


Một trong những đất nước hiện đại với công nghệ tinh vi nhất hành tinh- đồng thời cũng là quốc gia “già” nhất thế giới, với gần 1/3 dân số đang tiến tới ngưỡng tuổi “cổ lai hy”: Đó là Nhật Bản, và câu chuyện của một nền kinh tế đang dùng công nghệ để cứu vãn lực lượng lao động tương lai- cũng như kì vọng lấp đầy những khoảng trống tình cảm trong xã hội con người.

rica ngồi lặng yên với dáng vẻ bình thản, thỉnh thoảng lại xoay nhẹ đầu như thể đang quan sát mỗi khi có
ai đó bước vào phòng. Từ mái tóc nâu, làn da trắng mịn, đôi mắt sống động, cho tới những đầu ngón tay
mềm mại, nếu không nhìn cho kĩ, thì không ai nghĩ cô gái này không phải con người, mà là một con
humanoid- robot với dáng hình con người.

Robot Erica, sản phẩm của phòng thí nghiệm thuộc giáo sư Hiroshi Ishiguro- trường đại học Osaka,
Nhật Bản
Erica có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng, cảm
nhận được cử động của người khác trong phòng, và trả lời được hàng chục câu hỏi về các chủ đề khác
nhau; thậm chí có thể kể được chuyện cười.




PV: Theo ông, viễn cảnh robot sống với con người có quá xa
vời không?
GS. Ishiguro: Khi ô tô hay điện thoại di động mới ra đời, người ta cũng đặt câu hỏi, làm thế nào để
có thể ứng dụng những phát minh mới đó vào cuộc sống, và làm sao để chúng ta thích nghi được với chúng.
Nhưng bây giờ thì sao? Tôi cho rằng, robot dần dần cũng sẽ được chấp nhận như một phần quan trọng trong
xã hội loài người.
PV: Vẫn sẽ có những e dè về khoảng cách giữa con người và máy
móc? Vì dù sao, robot vẫn chỉ là những cỗ máy.
GS. Ishiguro: Khi bạn gặp một người khuyết tật, bạn có coi họ là 50% con người không? Vậy đối với
robot, tại sao không thể nhìn nhận chúng là con người, chỉ có điều với 100% cơ thể là máy móc. Chúng tôi
tin là trong tương lai, robot cũng có thể được lập trình để đạt được cảm xúc, và hoà nhập với xã hội,
cũng như phục vụ loài người.

Ishiguro cùng phóng viên Như Anh, bên cạnh robot humanoid giống hệt giáo sư.



Tháng 8/2018-Tokyo, Nhật Bản Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vừa công bố sách trắng thường niên- một báo cáo về những thành tựu cũng như khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới phải đối mặt. Trong đó, có nhắc tới cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Nói ngắn gọn, kinh tế Nhật không thể trông chờ vào những chiếc xe lăn hay gậy chống. Một giải pháp được chính phủ đề cập tới, chính là đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và những con robot có thể thay thế sức lao động của con người.


“Robot có thể hỗ trợ con người với tốc độ, sự linh hoạt và sức bền của chúng. Tuy nhiên
chúng không thể thay thế hoàn toàn con người, mà sẽ giúp giải phóng sức lao động và thời gian.”-
ông Atsushi Yasuda, Giám đốc chính sách Robot thuộc bộ Tài chính Nhật Bản, chia sẻ.
Ảnh: Những người cao tuổi trong trại dưỡng lão Shin-tomi tại Tokyo đang múa hát cùng với
robot Pepper- một sản phẩm của tập đoàn công nghệ Softbank (Nguồn: Reuters)
Không phải ngẫu nhiên mà bộ truyện tranh Doraemon trở thành một trong những biểu tượng văn hoá của Nhật Bản, được đón nhận bởi hàng trăm triệu người trên thế giới. Câu chuyện về chú mèo robot màu xanh dương làm bạn với một cậu bé học sinh đã lần đầu tiên hé mở ra một “cánh cửa thần kỳ” để nhìn về một tương lai nơi mà robot trở thành một phần quan trọng của thế giới chúng ta đang sống.

Robot Pepper của tập đoàn Softbank được gia nhập đội ngũ giảng dạy ở trường trung học Shoshi. Pepper sử dụng khả năng cảm xúc để giúp các em học sinh học cách giao tiếp và ngôn ngữ tiếng Anh.
Giáo sư Ishiguro chia sẻ





Tỉnh Akita, Nhật Bản- Đội bóng chày Shimohama hăng say tập luyện trong một buổi sáng giữa tuần. Sân bóng
của họ nằm ngay gần một trường trung học. Thật tình cờ, đội bóng chày Shimohama có 2 điểm “vượt trội” so
với ngôi trường kia. Một là, với 33 “cầu thủ”, Shimohama hơn hẳn về số lượng so với 27 học sinh đang học
ở trường. Hai là, về độ tuổi, thì những “cầu thủ” của Shimohama toàn là những ông lão ở độ tuổi “cổ lai
hy”, 70 đến 80 tuổi.
Một sự so sánh ngẫu nhiên, nhưng cho thấy rõ tình trạng già hoá dân số tại Akita, một tỉnh nằm 450km về
phía Bắc thủ đô Tokyo. Tới 1/3 dân số ở đây đã vượt ngưỡng 65 tuổi. Cửa hàng ở đây treo khẩu hiệu “Hãy tận
hưởng không khí mua sắm buổi tối”- nhưng hầu hết đều đóng cửa từ lúc 7 rưỡi tối. Là tỉnh có tỷ lệ sinh đẻ
thấp nhất Nhật Bản, bắt đầu từ năm ngoái, những người phụ nữ có thai ở địa phương thậm chí phải tìm đến
thành phố lân cận để có thể sinh nở trong bệnh viện. Lý do là vì các trường đại học y không còn chú trọng
phát triển dịch vụ thai sản tại địa phương “già cỗi” này nữa- vì ở đây chẳng còn mấy ai sinh đẻ.
Ông Koji Otomo, chủ tịch đội bóng chày Shimohama chia sẻ: “Chứng kiến dân số của tỉnh sụt giảm nhanh
chóng thật đáng sợ. Tôi không thể nào vẽ ra nổi một tương lai nào cho nơi này.” Ông Otomo năm nay 88
tuổi.
Câu chuyện của tỉnh Akita cũng chính là một vấn đề nhức nhối của Nhật Bản- hiện đang được coi là quốc
gia “già” nhất thế giới. Cũng không hẳn là cứ bước chân ra đường là sẽ gặp người già ở khắp nơi. Nhưng rất
dễ để nhìn thấy những cụ ông cụ bà thong dong chống gậy đi giữa những ga tàu tấp nập, hay trầm ngâm ngồi một
mình trong các công viên rộng lớn, hoặc đơn giản là cô độc trong những ngôi nhà trống trải, vắng bóng con
cháu.
Năm ngoái, một báo cáo của tờ Nikkei chỉ ra rằng, tại thị trường Nhật Bản, loại bỉm dành cho người già
đang bán ra với doanh số vượt cả bỉm cho trẻ em.
Còn theo một báo cáo của World Bank, vào năm 2021, người trên 65 tuổi sẽ chiếm khoảng 1/3 dân số toàn
nước Nhật. Chỉ trong 30 năm nữa thôi, dân số Nhật Bản sẽ giảm tới 1/5. Tại xứ sở mặt trời mọc, sớm thôi,
những người ở độ tuổi “xế chiều” sẽ chiếm phần lớn. Thay vì được con, cháu, những người trẻ tuổi chăm sóc,
những người già ở Nhật có thể sẽ được robot chăm sóc. Robot sẽ bán hàng, tiếp tân khách sạn, hay thậm chí -
là bầu bạn với những người cao tuổi neo đơn.
Nhật Bản, hiện là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực robot công nghiệp,
và đồng thời cũng tiên phong trong việc chế tạo robot dịch vụ.








