Những ngày cuối tháng 7, vị "tư lệnh ngành" của truyền hình thể thao VTV – Nhà báo Phan Ngọc Tiến, đang bận bịu với một loạt dự án từ nay cho tới cuối năm trên sóng truyền hình Việt Nam như Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup, Giải Xe đạp quốc tế VTV Cup, SEA Games 30… Là một người trưởng thành và gắn bó trong môi trường VTV hơn 2 thập kỷ qua, tham gia tác nghiệp ở nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực, châu lục và thế giới, lại kinh qua nhiều vị trí từ biên tập, bình luận viên cho tới lãnh đạo, có thể nói, một đề tài phỏng vấn khiến anh hào hứng ở thời điểm hiện tại, là điều hiếm.
Song, khi biết nội dung buổi trao đổi xoay quanh giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup - vốn đã và đang là thương hiệu của Đài THVN, anh không mất nhiều thời gian để gật đầu đồng ý trả lời - một cách đầy chờ đợi.
15 năm VTV Cup được tổ chức (và sắp bước sang năm thứ 16) cũng là từng ấy năm Nhà báo Phan Ngọc Tiến song hành cùng với giải đấu. Không ngoa khi cho rằng VTV Cup chính là một phần đầy tự hào trong sự nghiệp truyền hình của bản thân anh. Và cũng có lẽ chưa khi nào, anh có dịp để chia sẻ về giải đấu này với những cột mốc đáng nhớ, những cảm xúc, những kỷ niệm trong suốt ngần ấy năm giải đấu được hình thành và phát triển.
Lắng nghe chia sẻ của Nhà báo Phan Ngọc Tiến, người thực hiện bài viết này như được du hành trên "cỗ máy thời gian" trở về những ngày đầu tiên khi VTV Cup được ra đời…
Ý tưởng về một giải bóng chuyền mang thương hiệu VTV bắt đầu nhen nhóm lên từ một dịp tình cờ Nhà báo Phan Ngọc Tiến gặp mặt một quan chức của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Là người quan tâm tới bóng chuyền, lại được trực tiếp tham gia tác nghiệp báo chí ở SEA Games 1997, 1999, 2003, Nhà báo Phan Ngọc Tiến mang băn khoăn hỏi vị lãnh đạo Liên đoàn: Vì sao về mặt thể hình các tuyển thủ nữ của chúng ta không thua kém Thái Lan nhiều nhưng khi đụng độ thì luôn thua sát ván? Anh nhận được câu trả lời: Một năm ĐT bóng chuyền Thái Lan được cọ xát từ 10-16 trận thi đấu quốc tế, trong khi đó, ĐT bóng chuyền Việt Nam không có cơ hội đó. Mỗi lần tập trung đội tuyển mới tập huấn được một vài tuần.
"Từ đó, ý tưởng về việc tổ chức một giải bóng chuyền mang thương hiệu của Đài THVN nơi tôi công tác, nảy ra trong đầu. Tôi thắc mắc với vị lãnh đạo liên đoàn bóng chuyền về việc họ có cam kết mời được các đội nước ngoài hay không? Ít nhất thì điều đó cũng giúp cho ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam có một chuyến tập huấn tại chỗ. Ý tưởng này nhanh chóng được vị lãnh đạo kia hưởng ứng để rồi năm 2002, tôi nhận nhiệm vụ chắp nối, mạnh dạn đề xuất ý kiến lên Lãnh đạo Đài THVN và tới năm 2004 giải đấu chính thức được ra đời" – Nhà báo Phan Ngọc Tiến chia sẻ.
Lần đầu tiên tổ chức, VTV Cup về Nam Định. Đây cũng là dịp chưa từng có để khán giả có thể theo dõi các cô gái bóng chuyền Việt Nam thi đấu ngay tại sân nhà. Chính vì lẽ đó, nhà thi đấu tỉnh Nam Định đã không còn một chỗ trống trong suốt quá trình giải đấu diễn ra.
Nhà báo Phan Ngọc Tiến nói: "Dưới góc độ đơn vị tổ chức, những người thực hiện giải đấu cũng rất lo lắng bởi đây là nhiệm vụ mà trước đó chúng tôi chưa từng thực hiện. Nhưng nhờ sự chuẩn bị tốt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm tại chỗ qua từng trận đấu, phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, với đơn vị đăng cai, với các lực lượng chức năng…, VTV đã biến VTV Cup 2004 trở thành một vụ nổ lớn về mặt truyền thông. Thật tự hào khi VTV đã giới thiệu thành công một giải bóng chuyền quốc tế được tổ chức công phu, bài bản tới khán giả cả nước".
Thế hệ vàng của bóng chuyền nữ Việt Nam gồm những Kim Huệ, Đặng Thị Hồng, Trần Hiền, Bùi Huệ, Lê Thị Mười, Ngọc Hoa, Phạm Thị Yến… vốn trước thường chỉ được khán giả biết đến qua những con chữ, những bức hình trên mặt báo. Nhờ VTV Cup, khán giả đã được chạm mặt, được xem họ trực tiếp thi đấu vì màu cờ sắc áo ngay trên sân.
Trước đó, họ từng tâm sự với Nhà báo Phan Ngọc Tiến rằng: Nhìn thấy các cầu thủ bóng đá được hâm mộ, chúng em thèm lắm. Giải đấu 2004 khép lại cũng bắt đầu cho một hiện tượng là những VĐV bóng chuyền được nhận ra khi xuất hiện ngoài đường, được xin chữ ký, xin chụp ảnh chung, được chào đón khi bước vào nhà thi đấu đông nghịt khán giả…
"Từ góc độ chuyên môn, các tuyển thủ nữ Việt Nam cho hay họ cũng tỏ ra phấn khích, xen lẫn hồi hộp trước sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả trên khán đài. Có VĐV tâm sự với tôi là: "Chúng em run lắm, trình diễn trước khán giả đông như thế, chúng em phải nắn nót trong từng pha bóng, để cống hiến hết mình cho người hâm mộ". Tôi trả lời: Hãy làm quen với áp lực đi, bởi điều đó tốt cho các em khi thi đấu ở các giải đấu lớn trong nước và ngoài nước. Một khi vượt qua được áp lực, chúng ta mới có thể chơi với hết 100% khả năng của bản thân" – Nhà báo Phan Ngọc Tiến cho hay.
Ký ức VTV Cup - Hành trình tỏa sáng
Thành công của giải đấu VTV Cup 2004, không ngoa khi cho rằng, đã đặt những viên gạch đầu tiên cho một giải đấu bóng chuyền vươn tầm quốc tế, thậm chí còn góp phần cho sự phát triển vượt bậc của bóng chuyền nữ Việt Nam trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây. Tâm lý ổn định, quen thi đấu dưới áp lực, chuyên môn ngày được nâng cao giúp cho các cô gái bóng chuyền Việt Nam dần vượt qua những đối thủ trong khu vực từng một thời bám đuổi.
Trong quá khứ, ngoài Thái Lan đã trên tầm khu vực, bóng chuyền nữ Việt Nam phải cạnh tranh vị trí thứ nhì Đông Nam Á với Philippines hay Indonesia ở các giải đấu SEA Games giai đoạn cuối những năm 1990 – đầu những năm 2000. Tuy nhiên, VTV Cup ra đời đã mang cho ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam cơ hội cọ xát quá thường xuyên đối với các đối thủ mạnh, để rồi kể từ sau giai đoạn 2005, chúng ta dần dần bứt lên hơn hẳn so với những cái tên kể trên.
Quan trọng hơn, bóng chuyền đang ngày một được nhìn nhận đúng đắn hơn trong mắt những gia đình có con em theo đuổi sự nghiệp này. "Từng có thời gian, các gia đình từng rất ngại khi thấy con em mình theo đuổi sự nghiệp bóng chuyền chuyên nghiệp vì thu nhập không tốt, tương lai bất ổn. Nhưng giờ đây, những danh thủ bóng chuyền trước kia sau khi giải nghệ đa số đều về làm công tác chuyên môn ở các CLB, các trung tâm huấn luyện với thu nhập ổn định. Từ đó, đầu ra cho bóng chuyền không còn là nỗi lo. Vị thế của bóng chuyền Việt Nam dần đi lên ở trường khu vực, chúng ta đang ngày càng có nhiều những gương mặt trẻ triển vọng hơn. Bên cạnh sự đào tạo bài bản, thế hệ đàn em có được cho mình những thần tượng riêng trong môn thể thao này để phấn đấu, noi theo vì một tương lai có thể sống mái với nghề" – Nhà báo Phan Ngọc Tiến cho hay.
Bên cạnh yếu tố chuyên môn, bước ra khỏi VTV Cup, với các tuyển thủ, với người hâm mộ, và với bản thân những người tổ chức giải đấu, điều đọng lại là những kỷ niệm không thể nào quên.
Nhà báo Phan Ngọc Tiến bồi hồi chia sẻ: "Năm 2004, chúng tôi rất bất ngờ khi VTV Cup tại Nam Định luôn trong tình trạng cháy vé. Bảo vệ nhà thi đấu lúc đầu có kéo rèm che để người bên ngoài không thể xem ‘chùa’. Nhưng sau khi thống nhất, Ban Tổ chức đã đề nghị nhà thi đấu cho mở hết rèm che để những khán giả không may mắn có được tấm vé vào cửa, vẫn có thể cổ vũ cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam từ xa. Rồi khi giải đấu được tổ chức tại Vĩnh Phúc (2006), bầu không khí cổ vũ vô cùng cuồng nhiệt là những gì mà những người tổ chức giải như chúng tôi không thể nào quên.
"Cho tới lần đưa VTV Cup vào TP.HCM (2007), nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũng ở trong tình trạng quá tải vì không đủ sức chứa. Nhưng điều mà chúng tôi không thể ngờ đến chính là việc người hâm mộ TP. HCM lại hâm mộ bóng chuyền đến như vậy.
"Có đồng nghiệp của chúng tôi tại TP.HCM chia sẻ rằng: Cả đời làm phóng viên, tôi chưa từng thấy cảnh tượng như thế này xảy ra, trừ khi ĐT bóng đá Việt Nam thi đấu tại sân Thống Nhất mà thôi.
"Ở thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng người dân Thành phố đã thờ ơ với các giải đấu ở cấp quốc gia rồi. Và khi làm phóng sự ghi nhận không khí mua bán vé trong ngày đầu tiên mở bán, ngay bản thân những người tổ chức giải đấu của VTV cũng không thể ngờ rằng lại được chứng kiến việc người hâm mộ xếp hàng rồng rắn như vậy để mua vé. Khi đánh giá tổng kết, giải đấu VTV Cup tổ chức ở TP.HCM là giải đấu cực kỳ thành công ở khía cạnh truyền thông…"
"Hay như giải đấu được tổ chức tại Đắk Lắk, một lần khi đang dùng bữa, một bác trai cao tuổi nhận ra tôi là bình luận viên và tiến lại gần chia sẻ về sự hâm mộ của bản thân với VTV Cup. Bác nói rằng để được theo dõi các trận đấu ở giải, bác và vợ đã phải di chuyển quãng đường 60km từ nhà tới nhà thi đấu, thuê phòng ngủ và xếp hàng mua vé từ khá sớm. Tuy nhiên, bác cũng chỉ mua được vé vòng bảng chứ không mua được vé dự trận bán kết hay chung kết. Xúc động trước tình cảm này của người hâm mộ với giải đấu, đại diện Ban Tổ chức, tôi đã gửi tặng vợ chồng bác một cặp vé bán kết và chung kết, để gia đình có thể theo dõi trọn vẹn cả giải đấu" – Nhà báo Phan Ngọc Tiến cho biết thêm.
Ký ức VTV Cup qua lời kể của các VĐV bóng chuyền nữ Việt Nam
Đang miên man trong những chia sẻ về VTV Cup của Nhà báo Phan Ngọc Tiến, cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi tiếng gõ cửa, báo hiệu những công việc chờ giải quyết của Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Thể thao, Đài THVN, đang tới. Anh hẹn người viết sẽ nói nhiều hơn về VTV Cup ở lần gặp tới. Cố xin thêm 10 phút, người thực hiện bài viết đã có ghi nhanh những tiết lộ của Nhà báo Phan Ngọc Tiến về Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2019:
- Nhà báo Phan Ngọc Tiến: Slogan của giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup – "Tự hào toả sáng" bởi sức lan toả của mỗi kỳ VTV Cup với chính các VĐV và với chính người hâm mộ cả nước. Tự hào toả sáng của chính một giải đấu do Đài Truyền hình Việt Nam vừa là đơn vị tổ chức, vừa là đơn vị sản xuất truyền hình; và đó là sự toả sáng của chính các VĐV…
Giải bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup là giải đấu có ca khúc chính thức và rất đặc biệt. Đã từ lâu, tôi đã nghĩ cần phải có ca khúc cho giải đấu vì để mỗi khi bật lên là khán giả, người hâm mộ và chính các VĐV nhớ về giải đấu VTV Cup. Từ lí do đó, ca khúc mang tên "Ước mơ ngày mai" đã ra đời với những ca từ giản dị nhưng cô đọng, xúc tích. Tất cả để nói lên VTV Cup là giải đấu chính hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam và do VTV tổ chức; cùng với đó là sự khát khao thi đấu, nỗ lực tập luyện và mơ ước toả sáng của các VĐV ĐT Việt Nam; và cả sự mong đợi, trông ngóng của người hâm mộ về giải đấu.
Năm 2014 tại kỳ VTV Cup ở Bắc Ninh, ca khúc "Ước mơ ngày mai" đã lần đầu tiên ra mắt khán giả và người hâm mộ cả nước và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt! Từ đó đến nay, "Ước mơ ngày mai" đã gắn liền với giải đấu và là một trong những thương hiệu của giải đấu.
- Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 luôn mang tới một ngày hội với người hâm mộ bóng chuyền cả nước. Thông qua giải đấu, khán giả không chỉ được chứng kiến cuộc so tài hấp dẫn của các cô gái bóng chuyền tài năng, xinh đẹp qua những trận đấu được truyền hình trực tiếp trên sóng của VTV, mà còn được hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc, những phong cách rất riêng đến từ các đội bóng tham dự giải.
Chương trình "Sắc màu VTV Cup" với thời lượng 60 phút đã trở thành một đặc sản mà ở mỗi nơi giải đấu đi qua đều để lại những ấn tượng tốt đẹp. Vẻ đẹp của các vận động viên bóng chuyền nữ, kết hợp với những trải nghiệm từ nhiều tầng lớp văn hóa tại các địa phương đăng cai, sự giao lưu giữa các đội bóng ở một giải đấu mang tầm quốc tế đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu với những cảm nhận từ thực tế. Năm nay, VTV Cup 2019 đến với Quảng Nam - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. Miền đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ mở rộng vòng tay chào đón các đội bóng tham dự giải và sẽ giới thiệu những vẻ đẹp riêng có đến với bạn bè quốc tế qua các hoạt động ngoại khóa trong thời gian diễn ra giải đấu.
Bên cạnh đó, "Nhật ký VTV Cup" sẽ đem tới những thông tin đầy đủ, cập nhật và phân tích về giải đấu trong 15 phút của chương trình phát sóng hàng ngày, cùng với cách thể hiện độc đáo hứa hẹn sẽ là điểm hẹn hàng ngày của khán giả để hiểu thêm về Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019.
Tất cả những chương trình đồng hành đó, cùng với những trận đấu tại VTV Cup được truyền hình trực tiếp là một nét riêng mang đến rất nhiều thú vị và hấp dẫn phục vụ khán giả yêu mến bóng chuyền nói riêng và khán giả yêu mến thể thao nói chung. Đó như một món quà mà đơn vị tổ chức VTV muốn dành tặng khán giả.
Bài hát chính thức Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup: Ước mơ ngày mai
- Tổng Giám đốc Đài THVN Trần Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo VTV Cup đặc biệt ủng hộ chủ trương tổ chức giải. Đồng thời, Tổng Giám đốc Trần Bình Minh cũng đặc biệt theo dõi sát hành trình của ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam tại giải đấu.
Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 là lần thứ 16 giải đấu được tổ chức. Năm 2019, Đài Truyền hình Việt Nam, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Hoa Sen đồng hành để tổ chức một giải đấu quy mô, uy tín và hữu ích cho Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam, qua đó đáp ứng sự chờ đợi của đông đảo người hâm mộ bóng chuyền trên cả nước.
Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 diễn ra từ ngày 03 tháng 8 tới ngày 10 tháng 8 tại Nhà thi đấu tỉnh Quảng Nam với sự góp mặt của 07 đội bóng, gồm có Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, Đội tuyển nữ Australia, CLB Altay (Kazakhstan), CLB Phúc Kiến (Trung Quốc), CLB Nec Red Rockets (Nhật Bản), Đại học Đài Bắc Trung Hoa, Đội Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Với sự góp mặt của nhiều trường phái, phong cách đa dạng đến từ các nền bóng chuyền phát triển, VTV Cup 2019 hứa hẹn sẽ đem tới các trận đấu hấp dẫn, kịch tính và có chuyên môn cao.
Đồng thời với bóng chuyền nữ Việt Nam, trong kế hoạch tập luyện và thi đấu năm nay, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam xác định Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 là giải đấu chuẩn bị quan trọng để Ban huấn luyện xây dựng lực lượng, xác định các phương án nhân sự và chiến thuật để hướng tới SEA Games 30 diễn ra tại Philippines. Đối với Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong giai đoạn trẻ hóa lực lượng mạnh mẽ hiện nay, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 sẽ đem tới cơ hội thử sức và rèn luyện trong môi trường cạnh tranh với các đội bóng quốc tế cho các cầu thủ.
- Năm 2019, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen đến với tỉnh Quảng Nam chính là một trong các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Đô thị cổ Hội An, khu Đền tháp Mỹ Sơn được Unesco công nhận Di sản Văn hóa Thế giới (4/12/1999 - 4/12/2019), 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới (26/5/2009 - 26/5/2019). Vì vậy, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 sẽ là nơi hội tụ của các giá trị xã hội - văn hóa - thể thao đầy ý nghĩa, nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giữa Quảng Nam với bạn bè quốc tế, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân tỉnh Quảng Nam và du khách. Thông qua việc đăng cai tổ chức một giải đấu mang tầm quốc tế như Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 sẽ là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người Quảng Nam, về di sản văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Nam, đồng thời, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác tổ chức các giải thể thao quốc tế.
- Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup trong suốt 15 năm qua đã trở thành niềm tự hào của bóng chuyền Việt Nam đồng thời cũng là một thương hiệu được khẳng định ở đấu trường châu lục. Để duy trì được uy tín đó, Ban tổ chức giải đấu luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo công tác tổ chức, nâng cao chất lượng chuyên môn và có những đổi mới, sáng tạo nhằm đem tới ấn tượng cho các đội bóng quốc tế và khán giả hâm mộ bóng chuyền cả nước.
Những yếu tố bất ngờ đã được Ban tổ chức giải đấu chuẩn bị kỹ để mang tới một Lễ khai mạc cũng như Lễ trao giải màu sắc riêng có của VTV Cup. Bên cạnh đó, nét đặc trưng về văn hóa - con người Quảng Nam - địa phương đăng cai cũng tạo nên những nét mới cho Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019.
Một phần không thể thiếu tại các kỳ VTV Cup là yếu tố công nghệ và đồ họa luôn được quan tâm đặc biệt. Các thiết bị và phần mềm đồ họa được đầu tư để mang tới hình ảnh sinh động và ấn tượng của giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019.