***

hi chương trình Điều ước thứ 7 - Hai đứa trẻ lên sóng, câu chuyện đã chạm đến trái tim của biết bao khán giả. Nhiều người chia sẻ đã khóc hết nước mắt với tình cảnh đáng thương của hai anh em Thành Công - Công Minh khi mất cả bố lẫn mẹ sau vụ cháy kinh hoàng ngày 17/9/2018 tại một dãy nhà trọ trên đường Đê La Thành, Hà Nội.

Anh Tính, chị Lành (bố mẹ hai em Tạ Thành Công và Tạ Công Minh - PV) ra đi đột ngột, để lại hai con thơ dại. Cậu con trai đầu Tạ Thành Công 14 tuổi, con út Tạ Công Minh khi ấy mới vừa tròn 2 tháng tuổi, phải nằm trường kỳ trong bệnh viện vì bị viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết sau khi sinh non.

Sau khi bố mẹ mất, Công ngày đêm mong ngóng sớm được gặp em trai, được đón em về nhà để hàng ngày chăm sóc, có anh có em, máu mủ ruột rà. Bởi từ đây, khi không còn cha mẹ, hai anh em phải tự nương tựa vào nhau để sống. Công muốn thay cha mẹ che chở, đùm bọc cho em. Ước nguyện đơn sơ của em khiến những người thực hiện chương trình Điều ước thứ 7 không kìm được xúc động để rồi hiện thức hóa ước nguyện đó cho cậu bé 14 tuổi.

Cuộc gặp diễn ra ngắn ngủi nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Em trai Tạ Công Minh vừa nhìn thấy anh đã bật khóc nức nở nhưng sau đó lại nở những nụ cười hiếm hoi rồi nắm chặt tay anh trai mình. Bác sĩ bảo trong suốt quá trình nằm viện, không mấy khi thấy em cười.

Cậu bé Tôm 4 tuổi đã may mắn được gặp các cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam mà bé thường gọi là “siêu nhân” - Quang Hải, Đức Chinh, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng. Cuộc gặp này còn trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết khi Tôm được trò chuyện với các “siêu nhân” trước lúc họ bước vào trận Chung kết AFF Cup lịch sử gặp đội tuyển Malaysia trên sân vận động Mỹ Đình.

Tôm là một cậu bé rất mê bóng đá. Ngay từ khi 6 - 7 tháng tuổi, dù chưa biết đứng nhưng em rất thích chơi với bóng, đặc biệt là thích dùng tay lăn bóng qua lại với mẹ. Khi bắt đầu biết đi, những bước đi đầu tiên của Tôm cũng đá theo trái bóng. Nhưng dần dần, những bước đi của Tôm không còn vững, bố mẹ đưa Tôm đi khám mới biết con mình đã bị u não.

Đó là cú sốc lớn với gia đình Tôm và thật khó khăn để đưa ra quyết định để Tôm phẫu thuật khi tỷ lệ thành công là 50%. Sau cuộc phẫu thuật, Tôm bắt đầu tiến hành 16 cuộc điều trị hóa chất vô cùng đau đớn. Nhưng khi hồi sức là Tôm lấy bóng ra đá. Dường như niềm đam mê với bóng đá khiến Tôm vui vẻ hơn, có thêm nghị lực để quên đi đau đớn của bệnh tật.

Tôm luôn háo hức mỗi lần được xem bóng đá cùng bố mẹ. Cậu bé có thể kể tên các cầu thủ đội tuyển Việt Nam và luôn mong muốn được gặp, ra sân cổ vũ cho các “siêu nhân” trong lòng mình. Biết được hoàn cảnh của Tôm cũng như ước mơ giảnn dị ấy, ê-kíp Điều ước thứ 7 đã sắp xếp một cuộc gặp bất ngờ dành cho Tôm. Trước trận Chung kết AFF Cup 2018, Tôm đã được gặp các cầu thủ mà mình rất hâm mộ.

Tuy cuộc gặp diễn ra khá nhanh chóng nhưng Tôm đã được chơi bóng, được trò chuyện và chia sẻ ước mơ của mình với các cầu thủ. Dù còn nhỏ tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng câu chuyện, nụ cười và sự lạc quan của Tôm đủ khiến nhiều người xúc động.

tuổi, Hồng là nữ vận động viên karate với những thành tích dày đặc của các cuộc thi cấp TP Hà Nội thì bất ngờ bị một chiếc xe tải cán qua người. Chiếc xe ô tô chở cát đi ngược chiều đâm vào Hồng khiến em bị gãy quai hàm, rụng 10 chiếc răng và tê liệt từ vai trở xuống. Vụ tai nạn kinh hoàng khiến Hồng chỉ có thể nói được, tứ chi không thể cử động. May mắn thoát chết nhưng cuộc sống của Hồng cũng từ đó chìm vào bóng tối.

Đối mặt với biến cố quá lớn trong cuộc đời, Hồng đã từng 3 lần đòi tự tử nhưng nhìn thấy những giọt nước mắt của cha mẹ, Hồng bình tĩnh trở lại, quyết tâm vượt lên số phận. Trong khoảng thời gian khó khăn nhất, Hồng thu mình lại, cắt đứt liên lạc với bạn bè, thầy cô. Cuộc sống của Hồng chỉ có bố mẹ. Hồng cũng tự giam mình trong 4 bức tường.

“Sau nhiều năm trôi qua, tôi rất mong ước được một lần được quay về lớp học karate ngày xưa, được gặp các bạn, các thầy cô đã từng dìu dắt tôi” - Hồng tâm sự về mong ước giản dị của mình.

Trước mong muốn rất đỗi bình dị của Hồng, chương trình Điều ước thứ 7 đã sắp xếp một cuộc gặp bất ngờ tại phòng tập quen thuộc của đội tuyển karate TP Hà Nội. Hồng đã được gặp lại những thầy cô, những người bạn mà trước đây cô từng xa lánh vì mặc cảm. Những giọt nước mắt, những lời hỏi thăm từ thầy cô và bạn bè là khoảnh khắc ý nghĩa Hồng không thể quên trong cuộc đời của mình.

Sau 7 năm sống trong cùng cực, nữ VĐV karate Ngô Thị Hồng cũng lấy lại được cân bằng và mở lòng hơn với những người xung quanh.

Câu chuyện về cô giáo Đinh Thị Kim Phấn và lớp học đặc biệt dành cho các trẻ em bị ung thư đã khiến khán giả vô cùng xúc động.

Hơn 33 năm làm giáo viên, cô Đinh Thị Kim Phấn chưa bao giờ hết nhiệt huyết với nghề. Khi mới ra trường, cô Phấn mong muốn được dạy tiếng Việt cho người dân tộc Ê-đê nên đã tình nguyện lên vùng Tây Nguyên nghèo khó làm việc. Cuộc sống tuy vất vả nhưng 12 năm làm việc tại Tây Nguyên đã cho cô những kỷ niệm không bao giờ quên.

Rồi một ngày, biến cố xảy đến với gia đình cô Phấn khi con trai đầu của cô qua đời trong một trận sốt cao vì không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Điều này khiến cô Phấn bị sốc nặng một thời gian dài. Cô từng xin nghỉ dạy 1 năm để lấy lại tinh thần và dành nhiều thời gian bù đắp cũng như chăm sóc cho cậu con trai thứ hai.

Cô Phấn dạy các bệnh nhi mọi thứ và thường chụp ảnh các em vui tươi cười đùa rồi lưu giữ làm kỷ niệm. Với cô Phấn, việc truyền nghị lực sống, niềm vui để các em vượt qua nỗi đau bệnh tật là trên hết. Bằng tấm lòng nhân hậu, cô Phấn đã gắn bó với lớp học đặc biệt của các bệnh nhi ung thư trong Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được gần 10 năm. Trong quãng thời gian ấy, cô Phấn cũng nhiều lần rơi nước mắt tiễn biệt học sinh.

Sau mỗi lần chia tay một em học sinh, cô Phấn lặng lẽ lưu giữ kỷ vật của các em như một cách để ghi nhận sự tồn tại của những thiên thần bé nhỏ trên đời. Những kỷ vật ấy đơn giản chỉ là cuốn vở, cây viết các em đã từng sử dụng, được cô xếp ngay ngắn trên kệ sách đặt tại phòng học.

Bất ngờ trước tấm lòng của người giáo viên già, chương trình Điều ước thứ 7 đã mang đến cho cô Phấn một buổi chiếu phim đặc biệt. Ở đó, cô Phấn không chỉ được gặp lại những học sinh cũ, phụ huynh học sinh mà còn nhận được một món quà rất đặc biệt - cuốn album hồi ký gồm những bức ảnh, bài thơ về cậu con trai đã mất của mình.

Nhận món quà, cô Phấn không kìm được xúc động bởi cô đã mong ước làm điều này từ lâu những chưa thể thực hiện được.

“Đây là niềm ao ước từ rất lâu của tôi bởi trước đây tôi từng giữ mấy trăm cuốn vở của các em học sinh đã mất, sau đó tôi nhờ các bạn tình nguyện viên thiết kế lại những bài viết, hình ảnh thành một cuốn album kỷ niệm và gửi lại cho phụ huynh. Nhiều lúc tôi cũng thấy chạnh lòng bởi tôi cũng có một đứa con trai đã mất nhưng tôi chưa làm cuốn album đó cho con trai mình. Thật sự, tôi rất xúc động khi nhận được món quà này” - cô Phấn chia sẻ.

Món quà ấy tuy đơn sơ nhưng lại có giá trị tinh thần vô cùng lớn lao với cô Kim Phấn. Bởi cuộc sống của cô, đi đến gần hết cuộc đời không có gì quan trọng bằng tình thương giữa con người với con người. Ngày nào cô còn sống là ngày đó cô còn muốn cống hiến, làm việc cho đời.