VTV.vn - Thương hiệu của VTV được gây dựng bởi rất nhiều con người của các thế hệ nối tiếp nhau - những thế hệ đầy tinh thần sáng tạo và tự chủ.

Với thương hiệu một Đài truyền hình Quốc gia, cùng sự có mặt của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quay phim, đạo diễn, kỹ thuật viên trên khắp mọi miền Tổ quốc và các điểm nóng trên thế giới, VTV đã ghi dấu ấn bằng sự vươn lên mạnh mẽ với một tinh thần chủ động cao. 

Với một cơ chế kích thích lòng yêu nghề, công nghệ hiện đại được chuyển đổi theo xu thế toàn cầu, hoạt động của VTV những năm gần đây thực sự xác lập một đẳng cấp chất lượng mới, không chỉ ở trong nước, VTV trở thành một thương hiệu đáng tin cậy đối với nhiều đối tác nước ngoài trong khu vực và trên thế giới.

Cùng những trang thiết bị hiện đại nhất, thương hiệu của VTV được gây dựng bởi rất nhiều con người của các thế hệ nối tiếp nhau - những thế hệ đầy tinh thần sáng tạo và tự chủ.

Câu chuyện về những cái mới, cái tiến bộ thế chỗ cái cũ, cái chưa phát triển là một trong những động lực, cũng là một trong những mục đích của từng con người của VTV. Đó cũng là câu chuyện về chất lượng nhân lực, chất lượng sản phẩm hàng ngày của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Đài vẫn vươn đến.

Nhưng không phải ai cũng biết được rằng thiết bị sơ khai đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam trong buổi phát sóng thử nghiệm cách đây đúng 54 năm là chiếc camera điện tử với cái tên Ngựa trời đã được lắp ráp tự túc. Và câu chuyện về chiếc camera mang tên Ngựa trời đã được kể rất cụ thể trong bộ phim tài liệu "Ngựa trời và chuyện của những thế hệ tự chủ" - một trong những bộ phim tài liệu nói về quá trình hình thành và phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam. 

Với bộ phim "Ngựa trời và chuyện của những thế hệ tự chủ", người xem đã được biết tường tận hơn buổi sơ khai cũng như những con người đã, đang và vẫn đồng hành với hành trình của Đài Truyền hình Việt Nam. 

54 năm trước...

Ngày 7/9/1970, tại phòng thu M của Đài Tiếng nói Việt Nam số 58 Quán Sứ, Hà Nội, trước sự chứng kiến của các vị lãnh đạo đại diện cho Ban Tuyên huấn Trung ương, Văn phòng Thủ tướng, Ủy ban kế hoạch nhà nước và các bộ ngành, những tín hiệu đầu tiên của chương trình vô tuyến truyền hình đã lên sóng trơn tru suốt gần 2 giờ đồng hồ. Lúc này, hình hài của một tờ báo hình với đầy đủ tiêu chí đúng nghĩa chính thức ra đời, đánh dấu một mốc son trong tiến trình phát triển của nền báo chí cách mạng nước nhà.

Nhưng cũng phải đến gần 9 tháng sau, tháng 5/1971, hội đồng chính phủ mới ra quyết định - do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký - giao Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng ngành vô tuyến truyền hình của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tất cả đã xuất phát từ tư duy nhạy bén chính trị và một ý chí như không tưởng. Nhưng một câu hỏi được đặt ra đó là để đi đến cột mốc lịch sử này, chúng ta đã trải qua những giai đoạn thai nghén đầy nội lực như thế nào?

Xây lắp cột phát sóng tại 58 Quán Sứ. (Ảnh tư liệu)

Xưởng phim vô tuyến truyền hình...

Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, câu chuyện làm truyền hình ở miền Bắc Việt Nam đã được nhắc đến nhiều với mục đích chính trị, chủ yếu là để chuẩn bị tiếp quản những đài truyền hình ở phía Nam trong tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó cũng là một trong những niềm mong đợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ năm 1966, Ban Tuyên huấn Trung ương đã giao trách nhiệm cho Tổng cục thông tin và Đài Tiếng nói Việt Nam lên phương án xây dựng vô tuyến truyền hình. 

Tháng 4 năm 1968, đoàn cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam đầu tiên lên đường đi Cuba học tập nghiệp vụ truyền hình. Đây là kết quả của cuộc ký kết 1 năm trước đó giữa Tổng Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam Trần Lâm với Viện phát thanh truyền hình Cuba.

'Bác Hồ cần thành lập một cơ sở làm truyền hình, với mục đích làm phim để đưa ra nước ngoài nói về cuộc kháng chiến ở Việt Nam, bạn của bác Hồ là Joris Iven đã cho 2 máy quay'.

Ông Hoàng Tùng - Nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương.

Cùng thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng cục Thông tin thành lập xưởng phim vô tuyến truyền hình với nhiệm vụ trước mắt là sản xuất phim vô tuyến truyền hình gửi ra nước ngoài để tuyên truyền về cuộc đấu tranh chống Mỹ, yêu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. 

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 6.

Ông Hoàng Tùng - Nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. (Ảnh chụp màn hình tư liệu)

Ông Hoàng Tùng - Nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương - nói về giai đoạn đó: "Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo muốn có một đài truyền hình, trước hết là quay những cuốn phim truyền hình gửi ra cho đài truyền hình các nước anh em, trước hết là Liên Xô, để phát. Cho nên mới quyết định để Tổng cục thông tin do đồng chí Nguyễn Minh Vỹ đứng đầu lập ra cái xưởng này".

Khi xưởng vô tuyến truyền hình ra đời, Ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử biệt phái 4 cán bộ biên tập của Đài sang xưởng phim. Trong khi ấy, 17 cán bộ của Đài phát thanh vẫn miệt mài học tập tại Cuba với một dự định khác. Những người gây dựng sự nghiệp truyền hình lúc đó chỉ hiểu đại khái rằng truyền hình là phải gắn liền với phát sóng, truyền hình là báo chí chứ không chỉ là những thước phim tư liệu và vì thế, họ đã quyết tâm đi theo hướng đó cho dù hiểu biết về truyền hình là con số 0.

Nhà báo Nguyễn Bích Ngọc nói "lúc đầu tôi cũng không hình dung được tương lai của truyền hình" và đạo diễn Phạm Việt Tùng thì cho biết: "Nghề mà làm truyền hình thì cũng chưa có ai làm và cũng chưa được xem truyền hình bao giờ". Những chia sẻ này cho thấy truyền hình giai đoạn đó còn rất sơ khai và mới mẻ. 

Đạo diễn Việt Tùng (người đứng ngoài cùng, ảnh trái) và phóng viên Vũ Thế Hùng (ảnh phải). 

Tuy bỡ ngỡ, nhưng trong ký ức của đạo diễn Phạm Việt Tùng, sẵn có những người đi trước như Khương Mễ, Thanh Trước rồi sau đó là Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Văn Vinh và nhiều người khác nữa, các ông đã cùng nhau hít thở một bầu không khí tươi mới của một tập thể làm nghề trẻ trung, của một loại hình báo chí cũng rất mới lạ.

'Bao giờ các chú cho nhân dân ta được xem truyền hình?'.

Bác Hồ.

Một số bộ phim được vô tuyến truyền hình quay thời gian này đã gây được tiếng vang trong những diễn đàn thế giới, thu về những ảnh hưởng nhất định trên trường quốc tế. Tuy vậy, những sản phẩm đó vẫn chỉ là những thước phim điện ảnh để giới thiệu chứ chưa phải là truyền hình đích thực. 

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 9.

Phóng viên Vũ Thế Hùng nhận hoa từ Bác Hồ. (Ảnh chụp màn hình tư liệu)

Một lần, sau khi tiếp khách quốc tế nhân ngày 1/5/1968, như thường lệ, Bác Hồ tặng hoa cho lực lượng báo chí, Bác đã hỏi phóng viên Phan Thế Hùng: "Bao giờ các chú cho nhân dân ta được xem truyền hình?". Câu hỏi và mong muốn của Bác Hồ càng thôi thúc thế hệ khi đó, bằng mọi cách, thực sự là từ hai bàn tay không, phải làm thế nào để hình ảnh đến với người xem theo đúng cách của một tờ báo hình cần có?

Ông Trần Lâm - Nguyên Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam - nói: "Lúc bấy giờ Bác biết miền Nam đã có truyền hình rồi, miền Bắc chưa có là một thiệt thòi lớn về chính trị. Phải nhìn nhận đó là một thất bại chính trị chứ không phải là vấn đề của người xem".

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 10.

Ông Trần Lâm - Nguyên Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Điều ông Trần Lâm nhắc đến trong câu chuyện này vừa là nhiệm vụ chính trị nhưng cũng chính là vấn đề cốt tử của nghiệp vụ truyền hình. Một cơ quan báo hình phải đưa được sản phẩm đến với người xem. 

Câu hỏi tưởng như khó trả lời này lại được hoá giải bởi sự chủ động của những con người rất hiểu nghề từ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông Đặng Trung Hiếu - Nguyên Phó trưởng Ban Vô tuyến truyền hình: "Đồng chí Trần Lâm có mở một cuộc họp với cán bộ cốt cán của Đài để nghe anh em trình bày. Và sau đó, đồng chí đi đến quyết định là chúng ta sẽ làm thí nghiệm truyền hình. Nói một cách dí dỏm là làm truyền hình chui, làm thí nghiệm chui".

"Tại sao nói làm thí nghiệm chui? Là vì chưa được nhà nước phân công" - ông Đặng Trung Hiếu nói tiếp - "Thứ hai nữa là chưa có kinh phí. Nếu mình muốn làm thì mình phải làm bằng tiềm lực của mình, bằng khả năng của mình". 

Camera Ngựa trời...

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 12.

(Ảnh tư liệu)

'Lúc ấy, không kể là quay phim, đạo diễn, nhân viên ...đều tham gia xây móng cột trụ của cột phát sóng. Sau đó tất cả mọi người cùng nhau kéo từng chấn tử lên các tầng của cột'.

Nhà báo Phạm Khắc Thảnh.

Sự ra đời của camera Ngựa trời vào năm 1970 minh chứng cho những nỗ lực đầy tự chủ của các cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau Ngựa trời là hệ thống máy phát sóng hình và tiếng, là cột ăng ten được lắp đặt ngay tại Đài TNVN đánh dấu nội lực tại chỗ và sự trưởng thành đúng lúc của lứa đào tạo ở Cu Ba về nước.

Kết quả vượt quá sức tưởng tượng cho những nỗ lực tự chủ đó đã đến với tập thể cán bộ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày 7/9 năm 1970.

Trường quay M - 58 Quán Sứ tối ngày 7/9/1970. (Ảnh tư liệu)

Trong phạm vi bán kính 10km, kể từ số nhà 58 Quán Sứ, tín hiệu buổi truyền hình đầu tiên đã đạt vượt mong đợi của những người chứng kiến. Tuy thô sơ nhưng buổi phát hình đó có đầy đủ các chương trình, tiết mục và được thực hiện đầy đủ các bộ phận nội dung mà một Đài truyền hình cần có.

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 15.

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh. (Ảnh chụp màn hình)

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh nói: "Ngay từ buổi truyền hình đầu tiên thì chúng ta chỉ thiếu cái Tổng khống chế thôi. Những cái đầy đủ nhất của cả một hệ thống truyền hình ở cái mức độ đơn giản nhất, thì chúng ta đã tạo lập được".

Những buổi phát hình đầu tiên được thực hiện rất đơn giản - với máy chiếu phim nhựa 16 ly được chiếu lên bức tường, một camera điện tử thu lại tín hiệu truyền đến cột phát sóng và phát lên không trung, đến các ăng-ten của máy thu hình.

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 16.

Ông Trịnh Lý Thản - Nguyên Phó trưởng Ban Vô tuyến truyền hình

Ông Trịnh Lý Thản - Nguyên Phó trưởng Ban Vô tuyến truyền hình - cho biết: "Đầu tiên là chỉ có một camera cho nên nó khác hẳn với truyền hình các nước. Các diễn viên phải đi ra đi lại thay đổi và những bảng chữ cũng phải treo lên, giơ ra trước cái camera để mà ghi hình được. Tôi cho là đây là một kiểu truyền hình thô sơ nhất trong các loại truyền hình. Song đối với Việt Nam, nó đánh dấu một dấu mốc rất quan trọng - đấy là ngày phát sóng đầu tiên của Truyền hình Việt Nam".  

Ban biên tập Vô tuyến truyền hình...

Tiếp theo đó, Tổng cục Thông tin bàn giao Xưởng phim Vô tuyến truyền hình sang Đài Tiếng nói Việt Nam để thành lập Ban biên tập Vô tuyến truyền hình thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Các Trưởng, Phó ban Vô tuyến truyền hình đầu tiên là các ông Huỳnh Văn Kiểm, Lê Quý, Nguyễn Văn Hán, Đặng Trung Hiếu, Trịnh Lý Thản.

Trong thời buổi chiến tranh, đất nước hết sức khó khăn nhưng Chính phủ đã dành một phần kinh phí đầu tiên cho ngành Truyền hình là 400 ngàn rúp. 

"Với 400 ngàn rúp để làm truyền hình thì mua gì cũng phải thảo luận. Anh Thản, anh Cung, anh Hiếu có nhiều ý kiến hay lắm" - ông Trần Lâm nhớ lại - "Tôi nhớ, đây hình như là ý kiến của anh Thản, anh ấy đề nghị bây giờ chỉ có một cách là mua một cái xe lưu động truyền hình thì may ra mới đủ".

Xe truyền hình lưu động Ba Lan tại cảng Hải Phòng (ảnh ngoài cùng bên trái); Các camera theo xe (ảnh giữa) và hình hiệu đầu tiên của Vô tuyến truyền hình Việt Nam do hoạ sĩ Lê Minh Sơn sản xuất (ảnh ngoài cùng bên phải). (Ảnh chụp màn hình)

Tháng 11 năm 1970, chiếc xe truyền hình lưu động Ba Lan đã về tới Hải Phòng với 3 chiếc camera cùng thiết bị phát hình 300 oát và ăng-ten. Sóng của vô tuyến truyền hình Việt Nam đã đến được xa hơn, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công chúng.

Cho đến cuối năm 1971, lực lượng nhân sự của Ban Vô tuyến truyền hình đã lên đến 150 người, tương đương với 1 Đài truyền hình thu nhỏ, đáp ứng đầy đủ các lĩnh vực nội dung và đơn vị kỹ thuật.

'Năm 1968 là năm tôi học bên Cuba, tôi đã thấy có cử một đoàn cán bộ sang bên ấy và bây giờ ngồi nghĩ lại mới thấy người ký quyết định đó cũng như chọn lựa những nghề học đó là họ đã nắm được vấn đề truyền hình rồi. Cho nên là tất cả các bộ môn đều đã có đủ. Và sau này những anh em đó đã về và làm ở những vị trí chủ chốt của Truyền hình Việt Nam'.

Ông Phan Trường Định - Nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Truyền dẫn phát sóng.

Tầm vóc của một Đài Truyền hình quốc gia còn được khẳng định hơn nữa với những dự tính đón đầu thời cuộc. Ngày 16/4 năm 1972, Mỹ quay trở lại ném bom bắn phá miền Bắc, Hà Nội đối mặt với sự tàn khốc của chiến tranh leo thang. Cùng lúc phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Ban Vô tuyến truyền hình được chỉ đạo cùng lúc tới 3 phương hướng đặc biệt mà lúc ấy ít người có thể ngờ tới. 

Hướng thứ nhất, sơ tán các trang thiết bị chuyên dụng quý giá để bảo vệ chờ ngày sử dụng trụ sở cất giấu ở sông Bôi, Hà Tây cũ rồi Thanh Hà, Hoà Bình. 

Hướng thứ 2, tiếp tục xây dựng xen kẽ đội ngũ cán bộ Bắc - Nam dự phòng tình hình mới nảy sinh của chiến sự và phục vụ mục đích lâu dài. 

Hướng thứ 3, bố trí lực lượng sản xuất phim tiếp cận bám sát cuộc chiến leo thang của Mỹ để gửi những hình ảnh chất lượng và kịp thời ra nước ngoài nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn quốc tế và đã thu được rất nhiều thành tích, đặc biệt là hình ảnh B52 bị tên lửa bắn rơi trên bầu trời Hà Nội do phóng viên quay phim truyền hình ghi lại được.

(Ảnh chụp màn hình)

Để có thể kịp thời đưa ra những sản phẩm phản ánh cuộc chiến ở Việt Nam, không chỉ có các quay phim, đạo diễn đương đầu với hiểm nguy, nhân viên hậu kỳ in tráng phải làm việc ở 58 Quán Sứ - nơi luôn là đích ngắm của bom Mỹ - nhằm cắt đứt hệ thống phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 21.

Nhà báo Mai Lộc. (Ảnh chụp màn hình)

Nhà báo Mai Lộc nhớ về những năm tháng dữ dội mà chị và các đồng nghiệp đã trải qua: "Ở trên Quán Sứ, ở lán, bom đạn các chị cũng không được nghỉ. Rồi cả những khâu in tráng, đang tráng dở thì không dám bỏ vì mình tráng thủ công mà. Nên bom rơi cũng phải chấp nhận". 

"Nhưng cũng có những khi ngay miệng hầm đấy mà cũng không xuống được" - nhà báo Mai Lộc nói tiếp - "Nên phải nói là đóng góp của các chị cực kỳ lớn lao".

Tập trung đào tạo con người...

Lúc này, việc đào tạo cán bộ chất lượng vẫn được lãnh đạo Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện, các cuộc trao đổi nghiệp vụ với chuyên gia nước ngoài rồi những chuyến du học liên tục được tổ chức. Tất cả dường như hướng đến một mục đích lớn hơn những công việc thường ngày.  

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 23.

Ông Đặng Trung Hiếu - Nguyên Phó trưởng Ban Vô tuyến truyền hình. (Ảnh chụp màn hình)

Hướng chuẩn bị cho việc tiếp quản phía Nam với những cán bộ như Huỳnh Văn Tiểng, Đặng Trung Hiếu, Lâm Mộc Khôn, Lê Võ, v.v… vẫn tiếp tục được triển khai.

Ông Đặng Trung Hiếu - Nguyên Phó trưởng Ban Vô tuyến truyền hình - nói: "Chủ trương của đồng chí Trần Lâm lúc bấy giờ là chúng ta không thể đua, hiện đại hoá ngay từ ban đầu với Đài truyền hình miền Nam, nhưng quan trọng nhất là con người. Bởi vì có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt mà không có con người sử dụng khai thác tốt cũng không mang lại hiệu quả. Do đó, tập trung đào tạo con người".

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 24.

Ông Phan Trường Định - Nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Truyền dẫn phát sóng. (Ảnh chụp màn hình)

Các nhóm phóng viên đã được phân công theo các đoàn tiến quân theo các hướng khác nhau. Cũng trên đường vào Nam theo các cánh quân, phóng viên vô tuyến truyền hình cũng được sử dụng lần đầu tiên chiếc máy quay điện tử có sử dụng băng từ. Hiệu quả công việc này cho thấy kết quả ngay lập tức.

Ông Phan Trường Định - Nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Truyền dẫn phát sóng - cho biết: "Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam hồi đó cũng đã quyết tâm sử dụng ngay hệ thống đó vào những cái việc mà bây giờ ta vẫn gọi là quan trọng nhất thời điểm đó, đó là nhân chiến dịch giải phóng miền Nam".

Buổi phát sóng đầu tiên, Ngựa trời và câu chuyện về những thế hệ tự chủ của VTV - Ảnh 25.

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh. (Ảnh chụp màn hình)

"Chúng tôi được cử mang những thiết bị đó vào để thử nghiệm ngay vùng Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng".  

"Tôi và anh Phan Trường Định thời điểm đó được giao một nhiệm vụ tương đối đặc biệt" - nhà báo Nguyễn Văn Vinh kể lại - "Đó là tiếp nhận một bộ máy ghi hình gọi là video đầu tiên, đen trắng, quay bằng máy cối bởi vì chúng ta cố gắng khắc phục những nhược điểm của phim nhựa là chỉ có hình và không có tiếng".

Hình ảnh do đạo diễn Phạm Việt Tùng thực hiện vài ngày 30/4 năm 1975:

Vậy là chỉ 8 năm, từ năm 1967 đến năm 1975, khi lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam xúc tiến hoạt động xây dựng ngành truyền hình và chưa đầy 5 năm kể từ buổi phát sóng thử nghiệm đầu tiên, những kết quả đạt được đã vượt mong đợi so với mục đích ban đầu là ra được chương trình phát sóng. Cùng lúc với giai đoạn cả nước dồn lực vào giải phóng miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam được tiếp nhận cơ sở tại Giảng Võ để phát triển ngành truyền hình.

Ngày 5/7 năm 1976, đánh dấu bước chuyển mình vô cùng quan trọng, đó là Vô tuyến truyền hình Trung ương của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bắt đầu phát sóng chính thức hàng ngày tại Hà Nội.

Cột phát sóng tại Tam Đảo được dựng lên vào năm 1978 cho phép phủ sóng khắp vùng đồng bằng và Trung du Bắc bộ. Đây là một nỗ lực lớn vào thời điểm đó.

Năm 1982, truyền hình Việt Nam chính phát hình màu sau 4 năm thử nghiệm.

Ngành truyền hình Việt Nam cứ tuần tự phát triển bằng lối đi riêng của mình như thế.

'Sự nghiệp của chúng ta bắt đầu như thế và ra đời trong quá trình chiến đấu gian khổ, khó khăn như thế. Đi dưới bom đạn, làm việc dưới bom đạn - cả ngày lẫn đêm - và xây dựng sự nghiệp từ hai tay không. Tôi cho đó là một sự kiện hiếm có trong cái thế giới của chúng ta'.

Ông Hoàng Tùng - Nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương.

Phim tài liệu: Ngựa trời và chuyện của những thế hệ tự chủ

Tiêu Trang Ngọc Bảo (Theo PTL "Ngựa trời" và câu chuyện của những thế hệ tự chủ)



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước