nước thân thiết và có tiềm lực tài chính hơn, Trung Quốc cam kết sẽ ưu tiên cung cấp vaccine trước các nước khác.
Trong khi Nga công bố giá vaccine chỉ 10 USD/ 2 liều, giá vaccine do công ty Sinopharm, Trung Quốc công bố là khoảng 150 USD/ 2 liều, tức là cao gấp 15 lần mức giá mà Nga đề xuất. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mới đây cam kết sẽ cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latinh và vùng Caribê để mua vaccine của Trung Quốc. Sau đó những quốc gia này sẽ trả nợ bằng cách nào, thì là câu chuyện của tương lai.
Do vaccine nhận được sự kỳ vọng lớn nhất của thế giới hiện nay, nên tất cả những thông tin liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển vaccine cũng đều thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có ít nhất hàng trăm dự án nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 với hàng chục quốc gia đang tham gia cạnh tranh, trong đó các nước lớn đang tập trung mọi nguồn lực để về đích nhanh nhất có thể. Cạnh tranh nghiên cứu và phát triển vaccine vốn là điều tốt. Nhưng nếu việc tìm kiếm thị trường và lợi ích kinh tế được ưu tiên hơn là ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tại tất cả các khu vực trên thế giới, nhiều nước nghèo hơn sẽ khó có được vaccine để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch.
Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan đã phải nhấn mạnh trong cuộc họp tại trụ sở ở Thụy Sỹ, rằng:
“Tình hình rất phức tạp ở các nước Mỹ Latinh, vẫn cần sự đoàn kết và hỗ trợ to lớn từ các nước khác”.
Các chuyên gia ước tính thế giới có thể sẽ có khoảng 2 tỷ liều vaccine COVID-19 khả thi vào cuối năm 2021, nếu một số ứng viên hàng đầu chứng minh được hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối đang được tiến hành hiện nay. Tuy nhiên, nếu các nước tìm cách thu mua vaccine để đảm bảo cho toàn bộ dân số của mình thay vì chia sẻ cho các nước khác để ưu tiên bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất, thì đại dịch có thể sẽ không được kiểm soát.
Ông SETH BERKLEY, Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng GAVI cho biết:
“Nếu bạn có ý định tiêm chủng cho toàn bộ nước Mỹ hay toàn bộ EU, mỗi người 2 liều vaccine, thì khi đó bạn sẽ phải có 1,7 tỷ liều. Và nếu đó là toàn bộ số liều vaccine có sẵn trên thế giới thì sẽ chẳng còn gì nhiều cho những nước khác”.
Ba xu hướng chính trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu đáng được quan tâm và cảnh giác.
Xu hướng chủ nghĩa dân tộc trong cuộc chạy đua thu mua vaccine COVID-19 hiện nay có thể lặp lại điều tương tự trước đây với đại dịch cúm H1N1 giai đoạn 2009-2010, khi các nước giàu thu mua các loại vaccine có sẵn, và khiến các nước nghèo gần như không thể mua được loại vaccine này ở giai đoạn đầu.
Thế giới vẫn cần cuộc đua vaccine, nhưng theo cách cẩn trọng hơn
Theo hãng tin AP, nhiều trợ lý của Tổng thống Mỹ tin rằng sự ra đời kịp thời của vaccine ngừa COVID-19 trước cuộc bầu cử thổng thống sẽ giúp ông Trump xoay ngược tình thế.
Còn về khía cạnh kinh tế, Mỹ cũng kì vọng vaccine chính là liều thuốc hồi sức cho nền kinh tế đang rơi vào trạng thái khủng hoảng khi hàng chục triệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng, và 30 triệu người lao động đang thất nghiệp do dịch bệnh.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng dự đoán ít nhất một loại vaccine được thông qua vào cuối năm nay và được phổ biến rộng rãi vào quý II năm sau sẽ khiến cho thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh khi người dân lại tự tin ra đường mua sắm. Cùng với đó, công ăn việc làm sẽ quay trở lại, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm những tệ nạn do nhiều người bị đẩy vào thế “túng quẫn vì dịch kéo dài hàng tháng”.
Những ai nên được ưu tiên tiêm vaccine trước?
Các nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên dịch vụ khẩn cấp và những người dễ bị nhiễm virus nhất v.v… nên là những người đầu tiên được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Họ nằm trong nhóm ứng viên cấp 1.
Tuy nhiên, ngay cả trong các nhóm ưu tiên, sẽ phải có thứ hạng. Có khả năng sẽ không có đủ nguồn cung cấp vaccine cho tất cả các thành viên của các nhóm ứng viên Cấp 1 được tiêm vaccine đồng thời.
Theo báo cáo, những người cần thiết nhất để duy trì "chức năng xã hội cốt lõi", chẳng hạn như giáo viên, nhân viên giao thông công cộng và nhân viên cung cấp thực phẩm sẽ được ưu tiên trước.
Tiếp đến là những người có nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong và những người chăm sóc họ. Các chuyên gia y tế còn chỉ ra rằng việc tiêm vaccine cho người chăm sóc có thể quan trọng hơn vì một số người có nguy cơ sốc phản vệ hoặc cơ thể họ không phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.
Ở cấp 2 nên kể đến các nhân viên y tế không trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch; nhân viên dược; những người tạm thời không thể đến bệnh viện để điều trị các bệnh lý khác; công nhân điện, công nhân vệ sinh; nhân viên giao hàng; quân đội và cảnh sát.
Virus SARS-CoV-2 được cho là vẫn tồn tại trong môi trường, dù con người có tiêm vaccine ngừa loại virus này. Dập dịch COVID-19 cũng như dập tắt một đám cháy một cách toàn diện, và càng không nên để nhen nhóm bất cứ tàn tro nào. Có lẽ trong cuộc chiến này, những nước đi đầu cần tạo ra một “sân chơi công bằng” để không quốc gia nào bị bỏ lại phía sau. Chỉ có thế, chúng ta mới là những người chiến thắng thực sự trong cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt COVID-19.