VTV.vn - Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore đã mở ra một trang sử mới, bước đầu tiên trên con đường dài đến hòa bình.


Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Trang sử mới bắt đầu từ cái bắt tay 12 giây


Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 1.

9h05 phút sáng 12/6/2018

Khách sạn Capella, đảo Sentosa, Singapore – nơi mọi con mắt trên thế giới đổ dồn về đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đi những bước đi đầu tiên trên con đường tiến tới chấm dứt thời kỳ quan hệ đối địch.

Cái bắt tay 12 giây giữa họ đánh dấu một thời khắc lịch sử, khi lần đầu tiên, lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Triều Tiên gặp nhau.

Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ giữa 2 bên trở nên căng thẳng bởi tiến trình phi hạt nhân và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Năm 1994, Mỹ và Triều Tiên từng đạt được một thỏa thuận. Theo đó, Triều Tiên đóng băng và từ bỏ chương trình hạt nhân, để đổi lại viện trợ năng lượng. Nhưng không lâu sau đó, Mỹ cáo buộc Triều Tiên triển khai chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Thỏa thuận năm 1994 sụp đổ.

Năm 2000 và 2007, Triều Tiên và Hàn Quốc từng tiến hành 2 Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều. Nhưng những cam kết hướng tới hòa giải trên bán đảo Triều Tiên nhanh chóng đổ vỡ trong quá trình thực thi. 

Đường tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất

8/3/2018: Chủ tịch Triều Tiên gửi Tổng thống Mỹ thư mời gặp mặt thông qua trung gian Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ nhận lời
18/4/2018: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi đó là giám đốc Cơ quan tình báo trung ương bí mật sang Bình Nhưỡng thiết lập những tiến trình đầu tiên cho cuộc gặp thượng đỉnh.
10/5/2018: Hai bên nhất trí cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore
12/5/2018: Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân Punghe-ri
17/5-21/5/2018: Những nghi kị và bất đồng giữa 2 bên đe dọa tương lai cuộc gặp thượng đỉnh. Tổng thống Mỹ gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên yêu cầu hủy cuộc gặp.
25/5/2018: Triều Tiên gửi một tuyên bố mang tính hòa giải với Mỹ, khẳng định sẵn sàng ngồi lại với Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân vào bất cứ thời điểm nào, bằng bất cứ phương thức nào.
26/5/2018: Tổng thống Mỹ khẳng định lại cuộc gặp vẫn diễn ra như dự kiến
12/6/2018: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Singapore

Chính vì vậy, trước khi cuộc gặp diễn ra, những thông điệp chính của phía Mỹ rằng: Đây là cuộc gặp lịch sử, là cơ hội để đảo ngược tình thế và Mỹ kiên định mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên.

Gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: "Thưa Ngài Kim, thật vinh dự khi được cùng ngài có mặt tại đây và tôi tin rằng, cùng với nhau, chúng ta sẽ đạt được những thành công to lớn, và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề lớn mà cho đến thời điểm này chúng ta chưa thể giải quyết được. Cùng nhau, chúng ta sẽ dành sự quan tâm cho vấn đề này".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đáp lại: "Sẽ có những thách thức ở phía trước nhưng chúng tôi sẽ cùng hợp tác với Ngài Trump để cùng giải quyết. Chúng ta đã vượt qua tất mọi sự hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh này và tôi tin rằng điều này sẽ góp phần mang lại hòa bình".

Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự tin tưởng: "Chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề. Chúng ta sẽ thành công và tôi mong muốn được hợp tác với ngài".

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 3.

Họ hội đàm trong khoảng 40 phút. Sau đó là cuộc hội đàm chung với các quan chức tháp tùng và một bữa ăn trưa làm việc với thực đơn là sự kết hợp giữa các món ăn phương Đông và phương Tây.

Phiên họp thượng đỉnh kết thúc với lễ ký một tuyên bố chung 4 điểm, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định cam kết của mình đối với "tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn" của bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, ngừng tập trận chung với Seoul trong giai đoạn đối thoại thiện chí giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: "Chúng tôi rất tự hào về những gì diễn ra hôm nay. Mối quan hệ của chúng tôi với Triều Tiên và cả bán đảo Triều Tiên sẽ khác rất nhiều so với trước. Và tôi thực sự muốn nói rằng, những gì chúng tôi đã đạt được lớn hơn nhiều so với kỳ vọng của bất cứ ai".

Hai nhà lãnh đạo đã cam kết vượt qua những căng thẳng và thù địch trong nhiều thập kỷ qua giữa hai nước để mở ra một tương lai mới, xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 4.

Tổng thống Donald Trump đã giơ cao bản tuyên bố chung

Tổng thống Trump đã giơ cao bản tuyên bố chung, đánh dấu thời khắc lịch sử - một chiến thắng ngoại giao quan trọng của cả ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong buổi họp báo sau cuộc hội đàm, tổng thống Trump đã khẳng định một lần nữa tầm quan trọng thỏa thuận lịch sử mà ông đã ký với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông đã cảm ơn các nước làm nên thành công của cuộc gặp thượng đỉnh này, trong đó có những cường quốc khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông khẳng định rằng, văn kiện này sẽ mở ra tương lai tươi sáng của khu vực nhưng không phải hòa bình thực sự giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ đến trong ngày một ngày hai.

Ông Trump thừa nhận những điểm còn chưa được đề cập chi tiết trong tuyên bố chung. Đó là đi đến giải giáp hoàn toàn chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ mất nhiều thời gian. Ông khẳng định, Mỹ sẽ duy trì cấm vận Triều Tiên cho tới khi chương trình hạt nhân được giải giáp hoàn toàn và Mỹ kiểm chứng được hành động của Triều Tiên.

Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng rằng hai bên sẽ bắt đầu quá trình giải giáp hạt nhân của Triều Tiên sớm, ngay khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở về Bình Nhưỡng là sẽ bắt đầu thực thi cam kết. Tổng thống Trump còn đưa ra tuyên bố không rút quân khỏi Hàn Quốc nhưng sẽ ngừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc - một vấn đề mà sau đó gây ra rất nhiều phản ứng khác nhau trong nội bộ Mỹ.

Một sự thay đổi lớn lao là những cảm nhận đầu tiên sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã làm nên lịch sử khi tổ chức cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên. Tuy nhiên, để thuyết phục cả thế giới về cam kết hòa bình mà họ đưa ra, cần nhiều thêm những hành động.

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 5.

Thế giới lạc quan và tràn đầy hy vọng dù phía trước còn nhiều khó khăn


Những cử chỉ thân thiện, những câu bông đùa và những lời nhận xét tốt về nhau giữa hai lãnh đạo của hai quốc gia, mới ít tháng thôi vẫn trong trạng thái thù địch, đã được phát đi khắp thế giới… như những bằng chứng mạnh mẽ về mong muốn bỏ lại sau lưng quá khứ thăng trầm của hai nước. Báo chí khu vực và quốc tế tràn ngập bài viết về sự kiện ngoại giao chưa có tiền lệ này. Một kết quả làm hài lòng cả hai bên, chính quyền của Tổng thống Trump lẫn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng đây mới chỉ là một bước đi đầu tiên trên con đường thiết lập nền hòa bình và một thời kỳ mới giữa họ.

Lạc quan và hy vọng là những gì mà giới nghiên cứu và những người theo dõi tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thể hiện sau khi chứng kiến cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 vừa qua tại Singapore.

Cả thế giới hướng về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Singapore

StraitsTimes, tờ báo lớn nhất của Singapore đã đăng nhiều tin bài đánh giá cao kết quả của Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên. Dưới tiêu đề "Bước đầu tiên trên con đường dài đến hòa bình". Tờ báo này trích lời các chuyên gia cho rằng mặc dù thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo còn thiếu các chi tiết cụ thể, nhưng những gì đã diễn ra cho thấy sẽ có một sự thay đổi lớn lao cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tờ Yonhap cho biết, khắp nơi tại Hàn Quốc tràn ngập thông tin về cuộc đối thoại giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump suốt thời gian trước, trong và sau khi hội nghị diễn ra. Người dân hy vọng hòa bình sẽ sớm lặp lại trên Bán đảo Triều Tiên. Tờ báo Munhwa Ilbo thậm chí còn phóng to hình ảnh ông Kim Jong-un mỉm cười bắt tay ông Trump lên trang bìa, in đậm tiêu đề: "Cái bắt tay lịch sử: từ thù địch tới hòa bình. Trang sử mới đã bắt đầu".

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 7.

Khắp nơi tại Hàn Quốc tràn ngập thông tin về cuộc đối thoại giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump

Trong khi đó, sự lạc quan thận trọng cũng là một khía cạnh được nhắc đến khi mà một số chuyên gia nhận định hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đã gặp nhau trong bối cảnh vẫn còn nhiều "khoảng cách".

Các tờ báo lớn trong khu vực trích lại lời Wendy Sherman, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ có kinh nghiệm dày dặn trong cuộc đàm phán với Triều Tiên trên tờ Whashington Post cho rằng, cả hai bên đều theo đuổi những lợi ích riêng, ông Kim Jong-un muốn đảm bảo nằm quyền lâu dài song cũng muốn phục hưng nền kinh tế và mở cửa với phần còn lại của thế giới mà không đặt Triều Tiên vào quá nhiều rủi ro còn Tổng thống Donald Trump thì muốn tạo ra thành công lớn trong chính sách đối ngoại mà ông có thể tận dụng để mang lại lợi thế trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.

Tờ Nikkei Asia Review, một tờ báo lớn của Nhật Bản cho rằng, việc thiếu các chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khiến cho nhiều người nghĩ rằng việc đạt được thỏa thuận trên sẽ chỉ là động tác của phía Triều Tiên để nhằm kéo dài thời gian. Các tờ báo lớn khác của Nhật Bản cũng có chung nhận định như vậy.

Rõ ràng, dù còn nhiều thận trọng song dư luận thế giới đã ca ngợi về kết quả cuộc gặp này. Người ta có quyền hy vọng vào sự thay đổi lớn lao khi mà ít nhất cả hai nhà lãnh đạo cũng đã thể hiện được mong muốn bắt đầu một tiến trình mới mẻ vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Vinh Quang – Chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế

Đánh giá về sự kiện này, ông Nguyễn Vinh Quang – Chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế nhận định dù phía trước cả hai quốc gia còn phải đối mặt với nhiều chông gai nhưng rõ ràng, không khí trong quan hệ giữa hai bên đã thay đổi.

"Gần 70 năm căng thẳng, đối đầu giữa hai quốc gia, nhất là trong 30 năm gần đây khi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên như một ngòi nổ có thể dẫn đến chiến tranh bất kỳ lúc nào, trong bối cảnh đó hai nguyên thủ lại có thể gặp nhau thì đó là sự kiện lịch sử trong quan hệ quốc tế. Cách đây vài tháng, chúng ta cũng không thể ngờ có thể diễn ra sự kiện này" - ông Nguyễn Vinh Quang nói.

Giữa những lời tán dương về thành công của hội nghị thượng đỉnh, giới chính khách Mỹ đang bày tỏ những ý kiến băn khoăn về việc Mỹ và Triều Tiên sẽ thực thi các cam kết trong văn kiện ngày 12/6 như thế nào. Mỹ cũng sẽ phải kiểm chứng các bước đi nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như thế nào.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018, Triều Tiên đã dừng thử vũ khí nhưng hai nước không đạt được tiến bộ đáng kể trong đàm phán phi hạt nhân hóa do bất đồng trong cách hiểu về khái niệm này. Đó cũng chính là lý do Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 27 - 28/2.


Vai trò của chủ nhà Singapore và bài học cho Việt Nam


Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 9.

Sự thành công của Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên không thể không nói tới vai trò của nước chủ nhà Singapore. Quốc đảo sư tử đã trở thành tâm điểm của sự chú ý của cả thế giới khi đứng ra là nơi để 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên gặp nhau.

Singapore được lựa chọn là địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng này bởi nước này không chỉ duy trì quan hệ ngoại giao trung lập với cả Mỹ và Triều Tiên, có kinh nghiệm tổ chức các hội nghị thượng đỉnh cấp cao tầm quốc tế, mà còn có hệ thống đảm bảo an ninh nổi tiếng nghiêm ngặt.

HuffingtonPost tiết lộ Singapore đã phải chi khoảng 15 triệu USD cho sự kiện mang tính lịch sử này. Nửa số tiền được chi để bảo vệ an ninh cho Hội nghị và cho 2 nhà lãnh đạo cũng như việc hỗ trợ khoảng 2.500 nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trích lời Thủ tướng chủ nhà Lý Hiển Long, trang này viết: "Đó là số tiền khá lớn, nhưng nó thể hiện sự chung tay với thế giới của Singapore vì một mối quan tâm chung".

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 10.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đón tiếp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa. Trước đó, Singapore tuyên bố đảo du lịch Sentosa sẽ nằm trong danh sách khu vực sự kiện đặc biệt, vốn được lập ra để phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đây cũng là khu vực chịu sự kiểm tra gắt gao và cấm toàn bộ loa phóng thanh cũng như thiết bị bay điều khiển từ xa. Khu vực xung quanh khách sạn được thắt chặt an ninh ở mức tối cao, bao gồm việc tăng cường lực lượng để kiểm soát con người lẫn xe cộ.

Ông Graham Ong-Webb, Nhà nghiên cứu Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore nhận định: "Cơ sở hạ tầng an ninh của Singapore vốn lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng, chính vì thế tất cả những gì chúng tôi cần làm là kích hoạt những nguồn tài nguyên đó mà thôi".

Singapore huy động lực lượng an ninh tốt nhất cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Hoạt động trên không phận Singapore cũng được giới hạn từ ngày 10-14/6. Trong thời gian này, tình trạng trễ chuyến là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, dù chuẩn bị là yếu tố then chốt của thành công, thì đó mới chỉ là khởi đầu của 1 quá trình.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, Singapore cũng huy động lực lượng đặc nhiệm Gurkha tinh nhuệ, vốn bảo vệ những sự kiện lớn. Lực lượng này được trang bị giáp chống đạn toàn thân, súng trường và dao để sẵn sàng cho mọi tình huống.

Trước khi cuộc gặp lịch sử diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về công tác chuẩn bị chu đáo: "Chúng tôi đánh giá cao sự hiếu khách, tính chuyên nghiệp và tình hữu nghị của các bạn. Cảm ơn các bạn rất nhiều".

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 12.

Washington Post bình luận về công tác tổ chức của Singapore: "Không biết sau này người ta có còn nhớ tới Singapore như là nơi khởi đầu cho sự thành công trong việc tìm lối thoát đối với vấn đề Triều Tiên hay không. Nhưng nhiều người ví thượng đỉnh lần này, giống như chuyến công du tới Trung Quốc năm 1972 của TT Mỹ Richard Nixon. Sau cuộc gặp với chủ tịch Mao Trạch Đông, mối quan hệ hai nước đã bước sang thời kỳ mới sau nhiều thập kỷ đóng băng".

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất cũng đã mang đến những thay đổi đáng kể về nhiều mặt tại Singapore.

Những doanh nghiệp tại nước chủ nhà Singapore cũng đã rất nhạy bén, tận dụng Hội nghị Thượng đỉnh - thời cơ quảng bá có một không hai để gặt hái lợi nhuận.

Công ty khởi nghiệp Vybes đã mời những người đóng giả 2 nhà lãnh đạo quảng bá cho ứng dụng di động của mình trong khi nhiều nhà hàng bổ sung vào thực đơn những đồ ăn thức uống ăn theo chủ đề hội nghị, từ cơm dừa truyền thống, cocktail cho tới bánh taco, bánh burger Trump - Kim.

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 13.

Hình ảnh khách sạn Capella trong Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khắp thế giới

Các khách sạn cũng ăn nên làm ra nhờ dòng khách tham quan tăng cao đột biến trong thời gian diễn ra hội nghị. Hình ảnh khách sạn Capella và nhiều địa điểm khác xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng khắp thế giới, càng góp phần quảng bá cho thương hiệu du lịch của Singapore.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất được Tổng cục Du lịch Singapore nhận định là một trong những yếu tố thu hút mạnh khách du lịch quốc tế đến với Đảo quốc Sư tử. Lượng khách du lịch quốc tế đến nước này trong năm 2018 đạt 18,5 triệu lượt người, mức tăng kỷ lục trong 3 năm trở lại đây.

Quan trọng hơn, với việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh, Singapore cũng xây dựng thành công hình ảnh về một đất nước thanh bình, thân thiện, một môi trường không thể thiếu cho giới kinh doanh. Các chuyên gia dự đoán, sẽ có thêm nhiều hội nghị quốc tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư lựa chọn điểm đến hấp dẫn này trong tương lai, đem lại những lợi ích lớn cho kinh tế Singapore.

Thành công của Singapore về công tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh cũng như tác động tích cực về kinh tế nước chủ nhà chắc chắn sẽ là bài học lớn đối với thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung để tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 dự kiến diễn ra vào ngày 27 - 28/2 tới.

Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất: Cuộc gặp lịch sử khởi đầu ước vọng hòa bình - Ảnh 14.


Tạ Hiển
Minh Thu
TTXVN, StraitTimes, AP...                                            
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước