Trong năm qua, theo báo cáo, xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản đã mang về cho Việt Nam hơn 53 tỷ USD với 6 mặt hàng đạt hơn 3 tỷ USD. Qua những con số này, chúng ta có thể hoàn toàn nhìn thấy vị thế của nông nghiệp Việt Nam từ ngành hàng lúa gạo.
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt con số kỷ lục - hơn 8 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Giá gạo Việt ở nhiều thời điểm cũng cao nhất thế giới.
Với những thành tựu đạt được trong năm 2023 được kể ở trên, một câu hỏi được đặt ra, đó là: Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ nông nghiệp thế giới? Và vị thế mà chúng ta đang có hiện nay ấy, bao nhiêu phần trăm đến từ sức mạnh nội lực và bao nhiêu phần trăm đến từ yếu tố khách quan? Và làm gì để khẳng định được vị thế của nông nghiệp Việt Nam?
Và câu hỏi ấy đã phần nào có được câu trả lời qua chương trình "Con đường nông sản 2023 - Vị thế nông sản Việt" được phát sóng vào tối qua, mùng 3 Tết (12/2). Chương trình đã cho chúng ta được thấy nền nông nghiệp trong năm 2023 diễn ra như thế nào - ở cả thế giới và Việt Nam. Để từ đó, giúp chúng ta hiểu hơn, quý trọng hơn những gì nông nghiệp Việt Nam đã đạt được khi trở thành một trong số những nước hiếm hoi có được lợi thế sản xuất lúa gạo.
Những bông lúa mì bị teo lại do nắng nóng, hạn hán... (Ảnh chương trình cung cấp)
Câu chuyện từ Ấn Độ...
Nông dân ở đâu cũng vậy, luôn có thói quen chờ đợi một năm mưa thuận gió hoà thì mới có được mùa màng tươi tốt. Nhưng mưa thuận gió hoà lại đang là một thực tế ngày càng hiếm hoi tại những nền nông nghiệp như Ấn Độ.
Biến đổi khí hậu đang như một liều thuốc độc, dần dần phát tác vậy...
"Biến đổi khí hậu đang như một liều thuốc độc, dần dần phát tác" - TS Arashdeep Sign ở thành phố Karnal, bang Haryana, Ấn Độ, nói về sự ảnh hưởng của thời tiết trong năm qua đến nông nghiệp nước này - "Như năm 2022, thời tiết bất thường vào khoảng tháng 2, tháng 3 nhiệt độ lên tới trên 30 độ. Nó khiến hạt lúa mì teo lại".
Nếu như nhiệt độ tăng khiến hạt lúa mì teo lại, thì hạn hán thì lại khiến tình hình lúa gạo ở Ấn Độ điêu đứng. Biến đổi khí hậu, nhiệt độ gia tăng khiến người dân ở nước này phải tăng lượng nước tưới và kết quả là những hồ nước cạn khô tới mức hồ nước giờ đã biến thành sân bóng cho trẻ chơi...
Sau năm 2022 thời tiết thất thường thì ở năm tiếp theo, 2023, lại đánh dấu là một năm nóng ấm kỷ lục ở Ấn Độ. Nhưng bước sang tháng đầu năm 2024, nơi này lại phải gánh chịu những đợt rét cắt da cắt thịt... Thời tiết thất thường là mối đe doạ gần như thường trực với những người nông dân Ấn Độ. Theo báo cáo, gần 70% số vùng canh tác ở Ấn Độ lại không có nguồn nước tưới từ sông ngòi mà chỉ hoàn toàn chờ đợi vào những cơn mưa.
Những ruộng lúa khô hạn ở Ấn Độ. (Ảnh chương trình cung cấp)
"Những gì Ấn Độ phải chứng kiến trong 2 năm qua là mùa mưa thường đến chậm và khi mưa đến thì lại quá nhiều, gây ra lụt lội" - ông Akshit Sangomla thuộc Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ chia sẻ - "Nhưng sau đó lại khô hạn kéo dài. Những hình thái thời tiết bất thường ấy diễn ra trên khắp cả nước đã buộc chính phủ phải cấm xuất khẩu gạo, lúa mì thời gian qua".
Thực tế đang đòi hỏi những sự thay đổi căn bản trong tư duy làm nông nghiệpdẫu rằng đó hẳn cũng là một điều không hề dễ dàng khi làm nông theo kinh nghiệm đã là thói quen ngàn đời nay của các nông dân.
Những cánh đồng lúa chĩu bông ở Đồng bằng Sông Cửu Long. (Ảnh chương trình cung cấp)
Cũng cùng chung tác động của Elnino nhưng trong năm qua, Việt Nam lại có kết quả khác về nông nghiệp so với Ấn Độ. Điều đó có thể thấy rõ qua những cánh đồng lúa chĩu bông ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Người nông dân ở đây vẫn đảm bảo 3 vụ lúa một năm với năng suất 7 tấn/1 ha, vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
53 tỷ USD, 8 triệu tấn gạo...
Trong năm qua, theo báo cáo, xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản đã mang về cho Việt Nam hơn 53 tỷ USD với 6 mặt hàng đạt hơn 3 tỷ USD. Qua những con số này, chúng ta có thể hoàn toàn nhìn thấy vị thế của nông nghiệp Việt Nam từ ngành hàng lúa gạo.
Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt con số kỷ lục - hơn 8 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Giá gạo Việt ở nhiều thời điểm cũng cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và khó lường thì ở đâu đó trên thế giới, để có được bữa cơm ăn hàng ngày đã không còn là chuyện đương nhiên. Hạt gạo đã được đặt lên bàn nghị sự của nhiều quốc gia, an ninh lương thực trở thành vấn đề mang tính cấp bách.
Với gần 4 triệu ha canh tác lúa, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho gần 100 triệu dân mà câu chuyện về lúa gạo trong năm vừa qua còn cho thấy hạt gạo Việt đang nắm giữ vai trò quan trọng cho dạ dày của thế giới.
Vựa lúa gạo lớn nhất Việt Nam - Đồng bằng Sông Cửu Long - mặc dù chỉ chiếm 12% diện tích nhưng đang cung cấp 40% sản lượng lương thực cả nước và toàn bộ lượng gạo xuất khẩu. Ở bất cứ thời điểm nào, nông dân cũng có lúa thu hoạch.
Lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã đóng góp đến 20 - 25 % thị trường gạo quốc tế nhờ ưu thế sản xuất theo đơn đặt hàng gắn với tiêu chuẩn chất lượng.
Năm 2023 đã là năm thắng lợi lớn của người trồng lúa bởi cơ hội bán giá cao.
Ông Đặng Thái Hiện - Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc Phát, Trí Tôn, An Giang -cho biết: "Lợi nhuận của bà con tăng lên được 2 triệu đồng trên 1 ha. Bình quân một hộ, một vụ thu tầm từ 50 - 100 triệu đồng".
Trong khi đó, một vùng đất khác của Việt Nam được đánh giá là có lợi thế lớn với diện tích 1,5 triệu ha. Đó là vùng đất tiếp giáp với Campuchia, gồm phía Bắc của Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đây là nơi không bao giờ thiếu nước ngọt, nước mặn lại không thể xâm nhập. Một năm có thể duy trì 3 vụ lúa, tạo ra lượng gạo khổng lồ.
Theo GS Võ Tòng Xuân - người đã theo đuổi việc nghiên cứu lúa gạo từ năm 1971 - thì hiếm có quốc gia nào tỷ lệ diện tích lúa có tưới cao như ở Việt Nam, lên tới 85%. Trong khi các nước chỉ ở mức 10 - 50%.
"Khi dòng sông Cửu Long đi từ độ cao 4000 - 5000m và đi xuống tới mình là độ cao bằng mặt biển, thì mặt nước khi về tới Việt Nam mình là gần bằng mặt ruộng rồi nên mình lấy nước rất dễ, đất thì rất tốt" - GS Võ Tòng Xuân nói - "Biến đổi khí hậu, Elnino, làm trầm trọng hơn thời tiết xấu của Ấn Độ nhưng mình có thể làm 4 vụ".
Có được vị trí nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo còn là kết quả của một quá trình nghiên cứu hàng chục năm. Các nhà khoa học Việt Nam đã mày mò nghiên cứu từ ngân hàng gen với hơn 4000 giống lúa để lai tạo ra những giống năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh và thời gian sinh trưởng ngắn - chỉ từ 90 đến 105 ngày.
Hiện những giống lúa thơm chủ lực, gạo trắng hạt dài phục vụ xuất khẩu không chỉ ngắn ngày mà còn đạt năng suất từ 7 - 8 tấn/ha. Việt Nam đã là 1 trong 3 quốc gia trên thế giới nghiên cứu được giống lúa 1 bông có từ 600 đến 1000 hạt.
Và để biết thêm về hành trình của hạt gạo Việt Nam cũng như những điều nông sản Việt đã và đang khẳng định trê bản đồ nông nghiệp thế giới, bạn hãy xem tiếp video dưới đây - chương trình "Con đường nông sản 2023 - Vị thế nông nghiệp Việt":
Con đường nông sản: Vị thế nông sản Việt
Người thực hiện: Tiêu Trang Ngọc Bảo
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!