Vào tối 24/12, VTV Đặc biệt mang tên "Bẫy" đã được phát sóng, gây chấn động bởi nhiều hình ảnh của người lao động Việt Nam dính bẫy lừa đi làm việc ở nước ngoài. Theo dõi phim, khán giả được thấy trực diện về những cái bẫy "việc nhẹ lương cao" ở nước ngoài, được nghe lời kêu cứu của nạn nhân ngay trong chính "địa ngục" phía bên kia bên giới. Những nạn nhân tin vào lời hứa hẹn ngon ngọt để rồi họ phải đối diện phải thực tế phũ phàng, đau xót khi trở thành cỗ máy kiếm tiền, thành "món hàng" kiếm lời của nạn mua bán người...
Nắm bắt thông tin về thực trạng này từ đầu năm 2022, ê-kíp thực hiện bộ phim của Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital) đã bắt đầu điều tra tìm hiểu, trải qua cả một quá trình tác nghiệp kéo nhiều tháng, đánh đổi nhiều thứ để có thể ghi lại được những hình ảnh đau xót nhất, chân thực nhất và cũng chấn động nhất về những gì mà các nạn nhân phải chịu đựng khi mắc cái bẫy sang nước nước ngoài làm việc.
Khi phim phát sóng, bản thân những người thực hiện đều chung một mong muốn duy nhất và cao nhất là làm sao đưa được những hình ảnh đó lên sóng để cảnh báo với tất cả mọi người, với những ai cũng đang có ý định đổi đời dễ dàng ở nơi xa xứ. Những thông tin đơn thuần được chia sẻ trên các mặt báo khó có thể có tác động trực tiếp, khó có thể khiến mọi người hình dung ra rõ ràng nhất những gì đã và đang xảy ra với con cái mình, với người thân và đồng bào mình. Bộ phim phát sóng mang đến cho người xem loạt cảm xúc, ngỡ ngàng có, bất ngờ có, phẫn nộ có. Còn đối với ê-kíp thực hiện, họ đã trải qua tất cả những cảm xúc đó từ trước đấy.
Sau khi bộ phim phát sóng, rất nhiều khán giả và các đồng nghiệp đã bày tỏ sự thán phục với ê-kíp thực hiện phim khi ghi lại được những hình ảnh bên trong hang ổ của các tổ chức tội phạm. Mọi người cũng đặt câu hỏi là làm như thế nào mà ê-kíp có thể ghi lại được những hình ảnh chấn động đó.
Nhắc đến câu chuyện tác nghiệp, phóng viên Hồng Anh chia sẻ: "Để ghi lại những hình đó, tôi biết đồng nghiệp mình đã phải đối mặt với những rủi ro lớn nhất – đó là cái chết. Chính tôi cũng đã không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra cho đến khi tất cả đều bình an trở về.
Rất nhiều khán giả tò mò tại sao chúng tôi có thể ghi lại được những hình ảnh trong phim, nhưng chúng tôi xin phép không chia sẻ chi tiết về quá trình đó. Việc công bố những thông tin riêng tư kiểu này vô tình sẽ làm khó những đồng nghiệp khác khi cách tác nghiệp của phóng viên điều tra lại được quá nhiều người biết đến. Nhưng nguyên tắc chung đều phải tuân thủ là không vi phạm pháp luật và không vi phạm đạo đức nghề nghiệp".
"Người làm phim ắt sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm này không gom hết về cho phóng viên, mà nó còn đặt lên vai của nhân vật và những người luôn đồng hành cùng ê-kíp làm phim. Tất cả chúng tôi đã cùng động viên, nỗ lực để câu chuyện được nói lên một cách chân thực và lay động nhất. Nếu bạn làm điều gì vì sự thật, vì nó nên làm và phải làm thì lúc đó bạn sẽ tự sản sinh ra vaccine để bảo vệ mình" – phóng viên Hồ Trí cho biết.
"Bẫy" đã cô đọng tất cả những gì mà hai phóng viên cùng các đồng nghiệp, thậm chí là các nạn nhân, đã ghi lại được trong cả một khoảng thời gian dài tác nghiệp. Có những lúc họ đã nghĩ đến việc từ bỏ, đến việc dừng lại. Nhưng với những gì đã chứng kiến tận mắt, lương tâm không cho phép họ giữ sự thật đó trong "bóng tối".
"Chúng tôi chọn cách không tiết lộ cách tác nghiệp ngay cả với người thân và đồng nghiệp, bởi chúng tôi còn muốn làm nhiều điều có ích khác nữa. Nhưng câu hỏi mà chúng tôi thực sự muốn được trả lời là: Động lực nào để có thể hoàn thành bộ phim này?
Một phóng viên vốn dĩ hơn người khác ở việc họ biết được sự thật và thậm chí còn là những người đầu tiên được chứng kiến sự thật. Và khi biết được một sự thật tàn khốc như thế mà không lên tiếng cũng là tội ác" – phóng viên Hồng Anh chia sẻ.
Phóng viên Hồng Anh chia sẻ 8 tháng là khoảng thời gian để các phóng viên hoàn thành bộ phim này. Trong đó, 2 tháng là làm hậu kỳ. Ban đầu các phóng viên chỉ dự định làm một vệt phóng sự ngắn để cảnh báo về nạn lừa đảo việc làm và buôn bán người bên kia biên giới. Nhưng chuyện gì đến cũng đã đến…
"Khi phim đóng máy, những tư liệu quay được đã thực sự trở nên đặc biệt bởi tính cảnh báo cao độ của nó, và thế là nó đã vô tình trở thành VTV Đặc biệt. Nói ra điều này để khán giả biết rằng chúng tôi không cố biến điều gì thành đặc biệt và không xuất phát điểm với mục tiêu đặc biệt, mà nó chỉ đơn thuần xảy đến như vậy mà thôi.
Việc tìm kiếm và tiếp cận được các nhân vật thậm chí còn khó hơn cả việc làm thế nào để quay được những hình ảnh trong phim. Bởi vậy công sức làm nên bộ phim không thể tính bằng số người, số ngày, mà bằng số phận con người!" – phóng viên Hồng Anh cho biết.
"Đây là những thước phim về sự thật. Nó không có kịch bản để gò ép nhân vật và câu chuyện theo ý muốn của ê-kíp. Phim cũng không có đạo diễn, bởi nhân vật không diễn theo sự chỉ đạo của ai. Tất cả lựa chọn đều là của họ và nhiệm vụ của phóng viên chỉ là ghi lại sự thật đó mà thôi" – PV Hồ Trí tiết lộ.
Mỗi sản phẩm báo chí đều là đứa con tinh thần của phóng viên, nhưng bộ phim này làm ra vì khán giả. Đây thực sự là một bộ phim cần phải được lan tỏa thật nhiều vì tính chất cảnh báo của nó. Ê-kíp thực hiện mong muốn bộ phim có thể đến với đông đảo khán giả, không phải để khoe phóng viên đã làm được gì mà vì nội dung và thông điệp của bộ phim rất cần được lan tỏa.
"Mọi người nói đây có lẽ là bộ phim để đời và rồi chúng tôi có thể nổi tiếng từ đây. Tôi không biết ai có thể đánh đổi mạng sống lấy danh vọng không. Nhưng chúng tôi không như vậy và chắc chắn chưa bao giờ như thế. Việc cố gắng và chấp nhận hy sinh nhiều thứ để làm nên bộ phim này xuất phát từ việc chúng tôi muốn mang sự thật đến khán giả.
Có lẽ đây là bộ phim rất đặc biệt, bởi chúng tôi không cần nói thẳng thông điệp của mình, mà khán giả tự cảm nhận và thấu hiểu được nó. Ở vai trò của một người mẹ, một người con, một nạn nhân, một mắt xích trong đường dây lừa đảo…, ai cũng có thể thấy hình ảnh mình trong đó. Mỗi khán giả đều có cảm nhận và đều rút ra được thông điệp cho mình nên chúng tôi không cần giáo điều để cần phải nói thông điệp của bộ phim là gì" – phóng viên Hồng Anh chia sẻ thêm.
Bộ phim nào cũng cần có nhân vật. Nhưng điều đặc biệt của bộ phim này là phóng viên cũng thành nhân vật và nhân vật cũng đã phải trở thành phóng viên.
"Chúng tôi không cố gắng chia vai của mọi người bởi để bộ phim hoàn thành là sự giúp sức của rất, rất nhiều người. Có những người đóng vai trò rất lớn trong phim nhưng họ còn từ chối nhận được lời cảm ơn vào cuối phim. Chúng tôi rất trân trọng điều đó và biết ơn họ!" – phóng viên Hồ Trí nói về việc được nhận rất nhiều sự hỗ trợ khi thực hiện phim.
"Trong truyền hình, đặc biệt là thể loại phim lài liệu, những người làm phim có thể sử dụng các hình ảnh để minh họa hay tái hiện câu chuyện đã xảy ra vì phóng viên không thể kịp thời ghi lại sự thật ngay lúc đó. Nhưng đấy không phải là cách để ê-kíp làm nên bộ phim này. Tất nhiên, có một số nhân vật sẽ được phỏng vấn để kể lại câu chuyện sau khi họ thoát ra khỏi nơi bị giam giữ… Nhưng các trường đoạn được kể trong phim không phải là hình ảnh được tái hiện" – phóng viên Hồng Anh nói về tính chân thực trong các cảnh quay.
Có một vài phân đoạn khán giả sẽ rất thắc mắc. Vì nó phi logic. Nhất là phân đoạn "thoát bẫy" trong phim, khi các nạn nhân thực hiện cuộc bỏ trốn. Và cảnh đó khiến họ hoài nghi về tính chân thực của bộ phim này.
Một trong số những hình ảnh được khán giả ấn tượng nhất là hình ảnh cậu thanh niên đang bện dây thừng trong quá trình tẩu thoát được lên kịch bản trong 28 ngày. Hình ảnh được phát sóng chính là hình ảnh thực tế ngay trước khi nhân vật quyết định thực hiện cuộc bỏ trốn.
Phân đoạn thứ 2, rất gây tranh cãi, đó là việc hàng loạt nạn nhân bỏ trốn bằng cách trèo mái nhà và vượt chốt bảo vệ trong khu casino. Có khán giả thắc mắc: "Đã chạy trốn sợ bị bắt, sợ nguy hiểm thế mà sao vẫn có thể quay được hình? Đó là bởi vì chính phóng viên cũng đang có mặt và đang tham gia vào quá trình chạy trốn đó. Phóng viên là người ghi lại toàn bộ hình ảnh này. Đó là lý do trên phim có ghi chú thích: "Ngay tại thời điểm diễn ra cuộc bỏ trốn".
"Phân đoạn thứ 3 khi nhân vật Thiết trở về đoàn tụ gia đình. Có khán giả thắc mắc, chắc khi phóng viên đến đưa điện thoại cho gia đình em Thiết là Thiết đang đứng ngoài cửa chờ sẵn, vì mô-típ làm phim vốn như vậy. Nhưng không! Chúng tôi đã chú thích rất rõ ràng, rằng 2 tháng sau em Thiết mới được trở về. Còn nguyên nhân em được về chúng tôi đã giải thích kỹ trong bộ phim.
Thiết là một nhân vật đặc biệt được chúng tôi lựa chọn ngay từ đầu. Không phải vì gia cảnh của Thiết khó khăn nhất mà vì em đã phải trải qua cú sốc tâm lý rất lớn khi bị hành hạ và giam giữ. Cậu thanh niên 17 tuổi ấy đã nói với chúng tôi rằng: "Khi bị đòi tiền chuộc 1,5 tỷ và bị chúng hành hạ, em định lấy đũa chọc vào tai để chết đi cho xong".
Câu nói thực sự khiến chúng tôi ám ảnh và quyết định chọn em là nhân vật duy nhất trong phim lộ diện. Thiết và gia đình cũng đã đồng ý phối hợp để phóng viên tác nghiệp. Và rất nhiều nhân vật xuất hiện trong bộ phim, họ cũng đã chấp nhận bỏ qua định kiến sẽ bị xì xào vì con em mình bị lừa và từng là "kẻ lừa đảo" để kể cho chúng tôi sự thật. Họ nói rằng họ lên tiếng để nhiều người đừng bị lừa, đừng bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như con em họ. Thật đáng để trân trọng!" - phóng viên Hồng Anh chia sẻ thêm.
"Việc theo đuổi diễn tiến của câu chuyện là có thật. Đó cũng là lý do tại sao bộ phim được thực hiện trong thời gian dài như thế. Và vì nó thật quá nó lại giống như không thật. Tâm lý đó dễ hiểu thôi. Ví dụ khi thấy một bông hoa đẹp mình lại nghĩ đó là hoa giả. Nhưng khi nhìn thấy một bông hoa giả đẹp, mình lại bảo trông nó như thật. Tất nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của một số ít người. Nhưng cũng là thứ khiến khán giả băn khoăn nên chúng tôi muốn trả lời rõ" – phóng viên Hồ Trí giải thích rõ hơn.
Làm thể loại báo chí điều tra ở trong nước vốn đã khó, nhưng khi tác nghiệp ở nước ngoài thì điều đó càng khó hơn. Phóng viên bắt đầu tiếp cận sự việc chỉ với một thông tin rất manh mún. Để phát triển thông tin, tiếp cận được nhân vật, rồi thâm nhập vào đường dây là cả một quá trình rất dài. Bỏ cuộc là điều mà ê-kíp đã không dưới một lần nghĩ đến.
"Giờ, sau khi phim lên sóng thì có thể nói ra mọi thứ hay ho và trơn tru vậy, nhưng chính tôi cũng đã khuyên đồng nghiệp bỏ cuộc. Vì khó, vì khổ và vì mọi chuyện khủng khiếp quá. Nhưng họ vẫn quyết làm. Tôi rất phục!" – phóng viên Hồng Anh tiết lộ.
Áp lực lớn nhất là tiến độ, thời gian càng kéo dài thì nhiều nạn nhân càng lún sâu vào bẫy. Có lúc ê-kíp đã phải tranh cãi nhau dữ dội vì sự phối hợp chưa thực sự ăn ý. Vì quá nhiều áp lực khiến mọi người khó giữ cái đầu lạnh để tỉnh táo. Để rồi ai cũng nóng lên và rơi vào bế tắc.
"Chúng tôi thấy xấu hổ và hối hận khi mình đã từng có suy nghĩ bỏ cuộc nửa chừng. Và đấy là câu chuyện hậu trường mà chúng tôi không muốn nhớ đến, bởi nó khiến mình thấy mình không xứng đáng với sự gửi gắm của nhân vật và những người hỗ trợ mình thực hiện phim.
Thực tế chúng tôi đã muốn bỏ cuộc không dưới một lần. Nhưng rồi tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta không tiếp tục, thì ai nói ra sự thật này. Chúng ta quá có lỗi với nạn nhân và những người đang giúp sức cho mình. Vì vậy, nghỉ một lúc rồi cùng bước tiếp. Và chúng tôi đã cùng đi cho đến khi phim lên sóng" – PV Hồ Trí cho biết.
Trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên của Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ. Nếu không có những sự hỗ trợ kịp thời, họ khó có thể hoàn thành bộ phim. Cả hai đều cho rằng, sản phẩm này chính là của một tập thể đã cùng nhau hỗ trợ, cùng nhau giúp đỡ và vượt qua rất nhiều trở ngại để có được một tác phẩm đến cuối cùng.
Theo phóng viên Hồng Anh và Hồ Trí chia sẻ, ê-kíp cũng đã bị cản trở tác nghiệp nhiều lần bởi đường dây tội phạm này rất lớn. Và đường dây tội ác này được tạo nên không chỉ bởi những tên tội phạm người nước ngoài, mà còn chính bởi người Việt Nam. Rất nhiều người họ biết phía bên kia biên giới là một cái bẫy kinh khủng, nhưng vì đồng tiền, họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm để lừa chính đồng bào mình.
Người Việt lừa người Việt. Đúng là như thế. Mọi vấn đề đều có hai mặt. Nhưng đa số những người bị lừa sang biên giới đều biết việc mình làm trái với đạo đức và lương tâm nên họ không muốn tiếp tục, muốn được trở về nhưng không thể.
Nói vậy để thấy rằng không phải ai cũng tốt. Có những người sẵn sàng làm tay sai cho những tên tội phạm. Họ vẫn kiếm được tiền và vui vẻ với điều đó cho dù đang làm những việc có lỗi với đồng bào mình.
"Nhưng chúng tôi lựa chọn điều gì để nói trong bộ phim này. Đó là cái Thiện và đó là Đa số" - PV Hồng Anh chia sẻ.
Ở bên kia biên giới, con người không chỉ trở thành một món hàng khi còn sống mà khi chết đi, họ cũng trở thành một món hàng. Trong vai một người đi tìm thi thể của người thân, phóng viên đã được yêu cầu phải trả 100 USD cho một lần nhìn xác chết. Và nếu đó không phải là người thân của mình, thì họ sẽ phải mất số tiền tương tự thì mới có thể nhìn những thi thể tiếp theo. Các nạn nhân đa số không có giấy tờ tùy thân nên có những thi thể phải lưu lại bên đất khách hàng tháng trời. Dịch vụ ướp xác được ra giá 50 USD/ngày.
Sau khi tính cả phí hỏa táng và nhiều khoản chi phí khác, có nhiều gia đình đã phải chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nhận xác người thân. Nếu không thể lo được số tiền lớn như vậy, họ sẽ lập bàn thờ cúng vọng và đành bỏ xác con em mình nơi đất khách.
Có nạn nhân sau khi có ý định chạy trốn đã bị những tên chủ bắt quả tang chỉ vì những tin nhắn trên điện thoại. Họ đã bị áp tải vào rừng sát biên giới Campuchia – Thái Lan để xử bắn. Nhưng họ đã may mắn chạy thoát khỏi nhóm bảo vệ ngay khi cửa xe được mở ngoài bìa rừng. Họ đã phải chạy trốn xuyên đêm trong rừng để thoát thân và cứ thế chạy thục mạng đến khi nghe được tiếng máy cày của người dân vào sáng sớm hôm sau. Các nạn nhân đã ra tín hiệu cầu cứu chỉ bằng 2 tiếng "Việt Nam" và được người nông dân Campuchia tốt bụng cho ăn và sử dụng điện thoại. Và may mắn, họ đã được trở về Việt Nam an toàn.
Về tên bộ phim, ê-kíp thực hiện muốn nó đặc biệt, nó không phải là một cái tên đã xuất hiện đâu đó nhưng nó phải đúng với những gì diễn ra trong phim và với thông điệp của bộ phim. Các nhân vật đã rơi vào chính những cái bẫy do họ tạo ra và cả những cái bẫy do những tên tội phạm tạo ra. Không chỉ một bẫy, mà còn rất nhiều bẫy. Bẫy việc làm, bẫy thu nhập, bẫy tâm lý… Nói chung là bẫy chồng bẫy.
Có một số khán giả cho rằng, bộ phim có kết cấu chưa tốt, đặc biệt chưa đưa được tội phạm ra ánh sáng.
"Điều chúng tôi hướng đến là sự hoàn hảo, nhưng đấy là mong muốn. Chắc chắn bộ phim này cũng chưa thể hoàn hảo nhưng chúng tôi đã làm hết sức để nó có thể đến với công chúng. Việc đưa tội phạm ra ánh sáng không phải là nhiệm vụ của nhà báo.
Chức năng và nhiệm vụ của phóng viên là tuyên truyền, cảnh báo và chúng tôi nghĩ mình đã làm tốt nhiệm vụ đó ở bộ phim này. Những thứ còn lại thuộc về trách nhiệm và chức năng của những người có liên quan.
Trước khi "Bẫy" ra đời, "Rừng kêu cứu" là một bộ phim tài liệu điều tra mà chúng tôi rất trân trọng và tự hào, đến giờ cũng vậy. Đã 6 năm kể từ khi "Rừng kêu cứu" đến với khán giả. Vượt qua cú sốc khi bị vu oan là dàn dựng để quay cảnh phá rừng và cho tiền nhân vật để "sai khiến" họ phá rừng khi ấy đã khiến chúng tôi can trường hơn bất kì lúc nào.
Trong sự việc đó, may mắn ê-kíp đã công bố những hình ảnh vô tình quay được về việc cho tiền nhân vật là để họ mua sách vở cho con cái mình. Chúng tôi đã có thể "minh oan" cho mình, nhưng đó cũng là những vết thương lòng rất lớn đối với phóng viên.
Và giờ nhìn lại, mọi trải nghiệm và mọi sóng gió cho chúng tôi sự trưởng thành và sự dũng cảm để đối mặt với nhiều thử thách khác nhau. Miễn sao chúng tôi biết những điều mình làm là đúng đắn và nó có ích cho xã hội thì chúng tôi sẽ đi đến cùng của sự thật" – phóng viên Hồng Anh tâm sự.
"Mỗi sản phẩm khi lên sóng đều có trải nghiệm hay nói cách khác nó có đời sống riêng. Và trải nghiệm nào cũng quý cả. Nhưng với tôi, trải nghiệm lần này tôi không muốn lặp lại. Bởi tôi không muốn sự việc đã phản ánh vẫn còn tiếp diễn để mình lại có thêm những điều gọi là trải nghiệm tương tự như thế" – phóng viên Hồ Trí chia sẻ.
Sau cùng, ê-kíp thực hiện xin được nhắc lại một lời cảm ơn đã xuất hiện cuối phim. Đó là:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!