VTV.vn - Không mang tính giải trí nhưng những chương trình dưới đây lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng và được hàng triệu khán giả truyền hình theo dõi.

Trong năm qua, chương trình truyền hình nào ấn tượng nhất với bạn? Trước thềm xuân năm mới Mậu Tuất, VTV News cùng độc giả đi tìm lý do tại sao 3 chương trình truyền hình dưới đây - không phải chương trình giải trí cũng không hề có scandal - nhưng lại thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, lan tỏa cảm hứng đến toàn xã hội. Đó là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, là chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt kéo dài tới gần 7 tiếng đồng hồ - lễ đón các cầu thủ U23 Việt Nam và là chương trình Điều ước thứ 7 "Bản hoà tấu cha và con" lay động hàng triệu trái tim người xem truyền hình.

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 1.

Giữa không ít chương trình về khởi nghiệp được xem là còn có phần khô cứng, Shark Tank Việt Nam bất ngờ nổi lên như một hiện tượng lạ. Thậm chí, chương trình truyền hình thực tế này còn hot hơn cả nhiều chương trình giải trí khác.

Không chỉ hấp dẫn, Shark Tank Việt Nam còn mang lại những bài học bổ ích trong kinh doanh, tạo cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung. Điều gì khiến Shark Tank Việt Nam có sức hút đặc biệt đến vậy?

Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp, nhằm kết nối các start-up (doanh nghiệp) sáng tạo và đầy tham vọng với các nhà đầu tư mạo hiểm (shark).

Đến với Shark Tank, các start-up phải thực hiện các bài thuyết trình trước Hội đồng các nhà đầu tư và cố gắng thuyết phục họ rót vốn cho dự án kinh doanh của mình, còn các nhà đầu tư sẽ quyết định đầu tư hoặc không.

Trước khi có mặt tại Việt Nam, Shark Tank rất thành công tại nhiều nước trên thế giới và hiện đã phát sóng mùa thứ 13 tại Anh, mùa thứ 11 tại Canada và thứ 7 tại Mỹ. Chương trình này cũng 2 lần giành giải thưởng Primetime Emmy Award cho hạng mục Cấu trúc chương trình truyền hình thực tế xuất sắc nhất.

Tại Việt Nam, Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ gồm 16 tập, lên sóng vào 11h00 thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ ngày 11/11/2017 đến 24/2/2018.

Sức hút từ dàn cá mập "khủng"

Ngay từ khi lên sóng, Shark Tank Việt Nam đã gây chú ý bởi dàn "cá mập" (những nhà đầu tư) là những doanh nhân thành đạt, đứng đầu những doanh nghiệp lớn, nhiều kinh nghiệm thành công trên thương trường.

4 nhà đầu tư chính xuất hiện xuyên suốt cả chương trình gồm: ông Nguyễn Xuân Phú, ông Trần Anh Vương, bà Thái Vân Linh và ông Phạm Thanh Hưng.

Qua cách săn mồi, các shark đã cho thấy một phần tính cách, sở thích cũng như kinh nghiệm kinh doanh của mình. Từ những người nổi tiếng trong giới kinh doanh, họ đã trở thành thần tượng của không ít khán giả truyền hình, nhất là các khán giả trẻ.

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 3.

Dàn cá mập "khủng" của Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên.

Shark Vương không chỉ được khán giả gọi là "thánh tính nhẩm" mà còn là "cây hài" của chương trình. Trong khi đó, Shark Phú có lượng fan khá đông đảo bởi số thương vụ đầu tư khá nhiều, bởi phong cách, sự tinh anh và điềm đạm trong thương thuyết.

Shark Linh nổi tiếng với câu nói "Chị quyết định không đầu tư" nhưng thực tế, vị cá mập nữ này lại là nhà đầu tư đứng vị trí số 1 về số vốn rót cho một thương vụ (23 tỷ đồng). Còn Shark Hưng từng khiến khán giả sốt ruột vì sau 10 tập mới chịu xuống tiền nhưng đã xuống tiền là xuống "lia lịa" và thích "chơi lớn".

Không chỉ 4 nhà đầu tư chính mà 3 nhà đầu tư khách mời (Lê Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Thủy và Trương Lý Hoàng Phi) cũng khiến nhiều khán giả "đứng ngồi không yên". Dù chỉ tham gia một số tập nhưng họ cũng "ẵm" trong tay những thương vụ thành công và để lại dấu ấn riêng trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên.

Dù được gọi là "cá mập" nhưng các nhà đầu tư không hề "đáng sợ" mà rất vui vẻ trước các start-up.

Ngoài những màn thương thuyết căng thẳng, các shark cũng vô cùng lãng mạn khi cùng đàn hát trong phút giải lao hay có thể chọc cười nhau bất cứ lúc nào.

Những màn "săn mồi" nghẹt thở của các "cá mập"

Sức hút mạnh mẽ nhất của Shark Tank Việt Nam có lẽ chính là những màn "săn mồi" nghẹt thở của các vị cá mập.

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 5.

Trong mùa đầu tiên tại Việt Nam đã có 500 start-up nộp đơn đăng ký tham gia Shark Tank nhưng chỉ có 48 start-up lọt vào vòng thương thuyết với các shark (mỗi tập phát sóng có 3 start-up).

Sau 13 tập, Shark Tank Việt Nam đã mang đến cho khán giả truyền hình 39 màn thương thuyết với màu sắc khác nhau, cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng sự căng thẳng và kịch tính thì luôn ở đỉnh điểm. Trong đó đã có 19 thương vụ thành công.

Theo luật chơi, các shark không được đề nghị số tiền đầu tư thấp hơn mức gọi vốn mà các start-up đưa ra. Vì thế, mỗi phần thương thuyết lại càng cần sự "cân não" hơn bao giờ hết. Đặc biệt, dù mức vốn đầu tư vài tỷ hay vài chục tỷ đồng thì các shark cũng phải đưa ra đề nghị trong vòng… 1 tiếng đồng hồ. Điều đó cho thấy các shark khá áp lực khi quyết định "đớp mồi" hay không. Nếu chậm một bước thì có thể mất cơ hội đầu tư béo bở, nhưng vội vã đưa ra quyết định thì sẽ khiến shark bị hớ, bị mất tiền.

Về phía các start-up, vốn là những người nhiều ý tưởng sáng tạo, tự tin và bản lĩnh nhưng trước những màn thương thuyết quan trọng, đôi khi họ vẫn không thể quyết đoán. Còn nhớ trong tập 4, start-up Lưu Hải Minh đã phải gọi điện cho vợ để quyết định thế chấp nhà trong điều kiện đầu tư 5 tỷ đồng từ Shark Phú.

Những màn "săn mồi" đầy căng thẳng, kịch tính luôn thu hút khán giả.

Cũng trong các màn thương thuyết, nhiều start-up đã bị các shark "quay" cho "tơi tả". Khi đó, những start-up nào cho thấy tiềm năng đầu tư, kiến thức tài chính về công ty của mình và quyết tâm khởi nghiệp sẽ dễ gọi vốn thành công.

Lan tỏa cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp

Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên thu hút sự tham gia của đông đảo start-up với mọi độ tuổi (start-up nhiều tuổi nhất sinh năm 1950), mọi ngành nghề, mọi vùng miền. Họ đến gọi vốn cho các dự án trong nhiều lĩnh vực: từ công nghệ cho đến thực phẩm, nông nghiệp, dịch vụ… trong đó, chiếm phần lớn là các start-up lĩnh vực công nghệ.

Tổng số tiền đầu tư cho các thương vụ thành công tính đến tập 13 là 108,693 tỷ đồng. Trong đó, thương vụ được đầu tư nhiều nhất là 23 tỷ đồng của Shark Thái Vân Linh cho start-up công nghệ G-Call. Đứng nhì là thương vụ đầu tư của Shark Nguyễn Ngọc Thủy cho start-up Soya Garden với 15 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là thương vụ đầu tư 11 tỷ đồng dành cho chuỗi rửa xe 5s của Shark Phú và 11 tỷ đồng cho start-up Power Ring từ Shark Trần Anh Vương.

Không chỉ các doanh nhân trẻ mà Shark Tank Việt Nam còn thu hút cả người cao tuổi, Việt kiều... đam mê khởi nghiệp đến gọi vốn.

Là chương trình truyền hình thực tế nhằm kết nối các start-up sáng tạo và đầy tham vọng với các nhà đầu tư mạo hiểm, Shark Tank Việt Nam đã trở thành chương trình truyền hình nhận được sự quan tâm nhiều nhất của cộng đồng khởi nghiệp trong năm qua và được chia sẻ đông đảo trên mạng xã hội bởi những khán giả trẻ. Shark Tank Việt Nam đã được bình chọn là chương trình khởi nghiệp ấn tượng nhất Việt Nam 2017.

Bên cạnh đó, chương trình cũng nhận được đông đảo sự quan tâm của truyền thông cũng như cộng đồng mạng với hàng trăm bài báo viết về Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ.

Theo số liệu thống kê từ Google, Shark Tank Việt Nam trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong top 5 Trending tại Việt Nam sau các tập phát sóng. Fanpage chính thức của Shark Tank Việt Nam hiện tại cũng nhanh chóng vượt ngưỡng hơn 150.00 lượt like và theo dõi mỗi ngày.

Bên cạnh đó, sau mỗi tập phát sóng, chương trình nhận được hơn 100.000 lượt bình luận, ý kiến của các khán giả và chuyên gia trên các diễn đàn, trang mạng xã hội.

Dù gọi vốn thành công hay không, các start-up tham dự chương trình cũng như các start-up theo dõi qua màn ảnh nhỏ cũng đều nhận được rất nhiều bài học bổ ích về kinh doanh. Đó là các bài học thực tế như vấn đề định giá, xung đột trong phân chia cổ phần, bài toán quản trị doanh nghiệp… được thể hiện qua sự tranh luận giữa nhà đầu tư và các start-up đến gọi vốn. Từ đó đã tạo ra niềm cảm hứng rất lớn cho cộng đồng khởi nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung.  


Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 8.
Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 9.

Sau khi lập nên kỳ tích tại vòng chung kết U23 châu Á tại Trung Quốc, đội tuyển U23 Việt Nam lên đường về nước vào ngày 28/1 trong sự chào đón nồng nhiệt của hàng triệu người hâm mộ. Một lễ diễu hành đón các cầu thủ U23 Việt Nam đã được tổ chức để chào đón những con người đã làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam. Đây là điều mà người hâm mộ rất mong muốn cũng như háo hức chờ đợi để có thể bày tỏ tình cảm của mình đến các cầu thủ.

Theo đó, Đài THVN đã thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6 để người hâm mộ trên cả nước đều có thể theo dõi từng khoảnh khắc của các cầu thủ khi trở về quê nhà. Không chỉ được chứng kiến hành trình trở về của ĐT U23 VIệt Nam qua chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng VTV, khán giả còn được theo dõi trực tiếp những hình ảnh trên Báo điện tử Đài THVN và chuyên trang Thể thao VTV. Chương trình đặc biệt này đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng triệu khán giả trên khắp cả nước, đồng thời trở thành một điểm nhấn trên truyền hình vào thời điểm ngay đầu năm 2018.

Có lẽ, chưa bao giờ truyền hình Việt Nam và đặc biệt là truyền hình thể thao VTV có thể thực hiện một cảnh đón các cầu thủ từ trên máy bay bước xuống nhưng lần này chúng tôi đã làm được. Đó là câu chuyện phối hợp giữa rất nhiều bộ phận từ sản xuất chương trình, kỹ thuật triển khai thiết bị, tới các đơn vị an ninh… - nhà báo Phan Ngọc Tiến, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Thể thao, Đài THVN cho biết.

Nếu với các cầu thủ U23, họ đã có một trận cầu đặc biệt cùng hàng triệu người hâm mộ thì với những người làm truyền hình, họ cũng có một ngày làm việc vô cùng khó quên khi thực hiện một chương trình đặc biệt, đó là chương trình truyền hình trực tiếp có thời lượng dài hiếm có, lên tới 7 tiếng đồng hồ. Có lẽ, trước khi chương trình diễn ra, cả HLV Park Hang Seo, các học trò lẫn tất cả những ai đón chờ đón đội tuyển U23 ngoài đường và ngồi ở nhà xem qua màn hình tivi cũng chẳng thể tưởng tượng nổi lễ diễu hành có thể kéo dài đến vậy.

Các phóng viên, quay phim của Ban Sản xuất các chương trình Thể thao VTV tác nghiệp tại Trung Quốc.

Theo dự kiến, lịch trình của tuyển U23 Việt Nam là từ sân bay về Quảng trường Ba Đình báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó giao lưu với người hâm mộ tại Sân vận động Mỹ Đình lúc 20h. Thế nhưng hạ cánh tại sân bay lúc 12h mà đến 7h tối, 2 chiếc xe buýt chở tuyển U23 mới về đến Lăng Hồ Chủ Tịch.

Chính vì lẽ đó, từ 2 giờ phát sóng dự kiến, chương trình truyền hình lễ diễu hành của đội tuyển U23 đã bị "đội sóng" với thời lượng lên tới gần 7 giờ. Tuy nhiên, những người sản xuất chương trình Thể thao VTV đã có một ngày làm việc không biết mệt mỏi, để gửi tới cho khán giả cả nước những hình ảnh đẹp nhất, chân thực nhất, theo sát từng bước chân trở về của các tuyển thủ U23 Việt Nam.

"Chúng tôi bắt đầu chạy chương trình từ 9h sáng và liên tục tới 19h tối với nhiều ê-kíp trực chiến để có thể liên tục gửi tới khán giả cả nước những thông tin xuyên suốt về U23 Việt Nam, rồi lại chỉ kịp ăn chiếc bánh mì rồi lại tiếp tục với Gala vinh danh U23 Việt Nam. Được sống trong bầu không khí những ngày này, được trực tiếp truyền tải tới khán giả cả nước những hình ảnh về các người hùng U23 Việt Nam, còn gì khác hơn ngoài niềm hạnh phúc của những người làm nghề tại Ban Sản xuất các chương trình Thể thao VTV?", nhà báo Phan Ngọc Tiến chia sẻ về chương trình đón U23 Việt Nam.

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 12.

"Dù đã hơn 5 giờ liên tục trong trường quay nhưng sự phấn khích làm tôi quên mệt mỏi" - Cựu danh thủ Như Thuần (trái), khách mời trong chương trình trực tiếp đón U23 chia sẻ.

Riêng với BTV Quốc Khánh – người đảm nhận vị trí MC, chắc hẳn anh cũng không thể quên được chương trình đặc biệt này. Theo anh chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh đảm nhận vai trò MC của một chương trình dài tới vậy. Tuy nhiên, nhìn cách mà BTV Quốc Khánh dẫn chương trình từ đầu tới cuối và trò chuyện liên tục với khách mời về đội bóng U23 Việt Nam, về cả giải đấu U23 Châu Á, kết nối với các điểm cầu truyền hình ở khắp nơi để cập nhật mọi diễn biến chào đón U23 Việt Nam trong suốt 7 tiếng, có lẽ không ai cảm thấy mệt mỏi dù theo dõi chương trình kéo dài từng đấy thời gian. 

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 13.

Nhìn lại sau khi chương trình kết thúc, nhà báo Phan Ngọc Tiến – Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Thể thao VTV - cho hay vượt trên sự mệt mỏi, ê-kíp sản xuất càng cảm thấy trong đó nhiều hơn là sự tự hào, niềm hạnh phúc khi đồng hành cùng các cầu thủ 23 Việt Nam.

"Đó là ngày làm việc hết sức đặc biệt đối với Ban Sản xuất các chương trình Thể thao nói riêng và VTV nói chung. Thành công của chương trình là sự tổng hoà của rất nhiều đơn vị phối hợp thực hiện mà trong đó, Ban Sản xuất các chương trình Thể thao VTV là đầu mối. Nếu nói là mệt không – chắc chẳng ai thấy mệt hết vì vui mừng, tự hào, là cảm xúc chiếm trọn con tim mỗi người dân Việt Nam và chúng tôi, những người thực hiện chương trình cũng không ngoại lệ" - nhà báo Phan Ngọc Tiến.

Những góc quay lễ đón U23 Việt Nam từ trên cao cực đẹp (Quay phim: Duy Thái)

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 16.

Lên sóng trong chương trình Điều ước thứ 7 vào ngày 23/9, Bản hoà tấu cha và con kể về hành trình 15 năm cùng con chiến đấu với bệnh tật của diễn viên Quốc Tuấn khiến nhiều người không cầm được nước mắt vì tình phụ tử thiêng liêng. Ở thời điểm hiện tại, chương trình đã nhận về gần 4 triệu lượt xem đồng thời cũng là tập có lượt xem cao nhất của Điều ước thứ 7.

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 17.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn

Lập gia đình khá muộn nên với nghệ sĩ Quốc Tuấn, sự xuất hiện của bé Bôm trong cuộc đời anh là niềm hạnh phúc vô cùng ngọt ngào. Tuy nhiên, sau giây phút hạnh phúc ngắn ngủi ấy, anh cũng bắt đầu những tháng ngày chạy đôn chạy đáo khắp nơi để chữa bệnh cho con.

Bé Bôm mắc căn bệnh APERT (bệnh xương cứng sớm cục bộ) - một căn bệnh hiếm khi tỷ lệ trên thế giới là 1/88.000 trẻ, khiến từ khi sinh ra trán của cậu bé bị gập lại, mặt hóp vào, tay chân dính, mắt lồi ra. Nhớ lại khoảnh khắc đầu tiên khi nhìn thấy con, diễn viên Quốc Tuấn đã dùng hai từ - "sụp đổ".

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 18.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn và bé Bôm

Bỏ qua cảm giác đau đớn lúc ấy, khoảnh khắc nắm đôi bàn tay nhỏ xinh của bé Bôm trong lồng kính đã khiến Quốc Tuấn có niềm tin mãnh liệt rằng mình có thể giúp con trai vượt qua số phận. Và cứ như vậy, bằng tình yêu con vô bờ bến của một người cha, anh đã bắt đầu hành trình chữa bệnh cùng con suốt 15 năm qua, với hơn 10 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ khác nhau ở cả trong và ngoài nước.

Cuối cùng với sự kiên trì, bệnh tình Bôm đã gần khỏi. Hiện cậu bé chỉ chờ thêm hai năm nữa để phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình. Còn với nghệ sĩ Quốc Tuấn, hành trình 15 năm miệt mài không ngừng nghỉ cùng con trai đã được đền đáp bằng trái ngọt đầu tiên, đó là khi Bôm trở thành một trong năm tân sinh viên xuất sắc nhất thi đỗ vào khoa Jazz, bộ môn piano của Học viện Âm nhạc Việt Nam.

Theo chia sẻ từ ê-kíp sản xuất, để thực hiện chương trình Điều ước thứ 7 – Bản hoà tấu cha và con, đạo diễn Diệp Chi cùng ê-kíp đã lên kế hoạch chuẩn bị trong gần 1 năm. Cả ê kíp rất nỗ lực dù có nhiều thời điểm, tiến trình chuẩn bị tưởng như đi vào ngõ cụt vì lúc ấy nghệ sĩ Quốc Tuấn khá thận trọng, nhưng tất cả đã động viên nhau bằng mọi cách thực hiện chương trình, bởi đây không đơn thuần là câu chuyện của một nghệ sĩ nổi tiếng mà hơn hết đó là câu chuyện về một người cha vĩ đại, để lan toả đi thông điệp ý nghĩa của chương trình về tình yêu thương. Những nỗ lực đó cũng đã được đền đáp bằng giải Vàng hạng mục Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm tại LHTPTQ lần thứ 37 dành cho chương trình Điều ước thứ 7 – Bản hoà tấu cha và con.

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 19.

BTV Diệp Chi - Đạo diễn chương trình Điều ước thứ 7

Chia sẻ khi nhận được giải thưởng này, đạo diễn Diệp Chi cho hay, sau khi chương trình kết thúc, chị đã nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ các khán giả là những bậc phụ huynh có hoàn cảnh tương tự nghệ sĩ Quốc Tuấn. Họ chia sẻ rằng sau khi xem xong chương trình họ như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, được khuyến khích, cổ vũ và cảm thấy bản thân không có lý do gì để bỏ cuộc trên hành trình cùng con đi đến một tương lai hạnh phúc. Đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn đối với những người thực hiện chương trình Điều ước thứ 7.

"Những tín hiệu vui từ chương trình Bản hoà tấu cha và con khiến chúng tôi tin rằng những gì đi từ trái tim sẽ dễ dàng chạm đến trái tim. Đây là động lực để tôi cùng các bạn đồng nghiệp cố gắng hơn trong việc tìm kiếm và thực hiện những chương trình có sức ảnh hưởng tương tự" – đạo diễn Diệp Chi chia sẻ.

Là một người cha, Quốc Tuấn cho rằng những điều mình làm đơn giản chỉ là câu chuyện của một người cha đi tìm hạnh phúc cho con. Chính anh cũng bối rối khi chứng kiến sự lan toả mạnh mẽ của câu chuyện về mình và bé Bôm.

"Thú thật, bản thân tôi cảm thấy cực kỳ bối rối. Tôi không lường được là mọi chuyện lại thành ra nghiêm trọng như thế này" – Quốc Tuấn nói với một gương mặt vẫn còn rất nhiều ngạc nhiên.

"Nếu nói về các bộ phim, các tác phẩm mình làm thì tôi rất thích và luôn luôn sẵn sàng nhưng khi kể chuyện của mình thì tôi thấy cứ… dơ dơ thế nào ấy" – diễn viên của phim Người thổi tù và hàng tổng nói tiếp – "Khi tôi mang câu chuyện của tôi và Bôm lên chương trình Điều ước thứ 7, tôi không thể nghĩ kết quả sau đó lại như thế này. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là bây giờ tôi đã chữa bệnh cho con xong rồi thì chia sẻ câu chuyện đó với mọi người, với khán giả mà thôi".

Khi chương trình truyền hình lan tỏa cảm hứng đến hàng triệu người - Ảnh 21.

"Nhưng những gì diễn ra sau đó, khi chương trình lên sóng, khiến tôi đi từ bối rối này đến bối rối khác. Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy bối rối và ngạc nhiên" – diễn viên Quốc Tuấn tâm sự.

Câu chuyện của hai cha con nghệ sĩ Quốc Tuấn đã cho chúng ta một bài học tròn đầy nhất về tình yêu thương. Sự yêu thương ấy đã giúp Quốc Tuấn băng qua chặng đường gian truân 15 năm để tìm lại cho con sự bình thường. Cho đến nay, câu chuyện về nghệ sĩ Quốc Tuấn và bé Bôm trong Điều ước thứ 7 vẫn là một trong những chương trình gây xúc động mạnh, truyền cảm hứng và thông điệp nhân văn đến khán giả.

Thực hiện 
Thanh Huyền, Đinh Hương
14/2/2018
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước