gày 3/3, Anh chính thức ban bố kế hoạch hành động phòng chống COVID-19. Lúc này dịch đã bắt đầu lan rộng ở Italy và các nước Liên minh châu Âu (EU). Số ca tử vong ở Italy đã là 79 người.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dường như đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng tại Anh. Nếu để tình trạng lây nhiễm không kiểm soát xảy ra, có tới 80% dân số Anh có thể mắc bệnh. Và dù không tiết lộ nhưng con số tử vong theo dự báo có thể lên đến 500.000 người.
Trả lời hãng truyền thông BBC, Thủ tướng Boris Johnson tỏ ra đầy tự tin. Ông còn nói đùa rằng, mình đã bắt tay với tất cả bệnh nhân khi tới thăm một bệnh viện, trong đó có những người đang điều trị COVID-19.
Ngày 12/3, trận đấu lượt về UEFA Champions League (UCL) giữa Liverpool và Atletico Madrid diễn ra tại thành phố cảng miền Bắc. Khoảng 52.000 khán giả đã được chứng kiến chiến thắng kịch tính của đội khách đến từ Tây Ban Nha.
Cùng thời điểm, hầu hết các trận đấu và giải đấu khác ở châu Âu đều hoặc tạm hoãn, hoặc ít nhất diễn ra trong các sân đấu không khán giả. Nhưng giới chức thể thao “xứ sương mù” không sớm làm điều tương tự như các nước láng giềng.
Giữa tháng 3, mối lo ngại COVID-19 ngày càng tăng trong khi vẫn chưa có biện pháp nghiêm ngặt nào được đưa ra. Nghiên cứu từ đại học Imperial College cảnh báo rằng khoảng 1/4 triệu người Anh có thể tử vong nếu không có các quy định đóng cửa. Nhưng các bước đi tiếp theo của Chính phủ vẫn rất nửa vời.
Cần tới 18 ngày sau ca tử vong đầu tiên để Chính phủ Anh áp đặt lệnh đóng cửa toàn quốc. Trong thời gian đó, số ca tử vong đã vọt lên hơn 1.000 và tình hình kể từ đây cũng không còn trong tầm kiểm soát.
ứng bên cạnh thủ tướng Johnson trong ngày công bố chiến lược ứng phó COVID-19 là Chris Whitty, chuyên gia dịch tễ học đồng thời là Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ. Ông xác nhận báo cáo ban đầu về nguy cơ dịch lan rộng nhưng lại đồng thời tỏ ra hạ thấp đáng kể mối đe dọa.
Thứ ngôn ngữ lạc quan này, đáng ngạc nhiên, tương phản hoàn toàn với những gì đội ngũ khoa học của Chính phủ Anh hình dung trong nội bộ. Theo điều tra của hãng tin Reuters, hầu hết các chuyên gia đang cộng tác với Chính phủ đều tin rằng Anh đang trên bờ vực của một "đại dịch khủng khiếp", chẳng hạn như John Edmunds - giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm - là một trong số ít các cố vấn kêu gọi Chính phủ nâng mức cảnh báo dịch bệnh từ sớm.
Bất chấp những lo ngại trong nội bộ, cho tới tận 12/3, Anh vẫn giữ cảnh báo dịch bệnh ở mức trung bình, nghĩa là nhìn nhận nguy cơ dịch bùng phát rộng chỉ là "có thể xảy ra".
Bất chấp sự phủ nhận nhanh chóng từ Bộ trưởng y tế Hancock, các tài liệu rò rỉ được tờ Người bảo vệ tiết lộ cho thấy rằng, miễn dịch cộng đồng có vẻ là một trong số các kịch bản đã được Chính phủ Anh tính tới.
Chính phủ Anh có lẽ đã “quay 180 độ” sau các chỉ trích. Nhưng cách tiếp cận gây tranh cãi này nhiều khả năng đã góp phần trì hoãn đáng kể những biện pháp đóng cửa, lẽ ra đã có thể được thực hiện từ sớm hơn.
Những bước đi chậm trễ và có phần không nhất quán của Chính phủ Anh luôn được lý giải là dựa trên các số liệu và báo cáo khoa học. Điều đó đã làm dư luận hoài nghi: Liệu những chuyên gia bí ẩn đằng sau các báo cáo này có đáng tin cậy?
Nhóm Cố vấn khoa học cho các tình huống khẩn cấp, hay thường được gọi bằng cái tên viết tắt SAGE, là đội ngũ chuyên gia làm việc cho Chính phủ Anh phục vụ cho những vấn đề quan trọng như COVID-19. Tuy nhiên, cơ chế của nó gần giống như một "hộp đen": danh tính các thành viên không được tiết lộ; các cuộc họp diễn ra sau cánh cửa đóng kín; các báo cáo, khuyến nghị hay biên bản họp cũng được giữ bí mật và chỉ được công bố khá muộn.
Gương mặt duy nhất được công khai và thường xuyên xuất hiện bên cạnh các quan chức Chính phủ là ông Patrick Vallance, Cố vấn khoa học trưởng và cũng là người đứng đầu SAGE. Vị giáo sư cho biết rằng việc giữ bí mật danh tính sẽ giúp đảm bảo an toàn cho các nhà khoa học cũng như tránh việc "vận động hành lang" đối với các chuyên gia tư vấn cho Chính phủ.
Dù trong vòng bí mật nhưng điều tra của Reuters từ những báo cáo nhỏ giọt đã làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về vai trò của SAGE trong chiến lược chống COVID-19.
Từ tháng 3, ngày càng có nhiều thành viên của SAGE đã tự tiết lộ danh tính và quan điểm của mình. Đáng chú ý trong số này có Neil Ferguson, giáo sư dịch tễ học tại trường Imperial College, chính là đồng tác giả của nghiên cứu đã góp phần khiến Thủ tướng Johnson quyết định đưa ra lệnh phong tỏa toàn quốc.
Nhưng nhìn chung, nhiều chuyên gia có chung nhận định, "tấm màn bí mật" phủ quanh SAGE và những báo cáo thất thường, nhiều khi trái ngược nhau, của họ ít nhiều đã làm xói mòn niềm tin của công chúng trong cuộc chiến chống COVID-19 của Anh.
ùng với tiến trình mở cửa, sự tự tin cũng trở lại với Chính phủ Anh. Hôm 15/6, cùng trong ngày các dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock vui mừng thông báo trên mạng xã hội Twitter, số ca tử vong theo ngày ở Anh đã xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng.
Phát ngôn của vị bộ trưởng ngay lập tức hứng chịu một loạt chỉ trích rằng, cách nói “chỉ 36 ca tử vong” là quá vô tư và hạ thấp nỗi đau của nhiều người dân. Điều quan trọng hơn là hầu hết chuyên gia của SAGE đều cho rằng, sẽ rất “ngạc nhiên” nếu Anh có thể tránh khỏi làn sóng dịch thứ hai sau khi mở cửa.
Đại diện Tổ chức y tế thế giới khu vực châu Âu cũng cảnh báo rằng, làn sóng dịch thứ hai có thể sẽ còn nguy hiểm hơn cả làn sóng đầu tiên - một điều đã từng được Cố vấn y học trưởng của Chính phủ Anh Chris Whitty nhắc tới.
Bài toán giữa tái mở cửa và ngăn ngừa dịch lại càng thêm bấp bênh, khi mà các ước tính số người tử vong ở Anh hiện đã vượt quá 50.000 ca - lớn nhất trên toàn châu Âu. Nhưng ít nhất thì SAGE và các quan chức Anh cũng đã thể hiện một tâm lý thận trọng hơn rất nhiều so với chính họ ở thời điểm đầu dịch.