Joen Eu-jin (18 tuổi) choàng tỉnh dậy sau giấc ngủ chập chờn của đêm hôm trước, em lo sợ đến mức run rẩy không thể một mình rời nhà đi thi. Sau 9 tiếng làm bài thi, vẻ căng thẳng vẫn chưa biến mất. Nhìn lại kỳ thi khắc nghiệt này, Jeon thở dài:
Cho Eun-hye (19 tuổi) sinh viên đại học kiến trúc tại Seoul, cũng chia sẻ: Một năm liền trước kỳ thi CSAT, em đã "cắm trại" tại thư viện hoặc các quán cà phê để ôn thi. Một ngày học của Eun-hye bắt đầu từ 6h và thưởng kết thúc vào 1-2h hôm sau.
Đánh giá Năng lực Đại học của Hàn Quốc, còn được gọi là CSAT hay Suneung, là kỳ thi tiêu chuẩn, bao gồm các bài thi Ngôn ngữ, Toán học, tiếng Anh, Lịch sử Hàn Quốc và Khoa học xã hội. CSAT được tổ chức vào tháng 11 hàng năm và kéo dài đến 9 tiếng. Kết quả bài thi là một trong những yếu tố quyết định xem học sinh có đủ điều kiện được nhận vào các đại học hàng đầu Hàn Quốc thuộc nhóm SKY, từ ghép từ tên của Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, hay không.
Trong 6 thập kỷ tồn tại, kỳ thi đại học Suneung đã có đôi lần được cải tiến. Nhưng điều duy nhất không thay đổi là áp lực vô cùng lớn đặt nặng lên mỗi người, sớm đã mang gánh nặng bị từ khi đi học đến khi ra cuộc đời. Kỳ thi còn đè nặng lên toàn bộ xã hội Hàn Quốc. Vào ngày thi, không quá khi nói cả đất nước Hàn Quốc gần như phải "nín thở". Mọi hoạt động đều phải tổ chức lại nhằm phục vụ thí sinh tối đa. Từ tăng cường hoạt động của tàu điện ngầm, xe bus và taxi trong trung tâm thành phố, bố trí phương tiện chờ sẵn gần nhà ga, bến xe bus và các điểm thi để đưa đón thí sinh nếu cần, và giới hạn máy bay cất, hạ cánh trong khung giờ nhất định để các em tập trung hoàn toàn. Chính quyền thành phố Seoul thậm chí còn kêu gọi người dân toàn tâm toàn ý hỗ trợ cho các em khi sắp bước vào kỳ thi đại học "sinh tử". "Mọi người đều rất im lặng. Thậm chí các giám thị được yêu cầu phải mang giày thể thao để tránh tạo ra tiếng ồn, làm xao lãng các thí sinh" - Lee Jin Yeong, 20 tuổi, đã lần thứ hai đi thi đại học, cho hay. Có lẽ vào thời điểm này, điểm duy nhất còn hoạt động nhộn nhịp chính là chùa chiền và đền thờ, nơi các ông bố bà mẹ dành thời gian khấn vái thật thành tâm để mong con đỗ đạt.
Từng ấy sự ưu ái đồng nghĩa với từng ấy sự kỳ vọng từ xã hội. Học sinh Hàn Quốc đã quen với việc chuẩn bị cho thi đại học từ lúc mới 13-14 tuổi. Trước kỳ thi, các sĩ tử Hàn Quốc thường đi học từ 7h30 sáng đến 5h chiều, sau đó ở lại trường để tự học cũng như ăn tối đến khuya mới về nhà. Thậm chí, sau 10h đêm, nhiều em vẫn tiếp tục đến các lớp học thêm, rồi về ký túc xá học tiếp đến rạng sáng mới ngủ. Miệt mài và nỗ lực, rất nhiều người trẻ muốn được chạm tay lên "bầu trời" SKY mà họ coi là cái đích phải đến. Thế nhưng, thực tế cho thấy chỉ 2% trong khoảng 550.000 thí sinh đi thi mỗi năm đủ may mắn để lọt vào những ngôi trường danh giá nhất, theo thống kê trên trang tin BBC. 70% trong số còn lại được coi là còn chút may mắn khi vẫn có thể bước chân vào trường đại học hay cao đẳng. Số khác thì ngậm ngùi chờ cơ hội năm sau. Vòng lặp không dừng tại đó. Các tân sinh viên lại lao vào một cuộc chiến để đạt tới vị trí mình mong muốn, với đối thủ là những bạn đồng môn và kỳ thi là "sàn đấu" duy nhất để phân định ai đi - ai ở.
Điểm số cao không chỉ minh chứng cho năng lực học tập mà còn có ý nghĩa quyết định cả số phận của một học sinh Hàn Quốc, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và hôn nhân. Bởi thế, bất kể là ở lứa tuổi nào, người Hàn vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng đi học và đi thi. Lee Jin-hyeong là một trong số hàng triệu người như thế, vẫn tiếp tục đi học ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học.
35 tuổi, cử nhân đại học chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng lại chưa tìm được công việc chính thức nào, Lee đã thi tới 4 lần nhưng vẫn chưa đạt được kết quả cần thiết để vào vòng sau. Đây là lần thứ 5 anh đèn sách để tham gia kỳ thi công chức với hy vọng trở thành một cảnh sát.
Rất nhiều người Hàn Quốc trong độ tuổi như anh Lee đã lựa chọn gạt các mối quan hệ xã hội, việc hẹn hò, kết hôn và những thú vui sang một bên, dành toàn bộ thời gian để tìm việc và thăng tiến. Lao động trí thức trong các ngành như dịch vụ công, thiết kế, báo chí, và nhất là những vị trí đáng mơ ước tại tập đoàn hàng đầu như Samsung, LG và Hyundai, vẫn phải đều đặn chứng tỏ năng lực bằng cách phải vượt qua các kỳ thi mở rộng, lấy thêm bằng cấp. Nếu không may, khoảng thời gian này có thể mất tới 10 năm.
Kim Minji (29 tuổi) đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để trải qua các kỳ thi mà cô gọi là "quyết định sinh tử".
Số kỳ thi đã lên đến 50, bao gồm thi đại học, thi bằng cấp chứng nhận tay nghề đặc biệt và cả thi tuyển dụng nghề nghiệp.
Những bài kiểm tra liên miên, phức tạp như thế có thể trải dài qua vài ngày đến vài tuần, gây mất ăn mất ngủ.
Ngay cả khi đã được nhận làm, những kỳ thi vẫn chưa chấm dứt. Với những công việc càng đòi hỏi chuyên môn cao bao nhiêu, các ứng viên sẽ phải trải qua nhiều bài kiểm tra bấy nhiêu, từ thi tay nghề, thi bằng cấp, bổ sung chứng chỉ, kiểm tra thăng chức hay lên lương.
Xã hội Hàn Quốc nhìn chung rất tín nhiệm các kỳ thi chuẩn hóa, coi đây là thước đo năng lực và phẩm chất của mỗi cá nhân, theo nhận định của giáo sư Shin Gi-wook, chuyên gia về các vấn đề xã hội Hàn Quốc tại Đại học Stanford (Mỹ).
2/3 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng cấp cao đẳng trở lên, đây là tỷ lệ cao nhất trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tờ SCMP gọi đây là biểu hiện của tình trạng "over-educated" (tạm dịch: "thừa học vấn"), tức là quá nhiều người sở hữu bằng cấp cao nhưng không có việc làm. Nguồn nhân lực này thứa mứa và không phù hợp để sử dụng trong các ngành nghề đòi hỏi công việc lao động chân tay.
Bên cạnh đó, đa phần người trẻ chọn cách trì hoãn việc tham các hoạt động xã hội, duy trì sở thích và cả hẹn hò, kết hôn, cho đến khi họ cảm thấy công sức đầu tư vào học hành của mình "sinh lời": tìm được công việc ưng ý. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh cao như vậy, không phải ai cũng dễ dàng về đích. Hoặc nếu có, thì quá trình chạy đua đến vạch đích mà họ chờ mong có thể tiêu tốn nhiều năm. "Hàn Quốc rất chú ý đến tuổi tác và dễ liên hệ tuổi với độ phù hợp của ứng viên. Nhiều công ty giới hạn độ tuổi của ứng viên vì họ muốn những người tốt nhất và trẻ nhất" - giáo sư Shin nói - "Những ai không kịp chứng minh khả năng của gmình ở độ tuổi vàng 20-30 thì mặc nhiên được coi là đã ‘quá lứa lỡ thì’. Họ sẽ trải qua nhiều vất vả hơn khi kiếm việc khi lớn tuổi hơn."
Nhiều nhà phê bình từ lâu đã đặt câu hỏi liệu văn hóa thi cử của Hàn Quốc có thực sự cần thiết trong một xã hội mà nhiều người gọi là "địa ngục Joseon". Cụm từ này mô tả thiếu sự linh hoạt về xã hội, thiếu cơ hội việc làm và dễ đào thải những cá nhân không đủ xuất sắc. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-29 vào nửa đầu năm 2018 tại Hàn Quốc là 11,9%, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Giáo sư Shin Gi-wook cho rằng các kì thi không đủ để người trẻ có sự chuẩn bị cần thiết cho cuộc sống thực tế, bên ngoài sách vở.
Nhiều người cũng kêu gọi giảm áp lực thi cử của các kỳ thi, bởi đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử ở nước này ở mức cao và tiếp tục tăng hàng năm.
"Học tập là một điều tốt nhưng học hành, thi cử liên như ở Hàn Quốc thật là một vấn đề đau đầu"- John Lie, giáo sư ngành xã hội học tại Đại học California, Berkeley nhận định. "Mọi thứ có thể nói là một căn bệnh 'cuồng' bằng cấp" - giáo sư Lie nói - "Xã hội hiện đại cũng cần thợ cơ khí, thợ sửa ống nước, đầu bếp và ngôi sao nhạc pop? Họ có cần bằng đại học hay các chứng chỉ cao cấp không? Tôi nghĩ là không".
Một xu hướng kỳ lạ khác đang xảy ra trong giới học thuật của Hàn Quốc là có rất nhiều người trẻ tuổi đã được ghi danh đồng tác giả của những công trình nghiên cứu hay một phát minh khoa học. Trong các tác giả, có tên của những học sinh cấp 3, thậm chí cấp 2 - những đứa trẻ đúng nghĩa vì chưa đủ tuổi đời và trình độ để đóng góp vào các công trình nghiên cứu. Dù vẫn có một số trường hợp có đóng góp cho nghiên cứu thông qua các chương trình thực tập, nhưng chủ yếu, các học sinh này vẫn dựa vào các mối quan hệ họ hàng hoặc người quen là học giả, giáo sư, giảng viên hoặc nhà khoa học có uy tín để được ghi tên. Tính đến tháng 10/2019, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã phát hiện ra tổng cộng 794 ấn phẩm khoa học có đồng tác giả là... học sinh trung học, 2/3 trong số đó đã được phê duyệt để xuất bản. Dù thế, tổng số các vụ có đủ bằng chứng để bị coi là gian lận chỉ là khoảng 24. Số vụ "mua bán chất xám" như thế này thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, bởi có khi đó chỉ là số ít những vụ không trót lọt, bị phát hiện trong hơn một thập kỷ qua.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc có những quy chế hết sức nghiêm khắc đối với việc để quyền tác giả không minh bạch, vì đó là dấu hiệu của gian lận trong học vấn. Tuy nhiên, đối với các sĩ tử Hàn, đó là ván bài cần sự chấp nhận đánh đổi để đổi lấy ưu thế trong những kỳ thi hết sức khắc nghiệt. Vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ, cách gian lận này có hiệu quả và ít rủi ro hơn.
Trong kỳ thi đại học Hàn Quốc năm nay, Bộ Giáo dục nước này đã đề ra mục tiêu "công bằng cho tất cả". Những trường hợp bị chú ý đặc biệt bao gồm con cái của những gia đình có điều kiện hoặc gần gũi với giới tinh hoa, thường là các thí sinh dễ được ưu ái tuyển thẳng vào Đại học. Sự kiểm soát gắt gao xảy ra trong bối cảnh xảy ra bê bối liên quan đến việc cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk dùng ảnh hưởng của mình để giúp con gái được nhận học bổng và đặc quyền vào những trường đại học danh tiếng. Nhiều người cho rằng đây là sự lạm quyền trắng trợn và tạo ra cạnh tranh không công bằng cho những thí sinh khác.
Nỗi ám ảnh với việc học một phần là do truyền thống Nho học của Hàn Quốc, nhưng nó cũng có bối cảnh lịch sử và xã hội hiện đại.
Trang Medium nhận định, thời gian làm bài thi Suneung chỉ chiếm 0,005% quãng đời của một người 18 tuổi. Nhưng nó là cơn ác mộng trong những giấc mơ và là mục tiêu duy nhất các em hướng tới trong suốt những năm tháng đi học, nhất là khi quan niệm "tứ đang ngũ lạc" đã ăn sâu vào tư tưởng của người Hàn. Ngủ 4 tiếng/đêm, sĩ tử sẽ có cơ hội vào đại học; nếu ngủ 5 tiếng/đêm, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trở thành sinh viên.
Sự ám ảnh với học vấn giúp Hàn Quốc luôn thuộc nhóm cao nhất trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu. Năm ngoái, Hàn Quốc xếp thứ hai thế giới chỉ sau Singapore trong bảng xếp hạng điểm Toán và Khoa học bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, điều gì cũng có giá của nó. Khảo sát của chính phủ cho thấy trẻ em Hàn Quốc thuộc hàng ít hạnh phúc nhất, chủ yếu do tâm lý căng thẳng vì học tập.
Theo chuyên gia tâm lý học Kim Tae-hyung, trẻ em Hàn Quốc bị ép học quá nhiều và luôn trong tình trạng phải cạnh tranh với bạn học. Khi mà ai cũng coi đỗ đại là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời thì những cách thức "đến đích" bỗng nhiên trở thành con đường hẹp và không thực tế. Các em lớn lên trong cô độc, vùi đầu vào học. Người trẻ Hàn Quốc còn bị ám ảnh bởi cách đánh giá của người khác. Các thí sinh dự thi Suneung 2 lần được gọi là "Jaesoosaeng", những người thi tới 3 lần được gọi là "Samooooengeng". Việc người ta đặt cả những biệt danh cho những người được cho là "thất bại" chỉ vì thi trượt đã tạo ra tâm lý xấu hổ, bẽ bàng và mất tinh thần. Lối sống biệt lập này gây ra chứng trầm cảm và là nguyên nhân chính dẫn đến tự tử. Không khó hiểu khi Hàn Quốc có tỷ lệ thiếu niên từ 11-15 tuổi mắc chứng trầm cảm cao trong nhóm các nước thuộc OECD, còn tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc ở mức 24,7/100.000, quá cao so với mức 10,1 tại Mỹ.
Ông Lee Jae-yeol, tác giả cuốn sách "Nếu được đầu thai, liệu bạn còn muốn sống ở Hàn Quốc" chỉ ra những lý do đằng sau tỷ lệ tự tử cao tại nước này: "Trước đây Hàn Quốc là quốc gia của sự thành công. Chúng tôi nỗ lực hết mình và thành công sẽ đến. Hệ quả của nó là Hàn Quốc biến thành một xã hội cạnh tranh quá mức, chỉ coi trọng thành công và thành tựu kinh tế".
Giáo dục vô hình chung không thực sự tập trung vào những khía cạnh thiết thực của cuộc sống mà chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi. Hậu quả của cách tiếp cận giáo dục này là nhiều người miệt mài học tập, đỗ đại học, tốt nghiệp trường hạng ưu, nhưng không thực sự biết mình muốn làm gì. Vì lẽ đó, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Hàn Quốc vẫn lên đến 10%, khi nhiều người trẻ, bao gồm cả sinh viên đã tốt nghiệp đại học, chỉ tìm được những công việc bán thời gian. Thêm vào đó, họ còn bị đóng đinh với áp lực phải xin được việc tại một tập đoàn hàng đầu đất nước hoặc trở thành viên chức, nếu không sẽ bị coi là "phí hoài tài năng".
Năm 2015, Hàn Quốc đã nổi lên chủ trương sống "Sampo Generation" có nghĩa là không hẹn hò, không kết hôn, không sinh con. Rồi chỉ vài năm sau, họ bước vào "thế hệ Opo", tức là gạt bỏ thêm các mối quan hệ xã hội và dự định mua nhà. Đến gần đây, họ chẳng còn bất cứ hy vọng nào trong cuộc đời này, chỉ đơn giản là từ bỏ mọi thứ và gọi đó là "thế hệ No-po".
Cha mẹ của Yoon Chang-hyun đã nói với anh rằng hãy thật tỉnh táo và thận trọng khi quyết định bỏ công việc nghiên cứu tại Samsung Electronics vào năm 2015, để ra riêng tạo dựng kênh YouTube của riêng mình. Khi ấy, anh đang được trả lương gấp 3 mức lương trung bình của người Hàn Quốc và phúc lợi hàng đầu. Lý do "về hưu non" đơn giản là vì anh không thể chịu đựng lâu hơn với việc gần như kiệt sức do phải thường xuyên tăng ca, cơ hội thăng tiến mờ nhạt cùng với giấc mơ sở hữu một căn hộ vượt ngoài tầm với. Tất nhiên, làm việc liên tục trong nhiều giờ, sẵn sàng có mặt ở công ty vào ngày nghỉ có thể không phải là điều xấu nếu bạn thực sự yêu thích công việc nào đó. Nhưng nhiều người đã nhận ra, họ có xu hướng không chọn công việc vì đam mê. Mức lương, địa vị, tình trạng ổn định mới là yếu tố chủ chốt, xuất phát từ tâm lý muốn làm hài lòng bố mẹ thay vì cá nhân.
Yoon là một trong số rất nhiều người trẻ Hàn Quốc khác đi theo làn sóng từ bỏ công việc ổn định, bất chấp tình trạng thất nghiệp tăng vọt và vẫn có hàng triệu người ngày ngày chiến đấu để được nhận vào các tập đoàn quyền lực. Họ lựa chọn rời thành phố để về quê sinh sống, ra nước ngoài, hoặc chỉ là chẳng mấy mặn mà với thước đó "thành công truyền thống": công việc văn phòng được trả lương, nuôi gia đình và mua căn hộ.
Duncan Harrison, một nhà tuyển dụng, cho biết: ngày càng có nhiều người lao động trẻ không sẵn sàng chấp nhận giờ giấc làm việc quá dài hoặc các cuộc ăn nhậu bắt buộc, một phần văn hóa doanh nghiệp ở các công ty Hàn Quốc.
Theo một cuộc thăm dò của chính phủ Hàn Quốc vào năm 2018 đối với các học sinh, nhà phát triển nội dung YouTube được xếp hạng thứ 5 trong các công việc mơ ước của giới trẻ, sau là ngôi sao thể thao, giáo viên, bác sỹ và đầu bếp. Công việc ưu tú truyền thống như nhân viên văn phòng, công chức chính phủ đã tụt hạng.
Đầu năm 2019, phong trào "nghỉ việc" lọt vào top 10 các vấn đề được bàn luận nhiều nhất trên các trang mạng xã hội lớn tại Hàn Quốc. Một số người thậm chí còn tham gia trường học hướng dẫn lên kế hoạch nghỉ việc. Nhà sáng lập của trường, anh Jang Su-han, cũng là người từng quyết định nghỉ việc ở Samsung Electronics khi mới hơn 30 tuổi. Giờ đây anh cung cấp khoảng 50 khóa học, như đào tạo kỹ năng để trở thành nhà phát triển nội dung của YouTube, quản lý khủng hoảng cá nhân hay cách xây dựng ý tưởng kế hoạch B.
Quan niệm dám chấp nhận thất bại dần thu hút sự chú ý tại Hàn Quốc, đất nước đang bắt đầu nhìn lại những tác động của việc người dân sống dưới gánh nặng "phải thành công", bủa vây mọi mặt của xã hội, kinh tế, học vấn, gia đình cho tới diện mạo bên ngoài, ngay từ khi còn nhỏ
Cô gái 21 tuổi Park Cho-bin quyết định bỏ việc để được nghỉ ngơi một thời gian. Điều này được coi là bất thường ở Hàn Quốc, nơi mọi người gồng mình chứng minh không bỏ cuộc để thành công. Điểm đến tiếp theo của Cho-bin là làng Don’t Worry (tạm dịch: không lo nghĩ), nơi cho phép người trẻ tìm một khoảng nghỉ trên đường đời. Park Cho-bin cho biết nhiều người trẻ Hàn Quốc bị nhồi nhét tư tưởng "chỉ cần thất bại một lần, cả đời sẽ lụn bại". Để thoát khỏi vòng xoáy này, Park đã thức trắng ba đêm để chuẩn bị hồ sơ đăng ký vào Làng Vô Lo Nghĩ. Đây là đứa con tinh thần của anh Hong Dong-woo - người muốn tạo ra một không gian giúp thanh niên Hàn Quốc có thể tìm kiếm "cơ hội được thất bại và thử cố gắng một lần nữa". Sau khi vượt qua quá trình phỏng vấn và nộp một khoản phí nhỏ, các thành viên có thể sống tại đây trong 6 tuần, khám phá sở thích khác của bản thân, kết bạn mới và thư giãn giữa vùng nông thôn trước khi tìm ra hướng đi mình thực sự mong mỏi.
Những lựa chọn "được thất bại" như thế này ngày càng phổ biến. Vượt lên trên tất cả, đã có một bộ phận người trẻ Hàn Quốc dũng cảm quay lưng lại với những kỳ vọng của xã hội, định kiến về thành công để đổi lấy cuộc sống bấp bênh hơn, nhưng bớt áp lực, hoặc ít nhất là dễ thở hơn.
Tháng 9 năm nay, Hàn Quốc mở cửa "Triển lãm Thất bại" tại thủ đô Seoul, với chủ đề #FailBetter (tạm dịch: "thất bại một cách tích cực hơn"), lấy cảm hứng từ Ngày Quốc tế Thất bại được sáng lập tại Phần Lan vào năm 2010 và Bảo tàng Thất bại ở Thụy Điển khánh thành năm 2017. Mục đích là thay đổi thái độ của công chúng đối với thất bại và thành công, bằng việc giới thiệu nhiều dịch vụ hữu ích, hỗ trợ của chính phủ cho những người đang gặp khó khăn, vấp ngã hoặc trắng tay.
Yun Tae-woong, một quan chức Bộ Nội vụ Hàn Quốc trong ban tổ chức triển lãm, thừa nhận tỷ lệ trầm cảm và tự tử cao là một trong những lý do thúc đẩy chính phủ khuyến khích người dân nghĩ khác đi về thất bại.
(Nguồn tổng hợp: Reuters, CNA, Quartz, Medium, Korea Today).