7 năm, hơn 40 vòng đàm phán để CPTPP được ký kết
Chưa Hiệp định thương mại tự do nào lại có "số phận" khó đoán định như TPP (nay là CPTPP) khi đã trải qua tới 7 năm với hơn 40 vòng đàm phán.
- Tháng 2 năm 2016, tại Auckland, New Zealand, TPP được ký kết.
- Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất TPP - tuyên bố rút khỏi hiệp định.
Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP.
- 11 quốc gia còn lại, nhất là Việt Nam và Nhật Bản quyết tâm tiến tới TPP-11.
- Riêng trong Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, đã có ít nhất 8 vòng đàm phán cả cấp trưởng đoàn và Bộ trưởng diễn ra. Nhiều cuộc đàm phán kéo dài xuyên trưa, từ chiều tới nửa đêm mà chưa đạt kết quả cuối cùng.
Cũng tại Đà Nẵng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ không tới dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới dự Tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 nhưng cho biết không tới dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP.
- Trong khó khăn, hiệp định đã chứng kiến nỗ lực và quyết tâm chưa từng có của hai đồng chủ trì đàm phán là Nhật Bản và Việt Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe. Kết thúc Tuần lễ cấp cao APEC 2017, CPTPP đã được các bên thống nhất cao.
- Và sau cuộc họp tháng 1/2018 vừa qua tại Nhật Bản, tất cả 11 nước đã nhất trí ký kết CPTPP tại Chile.
- Ngày 9/3/2018, Hiệp định CPTPP đã chính thức được ký kết tại Santiago, Chile.
Hiệp định CPTPP đã chính thức được ký kết tại Santiago, Chile vào ngày 9/3/2018, giờ Việt Nam.
Việt Nam với CPTPP
Khi CPTPP đi vào thực thi, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một sân chơi mới gần 500 triệu dân với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu bởi khi đó, gần như toàn bộ thuế xuất nhập khẩu được xóa bỏ theo lộ trình, đi kèm với đó là tự do hóa về dịch vụ và đầu tư. Nói một cách đơn giản hơn là hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ được bán ở thị trường của 10 nước thành viên một cách dễ dàng hơn, trong khi đó người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng nhiều hàng hóa tốt hơn với giá cả hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Khi Mỹ rút khỏi TPP 12, các quốc gia còn lại vẫn đánh giá rất cao chất lượng của hiệp định tự do thế hệ mới của TPP và hiểu rằng, lợi ích các quốc gia nhận được từ hiệp định này không đơn thuần về thương mại trong việc dỡ bỏ các hàng rào quan thuế, mà vấn đề cơ bản là những động lực mà hiệp định này mang lại cho sự phát triển kinh tế chính trị xã hội của mỗi nước. Và đây mới là điều cơ bản tạo nên sức hút cho các quốc gia đang tham gia CPTPP cũng như cho các nền kinh tế, các quốc gia khác.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn đang diễn biến phức tạp, dù dòng chảy chính vẫn là tự do hóa thương mại, thì đã có những dấu hiệu và biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tuý, biệt lập, thì việc Việt Nam chúng ta thực hiện quyết tâm và nhất quán TPP 12 trước đây và bây giờ là TPP 11 hay CPTPP chính là một bước rất cụ thể của Đảng và Nhà nước ta để cụ thể hóa chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác.
Chúng ta cũng thấy rõ, với vị thế là nước sáng lập CPTPP, chúng ta đã khẳng định được vị thế chính trị và địa vị của chúng ta trong các sân chơi toàn cầu. Ngoài ra, khi đã hội nhập qua CPTPP, về thể chế, chúng ta có điều kiện hoàn thiện nhà nước pháp quyền một nền kinh tế năng lực cạnh tranh ngày càng cao dựa trên nền tảng của minh bạch hóa, công khai hóa cũng như tiếp tục thuận lợi hóa cho các hoạt động thương mại theo nguyên tắc của kinh tế thị trường".
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn VTV về CPTPP.
Tại sự kiện ký kết CPTPP, Bộ trưởng 11 nền kinh tế cũng đã đưa ra tuyên bố chung. Tuyên bố Bộ trưởng CPTPP gồm có 4 ý chính. Thứ nhất các bên tuyên bố ký hiệp định. Thứ hai khẳng định CPTPP sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Thứ ba, là các Bộ trưởng khẳng định sau lễ ký sẽ về thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định, làm sao đưa hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất. Và ý cuối cùng của tuyên bố chung, là các Bộ trưởng CPTPP hoan nghênh tất cả các nước, các nền kinh tế quan tâm, bày tỏ ý định muốn tham gia Hiệp định CPTPP.
Nhóm ngành nào của Việt Nam hưởng lợi, nhóm ngành nào gặp khó sau CPTPP?
Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được nhiều thuận lợi những cũng đối mặt với những cạnh tranh không nhỏ.
Thứ nhất, nhóm ngành xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi thuế quan được cắt giảm sau khi ký kết CPTPP. Nổi trội là các nhóm ngành thủy hải sản, may mặc, da giày, lắp ráp đồ điện tử… Việc ký kết CPTPP sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, thúc đẩy tiềm năng doanh nghiệp.
Thứ hai, đối với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực logistic, việc tăng cường tự do thương mại sẽ thúc đẩy hoạt động vận chuyển giữa các nước trong nhóm. Từ đó, hoạt động hàng hải, hàng không… được tiếp đà khi thương mại giữa các nước gia tăng.
Nhóm ngành xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi thuế quan được cắt giảm sau khi ký kết CPTPP. Nổi trội là các nhóm ngành thủy hải sản, may mặc, da giày, lắp ráp đồ điện tử…
Thứ ba, khả năng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn, dẫn tới việc xây mới hoặc thuê các khu công nghiệp để phục vụ sản xuất. Nhờ sự vận động này, nhóm doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng sẽ có đà phát triển trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội mang lại, CPTPP là thách thức đối với các nhóm ngành phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa với kim ngạch nhập khẩu lớn từ các nước tham gia hiệp định như ngành đồ gia dụng, ngũ cốc…
Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng các cơ hội do CPTPP mang lại?
Để tận dụng được các lợi ích nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần có cái nhìn bao quát đối với Hiệp định CPTPP, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của Hiệp định CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương. Đây là kênh thông tin hữu ích cho tất cả các đối tượng quan tâm đến Hiệp định CPTPP.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng trên.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
CPTPP cơ hội thúc đẩy thương mại Việt Nam
Chính phủ tin tưởng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội Hiệp định CPTPP mang lại để tiếp tục phát triển
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Hiệp định này, ngay từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp với các nước TPP tìm hướng đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam.
CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Sau khi các nước đã thống nhất được toàn bộ các nội dung đàm phán và hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, Bộ Công Thương đã công bố toàn văn Hiệp định CPTPP (lời văn tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt) lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương để tạo điều kiện cho công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nội dung của Hiệp định này.
Sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua và đưa vào thực hiện.
Để bảo đảm Hiệp định CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng. Thêm vào đó, Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP.
Bộ Công Thương đã công bố toàn văn Hiệp định CPTPP (lời văn tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt) lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương để tạo điều kiện cho công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nội dung của Hiệp định này.
Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các Bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.
Với những giải pháp này cùng với sự chủ động của doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai, Chính phủ tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để tiếp tục phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
CPTPP tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam?
Nhiều nền kinh tế bày tỏ ý định tham gia sân chơi hấp dẫn CPTPP
Mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Hoa Kỳ không còn nhưng các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam và vì vậy, Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico... cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cũng sẽ là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực.
Theo hãng tin Bloomberg, Thái Lan là cái tên mới nhất cân nhắc những lợi ích của việc gia nhập CPTPP, bên cạnh Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc). Một nghiên cứu của viện Kinh tế quốc tế Peterson mới đây cho thấy, thỏa thuận thương mại với 5 thành viên tiềm năng này sẽ tạo ra thu nhập 449 tỷ USD trên toàn cầu và 486 tỷ USD cho 11 nước CPTPP hiện nay. Đó là chưa kể đến việc nước Anh - một nước xét về vị trí địa lý không thuộc khu vực vành đai Thái Bình Dương - cũng đã nhiều lần thể hiện ý muốn tham gia hiệp định sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Theo BBC, vấn đề cơ hội và khả năng gia nhập của Anh đã được chính phủ Đảng Bảo thủ rục rịch đề cập trong các cuộc thảo luận không chính thức với nhiều nước thành viên CPTPP.
CPTPP có thể sẽ mở rộng trong thời gian tới?
Từ trong nước Anh vẫn còn có những luồng quan điểm trái ngược xung quanh ý tưởng Anh tham gia CPTPP. Tờ Independent trích lời cựu đặc phái viên thương mại của ông David Cameron cho rằng đây hoàn toàn là bước khởi đầu tốt cho một nước Anh không còn là thành viên EU.
Theo quan điểm này, trong CPTPP có 6 trên 11 quốc gia là thành viên khối thịnh vượng chung mà Anh đang đứng đầu. Anh hoàn toàn có thể tham gia hiệp định vì gia tăng cơ hội hợp tác thương mại với các nước thịnh vượng chung và các thị trường đông dân khác trong CPTPP là điều nước này đang tính đến.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Anh tăng mạnh các chuyến thăm viếng cấp cao tới nhiều nền kinh tế lớn tại châu Á - Thái Bình Dương với mục đích tìm kiếm các đối tác mới. Trang The Week đánh giá CPTPP là thị trường nhiều tiềm năng cho nước Anh với quy mô dân số khoảng 500 triệu người. Dù không còn sự tham gia của Mỹ, khu vực này vẫn chiếm 13% tổng giá trị GDP toàn cầu.
Trong khi đó, The Guardian bình tĩnh hơn với góc nhìn thận trọng cho rằng ý định của Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Liam Fox chưa thể được thực hiện trong một sớm một chiều.
Thứ nhất, phải sau tháng 3/2019, khi đã chính thức mất tư cách thành viên EU, Anh mới có thể chính thức ký các hiệp định thương mại mới.Thứ hai, vẫn còn nhiều ý kiến chỉ trích ý định của chính phủ Anh, nội các Anh vẫn chưa có bất kỳ thảo luận chính thức nào về đề xuất gia nhập. Các ý kiến đối lập trên chính trường Anh cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để nói đến chuyện này.
Xuất khẩu của Anh tới 11 thị trường CPTPP chỉ bằng 8% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi chỉ một thị trường Đức đã chiếm 11%. Ưu tiên của Anh lúc này là cần thống nhất được một dạng quan hệ thương mại mới với EU, thay vì ra khỏi mà không đạt được thỏa thuận nào và CPTPP chưa thể là một sự bù đắp hoàn toàn nếu Anh mất đi thị trường chiến lược EU.
Từ phía CPTPP, ngay trong những ngày chuẩn bị cho lễ ký kết chính thức tại Chile, các nước thành viên đã khẳng định hoàn toàn hoan nghênh việc có thêm thành viên, đặc biệt là một nền kinh tế trong G7 như Anh.
Financial Times trích lời trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản cho biết, hiệp định này hướng đến một hệ thống thương mại cởi mở, đa phương, tự do, nên bất kỳ nước nào quan tâm và sẵn sàng tuân thủ quy tắc hoàn toàn có thể bàn về việc gia nhập. Phát biểu này có thể hiểu, sự không liên quan về địa lý của Anh cũng không phải trở ngại gì. Danh sách những ứng viên quan tâm tới CPTPP cũng không chỉ duy nhất có Anh. Thái Lan, Hàn Quốc, Phillipines và Sri Lanka cũng đang cân nhắc tham gia.
Nước Anh vẫn đang có những vấn đề rối ren riêng của mình và trong lúc đàm phán Brexit vẫn chưa thấy kết quả gì đột phá, mọi nhận định đều đồng tình rằng, việc nói đến khả năng Anh tham gia CPTPP thời điểm này vẫn còn quá sớm. Mọi thứ có thể rõ ràng hơn vào tầm này năm sau, khi Anh đã chuẩn bị chính thức rời châu Âu.
Quan điểm của CPTPP là cũng chỉ bàn đến chuyện kết nạp thêm thành viên, sau khi đã chính thức triển khai một thời gian và có những đánh giá ban đầu về hiệu quả. Cả hai phía đều vẫn cần thêm thời gian, nhưng nếu tính những cái tên đang nằm trong danh sách chờ, Anh là một cái tên nổi bật.
Chính sự hấp dẫn của sân chơi lớn này đang góp phần mở ra khả năng quay trở lại CPTPP của nước Mỹ. Sau khi Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng này hồi tháng 1/2018, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư tới nhà lãnh đạo Mỹ, kêu gọi đưa nước Mỹ quay trở lại bàn đàm phán CPTPP, hiệp định được đánh giá là sẽ có lợi cho nền kinh tế số 1 thế giới.