Phong tục đặc sắc Tết dương lịch

Tết dương lịch (1/1) là ngày lễ lớn ở nhiều nước trên thế giới. Mỗi quốc gia có những phong tục đón năm mới độc đáo và thú vị để cầu chúc may mắn, hạnh phúc và tiền tài trong cả năm sắp tới.

Thực hiện: Hoài Linh
Thiết kế: Duy Nguyễn

NHẬT BẢN

Không giống như các nước châu Á khác, Nhật Bản chào đón năm mới vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Theo Japantimes, trước thời kỳ Minh Trị, nước Nhật cũng đón Tết âm lịch như một số nước châu Á hiện nay. Tuy nhiên, vào năm 1873, 5 năm sau khi bắt đầu phong trào Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã thông qua lịch Gregorian (lịch dương) và ngày 1/1 theo lịch này chính thức trở thành ngày bắt đầu năm mới ở Nhật Bản.
Dù đã ăn Tết dương lịch từ lâu nhưng người Nhật vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống. Tết ở Nhật thể hiện rõ nét những tinh hoa văn hóa của quốc gia và cho đến bây giờ vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đặc sắc từ thời xa xưa.

Đêm giao thừaOmisoka

Omisoka là từ người Nhật dùng để chỉ ngày 31/12. Tháng 12 lúc nào cũng rất tất bật với các công đoạn chuẩn bị đón năm mới. Người người nhà nhàsắm sửa đồ Tết. Cả gia đình cùng nhau tổng vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị Osechi (bữa ăn mừng năm mới) và trang hoàng cho ngôi nhà.

Một số đồtrang trínổi bật

Kadomatsu: Một vật trang trí được làm từ cây thông, tre và hoa mơ, trưng bày ở trước nhà và văn phòng của người Nhật trong những ngày cuối cùng của năm cũ và vài ngày đầu tiên của năm mới. Người Nhật tin rằng Kadomatsu là dấu hiệu để Toshigami (vị thần) nhận biết và ghé thăm nhà, đảm bảo một vụ mùa bội thu và đem lại may mắn, phước lành từ tổ tiên của gia đình đối với mọi thành viên. Cây thông, tre và hoa mơ tượng trưng cho sự trường thọ, thịnh vượng và vững chắc.
Shimekazari: Là một vòng hoa được treo trên cửa để chào đón các vị thần may mắn và xua đuổi tà ma. Vòng hoa gồm một sợi dây rơm thiêng, cây thông và một quả cam đắng.
Kagami-mochi: Thường được dịch là bánh gạo gương. Ở Nhật Bản, gương từ lâu có hình dạng tròn và thường được sử dụng cho các nghi lễ thần đạo quan trọng. Vì gương được cho là nơi cư trú của các vị thần, những chiếc bánh mochi (bánh gạo) này có hình dạng như một chiếc gương tròn cổ xưa để chào mừng năm mới cùng với các vị thần. Kagami-mochi gồm hai chiếc bánh mochi đặt chồng lên nhau và một quả quýt Nhật, tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Hợp lại, chúng là biểu tượng của sự may mắn.

Toshikoshi soba Joya no Kane

Ăn mì trường thọ (Toshikoshi Soba) là một đặc trưng vào đêm giao thừa. Có thể dùng mì trường thọ trong bữa tối, hoặc dùng kèm sau bữa tối với sushi, cua hay lẩu. Một điểm thú vị nữa là khi làm mì soba, bột được cắt ở dạng dài và mỏng, được cho là đại diện cho một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh. Soba được cắt dễ dàng so với các loại mì khác, nó cũng tượng trưng cho một mong muốn cắt bỏ tất cả những bất hạnh của năm cũ để bắt đầu năm mới được làm mới.
Người Nhật thưởng thức bát mì trường thọ trong tiếng chuông giao thừa, gọi là Joya no Kane. Các ngôi chùa ở mỗi địa phương sẽ gióng lên 108 tiếng chuông thánh thót kéo dài trong một tiếng, bắt đầu từ 23 giờ ngày 31. Các đài truyền hình đều phát sóng sự kiện này nên nếu gần nhà không có ngôi chùa nào thì vẫn có thể lắng nghe thời khắc này. Vậy tại sao lại là 108 lần? Trong Phật giáo, 108 là số lượng những ham muốn trần thế khiến con người phải chịu nhiều đau khổ và Joya no Kane có nhiệm vụ thanh lọc tâm trí và linh hồn của con người trong năm tới.
Sau đó, người Nhật sẽ có chuyến viếng thăm Thần điện (Hatsumoude) đầu tiên trong một năm để cầu mong sự bình an và hạnh phúc cho năm đó. Có nhiều người khởi hành từ tối ngày 31 ngay thời khắc giao thừa, nhưng cũng có người khoảng trưa chiều ngày 1 mới thư thả đi cầu phúc.

Oshougatsu

Vào sáng mùng 1 Tết các gia đình làm lễ Oshogatsu (Tết cổ truyền của Nhật Bản) để đón mừng năm mới. Trang phục truyền thống Kimono sẽ được mặc vào dịp này. Đầu tiên là rượu Otoso để trừ tà khí năm mới và để kéo dài tuổi thọ. Tất cả các thành viên trong gia đình từng người bắt đầu từ người nhỏ tuổi nhất quay mặt về hướng đông và uống rượu sake và mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Sau khi cúng thần năm mới, mọi người sẽ cùng ăn Osechi (bữa ăn đầu năm mới) và mừng tuổi người thân trong gia đình và bạn bè.
Người Nhật có một truyền thống khá độc đáo đó là gửi thiệp chúc tết. Nengajo là một loại bưu thiếp đặc biệt thường được giao vào ngày 1 tháng 1. Ngoài những lời chúc của bạn bè, tất cả các bưu thiếp của Nengajo đều có số xổ số trên đó để thử vận may đầu năm. Để bắt kịp với thời đại kỹ thuật số, Nengajo có thể gửi và nhận nhanh chóng qua email hay trên các nền tảng số, và thậm chí có thể đính kèm cả video.

Anh Bước chân đầu tiên

Gần giống như tục xông nhà của người Việt Nam, tục lệ “Bước chân đầu tiên” (The First Footing) của người Anh có nguồn gốc từ xứ Scotland ở thời Trung Cổ. Người đầu tiên đến xông nhà sẽ xuất hiện trước cửa và bước vào nhà vào đúng nửa đêm mang theo một cục than, một ổ bánh mì và một chai rượu mạnh. Sau khi bước vào nhà, người đó tiến thẳng đến lò sưởi bỏ cục than vào, đặt ổ bánh mì lên bàn và rót rượu rồi đổ lên đầu chủ nhà. Làm xong những việc đó thì người xông nhà mới được phép chúc mừng năm mới các thành viên trong gia đình. Sau khi chúc xong, người đó sẽ ra về bằng cửa sau và không được gây ra tiếng động lớn.
Theo tục lệ này, người Anh không bao giờ chọn người tóc đỏ hoặc tóc vàng tới xông nhà cho mình, vì họ quan niệm những người có màu tóc như vậy nếu đến chúc Tết vào ngày đầu tiên của năm mới thì cả năm đó sẽ gặp những điều không may mắn.
Người Anh cũng mừng tuổi. Nhưng thay vì tiền đựng trong phong bao lì xì, thì họ lại chọn nhánh tầm để mừng tuổi. Người dân Anh quan niệm rằng những nhánh tầm gửi mang lại sự thịnh vượng và những điều may mắn. Vì vậy bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy trên tay một người nào đó có rất nhiều những cành tầm gửi nhỏ trong ngày Tết ở Anh nhé.

ITALIA

Ở Ý, trong đêm giao thừa, không một ai ra đường vì có lệ, hễ chuông đồng hồ đánh xong 12 tiếng, mọi người sẽ vứt hết ra đường phố mọi đồ cũ, bàn ghế hỏng, thậm chí cả giường hỏng. Theo tập tục cũ: nếu nửa đêm giao thừa vứt hết đồ cũ, thì trong năm mới, người ta sẽ tậu được những đồ vật đó còn mới tinh. Trẻ con trước khi đi ngủ để đôi tất ở lò sưởi. Đêm đến, nàng tiên Bêphane bay qua ống khói, mang tặng phẩm tới. Khi bọn trẻ thức dậy, chúng tìm thấy quà tiên cho trong bít tất. Những bé không ngoan trong năm cũ, mỗi lần, nàng tiên không cho kẹo, mà cho một hòn than củi nhỏ xíu. Như vậy là có túi chứa nhiều, túi chứa ít cục than hơn, không có túi quà nào có kẹo mà không có than.
Đặc biệt tại Rome, người dân đón năm mới bằng cách nhảy từ độ cao 18 mét trên cây cầu Cavour xuống sông Tiber bất chấp giá lạnh. Đây là truyền thống lâu đời hơn 70 năm qua của người dân Italia. Thứ làm nóng duy nhất đối với những người nhảy cầu chính là sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả.

Đan Mạch

Người Đan Mạch cũng có phong tục riêng hòng mong ước những điều may mắn sẽ đến với mình đó chính là tục “ném bát đĩa”. Nghe có vẻ vô lý những đây là cách để họ cầu may mắn. Vào ngày đầu năm mới, hàng xóm hoặc bạn bè sẽ mang bát, đĩa,… mà họ đã tích lũy trong vòng một năm, phần lớn là bát đĩa cũ đã bị mẻ hoặc không sử dụng được, đến ném trước cửa nhà nhau. Nhà nào càng có nhiều mảnh vỡ hơn chứng tỏ họ có những mối quan hệ khá thân thiết với mọi người, đó là một điều may mắn suốt cả năm.
Nhiều người còn cho rằng việc mang bát, đĩa hỏng ném đi có nghĩa là vứt đi những điều không tốt, những điều xui xẻo của một năm qua và sẵn sàng chào đón một năm mới tuyệt vời, vạn sự bình an.
Ngoài ra, người Đan Mạch còn có tục đứng từ trên ghế và nhảy xuống khi đồng hồ điểm 12 tiếng trong đêm giao thừa. Họ cho rằng, điều này tượng trưng cho bước nhảy vọt trong năm mới.

Tây Ban Nha

Giống với hầu hết các nước trên thế giới, đêm giao thừa ở Tây Ban Nha cũng bắt đầu bằng bữa tiệc đếm ngược bên ly rượu vang, màn pháo hoa sôi động và bữa tiệc ấm cúng bên gia đình. Mọi người sẽ tập trung trước ti vi hay quảng trường. Vào thời khắc chuông đồng hồ tại các quảng trường lớn ở mỗi thành phố vang lên, mọi người sẽ nhanh chóng ăn hết 12 quả nho trong 12 hồi chuông, mỗi khắc 1 sẽ tương đương với 1 tháng trong năm để cầu mong một năm mới may mắn và thành công.
Theo truyền thống, mọi người cũng sẽ uống rượu Cava, một loại rượu sủi bọt được làm theo phương pháp cổ truyền của Tây Ban Nha, phần lớn được sản xuất ở vùng Penedes ở miền Đông Bắc trong đêm giao thừa. Những ly rượu vang này sẽ được thả một đồ vật bằng vàng vào bên trong như nhẫn hay đồng xu để cụng ly, hay ít nhất cũng có một quả dâu đỏ để cầu mong sự thịnh vượng trong năm mới. Nhưng nhớ là đừng uống cả vật bên trong ly rượu, nếu không điều này sẽ mang lại vận rủi, chứ không còn là cầu may, cầu thịnh vượng nữa.
Không chỉ nhai ngấu nghiến nho vào giữa đêm, người Tây Ban Nha còn mặc cả nội y màu đỏ như quần lót, áo ngực hay thậm chí cả bít tất đỏ. Đây cũng là một cách để mang lại vận may cho năm mới. Điều thú vị nhất là những món đồ màu đỏ này phải được nhận từ người khác.

Pháp

“Người Pháp dùng rượu để chào đón năm mới”. Sở dĩ có câu nói này là vì người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc. Họ quan niệm rằng, vào ngày tết phải uống cạn tất cả rượu mà họ có, làm như vậy thì trong năm mới sẽ được vạn sự như ý. Nếu như uống rượu vẫn còn, trong năm mới sẽ gặp nhiều điềm xui rủi.
Một điểm thú vị nữa trong ngày đầu năm mới tại Pháp đó là người dân nước này thường cùng nhau ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Nếu gió Nam thổi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, đây sẽ là một năm bình an và thời tiết có thể sẽ nóng bức. Nếu gió Tây thổi, sẽ là một năm may mắn đối với nghề đánh cá và những người nuôi bò sữa. Nếu gió Đông thổi, cây trái sẽ bội thu, nhà nhà no ấm. Nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt, đây sẽ là một năm mùa màng thất bát.

Châu Phi

Kenya và Zimbabwe là hai quốc gia có lễ hội năm mới lớn nhất lục địa. Sự kiện âm nhạc Kilifi ở Kenya diễn ra tại thị trấn ven biển cùng tên, nằm giữa Mombasa và Malindi. Kéo dài từ 30/12 tới 2/1, hoạt động này diễn ra trên mảnh đất rộng khoảng 80.000 m2, dưới tán cây bao báp cổ thụ. Lễ hội quy tụ nhiều DJ, ca sĩ, với các gian hàng đồ ăn, nước uống đa dạng. Một tác phẩm điêu khắc sẽ được đốt để tượng trưng cho khởi đầu mới, với hy vọng về tương lai tươi sáng.
Cape Town, là một nơi tuyệt vời để ăn mừng trong đêm giao thừa, với vô số bữa tiệc được tổ chức khắp thành phố. Tuy nhiên, nếu muốn hòa vào không khí sôi động hơn, hãy tìm tới Victoria & Alfred Waterfront. Hàng năm, khu tổ hợp V&A Waterfront này là nơi tổ chức lễ đón giao thừa lớn nhất ở Nam Phi, với một cuộc diễu hành và màn bắn pháo hoa hoành tráng. Du khách có thể tản bộ qua các quán bar, nghe nhạc sống và xem các buổi biểu diễn đường phố.
Nếu không hứng thú với tiệc tùng, du khách có thể đắm chìm vào những sự kiện ở các mảnh đất có quang cảnh ngoạn mục của châu Phi. Ở cực Nam châu lục, những người thích phiêu lưu mạo hiểm có thể leo lên đỉnh núi Lion Head ở Nam Phi để thưởng thức màn pháo hoa tại V&A Waterfront từ trên cao. Khung cảnh ánh sáng ở Cape Town dần bị hút vào màn đêm đen tối của vịnh Table sẽ là một khởi đầu năm mới khó quên.

AUSTRALIA

Australia là một trong những nơi đón giao thừa sớm nhất thế giới. Đêm giao thừa ở các nước khác đồng nghĩa với mùa đông, lò sưởi, ngỗng quay, áo len ấm áp và rượu champagne. Còn đêm giao thừa tại Australia là thời tiết gần 40 độ C. Vì thế, mọi người thường đi dã ngoại, cắm trại trên biển, ăn mừng ngoài trời trong trang phục mùa hè. Trong đêm giao thừa, mọi người vui vẻ náo nức và làm huyên náo đường phố bằng đủ loại âm thanh. Các hoạt động dã ngoại, đua thuyền, đua ngựa hay đi săn rất được ưa thích trong dịp năm mới.
Tất nhiên không thể thiếu được pháo hoa trong đêm giao thừa. Thời khắc đồng hồ điểm 0h cũng chính là lúc bắt đầu dạ tiệc ánh sáng. Cầu cảng Sydney trở thành trung tâm đón giao thừa của thế giới với những màn pháo hoa rực rỡ được truyền đi cho hàng tỷ người xem trên khắp thế giới.
Cầu Cảng Sydney bừng sáng trong màn pháo hoa rực rỡ được truyền đi cho hàng tỉ người xem trên khắp thế giới. Những màn trình diễn pháo hoa tại đây luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng với hàng tấn pháo hoa được sử dụng.