Với chiến thắng cuộc thi Quý I, Việt Thành là học sinh thứ hai đến từ trường THPT Sóc Sơn góp mặt trong trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia, sau Hà Việt Hoàng năm 2017.
Trước khi đến với Olympia, Nguyễn Việt Thành từng nhiều lần giành ngôi vị quán quân cuộc thi Olympia Sóc Sơn. Nam sinh còn là một trong những người được vinh danh "Gương mặt trẻ tiêu biểu" huyện Sóc Sơn lần thứ XIII năm 2022 và "Học sinh 3 tốt" cấp thành phố năm học 2021 – 2022.
Khi nhận được giấy mời ghi hình của Đường lên đỉnh Olympia vào tháng 11/2022, Việt Thành vỡ òa vì vui sướng. Tuy nhiên, nam sinh chỉ còn 4 ngày để chuẩn bị, trong khi lịch thi đấu Tuần, Tháng, Quý diễn ra khá sát. Với Việt Thành, Đường lên đỉnh Olympia là kỉ niệm đẹp trong quãng thời gian học cấp 3.
Trong đánh giá của bạn bè và thầy cô, Việt Thành là người rất quyết tâm và tự tin dám thử sức ở nhiều bộ môn khác nhau. Ngoài ra, nam sinh còn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào, là một chàng trai khiêm tốn, chu đáo và giản dị được thầy cô và bạn bè vô cùng yêu mến, tự hào.
Việt Thành chia sẻ thần tượng của mình tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia là Hà Việt Hoàng, cựu học sinh THPT Sóc Sơn, từng vào chung kết Olympia năm 2017; Phan Đăng Nhật Minh và Nguyễn Hoàng Khánh, hai quán quân năm 2017 và 2021. Nam sinh nói học hỏi lối chơi điềm tĩnh, kiến thức đa dạng của các đàn anh.
Thành cũng chia sẻ thêm, động lực lớn nhất khi tham gia thi đấu chính là gia đình. Ngoài việc học và đấu tập Olympia, thời gian rảnh, Việt Thành sẽ đá bóng, lập trình robot.
Là thí sinh đầu tiên giành vé vào Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2023, Việt Thành có nhiều thời gian để chuẩn bị cho trận đấu quan trọng cuối cùng. Tuy nhiên, nam sinh cho rằng có nhiều thời gian hơn 3 đối thủ còn lại chưa chắc là lợi thế, mà cơ hội vô địch chia đều cho cả bốn thí sinh.
Sau 7 năm, Thừa Thiên Huế một lần nữa có cầu truyền hình Chung kết Đường lên đỉnh Olympia với chiến thắng của Nguyễn Minh Triết ở cuộc thi Quý II. Dù không quá áp lực nhưng đến với trận thi đấu cuối cùng, Minh Triết khẳng định: “Đương nhiên em luôn đặt mục tiêu cao nhất và sẽ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu đó”.
So với các thí sinh còn lại, Minh Triết cảm thấy may mắn vì có khá nhiều thời gian từ cuộc thi Quý II đến trận Chung kết năm. Em tập trung ôn tập lại kiến thức cũ và tìm kiếm thêm những thông tin, kiến thức mới từ sách vở cũng như từ thực tiễn. Tuy vậy, hơn 6 tháng đó cũng mang đến bất lợi cho nhà leo núi này. “Lửa, nhiệt huyết, cảm hứng của em không được như hồi em vừa mới thi Quý xong. Để khắc phục, em đã cố gắng theo dõi chương trình một cách sát sao nhất để tìm lại 'nhiệt' cho mình” - Minh Triết bộc bạch.
Chàng trai Thừa Thiên Huế tự nhận không có kỹ năng gì quá nổi trội nên sẽ cố gắng hết sức qua từng phần thi. Bên cạnh việc học, Minh Triết thích xem chương trình về văn hóa giải trí, thể thao như bóng đá, âm nhạc hơn các mảng khác. Tuy nhiên nam sinh không coi đó là lĩnh vực điểm mạnh của mình: “Đã tham gia sân chơi Olympia thì cần có kiến thức tổng hợp và em cũng đang trau dồi”.
Nam sinh trường THPT chuyên Quốc học Huế luôn có thầy cô và các bạn hỗ trợ thêm em về mặt kiến thức cũng như sự khích lệ trong hành trình chinh phục đỉnh Olympia. “Bên cạnh động viên tinh thần, bố mẹ cũng chăm sóc cho em về thể chất, nhưng sau cuộc thi Quý đến nay, em lại sút cân (cười)” - Minh Triết chia sẻ. Nam sinh cũng tiết lộ bản thân là là một người sợ sự kỳ vọng của mọi người: “Em mong muốn sự kỳ vọng ở một mức độ nhất định để em không bị áp lực”.
Ngoài những giờ học tập, Minh Triết còn giải trí bằng cờ vua. Em từng giành Huy chương Bạc đồng đội giải cờ vua trẻ toàn quốc, nhưng hiện tại, em chơi cờ vua để giải trí.
Trước Minh Triết, Thừa Thiên Huế nói chung và trường THPT chuyên Quốc học Huế nói riêng đã có những thí sinh vào Chung kết Olympia cũng như giành Quán quân. Minh Triết học được sự thi đấu bình tĩnh, vững chắc và hy vọng sẽ tiếp bước đàn anh để đạt kết quả tốt nhất.
Sau 12 năm, Thanh Hóa có học sinh góp mặt trong trận Chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Đây cũng là lần đầu trường THPT Hàm Rồng có học sinh tham gia sân chơi này lọt tới trận đấu quan trọng nhất.
“Cảm xúc vỡ oà khi giành được tấm vé vào Chung kết, em đã bật khóc. Em không thể tin rằng mình có thể đem cầu truyền hình trực tiếp Đường lên đỉnh Olympia về với Thanh Hóa” – Lê Xuân Mạnh chia sẻ - “Trường em chưa từng có điểm cầu Chung kết nên niềm vui từ phía bạn bè, gia đình và nhà trường không có gì có thể diễn tả được. Sau thi Quý, rất nhiều bạn bè từ mọi nơi trong tỉnh cũng như ở trường gửi đến em lời chúc mừng”.
Lê Xuân Mạnh cho biết, Đường lên đỉnh Olympia là đam mê từ khi còn nhỏ. Nam sinh luôn muốn được trở thành một phần của cuộc thi nên đã đăng kí tham gia. Đến năm học lớp 10, sau khi thử sức tại sân chơi “Âm vang xứ Thanh”, Xuân Mạnh gửi bản đăng ký. Ba tháng hồi hộp đợi phản hồi từ Ban tổ chức, Xuân Mạnh vui mừng nhận được thông báo dự cuộc thi Tuần. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà leo núi này vẫn đang giữ kỷ lục về tổng điểm cao nhất trong một trận đấu ở Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23, với 345 điểm.
Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Lê Xuân Mạnh cho hay em chủ yếu nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, học trên lớp, chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài. Ngoài ra, em còn dành thời gian lên mạng để mở rộng vốn kiến thức, đọc thêm sách, tài liệu, xem các chương trình thời sự trên tivi để cập nhật những thông tin mới.
Môn sở trường của Xuân Mạnh là môn Hóa học và Sinh học, đó là những môn em theo học khá sâu ở trên lớp. Trong khi đó, môn học khiến nhà leo núi lo lắng nhất ở trận Chung kết sắp tới là tiếng Anh. “Vì đây là môn em học cũng không quá tốt”, Mạnh nói.
“Với trận chung kết, em đang cố gắng trang bị cho bản thân thật chắc những mảng kiến thức còn thiếu và làm giàu thêm những phần kiến thức thế mạnh”, Xuân Mạnh cho biết.
Với phần thi Về đích bứt phá, Trọng Thành có chiến thắng thuyết phục tại Quý IV, giành tấm vé cuối cùng vào Chung kết năm. Kết quả này đưa trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng trở thành ngôi trường 2 năm liên tiếp có cầu truyền hình Olympia.
Trọng Thành cho rằng bất lợi lớn nhất ở thí sinh Quý IV là thời gian nghỉ ngơi cũng như chuẩn bị cho trận Chung kết năm không nhiều bằng các thí sinh khác. Tuy nhiên Thành lại khẳng định, điều đó có thể trở thành một lợi thế rất lớn nếu biết cách tận dụng tốt.
“Em tin rằng cảm giác trường quay, cảm giác với trận đấu của em có thể sẽ nhỉnh hơn so với các bạn đã thi rất lâu trước đó. Rõ ràng so với một người lâu rồi chưa thi đấu thì một người vừa mới thi cách đây hơn 1 tháng sẽ có tinh thần cũng như độ “nóng máy” hơn hẳn. Em tin rằng trong trận đấu sắp tới nếu em tận dụng được tốt điều này, cơ hội sẽ mở ra rất lớn” - Trọng Thành chia sẻ.
Nam sinh Hải Phòng không đặt mục tiêu gì cho trận đấu Chung kết này, bởi lẽ điều đó chỉ làm em thêm áp lực: “Em đến đây với tinh thần thoải mái nhất, chơi hết mình sao cho bản thân không phải hối tiếc gì cả là đã thành công rồi”.
Là thí sinh giúp trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng 2 năm liên tiếp giành cầu truyền hình Chung kết Olympia (năm 2022 là Vũ Bùi Đình Tùng), Trọng Thành khẳng định đó là niềm tự hào rất lớn cho chính bản thân em, bởi em đã tạo nên một lịch sử mà không nhiều ngôi trường hay địa phương nào có thể làm được. “Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để em làm được những gì còn dang dở trong năm trước đó, nếu năm nay em thể hiện tốt thì mọi nỗi buồn hay thất vọng của năm cũ sẽ được xóa đi và sự hứng khởi với Olympia sẽ trở lại với ngôi trường và mảnh đất quê hương em” - nam sinh bộc bạch.
Trọng Thành luôn nhận được sự khích lệ, động viên từ thầy cô, gia đình - những người không đặt quá nhiều áp lực lên vai em, bởi ai cũng hiểu một cuộc chơi còn có sự may mắn và độ rủi ro. Bên cạnh đó, tập thể 12 Anh 1 trường THPT chuyên Trần Phú luôn là những người đầu tiên lắng nghe những tâm tư cũng như đưa ra những lời khuyên và giúp đỡ kịp thời để Trọng Thành có thể tự tin nhất trên chặng đường chinh phục đỉnh Olympia của mình.
Đinh Hương - Thanh Huyền
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!