VTV.vn - Bộ phim tài liệu thứ 2 - "Ngày con chào đời" của đạo điễn Tạ Quỳnh Tư sẽ không còn quá nhiều hình ảnh ám ảnh như "Ranh giới" nhưng cũng đủ để khán giả đau đáu và suy ngẫm.

Sau 2 tuần kể từ khi phim tài liệu VTV Đặc biệt "Ranh giới" được phát sóng, tôi tiếp tục có dịp trò chuyện với đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trước ngày bộ phim tài liệu thứ hai của anh - "Ngày con chào đời" sẽ lên sóng vào 20h10 ngày hôm nay (22/9) trên kênh VTV1. Thực hiện hai bộ phim liên tiếp chỉ trong vòng một tháng, ở lần phỏng vấn này, tôi có cảm giác đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã thấm mệt. Bộ phim thứ hai thậm chí vẫn còn dang dở cho đến khi cách thời điểm lên sóng chỉ đúng một ngày.

Vị đạo diễn từng chia sẻ anh mất ngủ nhiều đêm kể từ ngày trở về sau chuyến tác nghiệp ở tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện hậu kỳ cho "Ranh giới" và giờ là "Ngày con chào đời" khiến anh khó có thể ngủ ngon vì những gì được chứng kiến ám ảnh trong cả giấc mơ. Rồi sau khi "Ranh giới" phát sóng, anh đón nhận không ít những ý kiến trái chiều, có những lời khen, khích lệ và có cả những lời phán xét dành cho mình. Bỗng chốc, vị đạo diễn và bộ phim của anh trở thành tâm điểm chú ý của cả truyền thông và dư luận chỉ ngay sau một đêm. Họ nói về anh và về bộ phim với đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên anh đối diện với chuyện đó. Cũng giống như nhiều bộ phim tài liệu trước đây từng bị đem ra soi xét thì với việc người khác nói gì về bộ phim của mình, anh đã không còn để tâm quá nhiều. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đón nhận mọi thứ với tâm thế thoải mái và tinh thần vô cùng bình thản. Đối với anh, điều quan trọng nằm ở yếu tố khác.

Trong cuộc phỏng vấn này, tôi không hỏi anh quá nhiều đến bộ phim thứ hai – "Ngày con chào đời" bởi có lẽ sau khi "Ranh giới" và nhiều bộ phim khác trước đó được phát sóng, khán giả yêu mến đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã phần nào biết được bộ phim tiếp theo đang chờ đợi họ sẽ ra sao. Điều tôi muốn hỏi anh nhiều hơn đó là những gì anh đang theo đuổi – công việc của một đạo diễn phim tài liệu. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ về quan điểm, nguyên tắc riêng trong công việc của anh và xác  định mục đích cuối cùng mà anh mong đạt được sau mỗi bộ phim. Bản thân anh cũng thừa nhận trong chính công việc mình đang làm có những ranh giới vô cùng mong manh.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư – VTV Đặc biệt Ngày con chào đời: Để thấy tình mẫu tử thiêng liêng và trân quý đến nhường nào - Ảnh 2.

Việc PTL "Ranh giới" gây bão trên mạng xã hội và truyền thông khiến tôi nhớ đến lần PTL "Hai đứa trẻ" hay "Đường về" cũng từng nhận được ý kiến phản hồi trái chiều. Tâm trạng của anh đón nhận chuyện này có khác nhiều so với những thời điểm trước đó?

- Tâm trạng chung thì giống nhau thôi, trước khi làm tôi cũng xác định luôn và cũng biết là sẽ có ý kiến trái chiều ở phần nào của phim. Với "Hai đứa trẻ", tôi từng bị chỉ trích ở góc độ lấy nỗi đau của các em để đưa lên phim. Còn ở phim "Đường về", dư luận trái chiều không liên quan đến yếu tố nhân vật mà liên quan đến chi tiết về tâm linh, văn hoá. Tôi cũng cảm thấy bình thường, không có gì quá nặng nề bởi trước khi làm phim tôi cũng đã xác định rõ quan điểm làm nghề của mình.

Với phim "Ranh giới" lần này thì có khác chăng là nhân vật mình quay là những bệnh nhân đang mắc bệnh, có thể không vượt qua được cơn bạo bệnh này. Điều khiến tôi suy nghĩ là phản hồi từ thân nhân, gia đình hoặc những nhân vật liên quan đến bệnh nhân. Tôi chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho điều đó và việc đấy thì cũng đã xảy ra.

Anh nghĩ sao khi có ý kiến nói phim của anh "thiếu tính nhân bản"?

- Tất nhiên là tôi cũng có tìm hiểu và qua bạn bè, đồng nghiệp thì tôi biết đó cũng chỉ là ý kiến thiểu số. Có ý kiến nói là phim thiếu tính nhân bản, có ý kiến bảo tôi cường điệu hoá sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, có ý kiến nói tôi dàn dựng và gần đây tôi còn nhận được thông tin cho rằng tôi vào làm phim là bởi bệnh viện Hùng Vương thuê tôi truyền thông... Nhưng thôi tất cả những ý kiến đó thì tôi nghĩ họ có quan điểm, cách nói của họ, mình không đi đôi co với họ làm gì. Điều thứ 2 tôi không thể cấm họ được. 

Chỉ có đứng ở góc độ của người làm nghề thì tôi có suy nghĩ thế này, mình đã là phóng viên, mang trong mình vai trò, trách nhiệm của một người làm báo và khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền được lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam giao phó, thì tôi phải xác định nhiệm vụ trước tiên của mình là làm sao tuyên truyền thật hiệu quả. Tất nhiên là mình vẫn phải có cái nhìn riêng và đặc biệt là quan điểm trong tác phẩm của mình. Còn đã là quan điểm thì có nghĩa mình cũng phải chấp nhận người xem có quan điểm của người ta, đã là quan điểm thì có đúng có sai, có ý kiến chủ quan và khách quan và tôi nghĩ những cái đấy hoàn toàn theo một cách tự nhiên.

Anh có nhắc đến quan điểm của người làm nghề?

- Tôi nghĩ quan điểm đấy rất quan trọng. Bởi thông tin, đề tài rồi nhiều chất liệu làm phim tôi thấy hiện hữu ở rất nhiều nơi, ai rồi cũng sẽ nhận ra. Bây giờ ở thời đại công nghệ này, mọi người chỉ cần một chiếc điện thoại thôi cũng quay được clip, đưa nhân vật này nhân vật khác lên mạng, rồi dễ dàng cung cấp thông tin cho người khác. Nhưng với người làm nghề như tôi thì đưa như thế nào, nhìn nhận ra làm sao, liều lượng như thế nào thì đó mới là cái quan trọng, vì chỉ có quan điểm thì ta mới truyền tải được một cách chân thực, đầy đủ và đáp ứng đúng nhiệm vụ chúng ta đang làm. Tất nhiên, quan điểm đấy phải đi đúng, tôn trọng sự thật chứ không làm quá lên, đặc biệt là không vi phạm đạo đức, pháp luật. Và tôi nghĩ trong quan điểm này thì mỗi tác giả cũng khác nhau, cũng có những nhìn nhận khác nhau.

Anh từng nói "có những nỗi đau phải đi đến tận cùng, có những chia sẻ phải phản ánh khách quan chân thực". Đây có phải là quan điểm trong cách làm phim của anh?

- Sau "Hai đứa trẻ" thì "Đường về" là một trong số những phim tôi nhận được nhiều ý kiến trái chiều tiếp theo, thậm chí là khá nặng nề. Có lần đồng nghiệp cho tôi đọc Facebook của một người, họ nói rất cay nghiệt, thậm chí dùng những từ ngữ rất khủng khiếp. Nhưng tôi đã nói ở trên, với người làm nghề, đặc biệt lại là nhà báo của Đài Truyền hình Việt Nam thì mình phải đáp ứng được tiêu chí truyền tải thông tin và tạo ra sức lan toả cho tác phẩm của mình, có sự tác động nhất định đến chế độ chính sách hay ý thức, suy nghĩ của người dân. Muốn thế thì tôi phải có cái nhìn riêng, phải thể hiện chính kiến và quan điểm của người làm nghề trong tác phẩm. 

Chính vì vậy, tôi nghĩ quan điểm của tôi vẫn không thay đổi. Tôi vẫn giữ trong các tác phẩm tiếp theo và kể cả sau này nữa bởi tôi nghĩ chỉ có quan điểm đúng đắn thì mình mới thực hiện được những sản phẩm có sức nặng, có mức độ tuyên truyền đúng. Tất nhiên quan điểm như tôi nói vẫn tuân thủ đạo đức, pháp luật, quy cách làm nghề. 

Như trong "Ranh giới", tôi phản ánh một sự thật trần trụi, một nỗi đau đến tận cùng nhưng tôi cũng phải tiết chế sao cho vừa đủ độ để gửi tới khán giả, để níu kéo khán giả ngồi lại màn hình xem hết chứ không cảm thấy sợ hãi, không cảm thấy ghê quá. Ở hai bộ phim lần này, tôi nghĩ quan điểm của tôi là muốn khán giả sau khi xem xong, sẽ ngẫm rồi sợ để tự biết lo cho sức khoẻ của mình và cho gia đình mình.  

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư – VTV Đặc biệt Ngày con chào đời: Để thấy tình mẫu tử thiêng liêng và trân quý đến nhường nào - Ảnh 3.

Các y bác sĩ hay có nhân vật nào trong phim liên lạc với anh sau khi phim lên sóng?

- Các y bác sĩ ở bệnh viện Hùng Vương không chỉ liên hệ với tôi sau khi lên sóng mà trước đấy tôi cũng gọi điện, liên lạc thường xuyên với mọi người. Trước khi bộ phim phát sóng, tôi cũng gửi cho mọi người xem qua để đóng góp ý kiến. Hiện tại, giữa chúng tôi không chỉ là mối quan hệ giữa đạo diễn phim và các nhân vật, câu chuyện cũng không chỉ xoay quanh phim "Ranh giới" nữa mà chúng tôi còn trao đổi thêm nhiều điều khác. Chúng tôi làm cầu nối để các nhà hảo tâm, mạnh thường quân có cơ hội giúp đỡ các sản phụ, em bé và các bệnh nhân bị nhiễm COVD-19 trong bệnh viện. Những gì làm được thì tôi nghĩ chúng ta nên làm. Tôi và các bác sĩ dần trở nên thân thiết hơn, cởi mở chia sẻ nhiều câu chuyện hơn sau khi bộ phim phát sóng.

Điều gì trong hàng nghìn phản hồi về bộ phim khiến anh và đồng nghiệp cảm thấy mình đã làm đúng, đi đúng hướng với bộ phim?

- Trong hàng nghìn phản hồi về bộ phim, không chỉ có những ý kiến động viên, khích lệ với những người làm nghề như chúng tôi mà đặc biệt hơn cả là tôi nhận thấy suy nghĩ của mọi người đã thay đổi, mong muốn chuyển tải thông điệp của bộ phim đến với khán giả của tôi cũng đã thành công. Rất nhiều ý kiến nói rằng nếu như bộ phim được phát sóng sớm hơn thì ý thức của người dân sẽ được nâng cao hơn, mọi người sẽ sợ hơn, chăm lo cho sức khoẻ của mình hơn và tuân thủ biện pháp phòng tránh dịch tốt hơn.

Trong đó, qua một người quen, tôi được biết trang Facebook của một bạn là em của thai phụ xuất hiện trong phim "Ranh giới". Bạn ấy đã gửi lời cảm ơn tới ê-kíp làm phim vì được thấy hình ảnh của chị sau hơn một tháng không được gặp. Bạn ấy đã nhận ra chị qua tiếng ho và thông tin từ vòng đeo tay. Từ đấy tôi và bạn có liên lạc với nhau và bạn có nhờ tôi gửi lại hình quay gốc để lưu giữ làm kỷ niệm. Đó là những điều khiến tôi thực sự xúc động.

Qua đó thì tôi nghĩ quan điểm làm nghề, quan điểm khi tôi quyết tâm không che mờ mặt của những nhân vật là đúng đắn. Trong phim "Ranh giới", mọi người cũng biết, nhân vật người cha khi đến bệnh viện đã không được nhìn thấy con lần cuối sau rất nhiều ngày chia cách. Kỷ vật duy nhất níu giữ trong ký ức của họ là những bức ảnh được các y bác sĩ, đội ngũ y tế chụp lại. Trước lúc phát sóng, chúng tôi cũng đã có hỏi ý kiến của đội ngũ y bác sĩ thì họ chia sẻ trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân kể từ khi có dịch, những hình ảnh đấy chính là những hình ảnh trân quý nhất để người nhà được nhìn thấy bệnh nhân lần cuối. Chính vì thế, với những nhân vật chúng tôi đưa lên phim, chúng tôi cũng đã nghĩ nếu như nhân vật của mình - những bệnh nhân không qua khỏi cơn bạo bệnh này thì phim sẽ là những hình ảnh cuối cùng còn lưu giữ lại, để người thân của họ nếu như có xem thì cũng sẽ có cơ hội nhìn thấy.

Bên cạnh yếu tố về cá nhân giữa người thân và các nhân vật thì điều giúp chúng tôi nghĩ mình đi đúng hướng, đó là giúp mọi người thấy được sức ảnh hưởng khủng khiếp và nặng nề của đại dịch này. Tôi nghĩ sức lan toả của bộ phim đã cho người xem và bản thân chúng tôi làm nghề cũng nhìn rõ được vấn đề rất lớn, đó là nhìn thấy sự khắc nghiệt thực sự của dịch bệnh COVID-19 là như thế nào để mọi người có ý thức phòng tránh và nhìn thấy sự hi sinh thực sự của đội ngũ y tế tuyến đầu xông pha nơi trận chiến với kẻ thù vô hình này. Điều đó đã tuyên truyền được đến với người xem.

Thông qua bộ phim, khán giả cảm nhận được nỗi đau và dành sự thương cảm cho các bệnh nhân không may mắc COVID-19, thấy được những gì họ phải đối mặt. Bên cạnh đó, người ta được nhìn nhận rõ nhất công việc, sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ y tế nơi tuyến đầu chống dịch. Họ đã lao động một cách quên mình, hi sinh không màng đến sự lây nhiễm, sức khoẻ của bản thân để cứu chữa, giành giật hơi thở, sự sống cho bệnh nhân mắc COVID-19. Điều đó mới là quan trọng.

Đối với một đạo diễn phim tài liệu, theo anh, "ranh giới" để phản ánh chân thực cuộc sống với việc xâm phạm quyền riêng tư của nhân vật là gì?

- Cá nhân tôi nghĩ ranh giới ở đây rất mong manh. Như bạn thấy ở trong phim "Ranh giới" này cũng thế thôi, với một động tác rất đơn giản tôi có thể xoá mờ hình ảnh của các nhân vật. Đó là kỹ thuật của máy móc và có thể làm trong 5-10 phút là xong nhưng khi tôi phản ánh chân thực thì sẽ thế nào? Đấy là ranh giới cực kỳ mong manh. Nhưng tại sao trong cái sự mong manh ấy, tôi vẫn quyết định không làm thì như tôi đã chia sẻ đã là quan điểm làm nghề thì phải biết được cái gì lớn hơn. Tôi đặt mình trong vai trò là một phóng viên, đạo diễn phim tài liệu thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và lúc đó, tôi phải vì cái lớn hơn là cộng đồng, vì lợi ích của xã hội và chúng ta phải xác định chúng ta lựa chọn vì cộng đồng.

Tôi cũng muốn gửi lời tri ân, cảm ơn sâu sắc tới các bệnh nhân và thân nhân, gia đình bệnh nhân, vì họ đã đóng góp một phần rất lớn cho công cuộc tuyên truyền phòng chống đại dịch lần này. Vì họ là những nhân chứng sống, là những nhân vật đang phải chịu tác động trực tiếp từ sự khắc nghiệt của dịch bệnh khủng khiếp. Nếu như không có họ thì sự tuyên truyền và sức ảnh hưởng của phim sẽ không có. Chính vì thế đó là lý do vì sao chúng tôi không che họ đi. Ranh giới giữa việc che hình và xâm phạm đời tư cũng quá mong manh. Đó là quan điểm của tôi và tôi cũng mong người xem hãy nhìn nhận ở góc độ các nhân vật hi sinh đời tư hay quyền riêng tư cá nhân để nghĩ vì cộng đồng, cho xã hội. 

Nếu ai cũng nghĩ đến quyền riêng tư mà quên đi lợi ích cộng đồng, tập thể, lợi ích chung của cả xã hội, của cả đất nước thì làm sao có những hình ảnh đoàn tình nguyện viên, đội ngũ y tế bác sĩ của các tỉnh nối đuôi nhau vào miền Nam chống dịch. Chỉ một ví dụ đấy thôi chúng ta cũng hiểu được tinh thần đoàn kết hướng đến xã hội, hướng đến bà con, đồng bào lớn hơn bao giờ hết. Tôi cũng nghĩ trong đại dịch này chúng ta nên hướng đến mục tiêu lớn hơn như vậy.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư – VTV Đặc biệt Ngày con chào đời: Để thấy tình mẫu tử thiêng liêng và trân quý đến nhường nào - Ảnh 4.

Thành công của phim tài liệu "Ranh giới" có tạo áp lực cho anh trong việc làm hậu kỳ bộ phim thứ 2 – "Ngày con chào đời"?

- Tất nhiên với mỗi một người làm nghề thành công của một bộ phim là nấc thang để đòi hỏi phải làm những phim sau đạt được hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, tôi cũng không quá nặng nề hay đặt áp lực vì nhân vô thập toàn, mong muốn của mình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Cũng có thời điểm như sau khi thực hiện xong "Hai đứa trẻ", tôi nghĩ mình chẳng bao giờ làm được bộ phim nào có thể vượt qua được "Hai đứa trẻ" nữa. Với cá nhân, tôi biết năng lực của mình và cũng bằng lòng với sản phẩm như thế. 

Sau đấy, tôi có thực hiện các tác phẩm khác và rút ra được bài học là mình không được nghĩ không vượt qua phim trước hay áp lực với phim sau. Tôi chỉ nghĩ với mỗi sản phẩm của mình thì mình cố gắng nhất có thể, tốt nhất trong khả năng, trong hoàn cảnh tác nghiệp. Sau những cái cố gắng hết sức ấy thì mình không ân hận với sản phẩm đã tạo ra. Tất nhiên bao giờ tôi cũng mong muốn làm được sản phẩm tốt hơn nhưng mục đích cuối cùng là sản phẩm đấy mình đáp ứng được đúng sự tuyên truyền của giai đoạn đấy, thời điểm đấy. Nên tôi nghĩ với bộ phim này có thể hay, có thể đạt được những hiệu quả lớn hơn nhưng cũng có khi chưa chắc vậy. 

Ví dụ, "Ranh giới" nếu như phát sau thời điểm đại dịch không còn căng thẳng thì chắc gì đã được đông đảo người xem đón nhận và ủng hộ như thế. Chính vì thế tôi nghĩ thành công của một sản phẩm ở thời điểm này chưa chắc đã là sản phẩm được ghi nhận nếu ở một thời điểm khác hoặc phát huy được vai trò, năng lực tuyên truyền hay giá trị của nó ở thời điểm khác. Chính vì thế, với suy nghĩ đó tôi không tạo áp lực cho mình, mà cố gắng đạt mục tiêu cuối cùng là làm hết sức mình có thể với mỗi một sản phẩm mà mình theo đuổi. Tôi nghĩ bộ phim đấy có thể hay hơn, kém hơn nhưng đáp ứng tốt cho nhiệm vụ tuyên truyền thì điều đấy là quan trọng nhất.

Liệu trong bộ phim thứ hai còn có hình ảnh gây ám ảnh và đau buồn, tác động mạnh mẽ đến người xem không, thưa anh?

Tôi không còn đặt ra áp lực phim sau phải hay hơn phim trước.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư

- Trong phim thứ 2 thì mọi thứ nhẹ nhàng hơn, nó được tiết chế, giảm đi nhưng đâu đó trong những câu chuyện mà chúng tôi đưa vào trong bộ phim thứ hai vẫn có những cái đau đáu nhất định để gửi tới người xem những suy ngẫm. Hình ảnh gây ấn tượng mạnh với người xem ở phim thứ hai thì ở góc độ khác và tôi nghĩ mỗi người xem sẽ có cảm nhận khác nhau nên cũng không thể nói chủ quan trước được. Nhưng tất nhiên ở góc độ cá nhân, là một người đàn ông và trực tiếp tác nghiệp, có mặt trong bệnh viện cùng với đội ngũ y bác sĩ, được chứng kiến những thai phụ sinh em bé trong mùa dịch này thì tôi mới thấy thương mẹ, thương vợ mình và thương những thân phận người phụ nữ mang nặng đẻ đau đã vất vả như thế nào.

Và trong phim này, cũng có chi tiết để lại cho người xem sự suy ngẫm. Ví dụ ở phim "Ranh giới" là những cuộc điện thoại kêu gọi nhân lực, vật lực để hỗ trợ cho khu K1 trong những hoàn cảnh cấp cứu, cứu chữa cho các thai phụ mắc COVID-19, là những cuộc điện thoại báo tin tình trạng bệnh nhân cho người nhà thì ở trong phim thứ hai cũng sẽ có những cuộc điện thoại ở cùng chiếc máy cố định đấy. Nhưng lần này là những cuộc điện thoại gọi gia đình đến đón bé và xót xa thay có thể là kèm theo lời chia buồn. Dù không thể nghe ở đầu dây bên kia nói gì nhưng có lẽ khán giả cũng sẽ cảm nhận được nỗi đau mà họ trải qua. Cá nhân tôi nghĩ mỗi người xem sẽ có cảm nhận riêng ở những chi tiết, hình ảnh, câu chuyện nhân vật mà chúng tôi đưa trong phim.

Ở bộ phim lần này như anh đã chia sẻ sẽ nói nhiều hơn đến các sản phụ và em bé. Trong hoàn cảnh bệnh tật với tâm trạng lo lắng, sợ hãi, anh tiếp cận họ như thế nào để họ đồng ý ghi hình và trải lòng với mình?

- Điểm đặc biệt ở bộ phim "Ngày con chào đời" là những thai phụ mà tôi gặp gỡ và tiếp xúc làm quen thì họ đều là mắc COVID-19 nhưng ở trạng thái nhẹ. Họ đều trò chuyện được và chưa phải thở Oxy. Chính vì thế câu chuyện khi tiếp xúc cũng dễ dàng hơn, được trao đổi qua lại và chúng tôi được nói chuyện nhiều hơn. Từ đấy, những nhân vật nào đồng ý ghi hình cũng dễ dàng hơn và tôi còn tìm về đến nhà bệnh nhân để quay họ sau khi sinh rồi ra viện như thế nào. Cũng có những thai phụ đồng ý cho chúng tôi quay ở viện nhưng xin địa chỉ về nhà để quay gia đình thì các bạn ấy ngại, lúc đó chúng tôi cũng sẽ thôi luôn. Rồi có những trường hợp chúng tôi nhận được sự đồng ý của ông bà cháu bé nhưng khi về nhà quay thì họ cũng chỉ cho mình quay một lúc vì sợ lây nhiễm sang cháu. Họ không đồng ý nữa thì mình cũng dừng lại. 

Những câu chuyện trong phim thứ 2 thì rõ ràng luôn chứ không xảy ra tình trạng sau khi khán giả xem xong rồi đặt câu hỏi những nhân vật có đồng ý quay không như ở phim "Ranh giới". Nếu như ở "Ranh giới" có người nói tôi dí máy quay sát vào bệnh nhân và họ phải chịu vì đang chiến đấu với bệnh tật, hay vì đi cùng bác sĩ thì người ta phải nghe mình, họ có cái cớ để bám vào nói thì phim này tôi nghĩ sẽ không có ý kiến nào về chuyện đấy cả.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư – VTV Đặc biệt Ngày con chào đời: Để thấy tình mẫu tử thiêng liêng và trân quý đến nhường nào - Ảnh 6.

Trong số các câu chuyện về sản phụ và em bé, có nhân vật nào để lại cho anh ấn tượng sâu sắc?

- Trong phim cũng không có nhiều nhân vật và tất nhiên mỗi nhân vật để lại ấn tượng nhất định trong tôi. Lần đầu tiên ở đấy tôi được chứng kiến cảnh người phụ nữ cố gắng sinh con và quyết tâm, sức lực của họ dồn hết lên đôi mắt. Nhìn ánh mắt họ lúc đó tôi cảm nhận được tận cùng sức lực, sự cố gắng của người mẹ muốn sinh con ra và đặc biệt hơn họ còn đang mắc COVID-19. Thực sự tôi thấy rất thương, từ đấy tôi cũng thương mẹ mình, vợ mình hơn. Có những người thai phụ không hề lo lắng cho mình mà chỉ lo cho đứa con sắp sinh, khi con ra đời họ cầu mong mẹ tròn con vuông. Họ khóc liên tục, là những giọt nước mắt của hạnh phúc nhưng cũng chứa đựng sự lo lắng cho con.

Có một nhân vật tôi ấn tượng hơn cả là thai phụ Phạm Thị Hồng Phương, bạn ấy mang song thai 32.5 tuần. Điều đặc biệt là Phương vào viện do tai nạn xe và nằm trong viện một tháng để dưỡng thai thì mắc COVID-19 lúc nào không hay. Bạn ấy nhận thông tin phải mổ bắt con ra sớm, rồi cùng lúc biết tin chồng cũng mắc COVID-19 mà không biết liên lạc như thế nào. Trong cuộc trò chuyện, Phương chỉ lo cho con vì sợ con sinh ra còn non quá, không biết hai con sẽ được mấy cân.. Phương cứ thế thất thần ngồi trong phòng, vẳng bên tai tiếng tiếng máy trợ thở, đo nhịp tim, tiếng bệnh nhân khác gọi bác sĩ cấp cứu khi SPO2 bị tụt, tiếng hét đau đẻ phòng bên cứ dồn đến bên tai bạn ấy... Tôi cảm giác Phương đã phải trải qua một quá trình đấu tranh tâm lý, diễn biến rất lớn. Đến lúc sinh con Phương rất kiên cường và mạnh mẽ. Trong cả quá trình ấy, Phương không hề khóc, cả khi được thông báo mẹ tròn con vuông, bạn ấy cũng rất bình thản. Sau một thời gian về phòng không được gặp con, khi nhìn ảnh con thông qua điện thoại thì Phương mới bật khóc. Tôi nghĩ người phụ nữ trẻ tuổi như thế mà trải qua quá trình diễn biến tâm lý như vậy thì rất đáng học tập. Khi được về nhà cách ly, nhìn con qua điện thoại thì Phương khóc, tận sâu trong lòng là nỗi nhớ con, lo cho hai con không biết sức khoẻ như thế nào. Tình mẫu tử lúc đó dâng trào, mới thấy thật thiêng liêng và trân quý đến độ nào.

Với "Ranh giới", anh khiến người xem cảm phục đội ngũ y bác sĩ và thấy sự khủng khiếp của COVID-19. Với "Ngày con chào đời", anh muốn truyền tải điều gì đến với người xem?

- Qua "Ngày con chào đời", tôi muốn truyền tải thông điệp dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, gian khó nhất thì những người mẹ, người vợ vẫn kiên cường mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh để sinh con. Bên cạnh đó, các cụ cũng có câu "Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình", người phụ nữ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày chỉ một mình chịu đựng. Trong thời điểm dịch bệnh, thai phụ vào viện cũng chỉ có một mình, người thân không có bên cạnh, lúc này đội ngũ y bác sĩ sẽ trở thành người thân duy nhất của họ, động viên đón đỡ các em bé. Chính vì thế mà ở trong hoàn cảnh đó, chúng ta thấy có sự gắn kết quý giá giữa những người lạ với nhau. 

Đặc biệt hơn cả là tôi muốn nói đến sức sống trong "Ngày con chào đời", là điều tôi muốn gửi gắm đến người xem nhất. Nói sức sống ở đây vì trong đại dịch khắc nghiệt này đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người nhưng bên cạnh đó sức sống vẫn luôn mạnh hơn và trỗi dậy. Càng trong sự khắc nghiệt thì sức sống ấy càng mạnh mẽ hơn và ý nghĩa hơn cả. Mỗi một tiếng khóc chào đời giống như bản tuyên ngôn trong thời khắc khắc nghiệt của COVID-19, tuyên ngôn của sự sống mới, tuyên ngôn về sức sống mới, sự mạnh mẽ kiên cường mới. 

Và sau này mỗi khi nhắc đến ngày con chào đời thì mỗi người con sinh ra trong đại dịch sẽ có những kỷ niệm không thể nào quên. Đó cũng là kỷ niệm lịch sử, kỷ niệm của các em bé sinh ra trong sự khắc nghiệt nhất. Có thể mẹ các em sau này có những người còn người mất nhưng tựu chung là các em đều phải biết ơn cuộc đời, biết ơn người mẹ, các y bác sĩ đã giúp các em được nhìn thấy ánh sáng và tương lai mới. 

Cuộc sống mới đang chờ các em ở phía trước và các em phải biết trân quý, ghi ơn sự nỗ lực của mẹ, đội ngũ y tế bác sĩ, của cả cộng đồng, đất nước đang chống dịch để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho các em.

Sẽ có những hình ảnh anh giữ lại và không phát sóng trong cả hai bộ phim. Đó là những gì phải chăng rất ám ảnh, thưa anh?

- Với mỗi một người làm nghề, đặc biệt với chúng tôi những người làm phim tài liệu, còn là phim tài liệu không lời bình thì lượng ghi hình vô cùng lớn. Chúng tôi phải bám sát hành động, câu chuyện của các nhân vật nên lượng ghi hình rất nhiều nhưng về dựng đưa lên phim sẽ là những cái chắt lọc nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải tính toán về thời lượng, bố cục nên kho dữ liệu còn lại của chúng tôi khá nhiều. Tất nhiên, trong kho dữ liệu cũng có nhiều cái thừa, cái không cần thiết nhưng bên cạnh đó có những tư liệu có thể nói cũng ám ảnh chúng tôi.

Ám ảnh có hai nghĩa, có những cái đau lòng, có những cái về sự day dứt. Cảnh em bé sinh ra nguy hiểm như thế nào, đón đỡ ra làm sao do thời lượng quy định và cũng vì văn hoá nên chúng tôi cân nhắc không đưa lên phim. 

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư – VTV Đặc biệt Ngày con chào đời: Để thấy tình mẫu tử thiêng liêng và trân quý đến nhường nào - Ảnh 7.

Sau khi hoàn thành bộ phim thứ 2 và chờ ngày phát sóng, tâm trạng anh đã bớt nặng nề? Anh nghĩ mình có cần một quãng nghỉ sau khi thực hiện 2 bộ phim lần này?

- Sau khi thực hiện xong hai bộ phim, tôi nghĩ cuối cùng mình đã hoàn thành được công việc, nhiệm vụ mà lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam và Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự giao phó. Tôi cũng thấy vui vì phim đã góp phần vào công cuộc tuyên truyền chống dịch lần này.

Tôi nghĩ mình cũng cần quãng nghỉ để tiếp tục thực hiện những sản phẩm tiếp theo. Nhưng nghề này như bạn biết, mình nghỉ nhưng không lúc nào là không nghĩ đến việc sẽ làm gì tiếp theo. Có khi, ngồi nhâm nhi cafe, tán gẫu với bạn đâu đó thì những đề tài về chi tiết, câu chuyện trong cuộc sống lại đưa mình đến với những kịch bản tiếp theo, sản phẩm tiếp theo. Chúng tôi cũng thường nói vui với nhau nghề này làm mà chơi, chơi mà làm. 

Trải qua những ngày tháng ở trong tâm dịch, chứng kiến tận mắt sinh tử cách nhau chỉ trong gang tấc. Sau khi trở lại cuộc sống bình thường mới, điều đầu tiên anh muốn làm là gì?

- Tôi nghĩ mình phải trân quý cuộc sống của mình hơn, sống chậm và dành thời gian quan tâm đến người thân và mọi người xung quanh. Nói thì thế thôi nhưng chắc làm không phải dễ đâu. Bản thân tôi khi ở vùng dịch về thì đi cách ly ngay, trong thời gian cách ly thì tận dụng làm hậu kỳ phim để kịp phát sóng trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp nên mọi sự quan tâm dành cho gia đình và người thân mình chỉ thông qua cuộc gọi điện thoại, không thực hiện bằng hành động cụ thể. 

Nói như thế để thấy đôi lúc có những suy nghĩ, mong muốn nhưng không phải muốn là làm được mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa. Cũng như mình muốn bộ phim này hay, đạt được điều này điều kia thì cũng khó, muốn là một việc, thực hiện được hay không là một điều khác. Sau khi trở về, tôi cũng đã thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận thực tế, cuộc sống.

Trở thành đạo diễn phim tài liệu, đâu là kim chỉ nam để anh theo đuổi, đam mê, và gắn bó với nghề?

- Trước tiên là phải có nhiệt huyết, nếu không có thì chắc chắn sẽ rất khó. Rồi khi làm phim thì nhất định phải tạo được mối quan hệ gần gũi, tình cảm gắn bó với nhân vật. Gần gũi với họ để tìm hiểu câu chuyện của họ, rồi mình phải đặt mình vào vị trí, người thân của nhân vật để hiểu sâu hơn câu chuyện đấy. Mình phải quăng mình vào cuộc sống, vào bối cảnh, vào câu chuyện mình đang muốn truyền tải để đưa vào phim.

Công việc này đem lại cho anh điều gì ý nghĩa nhất?

- Công việc mang lại cho tôi rất nhiều ý nghĩa, bởi nhờ đó mà tôi được đi nhiều nơi, từ đấy có cách nhìn nhận mới về cuộc sống đa dạng và tổng hợp hơn. Đi nhiều, làm nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi coi đó cũng là quyển sách cuộc đời mình đang được đọc. Quyển sách này sinh động, hấp dẫn vì tôi được gặp con người thật, câu chuyện thật, những nỗi đau, những gì diễn ra trong cuộc sống đời thực, tôi được nhìn, được đọc, được chắt lọc qua đấy rất nhiều. 

Với mỗi nhân vật sau khi thực hiện phim xong, dù có thể không giúp được nhân vật thì tôi nghĩ sẽ giúp nhiều người tránh khỏi nỗi đau đấy hoặc những nhân vật đấy cho tôi nhìn nhận lại cuộc sống đang có. Họ cũng dạy cho mình rất nhiều điều, rút ra được bài học từ câu chuyện mình theo đuổi. Những kiến thức học trong quá trình tác nghiệp cũng cực kỳ bổ ích. 

Trước khi bắt đầu tôi cũng đã từng rất mông lung, đi mò tìm từng bước thì sau khi làm xong mỗi một sản phẩm, tôi cảm giác học hỏi và hiểu biết hơn rất nhiều từ các sản phẩm đấy. Đó là điều tôi thấy quý giá nhất khi làm nghề, đặc biệt là nghề phóng viên, đạo diễn được đi đây đi đó học nhiều điều trong cuộc sống, được biết rất nhiều con người với những câu chuyện đắng cay vui buồn từ họ.

Anh có đặt ra nguyên tắc cho mình khi trở thành đạo diễn phim tài liệu?

- Quan điểm, nguyên tắc của tôi là tôn trọng sự thật, đưa chính kiến, cái tôi của mình vào nhưng tất nhiên không được bảo thủ, cố chấp, phải biết lắng nghe vì chỉ có lắng nghe góp ý của đồng nghiệp, lãnh đạo thì tôi mới có cái nhìn thấu đáo hơn, chứ một mình không thể biết tất được. Mọi lắng nghe cũng là sự tham khảo, tích luỹ để học hỏi để từ đấy thực hiện sản phẩm của mình được tốt hơn.

Điểm đặc biệt quan trọng, nguyên tắc bất di bất dịch của tôi là phải có quan điểm, chính kiến nhìn nhận ở góc độ người làm nghề, dựa trên nguyên tắc, trọng trách vai trò mà mình được giao để mục đích cuối cùng là tôn trọng sự thật, truyền tải thông tin có tác động tích cực đến người xem, xác định trọng trách, công việc đang làm là phục vụ cái gì và tất nhiên mình không thể vi phạm đạo đức người làm nghề. 

Điều anh muốn nói với khán giả sau khi cả hai bộ phim đã phát sóng?

- Sau khi vào trong tâm dịch và được trực tiếp vào tận nơi khắc nghiệt, chứng kiến sự tàn khốc của COVID-19 đang đe doạ sinh mạng của mọi người, thì tôi muốn thông qua hai bộ phim, gửi gắm người xem hãy biết trân quý cuộc sống mình đang có, hãy sống bao dung và thương yêu mọi người hơn. Chỉ có tình yêu thương, đoàn kết, quan tâm, thì mới có sức mạnh vượt qua rào cản, ranh giới hà khắc của thiên nhiên, địch hoạ. 

Và những lúc như thế thì sự sống nảy sinh từ chính sự gian khổ, mất mát đó. Chúng ta cần có tinh thần, sức mạnh và đoàn kết. Sự mạnh mẽ, tử tế xuất hiện ở đâu thì cũng sẽ chiến thắng tất cả. 

Tôi nghĩ hai bộ phim sẽ còn khích lệ tinh thần của mỗi người, không chỉ là sự đoàn kết, yêu thương nhau nữa mà nó còn là ý thức, ý chí phải vượt qua khó khăn dù ở nơi sự sống cái chết rất mong manh. Có tình người thì sẽ vượt lên trên tất cả. Tình người sẽ san phẳng ranh giới ấy và đưa con người ta đến gần với nhau hơn.

Cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn!

Chu Anh
9/2021

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước